Ðã 45 mùa Xuân Bác Hồ đi xa, nhưng tư tưởng của Người vẫn soi đường, dẫn dắt chúng ta vững bước đi lên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi mùa Xuân về, đất nước ta lại nở hoa thắng lợi; nhân dân ta lại đạt được những thành tựu mới trong sự nghiệp giữ nước và kiến quốc. Những thắng lợi ấy bắt nguồn và được soi sáng bởi tư tưởng cách mạng, nhân văn Hồ Chí Minh. Chúng ta đang bước vào mùa Xuân thứ 28 của Công cuộc đổi mới theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"; tư tưởng Hồ Chí Minh lại càng tỏa sáng, dẫn đường đưa chúng ta đến đỉnh cao mới trong sự nghiệp giải phóng con người.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa xã hội là làm cho nước nhà được độc lập, nhân dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, có công ăn việc làm, ai cũng được học hành, người có bệnh được cứu chữa, người già được chăm sóc, các dân tộc coi nhau như anh em một nhà, lại có quan hệ hòa bình hữu nghị với nhân dân thế giới, chủ nghĩa mang lại cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt đẹp cho nhân dân và chính do nhân dân tự xây dựng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Tư tưởng về con người và quyền con người, về giải phóng và phát triển con người, coi con người là nhân tố quyết định thành công của cách mạng quán xuyến trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Người cho rằng: "... nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Bác căn dặn cán bộ từ cấp trên đến cấp cơ sở phải thường xuyên hết sức quan tâm đến điều kiện sinh hoạt vật chất, tinh thần của nhân dân, phải chăm nom đến chỗ ăn, chỗ ở và chỗ làm việc của người lao động. Bác nhiều lần nhấn mạnh rằng, xây dựng xã hội mới là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Vì thế, tất cả đường lối, chính sách của Ðảng đều phải nhằm làm cho mọi người thỏa mãn nhu cầu đó. Bác nói: "Nước ta là nước dân chủ”.
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân". Bác căn dặn cán bộ, đảng viên ở các cấp đều phải thường xuyên ghi nhớ rằng: "... việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh". Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến khi thành vị Chủ tịch nước cũng như khi sắp "đi xa", bất cứ lúc nào, ở đâu, từ suy nghĩ đến việc làm, Bác đều xuất phát từ quan điểm tất cả vì con người và do con người, vì dân và do dân. Trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, quán triệt tư tưởng của Bác, chúng ta đã tích cực phấn đấu vì lợi ích của mỗi con người, gắn lợi ích của mỗi con người với tiền đồ của cộng đồng dân tộc; đồng thời hết sức coi trọng mục tiêu cải thiện đời sống của nhân dân các dân tộc mọi vùng khác nhau của đất nước. Ðảng, Nhà nước ta khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng, và đề ra nhiều chương trình hành động, phấn đấu để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành,...
Khi đã trở thành một đảng cầm quyền, Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ các cấp càng phải hết sức chăm lo lợi ích của nhân dân, gần gũi nhân dân, thương yêu nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư", phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; giữ gìn truyền thống đoàn kết trong Ðảng, đoàn kết với nhân dân, "thực hành dân chủ rộng rãi". Với nhãn quan chính trị thiên tài, Bác đã sớm tiên đoán những căn bệnh dễ phát sinh của bộ máy Nhà nước. Vì thế, từ rất sớm, Bác đã nêu vấn đề chống tham nhũng, quan liêu, mệnh lệnh, xa dân, khinh dân; đặc biệt là thói kiêu ngạo, "lên mặt" quan cách mạng, tham nhũng, hối lộ, ức hiếp quần chúng. Người coi đây là "giặc nội xâm" và đã tỏ thái độ kiên quyết trừng trị những kẻ thoái hóa, biến chất. Làm theo lời Bác, chúng ta phải kiên quyết làm tốt hơn công tác chống tham nhũng. Trong Di chúc, Người nói đến các chính sách đối với con người và căn dặn Ðảng ta phải quan tâm bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Bác đặt niềm tin lớn lao vào thế hệ trẻ. Theo Người: "... Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên", do lớp người "thừa kế cách mạng, những người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa", những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với lớp cha anh đi trước. Bác đã có lần nói rằng: "Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội". Sức Xuân của sự nghiệp đổi mới, của chủ nghĩa xã hội sẽ được nhân lên, sẽ nở hoa kết trái, nếu chúng ta biết khơi dậy và phát huy được mùa Xuân của thế hệ trẻ hôm nay và ngày mai, nếu chúng ta làm được những vấn đề trên theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện bằng những việc làm cụ thể phát triển thành những phong trào quần chúng ngày càng rộng lớn và có hiệu quả như "Xóa đói giảm nghèo", "Ðền ơn, đáp nghĩa", "Xóa mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục", "Chăm lo sức khỏe nhân dân, nhất là nhân dân lao động"...
Làm được như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ khơi dậy và phát huy được sức mạnh vô tận của thế hệ trẻ Việt Nam, của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, đưa sự nghiệp đổi mới đến những thắng lợi to lớn hơn trong mùa Xuân mới, một mùa Xuân hứa hẹn nhiều hoa thơm, trái ngọt./.
Ðại tá, PGS, TS Bùi Đình Bôn
Theo http://www.nhandan.com.vn
Thu Hiền (st)