Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân, nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Người đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng loài người bị áp bức bóc lột. Người đấu tranh cho sự nghiệp vì độc lập, vì tự do cho dân tộc Việt Nam và người dân bị áp bức trên toàn thế giới. Cuộc đời cao đẹp, tấm gương đạo đức cách mạng của Người là tấm gương sáng, bình dị và là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Người luôn sống mãi trong lòng người dân đất Việt và bạn bè quốc tế. Sự bình dị đó được khắc họa qua những hoạt động thường ngày của Người đối với mọi người, từ người già đến trẻ nhỏ, từ nông dân đến trí thức, từ những người dân trong nước đến bạn bè quốc tế.
Đối với những người cán bộ, đảng viên. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Người nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”. Trong những bài diễn văn hay cuộc nói chuyện, thì hàng vạn người đều hiểu, thật là gần gũi và thân thiết. Người luôn sử dùng những câu nói ân cần cởi mở, rất bình dị, đơn giản, dễ hiểu để nói với từng cán bộ, từng Đảng viên.
Đối với cán bộ, đảng viên, Người luôn quan tâm, bởi đó là đối tượng tri thức, có lý tưởng và là đại biểu của toàn thể quần chúng nhân dân. Đảng viên là người thay mặt Đảng, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Người thường xuyên chỉnh đốn tư duy đối với người cán bộ đảng viên. Người nói: “Chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”.
Người lấy đạo đức làm chuẩn mực cho mỗi người cán bộ, đảng viên. Người luôn căn dặn cán bộ, đảng viên: “Phải nêu cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân… Phải khiêm tốn, gần gũi quần chúng, không được kiêu ngạo. Phải thật sự cầu thị, không được chủ quan. Phải thật thà, ngay thẳng không được giấu dốt, giấu khuyết điểm, sai lầm. Phải luôn luôn chăm lo đến đời sống quần chúng…”. Người nhấn mạnh đối với đảng viên: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải gìn giữ Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Đối với nông dân và những người lao động: Chủ Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà Nho. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến mọi tầng lớp xã hội, trong đó Người đặc biệt quan tâm đến nông dân.
Tuổi thơ của Người sống ở một miền quê nghèo, sống trong thời kỳ nghèo khổ, mà sự vất vả đó chính là những nông dân và những người lao động. Mặc dù bận việc quốc gia đại sự, nhưng Người vẫn giành nhiều thời gian gặp gỡ bà con nông dân, thăm và động viên bà con nông dân tăng gia sản xuất. Người đã trực tiếp xuống tận các xã để đôn đốc, kiểm tra công việc bà con. Đích thân Người xuống kiểm tra trực tiếp địa phương vận động giúp đỡ nhân dân vượt qua khó khăn. Người nói: "Dễ mười lần không dân cũng chịu/ Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Khi Người đến Ninh Bình, Thái Bình để đôn đốc việc cứu đói, tổ chức tăng gia sản xuất, đắp đê phòng chống thiên tai. Người nói: “Các chú biết không, người xưa nói: “Dân dĩ thực vi thiên”, tức là “Dân lấy cái ăn làm trời”, vì vậy Đảng, Chính phủ phải lo cái ăn cho dân không được để dân đói”. Người đến Hải Dương và Hưng Yên tham gia chống hạn với nông dân. Người phê bình ngay cán bộ địa phương: “Bác về là đi chống hạn chứ có phải đi chơi đâu mà đón tiếp”. Bác ăn mặc quần áo như một lão nông thực sự, đến ngay chỗ nhân dân đang đào mương, xắn quần, xắn tay áo xuống cùng đào đất với bà con. Người không nói, không hô hào, nhưng Người nói là bắt tay vào làm ngay, nói đi đôi với làm.
Chân dung một lãnh tụ bên người nông dân. Người bôn ba chân trời góc biển vì nền độc lập của dân tộc, để “người cày có ruộng”, để “ruộng đất về tay dân cày”, để “mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong con đường đi đến hạnh phúc ấm no, người nông dân Việt Nam luôn có Người đi cùng. Người viết: “Trong bao năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của, góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế Nông nghiệp 1 năm cho các HTX nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”.
Đối với phụ nữ, người già và trẻ nhỏ: Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng, dù họ là người nông dân hay họ là nhà trí thức, khoa học, kỹ sư..., đều bình đẳng như nhau trên mọi lĩnh vực của đời sống; dù công việc nặng hay nhẹ, người phụ nữ đều là chiến sĩ trên mọi mặt trận. Người nói: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ nước nhà”. Người nói: “Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội. Vậy nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người, nếu phụ nữ chưa được giải phóng, thì xã hội chưa được giải phóng, nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Đó là câu nói có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nữ giới.
Người luôn dành trọn vẹn tình cảm cho phụ nữ. Trước lúc đi xa, trong Di chúc, Người đã căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Đối với người già và trẻ nhỏ: Người rất tôn trọng những người có tuổi, nhất là tôn trọng vai trò của các cụ đối với con cháu, uy tín của các cụ đối với xóm làng. Người luôn động viên các cụ tham gia vào công cuộc chung của đất nước như kháng chiến, kiến quốc, bình dân học vụ…Tất cả nhân dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ đều phải ra gánh vác một vai. Người cho rằng các cụ già không làm được việc nặng thì động viên khuyến khích thanh niên và chia sẻ những kinh nghiệm cho họ. Người viết: “Tiếp tục truyền thống Diên Hồng vĩ đại, các cụ phụ lão cũng không vì tuổi cao tóc bạc mà hưởng thú thanh nhàn. Các cụ đều cố gắng góp phần tích cực vào công cuộc chống Mỹ cứu nước, khuyến khích con cháu tham gia bộ đội và thanh niên xung phong, giữ gìn trật tự, trị an trong làng xóm, tăng gia sản xuất, trồng cây gây rừng…”. Trong một bức thư, Người viết: “Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ, trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc. Cháu lại kính gửi cụ lời chào thân ái và quyết thắng”.
Người khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi trong xã hội. Coi người cao tuổi là lực lượng quan trọng góp phần tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người nói: “Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi, nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang, một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến giết giặc. Rút guốc mộc để ném vào đầu bọn bạo ngược, vung gậy trúc để đánh vào đầu bọn hung ác. Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng; phụ lão làm, nhân dân làm theo. Hô điều nên hô, làm việc nên làm. Người có của xuất của, người có sức dốc sức, góp gió thành bão, tụ hơi thành mây. Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”.
Hồ Chí Minh cũng có mối liên hệ đặc biệt với trẻ thơ khi Người coi trẻ em là tương lai của đất nước. Người tin rằng trẻ em khỏe mạnh và được giáo dục sẽ xây dựng được một đất nước đoàn kết và vững chắc. Trẻ em cũng rất yêu quý Người và gọi Người là “Bác Hồ”.
Đối với doanh nhân, trí thức: Sinh thời, Hồ Chí Minh cho rằng bốn lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội phải được coi là quan trọng ngang nhau. Giới doanh nghiệp, doanh nhân trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế của xã hội, của đất nước. Đối với đội ngũ doanh nhân, Người nhấn mạnh: “Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau, nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, nghĩa là việc kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng”. Và Người hứa: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết”.
Có thể thấy rõ rằng, tư tưởng của Người về phát triển doanh nghiệp doanh nhân chính là xây dựng con người và phát triển con người có tri thức. Người coi doanh nhân sẽ là nguồn lực quan trọng trong việc xây dựng và kiến thiết đất nước trong mọi thời đại. Người coi giới doanh nhân là một lực lượng quan trọng trong xã hội, có mối quan hệ hữu cơ giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi nhà nước, là thành phần cơ bản quyết định vận mệnh của đất nước. Đất nước có giàu mạnh, có hùng cường hay không là nhờ vào những người làm ra của cải cho đất nước, đó là những người công thương xưa - đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày nay.
Theo Người, doanh nhân cần phải có đủ các đức tính cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư, có tri thức chuyên môn vững vàng, nắm vững pháp luật, sâu sát thực tế, lý trí vững chắc, bản lĩnh kiên cường, tình cảm trong sáng, kết hợp giữa chính trị và khoa học, chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật, đặc biệt quan tâm tới việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu cửa quyền…
Đối với giới trí thức: Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “”.Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: Một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản - Khoa học tự nhiên do đó mà ra; Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội - Khoa học xã hội do đó mà ra”. Nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của trí thức trong sự phát triển của xã hội, hiểu rõ sức mạnh vô tận của trí tuệ con người và sức mạnh lớn lao của một dân tộc giàu tri thức, Người nói: “Trí thức là lực lượng luôn đi đầu, là ngòi nổ trong phong trào đấu tranh đòi độc lập, đòi quyền dân tộc, dân chủ; là lớp “tiên tri, tiên giác”.
Một trong những phong cách lớn của Người là rất lắng nghe tiếng nói của trí thức. Không những trân trọng, lắng nghe ý kiến, mà còn rất quan tâm đến những khó khăn, hoàn cảnh cụ thể của từng người để tạo điều kiện cho trí thức làm việc tốt hơn. Hầu như không có một trí thức lớn nào làm việc cho Chính phủ mà không được Người đích thân gửi thư tặng quà, thăm hỏi. Người khẳng định: “Trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần”. Theo Người: “muốn phát triển văn hoá thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khoẻ của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ thì phải cần các kỹ sư”.
Đối với bạn bè quốc tế: Vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta luôn được bầu bạn khắp năm châu ngưỡng mộ và khâm phục. Người đã chiến đấu không ngừng nghỉ, không chỉ cho dân tộc Việt Nam, mà còn cho cả nhân loại bị áp bức trên toàn thế giới. Người đã được các nhà tư tưởng, nhà khoa học, nhà văn hoá, những chính khách trên khắp thế giới trân trọng và thán phục. Nhiều giai cấp tiến bộ trên thế giới cũng đã có những cảm nhận rất chân thành, sâu sắc về Người.
Trong ba mươi năm sống, làm việc, học tập và hoạt động cách mạng ở nước ngoài và sau này trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã đi qua rất nhiều nước, đã gặp gỡ và kết bạn với nhiều người. và Người đã có một phong cách rất Hồ Chí Minh mà không ai có được. Người có thể làm bạn với tất cả mọi người, dù họ là những người có xuất thân, chính kiến, nghề nghiệp, tuổi tác khác nhau, trên tinh thần hợp tác và cùng nhau phát triển.
Đối với bạn bè quốc tế, những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc, Người nhắc lại đường lối đối ngoại của Việt Nam là: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Người nhấn mạnh: “Mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập... bạn của ta trong giai đoạn này tất cả những nước nào, những dân tộc hay lực lượng nào trên thế giới tán thành mục đích ấy, cùng ta chung một ý chí ấy”. Người không chỉ nhằm giành được lợi ích cho mình mà còn là sự đóng góp vào sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của toàn nhân loại: “Nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình trên thế giới”.
GS.TS Raul Valdes Vivo, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Cuba đã khẳng định: “Cuba đã nhìn nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh như là người dẫn đường, là biểu tượng và ngọn cờ của Việt Nam anh hùng”.
Nhà thơ Haiti nổi tiếng của CuBa khi sang thăm Việt Nam đã nói: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa Xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta....Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đem lại tự do cho Việt Nam, là nhà tư tưởng đã biết vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của đất nước mình, cũng như người còn là một nhà thơ lớn thực sự... Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu, sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu, ở đâu có mùa Xuân, xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta...”
Giáo sư cố vấn Viện nghiên cứu Châu Á, Ông Mi-ghen Đê nói: “Hồ Chí Minh là tác giả vĩ đại của cách mạng Việt Nam, cuộc cách mạng với bản chất của nó, trong nguồn gốc của nó, trong cuộc đấu tranh và chiến thắng của nó luôn là nguồn cảm hứng và là người chỉ đường. Và cuối cùng chữ Bác Hồ là chữ đã thể hiện đồng thời tình cảm, sự kính trọng và ý nghĩa của chữ đó. Tấm gương của Bác Hồ tiếp tục là nguồn cảm hứng để không yếu đuối trong đấu tranh giành lấy tương lai, để không dừng lại ở điều đạt được mà luôn luôn tiến lên phía trước”.
Ngài Greetesh Sharma - Chủ tịch điều hành Ủy ban đoàn kết Ấn độ và Việt Nam nói: “Việt Nam và Hồ Chí Minh là hai tên gọi nổi tiếng và phổ biến nhất đối với nhân dân Ấn Độ”. Ông khẳng định: “Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự thanh bạch và giản dị. Trở thành vị Chủ tịch của nước Việt Nam, Người vẫn giữ lối sống thanh bạch của mình”.
Sự bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam, không chỉ đơn thuần là sự kính trọng của cả thế giới đối với Người, mà còn là sự khẳng định tư tưởng lớn trong con người bình dị của Người với bạn bè trên khắp thế giới. Người đã thực sự trở thành một hình tượng sáng ngời, một tượng đài vĩnh cửu với thời gian của nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế./.
Ths, Hoàng Anh Tuấn (Tổng hợp)