Đọc thơ cho Bác nghe

Chị Nguyễn Thị Thế Ngân là một nữ chiến sĩ cách mạng trung kiên của Khu 5. Chị người xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cuối năm 1964, chị ra Bắc chữa bệnh và được chọn cùng một số đồng chí thành lập Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam dự Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược họp tại Hà Nội. Chị có vinh dự được 6 lần gặp Bác Hồ kính yêu.

Trước cuộc họp 2 ngày, Đoàn được phép vào thăm Bác. Bác đang bận tiếp một vị nhân sĩ Mỹ tích cực đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam nên cả Đoàn tản ra chơi. Một lát, Bác ra. Ai cũng muốn xô lên để được đón Bác trước. Bác chỉ vào em Hồ Văn Bột, một học sinh là nạn nhân của bom napan của Mỹ tại Bến Tre, phê bình đồng chí Trưởng đoàn:

- Sao chú lại để một nạn nhân của chế độ Mỹ ngụy mặc như một ông cụ non thế? (vì em Bột mặc com-plê đen).

Thấy Bác nói thế, mọi người sợ Bác phê bình mình ăn mặc đẹp, muốn lẩn lại hàng sau, Bác nói ngay:

- Bác chỉ nói một mình em Bột thôi. Các cô các chú mặc thế là được. Rồi Bác hỏi chị Ngân:

- Cháu ở trong đó ra đem gì cho Bác?

- Thưa Bác! Khi cháu ra đi, cháu có làm một bài thơ về Bác. Cháu xin đọc kính dâng lên Bác ạ.

Chị Ngân đọc bài lục bát 8 câu. Khi đến 2 câu cuối:

Để mà thống nhất cơ đồ

Miền Nam mừng đón…

Chị nghẹn ngào, ngắc ngứ không đọc được thì Bác tiếp luôn… Bác Hồ vào thăm… Hình như những gì xảy ra trong mỗi con người, Bác đều đoán biết được cả.

Và được Bác mời cơm

Hội nghị xong, Bác cho mời cả đoàn đến Phủ Chủ tịch ăn cơm với Bác. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp… đều có mặt. Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ chị Ngân giới thiệu:

- Thưa Bác! Đây là chị Ngân, cán bộ phụ vận của Liên khu 5. Chị ngó vậy mà biết hát bội, làm thơ đấy ạ.

Bác gật đầu:

- Ờ, Bác biết cô Ngân rồi.

Bác hỏi chị Ngân:

- Cháu đã làm thêm được mấy bài thơ?

Chị Ngân chưa kịp trả lời, Bác đã nói tiếp:

- À, mà Bác đã xem trên báo rồi.

(Đó là những bài thơ chị đã in trên Báo Thống Nhất ngày 1-1-1964).

Cơm đã dọn xong, Bác tuyên bố:

- Hôm nay Bác mời các cô các chú ăn cơm. Vì mời cơm chứ không phải tiệc nên không có rượu đâu nhé.

Bác chỉ từng món ăn, nói tiếp - Thịt gà, rau sống và dưa kiệu là của Bác sản xuất. Thịt heo và cá là của Bác chăn nuôi. Nhưng còn một thứ là cơm thì Bác chưa làm ra được.

Mọi người cười vui vẻ nhưng nhớ mãi câu nói giản dị mà vô cùng sâu sắc của Bác.

Để được gần Bác hơn

Đồng chí Yang Danh, dân tộc Bana ở huyện Vĩnh Thạnh là một học sinh miền Nam được ra Bắc học. Một buổi chiều Xuân năm 1962, cả trường được báo chuẩn bị đón các đồng chí lãnh đạo đến thăm.

2 giờ chiều, mọi người tập trung ở hội trường háo hức chờ đón khách thì chị phụ trách kêu lên:

- Bác Hồ! Bác Hồ đến…

Ai nấy chạy ào ra đón Bác, vì hiểu rằng Bác là người yêu thương đồng bào miền Nam nhất, yêu thương con em miền Nam nhất. Vào trong phòng, Bác cho ngồi vòng tròn quanh Bác chứ không ngồi theo ghế. Bác bảo: "Ngồi như vậy để cháu nào cũng được gần Bác".

Yang Danh nhỏ nhất lại nhút nhát nên chỉ ngồi phía sau ngắm Bác. Bác gọi Danh lên và hỏi:

- Cháu quê ở đâu?

- Thưa bác! Cháu quê ở Bình Định ạ.

- Cháu là người dân tộc nào?

- Dạ. Cháu người Bana ạ.

- Cháu có nhớ quê không?

- Thưa Bác, có ạ!

- Thế thì gắng học cho giỏi, mai đây đánh Mỹ xong về phục vụ quê hương.

Bác âu yếm xoa đầu Danh rồi chia kẹo cho tất cả mọi người./.

Nguyễn Văn Chương
Theo Nhân dân Bình Định với Bác Hồ
Minh Thu (st)

Bài viết khác: