Điều mong muốn lớn nhất của Người đối với Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trong 2 lần về thăm chính là: Toàn tỉnh đoàn kết, nhất trí, phát huy truyền thống cách mạng trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, trong những năm gian lao kháng chiến để đồng tâm, hiệp lực, đưa Nghệ An trở thành một tỉnh gương mẫu, “mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”.

Nghệ An - xứ Nghệ, quê hương của Xô - viết anh hùng tự hào đã sinh ra một người con ưu tú của dân tộc. Người đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những vĩ nhân của thế kỉ XX, Người đã dành trọn vẹn 79 mùa Xuân của cuộc đời mình cho dân, cho nước. Thời niên thiếu, Hồ Chí Minh được chăm sóc, nuôi dưỡng và lớn lên trong tình thương yêu của những người dân xứ Nghệ. Trong những năm Người xa quê, tấm lòng của quê hương, của xứ đất cằn, đầy nắng, tuy nghèo nhưng lại giàu tình cảm, giàu truyền thống yêu nước và ý chí vươn lên, đã là nguồn sức mạnh nội lực đi theo Người trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Sau này, khi đã trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, dù bộn bề công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An sự quan tâm đặc biệt và những chỉ dẫn kịp thời.

1. Sau nhiều năm xa cách, tháng 6-1957, Hồ Chí Minh về thăm quê hương khi miền Bắc đã được giải phóng, đang tích cực thực hiện kế hoạch của năm. Với tình cảm và trách nhiệm của một người con, trong lần về thăm “quê hương nghĩa nặng tình sâu”, Người đã căn dặn, trao đổi với cán bộ, đảng viên và bà con tỉnh nhà nhiều điều tâm huyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những ưu, khuyết điểm đang tồn tại của “cán bộ trong Đảng, cán bộ ngoài Đảng, cán bộ và chiến sĩ trong quân đội và cán bộ đoàn viên thanh niên lao động”(1) ở Nghệ An. Người nói: Khuyết điểm lớn nhất đang tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Nghệ An, chính là sự mất đoàn kết trong nội bộ Đảng. Theo sau đó là bệnh suy bì về đãi ngộ và địa vị, sự ngại làm việc khó, ngại học tập, nêu khẩu hiệu: “Cần, kiêm, liêm, chính” mà không thực hiện của những cán bộ, đảng viên có nhiều công lao trong thời kỳ kháng chiến. Người yêu cầu Đảng bộ phải kiên quyết khắc phục những tồn tại đó, đặc biệt là bệnh công thần, bệnh cậy thế của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Sửa chữa khuyết điểm, thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng, nghiêm túc tự phê bình và phê bình là những việc cần phải thực hiện và các cấp uỷ Đảng phải đoàn kết và “đoàn kết chặt chẽ thì khó khăn gì chúng ta cũng vượt qua được, việc gì to lớn chúng ta cũng làm xong”(2). Sau đó, Người còn nói: Nếu muốn tiến bộ, người cán bộ, đảng viên phải học và không phải học để có bằng cấp, thoát ly sản xuất mà phải học chính trị, học văn hoá, học kỹ thuật để nâng cao hiểu biết, để làm tốt các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Với mong muốn để “tỉnh Nghệ An có truyền thống cách mạng” trở thành “một tỉnh gương mẫu”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ trước mắt cần phải giải quyết, và hiện tại một trong những nhiệm vụ cần phải làm ngay ở Nghệ An, là đoàn kết, làm tốt công tác sửa sai sau cải cách ruộng đất. Toàn tỉnh phải tập trung, “làm cho tốt, cho gọn, cho nhanh; nếu làm gọn mà không tốt cũng không được, nếu làm tốt mà không gọn, không nhanh cũng không được”(3), vì nếu cứ kéo dài mãi công việc này, thì công tác sản xuất và các công tác khác bị ảnh hưởng rất nhiều.

Bàn về sản xuất và thực hành tiết kiệm trong toàn tỉnh, Người nói: “Hoà bình mới lập lại chưa được 3 năm, kinh tế ta lạc hậu mà không lo tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì không bao giờ tiến lên CNXH được”(4), cho nên phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất và tiết kiệm, phải thu thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp, củng cố các cấp chính quyền nhân dân, các tổ chức của nhân dân ở địa phương, và nhất định “phải có lòng tin tưởng và quyết tâm” thì Nghệ An sẽ giành thắng lợi.

Về thăm quê lần đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đến thăm các đơn vị bộ đội tại Quân khu bộ Quân khu 4. Trong huấn thị, Hồ Chí Minh mong muốn các đơn vị phải làm cho tốt việc học tập và chỉnh huấn chính trị, phải chống tham ô lãng phí, nâng cao ý thức tiết kiệm, kỷ luật lao động và đặc biệt là phải đoàn kết và “đoàn kết thật chặt chẽ”(5), góp phần vào nhiệm vụ củng cố miền Bắc, tranh thủ miền Nam, đấu tranh buộc bọn Mỹ - Diệm phải thực hiện thống nhất nước nhà, để xây dựng nước Việt Nam hoà bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê lần thứ hai vào tháng 12-1961, khi công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc đã bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ phấn đấu thực hiện vượt mức kế hoạch năm 1961 và kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ nhất. Sau 4 năm nỗ lực phấn đấu, thi đua thực hiện theo những chỉ dẫn của Người, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, văn hoá giáo dục và “các mặt khác như củng cố quốc phòng, trị an, thương nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, giao thông, bưu điện, vệ sinh phòng bệnh, thể dục thể thao...”(6) của Nghệ An đã đạt được những thành tích đáng kể. Tuy nhiên, để không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng thành công CNXH, để “xứng đáng là tỉnh gương mẫu”, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tỉnh Nghệ An cần phải có những thay đổi trong công tác lãnh đạo, phải “tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, trước hết là sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ”, động viên mọi lực lượng nhân dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế và thực hành tiết kiệm.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của các cấp, các ban ngành trong việc chỉ đạo,  tổ chức thực hiện và phát huy những thế mạnh của tỉnh Nghệ An đối với đời sống nhân dân toàn tỉnh, đối với kế hoạch công nghiệp hoá miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đoàn kết chặt chẽ, mở rộng tự phê bình và phê bình, chú trọng công tác tư tưởng, công tác xây dựng Đảng và củng cố chính quyền, gạt bỏ dần những căn bệnh làm suy yếu sức mạnh các tổ chức Đảng (bệnh công thần, suy bì, cánh hẩu, địa vị, kiêu ngạo...), và phải quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ cũ, đào tạo cán bộ mới, đặc biệt là giúp đỡ Đoàn thanh niên về mọi mặt, nhằm tạo lực lượng kế cận.

Nói về công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Đảng không chỉ cần cán bộ già mà còn rất cần nhiều cán bộ trẻ, bởi già có việc của già, trẻ có việc của trẻ, vì thế cán bộ già không nên nạnh kẹ cán bộ trẻ và cán bộ trẻ cũng phải luôn tôn trọng lớp cán bộ đã có nhiều đóng góp cho cách mạng. Thực tế, công việc ngày càng nhiều, càng mới, đòi hỏi Đảng phải ngày càng lớn mạnh và phát triển. Trong thực tế, việc Nghệ An làm tốt chính sách cán bộ của Đảng, chính là để tăng cường sức mạnh nội lực, củng cố khối đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, cán bộ già và cán bộ trẻ, cán bộ trong Đảng và cán bộ ngoài Đảng, góp phần đưa công cuộc xây dựng CNXH nói chung và nhiệm vụ xây dựng tỉnh Nghệ An thành một tỉnh gương mẫu nói riêng đến thành công.

Cũng nói về vấn đề xây dựng Đảng và vai trò của tổ chức cơ sở Đảng đối với sự phát triển mọi mặt của các hợp tác xã nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Phải củng cố chi bộ vì “chi bộ tốt thì hợp tác xã tốt, chi bộ kém thì hợp tác xã kém”(7). Nêu ra những yếu kém trong nông nghiệp, trong công tác thuỷ lợi, Người chỉ rõ, nguyên nhân là do hợp tác xã kém, do sự lãnh đạo sâu sát của chi bộ còn kém. Muốn biết những điểm tốt, điểm còn chưa tốt của các hợp tác xã trong tỉnh, Người cho rằng phải căn cứ vào đời sống của nông dân, thu nhập của xã viên để xem xét, đồng thời khẳng định: “Muốn biết Đảng địa phương của mình mạnh hay yếu, khá hay kém hãy nhìn vào sự lãnh đạo của cấp uỷ”(8). Cùng với việc yêu cầu các cấp uỷ Đảng tại quê nhà phải gương mẫu, phải nắm vững những nguyên tắc: Đoàn kết nội bộ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thực hiện dân chủ nội bộ, phê bình và tự phê bình trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện những nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội tại địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra biện pháp để giải quyết những tồn tại trong Đảng.

Là một tỉnh nghèo, lại thường gặp phải thiên tai, nên Nghệ An thường xuyên phải nhận viện trợ từ Trung ương. Để không phải tiếp tục nhận viện trợ từ Trung ương và có thể làm thêm được 6 ngàn tấn, 10 ngàn tấn lương thực, tự túc được lương thực của địa phương, Người yêu cầu cán bộ và nhân dân toàn tỉnh cố gắng khai thác hết tiềm năng của mình: “Người mình có, đất mình có, chỉ có cách nào mà dùng được đất ấy, dùng được người ấy, dùng được sức lao động ấy là được. Làm những cái ấy tốt tức là tự túc được lương thực”(9). Nói đến việc Nghệ An phải trồng cây gây rừng và ích lợi của việc trồng cây để xây dựng nhà ở cho nhân dân, xây dựng nông thôn mới, quang đãng sạch sẽ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Muốn có gỗ thì phải trồng cây. Đã trồng cây thì phải chăm bón” và phải “trồng tiếp tục năm này qua năm khác, chứ không phải làm ồ ạt một vài năm rồi thôi”(10).

Cũng trong lần về quê này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian đến thăm và nói chuyện với các cháu thiếu niên, nhi đồng thị xã Vinh, với đồng bào và cán bộ xã Nam Liên, hợp tác xã Vĩnh Thành, với những cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm của tỉnh, và thăm Nhà máy Cơ khí Vinh, Trường Sư phạm miền núi của tỉnh. Vẫn không ngoài một mong ước, tỉnh Nghệ An ngày càng phát triển về mọi mặt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Nghệ An ngày càng được cải thiện, tại các cuộc gặp gỡ, Người đều quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, công tác triển khai thực hiện phát triển sản xuất. Người đề nghị tỉnh phải có phương hướng sản xuất đúng cho từng vùng, có biện pháp cụ thể cho từng ngành và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tăng cường chỉ đạo quản lý và kỹ thuật, để bồi dưỡng và phát huy tác dụng của điển hình, rút kinh nghiệm của điển hình mà chỉ đạo phong trào chung, làm cho mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của tỉnh đều tiến bộ.

3. Hơn 50 năm, sau lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương lần thứ nhất (1957) và hơn 40 năm, sau ngày Người về thăm quê lần thứ 2 (1961), dù nhiệm vụ cách mạng của đất nước nói chung và Nghệ An nói riêng, đã có những đổi thay, song tinh thần và những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào, cán bộ, đảng viên Nghệ An thì vẫn còn nguyên giá trị, vẫn tiếp tục soi đường cho sự nghiệp cách mạng mà Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đang tiến hành. Điều mong muốn lớn nhất của Người đối với Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trong 2 lần về thăm, với 9 bài nói chuyện (Lần thứ nhất năm 1957: 1 bài ngày 14-6; Lần thứ 2 năm 1961: 8 bài, 1 bài ngày 8-12, 5 bài ngày 9-12, 2 bài ngày 10-12) chính là: Toàn tỉnh đoàn kết, nhất trí, phát huy truyền thống cách mạng trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, trong những năm gian lao kháng chiến để đồng tâm, hiệp lực, đưa Nghệ An trở thành một tỉnh gương mẫu, “mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”.

Đáp lại lòng mong mỏi của Người, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã nỗ lực cố gắng, không ngừng phấn đấu, coi trọng việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, hết sức chăm lo đời sống của nhân dân, đoàn kết giữa trên và dưới, đoàn kết trong nội bộ hợp tác xã và toàn dân, để cùng nhau đưa tỉnh nhà tiến lên một bước mới. Cùng với việc các cấp uỷ Đảng tăng cường sự đoàn kết nhất trí, thực hiện dân chủ với nhân dân, rút kinh nghiệm cụ thể từ các điển hình trong phong trào chung, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã từng bước làm cho tỉnh nhà tự túc được lương thực, đạt được những thành tích to lớn trên nhiều lĩnh vực, để Nghệ An trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc và góp nhiều công sức cùng quân dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Sau nửa thế kỷ xây dựng và ngày càng phát triển, Nghệ An hôm nay đang ngày ngày đoàn kết chặt chẽ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thi đua phấn đấu, thực hiện lời hứa trước anh linh của Người: “Xứng đáng với truyền thống Xô - viết anh hùng, xứng đáng là quê hương, là đồng bào, đồng chí của Người và để kế tục sự nghiệp cách mạng của Người,... nguyện xiết chặt hàng ngũ, giương cao ngọn cờ bách chiến, bách thắng của Hồ Chủ tịch”(11)./.

Chú thích:

1.   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1996, t.8, tr.406

2.   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.407

3.   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.410

4.   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.411

5.   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.431

6.   Hồ Chủ tịch với quê hương, Nghệ An, 1970, tr.121

7.   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.441

8.   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.442

9.   Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.445

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.447

11. Hồ Chủ tịch với quê hương, Nghệ An, 1970, tr.131

ThS. Nguyễn Đoàn Phượng/Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: