Sinh thời Bác Hồ không chỉ là nhà báo, nhà văn hóa, nhà lý luận chính trị thiên tài mà Bác còn là thi sĩ nổi tiếng. Tập thơ “Nhật ký trong tù” với hơn 100 bài, Bác viết các đây hơn 70 năm cùng nhiều bài thơ lẻ đã đăng tải trên sách báo, điều đó khẳng định tài năng sáng tác thơ của vị lãnh tụ kiệt xuất Hồ Chí Minh.

      Đề tài mừng Xuân mới là cảm hứng thi ca trong tân hồn vĩ đại của Bác. Mỗi khi Tết đến, xuân về dù bận trăm công ngàn việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đối nội, đối ngoại... Bác vẫn dành thời gian và tâm huyết để sáng tác nhiều bài thơ mừng Xuân mới. Từ bài thơ đầu tiên "Mừng Xuân 1942” đến bài thơ cuối cùng trước khi đi “gặp Cụ Các Mác, Cụ Lê nin và các vị cách mạng đàn anh khác”  Bác đã viết 13 bài  gồm có: Mừng Xuân 1942; Chúc năm mới 1947; Chúc Tết Mậu Tý 1948; Chúc Tết Tân Mão 1951; Chúc Tết Nhâm Thìn 1952; Chúc Tết Quý Tỵ 1953;  Chúc Tết Giáp Ngọ 1954; Mừng năm mới 1960; Chúc mừng năm mới 1964; Mừng xuân 1966; Mừng xuân 1967; Mừng xuân 1968; Mừng xuân 1969. “Tít” của bài na ná giống nhau, rõ ràng, rành mạch. Một số bài ghi ngày tháng cụ thể. Thể loại phong phú gồm: Thơ tự do, tứ tuyệt, lục bát, dài  từ 4 đến trên 10 câu.

Xuân Giáp Ngọ năm 1954, cách Xuân Giáp Ngọ năm 2014 vừa tròn 60 năm, nghĩa là 5 con giáp. Đọc lại bài thơ cách đây 60 năm của Bác lúc chúng ta đang tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch Điện Biên Phủ để ôn lại, suy ngẫm, thưởng thức, toàn văn bài thơ lịch sử như sau:

Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành:

- Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập, tự do

- Cải cách ruộng đất là công việc rất to

Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn

Quân và dân ta nhất trí kết đoàn

Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công

Hòa bình, dân chủ thế giới, Nam Bắc Tây Đông

Năm mới thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều. 

Bài thơ có 81 từ, viết theo thể tự do có 8 câu, rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, chủ đề tư tưởng tình cảm trong thơ Xuân của Bác, Bác nói: “Hai nhiệm vụ rành rành” quan trọng là “Kháng chiến, kiến quốc” để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phấn đấu thực hiện trong năm 1954. Và, kết quả chúng ta đã hoàn thành tốt “hai nhiệm vụ rành rành” đó.

Với “Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Bác và Trung ương Đảng, với tài chỉ huy xuất sắc của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp kiêm Bí thư Đảng ủy và Tư lệnh Mặt trận, chúng ta đã đại thắng lợi “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “rành rành” thứ nhất. 

Nước ta ngày ấy có trên 90% là nông dân, nhưng phần lớn “không có mảnh đất để cắm dùi”. Ruộng đất hầu hết đều nằm trong tay địa chủ, phong kiến áp bức, bóc lột dân nghèo. Trung ương Đảng và Chính phủ do Bác Hồ đứng đầu đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thành công cuộc cải cách ruộng đất. Đánh đổ địa chủ, phong kiến, áp bức bóc lột chia ruộng đất cho dân nghèo. Đó là chủ trương đúng đắn được toàn dân, toàn quân phấn khởi hoan nghênh. Những người lính ngoài mặt trận thấy gia đình mình ở hậu phương được chia ruộng đất càng thêm phấn khởi thi đua giết giặc lập công. Nhiệm vụ “rành rành” thứ hai đã được thực hiện tốt, “người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn”. Tuy nhiên trong tổ chức cải cách ruộng đất, chúng ta có một số khuyết điểm, sai lầm về phương pháp làm, Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và các vị lãnh đạo khác đã nghiêm túc kiểm điểm, sửa chữa sai lầm, có đồng chí đã  tự  nguyện xin từ chức. 

Sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc" của chúng ta đã từng bước thành công, như ý thơ của Bác. Miền Bắc được giải phóng tiến lên xây dựng CNXH, đấu tranh thống nhất nước nhà, làm hậu phương lớn vững chắc cho tiền tuyến miền Nam anh dũng chống đế quốc Mỹ xâm lược. Bài thơ của Bác còn nói đến mong muốn điều tốt đẹp để “Hòa bình, dân chủ, thế giới Nam Bắc Tây Đông”, mong thế giới không có chiến tranh, các nước đoàn kết, bình đẳng, hợp tác giúp đỡ nhau cùng có  lợi để tồn tại, phát triển. Tấm lòng của Bác mênh mông và bao dung quá.

Câu kết của bài thơ là lời chúc chân thành, như một chân lý, như khẩu hiệu chiến lược: “Năm mới thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”. Khẩu hiệu “Năm mới thắng lợi mới” được treo ở nhiều nơi chính là ý tóm tắt của Bác.

Sáu mươi năm đã trôi qua, sức sống bài thơ chúc Tết của Bác năm 1954 và các bài thơ Xuân khác của Bác được ghi vào sử sách vẫn được các thế hệ con cháu quan tâm nghiên cứu học tập. Đó là tình cảm, trách nhiệm, nỗi niềm của mỗi con người đối với Bác như nhà thơ lớn Tố Hữu đã viêt: "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”./.

                NGUYỄN CÔNG HUÂN
Hội Cựu chiến binh tỉnh Hòa Bình
hoitruongson.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: