Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ về đình chiến, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết ngày 20/7/1954, trong lời kêu gọi gửi đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định cuộc đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất đất nước, hoàn thành độc lập, dân chủ của nhân dân ta trên cơ sở hiệp thương Tổng tuyển cử như Hiệp định Giơnevơ đã quy định là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ vì: “Đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hoà bình ở Đông Dương”(1). Vì vậy, việc Chính quyền Oasinhtơn và Sài Gòn vi phạm Hiệp định, cố tình chia cắt đất nước ta càng làm tăng thêm nguyện vọng, ý chí thống nhất nước nhà của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Từ nhận thức sâu sắc rằng, đấu tranh để thi hành Hiệp định Giơnevơ là mặt pháp lý của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Việc tranh thủ sự đồng tình quốc tế là một yếu tố không thể thiếu được trong sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Thực hiện đường lối ngoại giao có định hướng, có trọng tâm, vừa biểu hiện sự tôn trọng và gắn kết với phe XHCN anh em, vừa khẳng định sự đánh giá đúng đắn vai trò của Liên Xô và Trung Quốc, tại Hội nghị Bộ Chính trị lần thứ 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Củng cố không ngừng tình đoàn kết hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác, thực hiện việc phối hợp chặt chẽ với các nước anh em trong hoạt động quốc tế và đấu tranh ngoại giao”(2).
Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nhân dân và chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa anh em đối với cuộc đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, và dân chủ của nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ nước ta lên đường đi thăm hữu nghị chính thức Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ (22/6 - 22/7/1955).
Tuyên bố trước khi lên đường đi thăm Liên Xô và Trung Quốc, Người nói: “Tin chắc rằng cuộc đi thăm này sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với nhân dân và Chính phủ hai nước bạn”(3). Tại Ga Nam Ninh - Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: Cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, mặc dầu trường kỳ và mãnh liệt, nhưng nhất định thắng lợi, “đã được và sẽ luôn luôn được sự khuyến khích và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Trung Quốc”. Trước thịnh tình của Đảng cộng sản, Chính phủ và nhân dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa khi đón Đoàn tại sân bay Bắc Kinh, Người phát biểu: “Việc sang thăm Trung Quốc của Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhất định sẽ làm cho tình hữu nghị không gì lay chuyển nổi giữa nhân dân hai nước càng được tăng cường thêm và nhất định sẽ có ích cho hoà bình thế giới”(4).
Trong buổi tiệc do Thủ tướng Chu Ân Lai chiêu đãi Đoàn, diễn văn của Người khẳng định: Ủng hộ 5 nguyên tắc chung sống hoà bình mà Trung Quốc đã tham gia ký kết, sẵn sàng đặt quan hệ bình thường về kinh tế và văn hoá trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên đều có lợi,v.v… đồng thời nêu rõ: Sự giúp đỡ hữu nghị quý báu của Trung Quốc “đã thành một lực lượng quan trọng luôn luôn cổ vũ chúng tôi”(5) trong công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và xây dựng lại đất nước. Trong những ngày ở thăm Trung Quốc, Người và Đoàn đại biểu ta đã đi thăm nhiều nơi, Người đã có bài thơ Vịnh Vạn lý trường thành: Thấy nói trường thành dài vạn dặm/ Đầu từ Đông Hải, cuối Tây Cương/ Hàng ngàn trăm vạn người lao động/ Xây đắp ngôi thành trấn một phương.
Rời Trung Quốc, hành trình tiếp theo là Mông Cổ. Tại Thủ đô Ulan Bato, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: Việt Nam và Mông Cổ tuy cách xa về khoảng cách địa lý, “nhưng cùng chung một lý tưởng, cùng chung một ý chí: Bảo vệ hoà bình và xây dựng đời sống tự do, hạnh phúc”(6). Người rất vui mừng trước những thành tích xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Mông Cổ, tỏ lòng biết ơn “các bạn đã đồng tình và ủng hộ” nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong cuộc đấu tranh để củng cố hoà bình, thống nhất nước nhà. Người cũng tin tưởng rằng, “tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai nước” nhất định sẽ ngày càng phát triển, góp phần bảo vệ hoà bình Châu Á và thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vào viếng Lăng Xukhê Bato, nhà lãnh đạo sáng lập nước Mông Cổ, thăm Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Sinh vật học, một ngôi chùa và một làng du mục.
Tạm biệt thảo nguyên Mông Cổ sang thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu ta đi đến đâu cũng được đón tiếp nồng hậu. Tại sân bay Thành phố Xvéclốp, Người “sung sướng chuyển tới các bạn lời chào anh em của nhân dân Việt Nam”, đồng thời khẳng định: “Sự đón tiếp của các bạn đã nói lên mối tình nồng hậu của các dân tộc ở Liên xô vĩ đại đối với nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(7). Tại sân bay Mátxcơva, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Hiện nay nhân dân Việt Nam có nhiều nhiệm vụ quan trọng, đó là củng cố hoà bình, hoàn thành thống nhất bằng Tổng tuyển cử tự do theo Hiệp định Giơnevơ, khôi phục và phát triển kinh tế sau những năm dài chiến tranh, vì vậy “để thực hiện những nhiệm vụ đó, chúng tôi tin chắc sẽ được Liên Xô, các nước anh em khác và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới giúp đỡ”(8). Cũng trong bài phát biểu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ sự nhiệt liệt ủng hộ chính sách của Liên Xô và chủ trương giải quyết các vấn đề quốc tế đang tranh chấp bằng thương lượng, ủng hộ bản Tuyên bố chung của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Buganin với Thủ tướng Ấn Độ Nêru.
Trong những ngày thăm Liên Xô, Người viết trong sổ vàng lưu niệm tại Điện Cremli: “Lênin, người thầy vĩ đại của cách mệnh vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lênin muôn đời bất diệt”. Được đi thăm nhiều công trình kiến thiết vĩ đại, nhà máy điện nguyên tử, các trường đại học, trại nghỉ hè của thiếu nhi v,v… Người phát biểu: Sự đón tiếp ân cần, thân mật như anh em ruột thịt của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã làm cho Người và Đoàn rất cảm động. Trong cuộc hội đàm với Chính phủ Liên Xô, Người và Chính phủ Việt Nam đã “nhất trí nhận định về nhiều vấn đề quốc tế, và tán thành việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chính phủ Liên Xô đồng tình ủng hộ, lại còn thiết thực giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước Việt Nam. “Sự giúp đỡ vô tư ấy làm cho nhân dân Việt Nam thêm tin tưởng và thêm sức mạnh đấu tranh và đồng thời còn làm cho chúng tôi thấy rõ trách nhiệm to lớn của mình”(9). Trước khi lên đường về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các lưu học sinh ở Mátxcơva, dặn dò các cháu chăm học, đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, ngày càng tiến bộ, v.v… để “mai sau về nước phục vụ nhân dân”.
Tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội khoá I (15-20/9/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo trước Quốc hội về chuyến đi thăm hữu nghị 3 nước anh em. Người tin tưởng: “Mục đích cuộc đi thăm là nhằm củng cố thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn và phát triển thêm sự hợp tác về chính trị, kinh tế, văn hoá giữa các nước bạn và nước ta. Mục đích ấy đã hoàn toàn đạt được”(10). Người đã báo cáo về sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ, và nhấn mạnh: “Trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền và độc lập của ta, trước hết là Liên Xô và Trung Quốc đã giúp ta tiền bạc, máy móc và kỹ thuật để ta khôi phục và phát triển kinh tế của ta. Liên Xô tặng ta 400 triệu đồng rúp trong 2 năm, giúp ta khôi phục và xây dựng 25 xí nghiệp… Liên Xô và Trung Quốc đều giúp ta đào tạo cán bộ chuyên môn và phái các nhà chuyên môn sang giúp ta…Mông Cổ tặng ta một số thịt và một số bò, một số cừu để ta lập một nông trường chăn nuôi”(11). Ngoài ra, chúng ta còn đồng ý mở rộng hợp tác về văn hoá, giáo dục, y tế, v.v... Sự giúp đỡ khảng khái, vô tư, quý báu đó của các nước bạn như anh em giúp nhau, tuyệt đối không có chút gì vụ lợi không chỉ giúp đỡ chúng ta “trong cuộc đấu tranh giành thống nhất, nước ta mau giàu mạnh, dân ta được ấm no”, mà còn giúp chúng ta “có thêm điều kiện để tự lực cánh sinh”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuyến thăm hữu nghị 3 nước anh em của Người và Chính phủ ta đã đạt được mục đích về cả chính trị và kinh tế. Những bản tuyên bố chung của Đoàn đại biểu ta và Chính phủ Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ đều thể hiện rõ sự ủng hộ của nước bạn đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, “đều nhất trí nhấn mạnh sự quan trọng của việc hiệp thương giữa Chính phủ ta và chính quyền miền Nam theo đúng Hiệp định Giơnevơ để bàn về việc chuẩn bị tổng tuyển cử tự do trong cả nước nhằm mục đích thống nhất đất nước Việt Nam"(12).
Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng rằng, thông qua chuyến thăm hữu nghị 3 nước anh em, tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước anh em, vì mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội được củng cố vững chắc. Những tuyên bố, lời phát biểu, lời đáp từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nước bạn cũng đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước, làm cho các nước hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, về cuộc đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập và chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam, mang lại sự ủng hộ rất quý báu của các nước, đặt cơ sở cho đường lối vận động Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ của các nước chủ nghĩa xã hội anh em, của nhân dân tiến bộ trên thế giới, góp phần thiết thực nâng cao uy tín của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế./.
Chú thích:
(1) Biên bản Hội nghị BCHTƯ lần thứ 6 khoá II, lưu Văn phòng Trung ương Đảng, ĐVBQ 29, tr.5
(2) Biên bản Hội nghị BCHTƯ lần thứ 7 khoá II, lưu Văn phòng Trung ương Đảng, ĐVBQ 29, tr23
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.8, tr.1
(4) Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.5
(5) Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.8
(6) Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.15
(7)Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.19
(8) Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.20
(9) Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.24
(10) Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.69
(11) Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.70
(12) Phạm Ngọc Anh, Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền của con người, Nxb. CTQG, H, 2005, tr. 70
Tạ Quang Giảng/Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội
Theoditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Minh Thu (st)