Trong 30 năm xa Tổ quốc, tìm đường cứu nước, ngày mồng 3 Tết năm Tân Tỵ (8-2-1941), Bác đã bí mật về đến Pắc-Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh dành độc lập cho dân tộc. Lần đầu tiên sau những năm tháng ở nước ngoài, Bác Hồ vui Xuân trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc sau hơn 30 cái Tết trên đất khách, quê người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị bộ đội không quân trực chiến trong ngày Tết
của dân tộc, 9-2-1967.
Ngày 5-6-1911, Bác Hồ rời bến cảng Sài Sòn, ra đi tìm đường cứu nước. Lần đầu tiên, Bác ăn Tết xa quê hương tại nước Mỹ. Vào ngày 15-12-1912 tức là ngày 7 tháng giêng năm Nhâm Tý, Bác ở New York đi làm công cho người ta ở Bruchlin với lương tháng 40 đôla. Trên đất khách quê người, mùa Xuân vất vả năm ấy, Bác vẫn còn tranh thủ thời gian để học tập, đi thăm nơi sinh sống của người da đen và nhiều nơi khác ở New York.
Năm 1914, Bác đón giao thừa ở Luân Đôn, Thủ đô nước Anh. Bác đến làm thuê ở khách sạn Draytơn Coốc, rồi sau đó là Cáclơtơn... Năm 1918, Bác Hồ đón tết Mậu Ngọ tại Paris, Thủ đô nước Pháp. Khoảng rằm tháng Giêng năm Tân Dậu (1921), lúc này Bác đã mang tên Nguyễn Ái Quốc, và đây cũng là mùa Xuân thứ 10 Bác xa quê hương.
Ngày 1-2-1922, tức mùng 5 Tết, ngày kỷ niệm nghĩa quân Tây Sơn đại thắng quân Thanh, Bác Hồ đã hoàn thành việc chuẩn bị cho ra đời tờ bào Le Paria và khai bút viết bài kêu gọi mua báo Le Paria “Tờ báo vì lợi ích công lý tiến bộ...”. Mùa Xuân năm Quý Hợi (1923), Bác Hồ cùng đồng bào người Việt sống ở Paris đòn mừng năm mới.
Khoảng 1 tháng trước tết Quý Hợi, sau cuộc họp Hội Liên hiệp thuộc địa tại trụ sở báo La Paria ở số 3 phố Mác Sê Đờ Pa-tri-ác-sơ, Bác đã gửi 2 người bạn đồng hương được Bác giác ngộ là Nguyễn Văn Ái và Trần Tiến Nam ở lại bàn việc tổ chức Tết Nguyên đán với điều kiện chi phí mỗi định suất trong bữa tiệc đón Xuân không được quá 10 franc Pháp.
Trước Tết nửa tháng, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Trần Tiến Nam, Nguyễn Văn Ái... đã họp bàn tổ chức Tết Nguyên đán, và đi đến nhất trí: Tán thành quyết định do Nguyễn Ái Quốc với tư cách là lãnh đạo tổ chức Hội Những người Việt Nam yêu nước đưa ra ngày 12-1-1923, công bố sự hoạt động trở lại của Hội Ái hữu do 2 nhà chí sĩ là Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường tổ chức hơn 10 năm trước đó.
Năm ấy, tính theo dương lịch, ngày mồng một Tết là thứ Sáu (ngày 16-2). Đa số Việt kiều là dân thợ thuyền làm nghề bồi bếp và phục vụ, hoặc nghề tự do, chỉ có 1 số ít là công chức hoặc sinh viên. Để khỏi ảnh hưởng đến công việc làm ăn, bữa tiệc đón mừng năm mới được chuyển sang tối mùng 2 Tết, tức thứ bảy ngày 17-12-1923.
Mùa Xuân năm Giáp Tý (1924), Bác Hồ bí mật sang Nga, ở trong khách sạn Lux, số 10 phố Tevecskaia, Mát-xcơ-va. Bác rất mong gặp Lênin, nhưng Lênin đã qua đời. Tết năm ấy, Bác Hồ tay chân lạnh cóng, áo không đủ ấm, xúc động, lặng lẽ tiễn biệt Lênin. Đây là mùa Xuân đầu tiên Bác Hồ ở Liên Xô.
Tết Ất Sửu (1925), Bác Hồ với tên mới là Vương, là Lý Thụy... đã đón giao thừa ở Quảng Châu, Trung Quốc, mở lớp huấn luyện chính trị cho các thanh niên yêu nước Việt Nam “gieo mầm cách mạng cho Tổ quốc Việt Nam”.
Ngày mồng một Tết Bính Dần, (1926), Bác khai bút viết thư gửi Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, đề nghị gửi cho tài liệu để phục vụ tập san “Nông dân” sắp ra mắt. Mồng 2 Tết năm ấy, Đoàn Chủ tịch Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Quốc dân Đảng Trung Quốc đã mời một nhà cách mạng Việt Nam tên là Vương Đạt Nhân phát biểu ý kiến. Vương Đạt Nhân đã tố cáo thực dân Pháp đàn áp nhân dân Việt Nam, phá hoại cách mạng Trung Quốc... và kêu gọi: “Cùng nhau liên hiệp lại, không phân biệt nước nào, dân tộc nào... Tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung...”. Vương Đạt Nhân chính là Bác Hồ của chúng ta.
Mùa Xuân năm Đinh Mão (1927), Bác Hồ chủ trương ra tờ báo “Lính cách mệnh” nhằm mục đích tuyên truyền giác ngộ binh lính người Việt, xuất bản tại Quảng Châu. Sau đó 3 tháng, Bác rời Trung Quốc trở lại Liên Xô. Tết năm 1928, Bác Hồ ăn Tết với những bát cháo và bánh mì rẻ tiền tại một cửa hàng ăn của công nhân Bec-lin. Từ năm 1934-1938, năm mùa Xuân trên đất Liên Xô, Bác chỉ học, đọc sách, cắt dán báo, dịch tài liệu cho phòng Đông Dương của “Viện các vấn đề dân tộc thuộc địa”.
Trong 30 năm xa Tổ quốc, tìm đường cứu nước, ngày mồng 3 Tết năm Tân Tỵ (8-2-1941) Bác đã bí mật về đến Pắc-Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh dành độc lập cho dân tộc. Lần đầu tiên sau những năm tháng ở nước ngoài, Bác Hồ vui Xuân trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc sau hơn 30 cái tết trên đất khách, quê người./.
Nguyễn Tấn Tuấn
Theo http://www.baohaiduong.vn
Thu Hiền (st)