Đất nước bị xâm lăng, Bác phải xa Tổ quốc 30 năm ròng tìm đường cứu nước. Ba mươi năm ấy Bác đón Tết ở nơi đất khách, quê người.

Mùa Hè năm 1911, Bác rời bến Sài Gòn, bắt đầu cuộc hành trình vạn dặm. Mùa Xuân năm Nhâm Tý (1912), Người đón cái Tết đầu tiên ở Niu-Oóc (Mỹ), Người tới thăm khu Hác-lem của người da đen, tìm hiểu cuộc sống của người lao động xã hội Mỹ. Năm 1914, Người đón Tết “con hổ” ở Luân Đôn – Thủ đô nước Anh, trong vai người phục vụ khách sạn.

Từ mùa Xuân năm 1918 đến mùa Xuân năm 1923, tại Pa-ri, Thủ đô nước Pháp, Người sống những cái Tết nhớ nước, thương dân và nhiều hoạt động cách mạng sôi nổi. Sau Hội nghị Véc-xai với bản yêu sách đòi quyền cho dân Đông Dương, năm 1920, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Xuân Tân Dậu (1921), Người có cuộc đối thoại với Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp An-be Xa-rô. Mùa Xuân năm 1922, ngày 1-4, tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) do Người làm chủ nhiệm và kiêm chủ bút ra số đầu tiên tại Pa-ri. Tháng 6-1922, Người cho công diễn vở kịch “Con Rồng tre” đả kích vua bù nhìn Khải Định khi ông vua này sang thăm “mẫu quốc”. Năm Quý Hợi - 1923, sau cuộc họp Hội Liên hiệp thuộc địa tại trụ sở báo Người cùng khổ ở số 3 phố Mác-sê Đê-pa-tri-ác-sơ, Người đã bàn với ông Nguyễn Văn Ái và Trần Tiến Nam tổ chức Tết Nguyên đán cho những người Việt Nam tại Pa-ri. Người đề nghị hai ông chuẩn bị thật cụ thể, chu đáo, vui vẻ nhưng tiết kiệm. Tối mùng 2 Tết năm ấy, tại hiệu ăn U-ni-vec-xta phố Pie Quy-ri, buổi tiệc trà vui Tết của Bác Hồ và những người Việt Nam sống tại Pa-ri diễn ra vui vẻ, ấm cúng. Bác tuyên bố sự hoạt động trở lại của Hội ái hữu. 20-6-1923, Bác bí mật rời Pa-ri đến Thủ đô Mát-xcơ-va dự Hội nghị Quốc tế Nông dân.

Xuân Giáp Tý (1924), Người đón Tết ở khách sạn Lux, số 10 phố Tvec-skai-a. Những ngày ấy giá buốt hơn mọi năm, trong tuyết lạnh Bác lặng lẽ tiễn biệt V.I.Lênin - người thầy của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Mùa xuân Ất Sửu -1925, Người tới Quảng Châu (Trung Quốc) với tên mới là Lý Thụy. Thời gian này, Người có nhiều hoạt động để chuẩn bị cho phong trào cách mạng trong nước. Người sáng lập báo Thanh niên, thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tổ chức các lớp học chính trị, đào tạo cán bộ.

Mùng 1 Tết năm 1926, Người khai bút viết thư gửi đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, đề nghị gửi tài liệu phục vụ tập san “Nông dân”. Ngày mùng 2 Tết, trên diễn đàn Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Quốc dân đảng Trung Quốc, dưới cái tên Vương Đạt Nhân, Người tố cáo thực dân Pháp đàn áp nhân dân Việt Nam, phá hoại cách mạng Trung Quốc và kêu gọi: “Cùng nhau liên hiệp lại ... Tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung ...”.

Mùa Xuân năm 1927, Người chủ trương ra tờ báo “Lính Kách mệnh” nhằm mục đích tuyên truyền, giác ngộ binh lính Việt Nam, xuất bản tại Quảng Châu. Sau đó tháng 4-1927, Người rời Quảng Châu, qua Liên Xô, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, I-ta-li-a, Pháp… và sang hoạt động ở vùng đông bắc Thái Lan.

Năm 1928, Người ăn Tết với những bát cháo và bánh mì rẻ tiền tại một cửa hàng ăn của công nhân Béc-lin. Mùa Xuân năm 1929, Người đón Tết cùng đồng bào Thái với cái tên mới là Thầu Chín. Với những hoạt động cách mạng rất tích cực của Người, thực dân Pháp lùng bắt Người và các đồng chí khác. Việc truy bắt Người không có kết quả, nhưng thực dân Pháp vẫn quyết định mở phiên tòa đại hình vào đầu tháng 10-1929 tại Thành phố Vinh, quê hương Người. Tại đây, Tòa án Nam Triều đã kết án tử hình vắng mặt lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí Trần Phú, Hồ Tùng Mậu. Mặc cho kẻ thù lồng lộn, chống phá, truy bắt, uy hiếp, tinh thần các chiến sĩ cộng sản không những không lùi bước mà họ càng tích cực hoạt động trong các phong trào đấu tranh của các tầng lớp công – nông - binh.

Vào dịp xuân Canh Ngọ -1930, được sự ủy nhiệm của Quốc tế cộng sản, với vai trò là Ủy viên Quốc tế cộng sản, phụ trách Cục phương Đông, Người về Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1931, Người đón Xuân và tham gia các hoạt động cách mạng ở Hồng Công (Trung Quốc). Tháng 6-1931, dưới cái tên Tống Văn Sơ, Người bị bắt và bị giam trong nhà tù của thực dân Anh ở Hồng Công. Năm 1932, được sự giúp đỡ của luật sư Lô-dơ-bai, Người được trả tự do. Năm 1933, Người đón Tết ở Hạ Môn (Trung Quốc). Mùa Xuân năm 1934, trong bộ quần áo dài Trung Quốc, Người lên một chiếc tàu hàng Xô-viết ở Thượng Hải đi Liên Xô. Năm 1939, Người trở lại Trung Quốc chuẩn bị trở về nước lãnh đạo cách mạng.

Năm Tân Tỵ -1941, vào ngày 8-2-1941, tức là ngày mùng 3 Tết, Người cùng các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Hoàng Sâm vượt cột mốc biên giới số 108 tại Cao Bằng về với đất Mẹ thân yêu. Sự kiện quan trọng này đã in dấu trong thơ Tố Hữu:

Ôi sáng Xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về... im lặng con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ.

Mùa Xuân này, lịch sử tiếp tục sang trang, cả nước ta đang trên đường CNH, HĐH, cả dân tộc chớp lấy thời cơ, vượt qua thử thách, vững bước hội nhập và phát triển… Con đường Xuân mà chúng ta đang đi, chính là con đường mà Bác đã lựa chọn qua ba mươi mùa Xuân xa Tổ quốc./.

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng

Ma Lệ Minh (st)

 

Bài viết khác: