Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 1A vào thành phố Nghệ An - thành phố Vinh, theo Tỉnh lộ 49, cách thành phố Vinh hơn 10 km, đến một làng nhỏ có tên Làng Sen - hoa sen; tên chữ là Kim Liên, Sen Vàng, đó là một làng quê cổ của dân tộc Việt.

Theo những kết quả nghiên cứu khoa học gần đây, khoảng 30 - 40 ngàn năm trước, một tộc người mà sử sách gọi là Bách Việt đã di cư từ châu Phi theo đường bộ, đường biển vào vùng đất mà ngày nay là Bắc Trung Bộ. Tiếp đó họ ngược lên phía Bắc, định cư ở vùng Sơn Đông hiện nay là vùng lưu vực giữa hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử của Trung Quốc, nơi có núi Thái Sơn cao vời vợi. Tộc người Bách Việt này đã chế tác được công cụ bằng đá, rồi đồ đồng, đồ đá, làm đồ gốm, cấy lúa nước…

Hơn 2.600 năm trước Công nguyên, tộc người Hán xâm lược vùng đất của tộc người Bách Việt, khiến người Việt phải lùi về phương Nam, trở lại vùng đất cũ, nơi tổ tiên họ đã ra đi, để ổn định cuộc sống tránh sự quấy rối của tộc người Hán.

Về lại đất cổ xưa, nhưng họ vẫn nhớ nơi “quê hương” xa cũ, truyền cho con cháu biết công đức tổ tiên:

"Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…"

Nơi địa linh nhân kiệt

Kim Liên là một trong những làng trở về của người Việt, là một làng của huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có một cậu bé sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã được sinh ra trên “Bông Sen Vàng” ấy.

Trước và sau thế kỷ thứ nhất, đây là đất thuộc huyện Cửu Đức (chín điều giữ lấy Đức), là một huyện đất đai khá rộng, dân số đông, kinh tế phát triển. Một tác giả đã ca ngợi Nam Đàn như sau:

"Thái Sơn dãy chính chuyển về đây

Sừng sững trời Nam tự bấy nay

Đại Huệ Đông bồi, bình phong dựng

Lam giang Nam lại, nước xanh đầy

Phì nhiêu tột đỉnh Hoan Châu đó

Hào kiệt tụ về đất nước này

Giở hết đồ thư xem mọi sự

Đầu sông, miếu cổ đá chen cây."

Nam Đàn vùng đất văn hóa có các thành lũy Vạn An, xây dựng từ  thời Vua Mai Hắc Đế và các thành quách khác như thành Lục Niên, Chung Sơn, Hạ Dương, Tháp Nhạn. Tháp ở Nam Đàn xây bằng gạch có khắc chữ “Trinh quán lục niên” (đời vua Đường Trinh Quán năm thứ 6, tức là năm 633) cao hơn tháp Bình Sơn. Một hệ thống đình, đền, chùa như chùa Hương Lâm, chùa Đại Huệ, đền Vua Bà, đền Liễu Hạnh, Đình Hoành Sơn, Nghi môn Tam Tạng… đã từng được cậu bé Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chủ tịch cùng bạn bè nhân những ngày Tết lễ, đến dự xem hội…

Quê hương Nam Đàn của Bác Hồ còn có một kho tàng văn hóa dân gian, hiện vật phi vật thể phong phú gồm ca dao, dân ca, tục ngữ, câu đố, truyện cổ tích, và đặc biệt là hát ví, hát phường vải… Người dân Nam Đàn cũng còn để lại cho cả nước nhiều tác phẩm thi ca, văn xuôi…


Làng Sen, nơi Bác Hồ trải qua thời niên thiếu

Dấu ấn những mùa Xuân

Những ngày Xuân, ngày Tết ở Kim Liên, Nam Đàn với những hội làng, lễ lên chùa, hội đình, đền, thi hát ví… đã để lại trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung tình yêu quê hương, đất nước, con người, và đối nghịch với xóm làng yên tĩnh ấy là những cảnh đau xót và nước mất, nhà tan, bị áp bức xiềng gông của đồng bào.

Cái Tết khổ đau của cậu Cung năm 11 tuối (1901) là Tết mang tang mẹ. Bà Hoàng Thị Loan mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời vào ngày 22 tháng chạp năm Canh Tý (10/02/1901). Đó là mùa Xuân mà cậu Cung phải bế người em một tuổi đã mất mẹ đi xin sữa, rồi cậu cũng phải mất luôn em mình.

Sau khi mất mẹ, mùa Xuân năm 1901, Nguyễn Sinh Cung được học chữ Hán với thầy Hoàng Phan Quỳnh tại xóm Vang, làng Hữu Biệt, cách Hoàng Trù (quê ngoại của Bác) chừng 3km… Trong những dịp Xuân sang, Tết đến, lấy cớ đi thăm hỏi nhau, nhiều nhà yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương… đến nhà Nguyễn Sinh Huy, đàm đạo, bàn việc nghĩa. Nguyễn Sinh Cung thường được phép “hầu trà” và nhận nhiệm vụ đưa thư từ… Qua câu chuyện của bạn bè phụ thân, Nguyễn Sinh Cung đã vỡ ra nhiều vấn đề trong cuộc sống, cuộc đời.

Xuân năm 1904, Nguyễn Sinh Cung lại phải mang một tang lớn: Bà ngoại mất. Từ năm 1906, anh theo cha vào Kinh Đô Huế với tên mới Nguyễn Tất Thành, vào học Trường Đông Ba - Huế. Đêm 30 Tết Bính Ngọ (1906), giữa lúc gia đình đang đón giao thừa, bỗng một bạn đồng chí của Nguyễn Sinh Huy bước vào nhà, đó là Đặng Thái Thân, tự là Ngư Hải, trao đổi với Nguyễn Sinh Huy về vận nước, về kỳ ngoại hầu Cường Để, bàn bạc về việc thành lập một tổ chức cứu nước.

Chưa đến sáng, uống xong chén rượu Xuân, Ngư Hải đã ra đi, phía Đông mặt trời đã ló rạng…

Cuối Xuân 1908, do mất mùa liên tiếp trong 3 năm, nông dân 6 huyện tỉnh Thừa Thiên kéo nhau về kinh thành đòi giảm sưu, giảm thuế. Đang là học sinh trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành đã tham gia cuộc biểu tình, nhận làm phiên dịch cho đồng bào… Thực dân Pháp đã đàn áp dã man cuộc biểu tình, chém đầu 2 người cầm đầu, bắt giam và đưa đi đày hàng trăm người…

Bị đuổi học, cuối tháng 8  năm 1910, Nguyễn Tất Thành vào Phan Thiết. Anh nhận làm trợ giáo môn thể dục cho trường Dục Thanh. Những ngày Chủ nhật, thầy Thành tổ chức cho học trò đi thăm các di tích, bày ra các trò chơi.

Mùa Xuân năm 1900, Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn với “hành trang” tuy chưa được to lớn, nhưng đã đủ để tìm kiếm một đường đi mới, khác với bạn bè của phụ thân: “Đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào cứu nước, giải phóng dân tộc”.

Đó là mùa Xuân mới, mùa Xuân quyết định cho một lựa chọn chính xác, đúng đắn của Nguyễn Tất Thành, để rồi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sẽ đem lại mùa Xuân cho triệu triệu đồng bào Việt, cho triệu triệu người lao động trên hành tinh này./.

Thùy Trang
Theo thanhtra.com.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác: