Trong số những người tặng hiện vật về Bác cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội) năm 2013, đáng chú ý có hai cụ già tóc bạc, da mồi đã trên dưới tuổi bát thập, cụ em dìu cụ anh, họ là anh em ruột. Lạ là cả hai anh em ông Bùi Thế Ngữ và Bùi Thế Năng đến tặng hiện vật về Bác nhưng đều chưa từng được gặp Bác Hồ.

Thời đó, khoảng những năm 1960, trong số 10 thợ cắt của Xí nghiệp Thương nghiệp giao tế Hà Nội, cơ quan chuyên cung cấp hàng hóa đặc biệt cho lãnh đạo và chuyên gia, ông Ngữ may mắn là người được cắt bộ quần áo lụa cho Bác. Nghe qua tưởng không có gì, vì theo yêu cầu ông chỉ cần may theo đúng bộ quần áo trước của Người, nhưng may mà không được trực tiếp đo và chỉnh, thì thật khó. Hơn nữa, lụa tơ tằm của Hà Đông rất đẹp, thoáng nhưng lại nhẽo, khó định hình và hay co ở đường máy, nên nếu muốn cắt chuẩn ông phải vận dụng “mánh” phun nước cho vải bám trên mặt bàn may rồi mới cắt. Trước khi cắt, ông cẩn thận ngâm nước, giũ phẳng vải để phơi và không quên xin ý kiến Bác may trừ hao quần thêm 2cm và áo thêm 1cm.

ngu-nang-bqllang.gov.vn
Hai anh em ông Ngữ và Năng. Ảnh nhân vật cung cấp

Còn ông Năng là người trực tiếp cắt chữ và thiết kế lá cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Lá cờ khổ 2,1 x 1,4m này là lá cờ luân lưu, thêu tay, được coi là lớn nhất bấy giờ. Công ty Bông vải sợi may mặc Hà Nội của ông là nơi chuyên may cờ luân lưu cho các cơ quan Nhà nước cũng chưa từng may lá cờ nào lớn cả về kích thước và ý nghĩa như vậy. Để sắp xếp và thêu được lá cờ này, Công ty phải đặt riêng một khung thêu gỗ có phi lên tới 20cm với 4-6 thợ thêu túc trực cùng lúc. Việc cắt phần chữ viết liền giống như chữ ký của Bác trên cờ là khó nhất. Thời bấy giờ, cờ thêu chữ thì nhiều nhưng thêu chữ ký Bác Hồ lên cờ thì đây là lần đầu tiên, hơn nữa còn phải bảo đảm làm sao cho đúng, đẹp và thể hiện được nét chữ sáng, rõ, mềm mà rất thoáng của Người. Vốn là người rất khéo tay nhưng ông Năng cũng phải mất thời gian tập đi, tập lại chữ ký Bác. Ông còn cầu kỳ ra hiệu kéo nổi tiếng ở Minh Khai đặt riêng một cây kéo theo ý mình sao cho tay cầm chắc mà không mỏi, mũi kéo nhỏ, nhọn nhưng sắc để lựa kéo cắt những đoạn vòng, khúc cong mà vẫn mượt, tròn. Công đoạn ghép chữ ký của Bác vào lá cờ cũng không hề đơn giản. Ông sáng tạo những đoạn nối để công đoạn này không làm các chữ xô lệch, chữ ký được đặt cân đối trên lá cờ…

Chiếc kéo cắt chữ, cây thước đo vải, những hiện vật được ông Ngữ và ông Năng tặng bảo tàng, đều là những vật dụng gắn bó, được lưu giữ cẩn thận, trân trọng. Với hai ông, đó vừa là tình yêu, lòng thành kính, lại vừa là kỷ niệm rất đỗi thiêng liêng./.

Minh Nhã

Theo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st) 

Bài viết khác: