Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Hồ Chí Minh là con người của những quyết định lịch sử”. Nhận định của Tướng Giáp được minh chứng rõ nét trong quá trình hình thành bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc - Hiến pháp năm 1946.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người công dân số 1, đại biểu đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I diễn ra tại Nhà hát lớn TP Hà Nội
HIẾN PHÁP LÀ ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT CỦA QUYỀN DÂN CHỦ
Làm thế nào mà một bản Hiến pháp được soạn thảo thành công trong lúc chính quyền cách mạng phải đương đầu với những khó khăn trong, ngoài nước; chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài, lại trở thành “một thành tựu độc đáo về tư tưởng”, “một bản hiến văn dân chủ vào loại bậc nhất lúc bấy giờ”, “mỗi câu chữ đều vang vọng tiếng dân”? Nhiều học giả miêu tả bản Hiến pháp đầu tiên là kết tinh qua một chặng đường dài của tư tưởng về nhà nước pháp quyền dân tộc, dân chủ, công bằng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thời điểm đó, Chính phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp quản bộn bề trong khó khăn: Ngân khố quốc gia chỉ còn hơn 400 đồng bạc Đông Dương, mà hơn một nửa đã rách nát, nạn đói hoành hành và giặc dốt làm cho 90% dân số mù chữ. Song, Người vẫn ngay lập tức chủ trì Ban dự thảo Hiến pháp tiến hành phiên họp, dự thảo, bổ sung, sửa đổi nội dung dự thảo Hiến pháp. Người nhận định rõ ràng, Hiến pháp là không thể nóng vội và cũng không thể trì hoãn vì: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ”.
Nhưng như những gì Người luôn trăn trở, đó phải là một bản Hiến pháp thực sự của dân, do dân, vì dân. Vì vậy, Chính phủ được yêu cầu “tổ chức càng sớm càng hay một cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái, 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”.
Ngày 10-11-1945, bản Dự thảo Hiến pháp đã được đăng trên báo Cứu Quốc kèm theo thông báo của Chính phủ: “Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập hiến của nước nhà nên Chính phủ thông báo bản Hiến pháp này để mọi người được đọc kỹ càng và tự do bàn bạc, phê bình… Ủy ban dự thảo hiến pháp sẽ tập trung đề nghị sửa đổi theo ý kiến của nhân dân rồi trình Quốc dân đại hội bàn luận”.
Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, ngày 9-11-1946, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I đã biểu quyết thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với 240/242 đại biểu tán thành. Vào ngày này 67 năm sau, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã lựa chọn là Ngày Pháp luật Việt Nam.
CHIỀU SÂU LỊCH SỬ CỦA HIẾN PHÁP NĂM 1946
Để có được bản Hiến pháp mang tính dân tộc, dân chủ, công bằng của các giai cấp, thực hiện khát vọng quyền lực thuộc về nhân dân, Hồ Chủ tịch đã không chỉ dựa vào các nhà nghiên cứu, các trí thức nổi tiếng như: Phan Anh, Trần Văn Chương, Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, Đặng Thai Mai, Ngụy Như Kon Tum… Người đã trực tiếp nghiên cứu và tham khảo những văn bản tiêu biểu của nền lập pháp quốc tế; các trí thức tích lũy được trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền độc lập.
Có lẽ, bản Hiến pháp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ấp ủ mấy chục năm trước đó, trước cả khi Người đại diện đất nước gửi đi Bản yêu sách của dân An Nam (năm 1919) tới Hội nghị Versailles “yêu cầu thay đổi chế độ cai trị sắc luật bằng luật…” và sáng tạo nên câu ca trong Việt Nam yêu cầu ca “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Sau đó là ngày lập quốc được Người chuẩn bị với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử. Hiến pháp năm 1946 ra đời đã đặt nền tảng cho quốc gia đi vào xây dựng một thể chế chính trị dân chủ vững chắc, với đầy đủ các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp, đoạn tuyệt với chế độ thực dân và quân chủ phong kiến.
Những tư tưởng tiêu biểu nhất của Người được thể hiện một cách súc tích, dễ hiểu trong Hiến pháp năm 1946, trong đó đặt pháp quyền ở trên Nhà nước và quyền phúc quyết Hiến pháp thuộc về nhân dân.
***
Trong các bản Hiến pháp sửa đổi sau này, việc tổ chức quyền lực Nhà nước luôn luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản - Đảng của liên minh giai cấp công nhân, nông dân, các tầng lớp trí thức - dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ việc thể chế hóa kịp thời những đường lối, chủ trương mà Đảng Cộng sản đề ra, Hiến pháp đã phản ánh kịp thời những yêu cầu của xã hội.
Tiếp thu, kế thừa những nguyên tắc về đảm bảo quyền tự do, dân chủ của nhân dân và tôn trọng pháp luật trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013 đã đáp ứng các yêu cầu xây dựng một Nhà nước pháp quyền trong thời kỳ mới.
Trong Hiến pháp năm 2013, tính dân chủ được thể hiện ngay từ quá trình sửa đổi một số nội dung của Hiến pháp năm 1992, có sự bảo đảm tham vấn ý kiến rộng rãi và tích cực tham gia đóng góp của mọi tầng lớp, thể hiện ý chí của số đông quần chúng nhân dân. Từ đó, khẳng định quyền xây dựng Hiến pháp trước hết thuộc về nhân dân. Đây là điểm nhấn, tạo niềm tin tự hào, sự đồng lòng, đồng sức và tính dân chủ sâu sắc.
Có thể nhận thấy Hiến pháp sửa đổi là một bước đổi mới của nhận thức, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân và nguyên tắc của nhà nước pháp quyền. Lời nói đầu của Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 2013 đã ghi nhận: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tiếp theo, thông qua việc đưa chương về quyền con người lên ở vị trí chương II, Hiến pháp năm 2013 đã tiếp nối, phát triển, nhất quán nhiều nội dung về nhân quyền từ các Hiến pháp, những quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động quản lý Nhà nước trước đó…
Chúng ta có thể tự hào về Hiến pháp Việt Nam, những hiến văn tiếp thu kết tinh truyền thống nhân nghĩa ngàn đời của dân tộc và tư duy pháp lý hiện đại mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hun đúc để phát huy, phù hợp với tình hình chính trị, xã hội và kinh tế đất nước trong từng giai đoạn mới./.
ANH HÙNG
Theo báo Pháp luật và Xã hội
Thu Hiền (st)