Ông Quang và bức ảnh bên di hài Bác Hồ
Những câu chuyện đời thường về Hồ Chủ tịch chúng ta ít nhiều cũng đã được nghe, biết qua các báo đài, sách vở.
Nhưng có những chi tiết rất nhỏ, vô cùng giản dị của cuộc đời Bác thì chắc hẳn còn ít người biết. Ở Yên Thế, Bắc Giang hiện có một người đã từng phục vụ suốt chín năm cuối đời bên Người còn lưu giữ những mẩu chuyện như thế.
Đó là ông Hoàng Tấn Quang (thôn Tân Hồng, thị trấn Nông Trường Yên Thế, huyện Yên Thế, Bắc Giang). Nhà của ông là một ngôi nhà ngói ba gian đơn sơ, giản dị ẩn sâu trong những vườn vải bạt ngàn. Đồ vật trong nhà cũng chẳng có gì đáng giá, ngoài những tấm Bằng khen, Huy chương, kỷ vật Bác tặng treo đầy trên tường, để trong tủ. Ở tuổi thất thập cổ lai hy nhưng ông Quang dáng vẻ còn khỏe lắm: Trán cao, đôi mắt sáng, giọng nói sang sảng, chân vẫn đi đôi dép cao su kiểu cổ điển.
Ông vui vẻ mở màn câu chuyện. Cuối năm 1960, ở cái tuổi xuân xanh ông nhận lệnh vào phục vụ trong Phủ Chủ tịch để chăm sóc vườn cây ở sau nhà sàn, nơi Bác ở. Ông Quang nhớ lại cây đa trong vườn được Bác đặt tên Kiên Trì, mà hiện nay ai vào thăm cũng thấy. Lúc cây còn bé, một bên thân và gốc cây đa như hình tam giác. Giò và cành lại buông ra phía khác, một số đồng chí định chặt đi nhưng Bác không cho chặt.
Bác bảo ông Quang lấy chiếc ống bơ sữa bò đục hai lỗ, lấy dây treo, rồi cho một chén nước để nhử giò cây xuống mặt đất. Ông đã công phu làm theo lời Bác, để hơi nước bốc lên, giò cây sẽ phát triển theo. Một thời gian sau, cái giò cây Đa ở trên cao (khoảng hơn đầu người) đã tiến xuống chạm mặt đất. Giờ đây sau hơn 40 năm, cây đa Kiên Trì này trông rất sum sê, cổ kính, tỏa bóng mát cả một vùng.
9 năm chăm sóc Người
Công việc vườn cây cũng không nhiều, ông được cấp trên điều vào làm nhiệm vụ chăm sóc chuyện ăn, ngủ, sinh hoạt hằng ngày cho Bác. Đó chính là những tháng năm ông Quang nhớ nhất, có nhiều kỷ niệm nhất. Ông kể: "Bác chăm tập thể dục lắm, sáng nào cũng dậy đi bách bộ quanh khu vườn. Có một lần tôi vẫn nhớ như in, Bác đi bộ cùng đồng chí Vũ Kỳ. Hai người đi song song với nhau. Rồi đột nhiên đồng chí Kỳ dừng lại nói với Bác: "Để chúng cháu thay đôi dép khác cho Bác". Vốn là đôi dép cao su Bác đi từ thời ở Chiến khu Việt Bắc, nay đã mòn gần hết cả đế. Khi nghe thấy thế, Bác quay lại nói: "Còn đi tốt chán chú ạ!". Nghe thấy thế nên cũng chẳng ai dám thay đôi dép khác cho Bác nữa".
Vào những năm 1965-1966, chiến trường miền Nam diễn ra căng thẳng, miền Bắc lại mất mùa. Trong tình thế đó, Bác đã đề ra lời kêu gọi, động viên đồng bào cả nước tiết kiệm lương thực. Ngay bản thân Bác cũng nghiêm chỉnh thực hiện. Ông Quang và các đồng chí khác thương Bác già yếu, có ăn được bao đâu nên đã có ý kiến với Bác. Bác nói: "Bác là người trực tiếp đề ra chuyện này nên phải chấp hành, các chú đi ra ngoài mua ngô về cho Bác ăn!". Rồi Bác đã ăn cháo ngô đúng một tuần lễ.
Khi Bác đã tuổi cao sức yếu, Đảng và Nhà nước đã làm cho Bác ngôi Nhà 67 để Bác ra ở. Khi nhà đã xong, Bác cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi bách bộ. Đến ngôi Nhà 67, Bác dừng lại gặng hỏi: Ai cho phép các chú làm nhà này cho Bác? Đồng chí Trường Chinh nhanh miệng đáp: Báo cáo Bác, tập thể làm cho Bác đấy ạ! Bác hỏi tiếp: Tập thể cũng có người làm chủ, vậy chủ công trình này là ai? Nghe thấy thế, không đồng chí nào còn dám trả lời nữa.
Càng say sưa trong những câu chuyện kể về Bác, ông Quang như càng muốn đưa tâm hồn mình về quá khứ. Ngôi nhà nhỏ xinh, giản dị lúc này dường như đã tràn ngập hình bóng, hoài niệm về Bác Hồ./.
Theo tuoitre.vn
Kim Yến (st)