Sinh thời, cứ mỗi độ Tết đến, Bác Hồ lại gửi những vần thơ chúc Tết đến người dân cả nước. Đó là thông điệp mừng năm mới, cổ vũ, khích lệ tinh thần quân, dân trong chiến đấu, lao động. Vì vậy với nhiều người được Bác Hồ tặng riêng câu đối và thiệp mừng năm mới trong dịp Tết là một vinh dự lớn. Ở Đà Nẵng có không ít người đã từng được Bác Hồ gởi thiệp chúc Tết, và trong mỗi thiệp chúc đó, ẩn chứa nhiều câu chuyện dung dị về Người.

thiep Xuan a
Bác Hồ đến thăm mỏ Apatite Lào Cai năm 1958, ông Nguyễn Văn Lang (thứ 3 từ trái sang
đi bên cạnh Bác.

Lúc nữ Anh hùng Trần Thị Lý còn sống, tôi đã có dịp gặp, được chị kể lại kỷ niệm sâu sắc về những lần được gặp Bác Hồ. Trong đó có câu chuyện được Bác tặng thiệp chúc Tết. "Tôi còn nhớ chiều Xuân 1968, tôi được vào thăm Bác. Các chú cho tôi đến trước giờ hẹn, Bác đang làm việc trên một chiếc bàn đơn sơ. Tôi rón rén lại, Bác bảo: "Lý đó à? Cháu chờ Bác làm việc xong, một lát thôi!". Tôi thưa với Bác: "Thưa Bác, Bác làm việc nhiều quá. Tuổi Bác ngày càng cao, Bác giữ gìn sức khỏe để vào thăm đồng bào miền Nam!". Bác xúc động nói: "Bác phải làm việc nhiều thì miền Nam mới mau thống nhất, Bác sẽ vui nhiều, khỏe nhiều!". Lần gặp đó, tôi lại được Bác tặng chiếc thiệp Xuân này!" - chị kể. Đó là tấm thiệp Xuân năm 1968 có in bài thơ "Xuân này, hơn hẳn mấy Xuân qua...".

Tại nhà riêng chị Lý hiện còn lưu giữ 3 tấm thiệp chúc Tết 1967, 1968 và 1969 của Bác Hồ tặng

thiep Xuan b
Bác Hồ với nữ anh hùng Trần Thị Lý

Lần khác, trò chuyện với ông Phan Vinh, anh trai ông Phan Diễn - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Thường trực Ban Bí thư, ông kể câu chuyện về "bố tôi" và "ba tôi". Ông gọi "bố tôi" là để chỉ cha mình - ông Phan Thanh - dân biểu danh giá nhất Trung Kỳ; "ba tôi" là chỉ ông Lê Văn Hiến - vị Bộ trưởng Bộ Tài chính lừng danh của Cách mạng Việt Nam. Ông cho tôi xem tấm thiệp chúc Tết của Bác Hồ dành cho Bộ trưởng Hiến vào năm 1951. Trong một bữa ăn tối sau phiên họp Hội đồng Chính phủ, Hồ Chủ tịch ra một câu đối vui: "Giáp phải giải pháp". Ông Tôn Quang Phiệt (Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời đó) liền đối lại "Hiến tài hái tiền".

Cái hay của câu đối không chỉ ở vần, ở chữ, hai chữ đầu nói lái sẽ ra hai chữ cuối, mà còn ở chỗ nói được hai nhiệm vụ quan trọng của cách mạng lúc đó là: Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp phải "giải giáp" quân Pháp; Bộ trưởng Tài Chính Lê Văn Hiến phải "hái ra tiền" cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc! Trong suốt 12 năm liền (1946-1958), với cương vị là Bộ trưởng Tài chính, Lê Văn Hiến quả thật đã đạt được những thành quả đáng kinh ngạc cho nền tài chính non trẻ Việt Nam. Ông đã tổ chức phát hành "Giấy bạc Cụ Hồ", phát hành công phiếu kháng chiến, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hiện tiết kiệm gạo để nuôi quân... Chính ông là người có sáng kiến phát hành "Giấy bạc Cụ Hồ", đúc đồng bạc bằng vàng ròng, nhất là nêu danh bộ đội có chiến công oanh liệt vào serie giấy bạc đặc biệt, để phát hành trong toàn quốc...

Vì vậy, nhân dịp Tết năm 1950, Cụ Hồ đã gửi thiệp chúc mừng ông Hiến với nội dung: "Thân gởi ông Lê Văn Hiến - Bộ trưởng Bộ Tài chánh. Chúc năm mới kháng chiến Thắng lợi, Tài chánh phát đạt"... Và Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến đã giữ tấm thiệp đó như một báu vật, để đến bây giờ nó đang được lưu giữ, trưng bày trong Bảo tàng Hồ Chí Minh.

thiep Xuan c
Thiệp chúc Tết có chữ ký của Bác Hồ gởi Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến
năm Đinh Hợi 1950

Trong cuốn hồi ký "Một người Việt da đen", ông Nguyễn Văn Lang (tức Lang Đen) - chàng "trung phong của đội bóng đá Đà Nẵng", danh thủ một thời của bóng đá Trung Kỳ", sau này tập kết ra Bắc, được Đảng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: Giám đốc mỏ Apatite Lào Cai, Giám đốc mỏ than Hòn Gai kể lại kỷ niệm về lá thư và tấm thiệp Tết mà ông được Bác Hồ tặng. Ông kể: "Ngày 23-9-1958, Bác Hồ đã đến thăm mỏ Apatite Lào Cai. Sau khi thăm mỏ một vòng, Bác quay sang hỏi tôi: "Sau khi Bác thăm mỏ về, cháu sẽ làm những gì?". Tôi trả lời - "Thưa Bác, hôm nay Bác sẽ gặp cán bộ công nhân viên khu mỏ và nhân dân các dân tộc xã Cam Đường, Bác sẽ có những lời chỉ bảo, từ lời dạy của Bác, cháu sẽ phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác để hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1958 này ạ!". "Thế là tốt!". "Đến lúc nào thì các cháu không cần mời chuyên gia nước ngoài nữa?". "Thưa Bác, đến hết năm 1962, chúng cháu sẽ tự lực được!".

Thực hiện lời hứa với Bác, năm đó ông Lang và tập thể công nhân mỏ Apatite Lào Cai nỗ lực làm việc vì vậy mà đã vượt gấp 2 lần kế hoạch được giao so với năm 1957. "Khi biết tin đó, Bác Hồ rất vui, Tết năm 1959, Bác gửi cho chúng tôi một lá thư do Người tự tay viết: "Thân ái gởi công nhân và cán bộ Mỏ Apatite Lao Cai! Bác vui lòng khen các cô, các chú đã làm đúng lời hứa, đã thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch 100%. Mong các cô, các chú tiếp tục cố gắng hơn nữa, để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay. Bác hỏi thăm các đồng chí chuyên gia. Chúc các cô các chú đoàn kết chặt chẽ và tiến bộ nhiều!". Riêng tôi, Bác gửi tặng một tấm thiệp Xuân trên đó in hình một cành mai và ghi "Thân tặng chú Lang! Bác Hồ". Đó là kỷ niệm không bao giờ quên" - ông Lang kể.

Dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn nhớ chúc Tết, dù đó là vị Bộ trưởng hay đến người dân bình thường. Vì thế mỗi lần Xuân về, lời chúc Tết năm xưa của Bác vẫn còn vang vọng: "Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua"./.

Hoàng Giang

Theo Báo Công an nhân dân 

Bùi Hảo (st)

 

 

Bài viết khác: