Đoàn kết tôn giáo, hoà hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tín ngưỡng, tôn giáo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề tôn giáo, Người đã vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Đối với Người, làm cách mạng là để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng muốn làm cách mạng thắng lợi, không có con đường nào khác là phải tập hợp được sức mạnh của toàn dân. Trong khi đó, đồng bào các tôn giáo cũng là một bộ phận đáng kể trong cộng đồng nên không thể để các tín đồ tôn giáo đứng ngoài cuộc đấu tranh này, càng không thể để kẻ địch lôi kéo, lợi dụng. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Phải đoàn kết chặt chẽ không phân biệt đảng phái, giai cấp, tôn giáo. Đoàn kết tức là lực lượng. Chia rẽ tức là yếu hèn”.

Quan điểm trước tiên của Người về vấn đề này là đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc. Chỉ sau một ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Trong phiên họp này, Chủ tịch đã nêu sáu vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó vấn đề thứ sáu là thực hiện: "Tín ngưỡng tự do, Lương Giáo đoàn kết". Người cho rằng việc đoàn kết lương giáo, đoàn kết giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo với những người không có tín ngưỡng, tôn giáo là một bộ phận của đoàn kết dân tộc. Đoàn kết lương giáo là đoàn kết lâu dài và toàn diện, là vấn đề chiến lược. Tuy nhiên, để đoàn kết lương giáo có hiệu quả, thì cần phải đặt lợi ích dân tộc lên trên hết đồng thời quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào có đạo. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ cả nước phải: "Quan tâm, chăm sóc cuộc sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các tôn giáo. Mong sao sản xuất ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui". Đồng thời cần phải phân biệt được nhu cầu tín ngưỡng chân chính của đồng bào có đạo với việc lợi dụng tín ngưỡng vì lợi ích cục bộ, vị kỷ đồng thời phải phân biệt giữa đức tin của quần chúng với việc lợi dụng tôn giáo để chống phá sự đoàn kết trong nhân dân của các phần tử phản động để có các biện pháp xử lý phù hợp.

Một vấn đề quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.  Quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng là một trong những quyền chính đáng của con người. Hạn chế và vi phạm quyền ấy là đi ngược với xu thế của tiến bộ xã hội. Bác Hồ luôn giáo dục mọi người và bản thân Bác luôn gương mẫu trong việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào có đạo. Người coi tôn giáo là một yếu tố cấu thành và là di sản văn hoá của nhân loại. Vì vậy, Người cho rằng phải chú ý kế thừa giá trị nhân văn của các tôn giáo; tôn trọng những người thành lập các tôn giáo lớn; quan tâm đến giáo dân; độ lượng, vị tha với những người lầm lỗi và ăn năn hối cải; đồng thời phải nghiêm khắc phê phán những phần tử lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, những kẻ hành nghề mê tín dị đoan, phê phán những việc làm sai chủ trương chính sách tôn giáo của Đảng và chính phủ.

Theo Hồ Chí Minh, trong mối quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc, đức tin và lòng yêu nước thì giữa đức tin tôn giáo và lòng yêu nước là không mâu thuẫn nhau. Mỗi người vừa là một tín đồ chân chính vừa là một công dân yêu nước. Tôn giáo với dân tộc bao giờ cũng đư­ợc Hồ Chí Minh xem xét và giải quyết trên tinh thần của khối đại đoàn kết toàn dân. Tôn giáo chỉ có thể khẳng định đ­ược mình khi sống giữa lòng dân tộc và dân tộc trên con đư­ờng phát triển cần biết phát huy những giá trị tích cực của các tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu mối quan hệ chặt chẽ giữa tôn giáo với dân tộc một cách giản dị, dễ hiểu như­ng rất độc đáo và sâu sắc: kính Chúa gắn liền với yêu n­ước, phụng sự Thiên chúa và phụng sự Tổ quốc, nư­ớc có vinh thì đạo mới sáng, nư­ớc có độc lập thì tín ngưỡng mới được tự  do.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho thế hệ sau những di sản tư tưởng quý giá, trong đó có những quan điểm của Người về tín ngưỡng tôn giáo. Tư tưởng đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc và tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do không tín ngưỡng là nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo, tín ngưỡng là một bộ phận quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung. Những giá trị tư tưởng của Người để lại được Đảng, Nhà nước ta kế thừa và phát huy, vận dụng thành công trong một tầm cao mới./.

Đặng Văn Anh - VKSND quận Sơn Trà
http://vksdanang.gov.vn/

Bùi Hảo(st)

Bài viết khác: