Khối tài liệu này hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.
Chân dung nhạc sĩ Phong Nhã
Trong gia tài sáng tác của các nghệ sỹ, đã có nhiều bài hát hay dành cho lứa măng non yêu thương Bác Hồ. Bao năm qua, lớp thiếu nhi Việt Nam nhịp bước theo tiếng trống ếch rộn ràng, hát vang: Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng… Tuổi thơ cứ thế lớn lên trong trẻo theo biết bao ca khúc trẻ thơ của nhiều tác giả, trong đó anh phụ trách Đội lớp đầu tiên từ ngày độc lập 2/9/1945 cho đến nay tóc bạc tuổi 90, vẫn nguyên vẹn một trái tim yêu trẻ, đã không mệt mỏi sáng tác và hát cùng các em hàng chục bài ca, được các em yêu mến gọi là Nhạc sĩ của tuổi thơ – Phong Nhã. Và giờ đây, với tâm nguyện muốn lưu giữ và truyền lại những sáng tác chứa đựng đầy yêu thương, hy vọng dành tới lớp măng non của dân tộc, Nhạc sỹ Phong Nhã đã tự nguyện gửi toàn bộ bản thảo ghi chép, sáng tác, hồi ký hình thành trong cả một đời hoạt động sáng tác của mình vào bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Khối tài liệu gồm toàn bộ bản thảo các sáng tác ca khúc, các hồi ký, tập ảnh, các đĩa nhạc hình thành trong quá trình sáng tác và hoạt động phong trào thiếu nhi của Nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1923 tại Hà Nam. Vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước, ông hoạt động âm nhạc quần chúng trong hướng đạo sinh, sau đó ông liên tục hoạt động âm nhạc thiếu nhi và có nhiều đóng góp xuất sắc. Năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước đợt 1 với 5 bài hát: Nhanh bước nhanh nhi đồng, Kim đồng, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Đội ta lớn lên cùng đất nước, Hành khúc đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, cùng nhiều Giải thưởng, Bằng khen khác.
Ông chia sẻ với chúng tôi: “Sự tiếp nối tương lai của một dân tộc biểu hiện từ những mầm non, từ thái độ quan tâm, chăm sóc đối với thế hệ ấy. Từ năm 1926, khi cách mạng còn trong trứng nước, Bác Hồ đã nghĩ đến việc phải gửi những thiếu nhi Việt Nam sang học tập tại Maxcova. Cho đến phút lâm chung, Người còn nghĩ tới thế hệ tương lai của đất nước, coi đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đảng: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết.” Chính vì thế nên các bài hát của Nhạc sĩ Phong Nhã thể hiện chủ điểm lớn: Phong trào thiếu nhi và hoạt động của Đội, Tấm gương liệt sĩ anh hùng và Bác Hồ với thiếu nhi. Có thể nói Phong Nhã là nhạc sĩ viết nhiều hơn cả về Bác Hồ với thiếu nhi. Hình ảnh Bác Hồ và tấm lòng của thiếu nhi đối với Bác không chỉ gói trọn trong chùm ca khúc về Bác, mà còn được lồng vào các đề tài khác nữa.
Khối tài liệu của nhạc sĩ Phong Nhã được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
Tiếp cận khối tài liệu của ông, được nghe tâm sự và những sáng tác của ông, có thể thấy, với sự ngắn gọn và khúc chiết về cấu trúc trong ngôn ngữ, tính tự nhiên, linh hoạt, không thích bị gò vào những nguyên tắc cứng nhắc, lần đầu tiên hình ảnh Bác được vẽ lại qua con mắt trẻ thơ. Dáng cao, người thanh thanh, mắt như sao, râu hơi dài – không hẳn là ông tiên trong chuyện cổ tích chỉ đến trong mơ, chỉ để chiêm ngưỡng từ xa, mà Bác có thật trong đời, gần gũi như người ông trong nhà cho em có thể đưa tay vuốt chòm râu Bác, để em được ùa ra đón Bác về với tiếng reo vui: “A! Mừng quá đi thôi” (Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Bác chúng em đã về). Bầy trẻ nhớ Bác mỗi lần rước đèn phá cỗ Trung thu, bầy trẻ xúm quanh mừng thọ Bác và được Bác chia kẹo trong mỗi dịp xuân về (Ông trăng và bầy trẻ, Tết kháng chiến, Hoan hô trung thu hòa bình). Tiếng nức nở của các cháu thiếu nhi trong ngày tiễn biệt Bác đi vào cõi vĩnh hằng cứ xoáy mãi trong tim Nhạc sĩ, và ông đã để cho tiếng gọi thống thiết ấy vang lên trong câu hát: Bác Hồ ơi!
Bác Hồ ơi! Bóng Bác in trên Ba Đình rực sáng
Bóng Bác in trong trái tim nhi đồng (Bác sống đời đời).
Đội thiếu nhi diễu hành với tấm ảnh Bác đang tươi cười – bầu không khí thiêng liêng và cảm động ấy như một chất xúc tác giúp Nhạc sĩ hoàn thành hành khúc truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh đúng vào dịp Đội được mang tên Bác (Hành khúc Đội).
Bác vẫn sống mãi cùng đất nước, Bác âu yếm nhi đồng tình mênh mông (Hành khúc đội, Bài ca người phụ trách). Mọi nẻo đường, từ bản Mèo cheo leo vách núi đến đảo xa nơi đầu sóng ngọn gió còn in dấu dép cao su – đôi hài vạn dặm của Bác Hồ (Đôi Hài vạn dặm, Bản Mèo, Đảo quê em nhớ Bác). Dù ở nơi đâu, đến thăm đền Hùng thiêng liêng cội nguồn hay về Đồng Tháp bát ngát đầm sen, các em đều ghi lòng tạc dạ lời Bác dặn: Thi đua học tập tốt, kiến thiết nước non (Thăm đền Hùng, Mênh mông Đồng Tháp quê em). Các em hát tên Bác Hồ trong bài ca sum họp đất nước, các em phấn khích trong niềm vui lớn mừng Đội đón nhân tấm Huân chương rực rỡ tên Bác Hồ (Bài ca sum họp, Niềm vui lớn)...
Khối tài liệu ông bàn giao bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III không chỉ là những ca khúc sáng tác cho thiếu nhi, mà còn rất nhiều những hồi ký của ông. Đặc biệt phải kể đến hồi ký “Những bông hoa Tháng Tám đầu tiên của Thủ đô”, nói về hoạt động đáng ghi nhớ của lớp lớp măng non Thủ đô vui Tết Trung thu dân tộc: “Có hai Tết Trung thu đầu tiên có thể nói là tuyệt vời, Tết Trung thu độc lập đầu tiên, rằm tháng Tám năm Ất Dậu khớp với ngày dương lịch 20/9/1945, sau ngày khai trương Độc lập ít bữa, một số em được vào phá cỗ với Bác, lúc mà Bác Hồ đã nói những lời lẽ bình tĩnh, ung dung tuyệt vời: “Cái cảnh Trung thu trăng thanh gió mát hồ lặng trời trong của Trung thu lại làm cho các cháu vui cười hớn hở. Các cháu vui cười hớn hở, già Hồ cũng vui cười hớn hở với các cháu (Trích thư Trung thu năm 1945). Tết Trung thu năm thứ hai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 15 tháng 8 Bính Tuất, trúng vào ngày 10/9/1946. Đây là Tết Trung thu chống xâm lăng lạ nhất, chấn động nhất, vui tập thể say mê nhất bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Cũng tại Tết Trung thu này, Đội thiếu nhi đã có những kế hoạch cụ thể để tham gia vào tinh thần ngày 19/12/1946 lịch sử” (Hồ sơ 01, Phông Nhạc sĩ Phong Nhã, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III).
Đọc khối tài liệu của Nhạc sĩ, ta như được đắm chìm và thơ trẻ lại trong những bài ca của thời niên thiếu mang tâm tình Phong Nhã, trong lành như suối mát. Nhạc sĩ Phong Nhã đã thành công, ông đã đem lại cho thiếu nhi tiếng hát ngợi ca tình yêu đất nước giống nòi và tình bằng hữu quốc tế, tình yêu gia đình và tình bạn bè, Nhạc sĩ đã gửi trọn trong lời ca tấm lòng yêu thương và niềm tin của mình dành cho các em. Ông cũng khiến lắng vào lòng chúng ta, các anh chị phụ trách, các thầy giáo, cô giáo, các bậc cha mẹ, anh chị và toàn xã hội, một điều đau đáu, hãy làm tất cả những gì có thể làm để con em chúng ta được hít thở không khí xã hội, văn hóa, văn thơ, âm nhạc trong lành nhất, tinh túy nhất.
Chặng đường mới đang hứa hẹn những vinh quang. Từ mầu đỏ khăng quàng trên vai lớp trẻ thơ của dân tộc chắc chắn sẽ bay lên màu hồng rạng rỡ của tương lai đất nước như hoài vọng của Bác Hồ kính yêu./.
Luyện Thị Thu Thủy – Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
Kim Yến (st)