Bac-ho-voi-phu-nu-cac-dan-toc-thieu-so

Bác Hồ với Phụ Nữ Dân Tộc Thiểu Số

Kể từ ngày rời Bến cảng Sài Gòn, lên tàu ra đi tìm con đường cứu nước, Bác chưa một lần được trở lại miền Nam. Chưa được thắp nhang trên mộ người cha già – người đã nén mọi tình cảm riêng tư để động viên con dứt áo ra đi. Bác cũng chưa một lần được đến với Tây Nguyên. Nhân dân Tây Nguyên biết đến Bác Hồ chỉ qua những câu chuyện kể của cán bộ, qua những huyền thoại về Bác lưu truyền khắp đất nước. Nhưng tình cảm của Bác Hồ đối với Tây Nguyên thì bà con các dân tộc ít người trên dãy núi Trường Sơn đều biết đến qua hai lần Bác gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số ở Plei Ku năm 1946 và lá thư gửi qua cụ nhân sỹ già Y Bih Alêo. Nhân dân Tây Nguyên cũng luôn hiểu rằng “Miền Nam luôn ở trong trái tim” vĩ đại và chứa chan tình cảm của Bác Hồ. Chính vậy mà hình ảnh Bác như ngôi sao Bắc Đẩu, không chỉ soi sáng con đường theo Đảng đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc, mà còn như ngọn đèn trong đêm dài tăm tối để đến với âm no hạnh phúc hôm nay. Ngoài những bài ca dao, dân ca mà quy vi các ban đã biết, tình cảm của nhân dân Tây Nguyên đối với Bác Hồ, còn là chủ đề, là cảm xúc cho nhiều nhạc sỹ, từ trên chất liệu dân ca, sáng tác nên những ca khúc sống mãi theo thời gian.

Đầu tiên phải nhắc tới bài hát “Đêm thao thức” của nhạc sỹ người dân tộc Jrai Kpă Pui. Ông là người Tây Nguyên đầu tiên sáng tác âm nhạc và ca khúc đầu tay của ông ra đời năm 1955 là tình cảm của người Tây Nguyên đối với Bác Hồ. Bằng chất liệu dân ca Hrê hơi chậm và tha thiết,những lời mộc mạc của tấm lòng người Tây Nguyên đã được nhạc sỹ bày tỏ “Ôi sao sáng mến yêu, hãy nhắn lòng biết ơn, lòng mong nhớ tới Bác Hồ”. Tác giả khẳng định “Tây Nguyên đã đứng lên bước theo Bok Hồ giữ gìn quê hương”. Và trong những ngày đất nước còn tạm bị chia cắt làm hai miền, người Tây Nguyên vẫn vững tin vì có “Mắt Cha sáng long lanh thương yêu nhìn thấu lòng muôn người”, để rồi một ngày kia “Được ấm no muôn đời”. Sử dụng điệu thức thứ mềm mại, man mác, rất phù hợp với nội dung, bài hát không kết ở chủ âm mà kết ở bậc 5, như lòng ước mong của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên một ngày được đón Bác về thăm luôn luôn còn mãi .

Pako11-202x300
Người con gái Pa Cô

Điều đáng chú ý là bài hát “Đêm thao thức” là một trong số những bài đầu tiên sáng tác trên chất liệu dân ca Tây Nguyên, xuất hiện ở miền Bắc. Giai điệu lạ và đẹp, hơi buồn nhanh chóng được mọi người yêu thích.Thậm chí về sau này, ca sỹ Tường Vi đặt lời mới cho bài hát, lấy tên là “Gửi tới Bác Hồ”, cũng được đón nhận rất nồng nhiệt. Lời bài hát cũng là tình cảm hướng về Bác của Tây Nguyên “thương nhớ biết bao, từ mái tóc pha sương, từ trái tim trong sáng của Người”. Và mong đợi ngày “Sướng vui mừng đón Cha về”. Nghệ sỹ nhân dân Tường Vi và Nghệ sỹ ưu tú người dân tộc Hrê Kim Nhớ đã thành công rất nhiều năm khi biểu diễn hai tác phẩm này trên các sân khấu nghệ thuật ở trong và ngoài nước. Rất nhiều những ca khúc ra đời muộn hơn nhưng cũng nhanh chóng nổi tiếng vào thời điểm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một trong số đó là bài “Cánh chim báo tin vui” của nhạc sỹ Đàm Thanh. Bài hát thay lời nhờ những cánh chim báo tin vui Tây Nguyên chiến thắng và mang cả “lòng người dân Tây Nguyên thiết tha mong Người về thăm” tới với Bác Hồ. Sử dụng điệu thức trưởng khỏe khoắn, tiết tấu nhanh vui, rộn ràng, trên giai điệu dân ca Jrai với những quãng nửa cung rất đặc trưng. Bài hát có mặt trong rất nhiều chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, được nhạc sỹ Thanh Tùng lựa chọn chuyển biên sang cho nhạc không lời hòa tấu đầu tiên theo hình thức nhạc nhẹ. Đặc biệt được bạn yêu nhạc vô cùng tán thưởng.

Con-cháu-Bác-Hồ
Con Cháu Bác Hồ

Ít người biết rằng một số các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên không có họ. Sau ngày đất nước độc lập,bà con đã xin Bác Hồ cho được mang họ của Người, như các tộc người Vân Kiều, Pa Cô (Hay như người Pa Hy xin được mang họ Phạm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng) và họ vô cùng tự hào với điều ấy. Nhạc sỹ Huy Thục đã ghi lại hình ảnh của những cô gái Pa Cô “Con cháu Bác Hồ” khi nghe “Bác Hồ gọi ấy là mùa Xuân đến”, đã cùng rủ nhau “dù mưa bom cũng không ngại chi, đi đánh Mỹ để giữ núi rừng”, với quyết tâm “Giặc chưa hết chưa về dù rừng thương núi nhớ”. Bài hát viết trên điệu thức trưởng, điểm xuyết những nốt hoa mỹ nhỏ đặc trưng,dù không thấy bóng dáng đường nét, nhưng chất dân nhạc miền núi Trường sơn vẫn bộc lộ rất rõ nét. Mùa Xuân năm 1968, lời chúc Tết “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” của Bác Hồ vang vọng khắp núi sông. Nhạc sỹ Doãn Nho đã có ngay một sáng tác từ cảm xúc với vần thơ chiến thắng của Bác, trong tác phẩm “Tây Nguyên mừng đón thơ Bác”. Bài hát được trình bày dưới hình thức hợp xướng, thể hiện khí thế hào hùng của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, hòa chung trong sức mạnh của toàn dân, chiến đấu cho ngày toàn thắng của quê hương. Trên giai điệu nguyên gốc của một bài dân ca Hrê ,ở thể hai đoạn đơn,bài hát mở đầu tha thiết “rừng Tây Nguyên lắng nghe mừng đón lá thư Bác Hồ”. Để rồi hào sảng vang lên lời thơ của Bác “Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên toàn thắng ắt về ta”, với tiết tấu nhanh, sôi động, mạnh mẽ. Tác giả Doãn Nho đã kết hợp được giai điệu dân ca Tây Nguyên với lời thơ chúc tết hào hùng của Bác Hồ kính yêu, hài hòa giữa điệu thức thứ và điệu thức trưởng, tạo nên thành công cho ca khúc.

Sau ngày Bác Hồ đi xa, nhiều nhạc sỹ vẫn tiếp tục viết về tình cảm của nhân dân ta với Bác. Nhạc sỹ Lê Lôi cho ra đời ca khúc “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên”, phổ thơ của Kpă Y lăng, do ca sỹ người dân tộc Bana Măng Thị Hội trình bày lần đầu tiên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), đã nhanh chóng có được vị trí trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Bài hát là lời nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nhắn gửi rằng “ai thương, ai quý Bác Hồ bằng người Tây Nguyên” và “Bác Hồ sống mãi bên từng mái nhà, từng nương rẫy, trong điệu sáo tiếng đàn T’rưng”, Người mãi mãi cùng đi với chúng ta trên con đường đến tương lai. Vào thời điểm ấy, đây là một trong những bài hát viết về Bác Hồ với Tây Nguyên được coi là rất thành công. Chiến thắng Buôn Ma Thuột mùa Xuân 1975, Kpă Púi là một trong những nhạc sỹ đầu tiên có tác phẩm gửi từ chiến trường Tây Nguyên nóng bỏng ra Đài TNVN. Bài hát “Tây Nguyên giải phóng” viết ở điệu trưởng, phảng phất đường nét dân ca Bana, tiết tấu nhanh, vui, rộn rã ,nhắc đến “Công ơn của Bác Hồ khắc ghi đời đời” trong tâm hồn người dân Tây Nguyên khi “sông núi đất trời đã về ta”. Cũng Kpă Púi, là người nhạc sỹ đầu tiên ở Tây Nguyên, trong chuyến tham quan Liên Xô cũ, đã có sự liên tưởng giữa hai vị lãnh tụ Lê Nin - Bác Hồ, qua bài hát “Đôi mắt Lê Nin”,với tình cảm “Lòng bè bạn tự hào biết mấy” vì “Lê Nin - Bác Hồ là ngôi sao sáng”. Bài hát được trình diễn ngay ở Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, tác giả rất tự hào với phần đệm pianô của Nghệ sỹ Nhân dân Đặng Thái Sơn.

Cô-gái-Tây-Nguyên
“Ơn Bác Hồ kính yêu ngàn năm làng buôn ghi nhớ mãi”

Đất nước thống nhất, dù Bác đã đi xa, nhưng công ơn của Bác, hình ảnh Bác vẫn còn mãi trong lòng dân Tây Nguyên, Mạnh Trí, một tác giả âm nhạc ở Đăk Lăk trưởng thành từ sau giải phóng đã viết bài “Ơn Bác Hồ với người Tây Nguyên”. Bài hát viết trên chất liệu dân ca Êđê, tiết tấu dồn dập như nhịp điệu chiêng Knă, được trình diễn lần đầu tiên tại liên hoan thanh niên ở thành phố Hồ Chí Minh, sau đó còn được trình diễn ở nhiều nơi, như một lời tuyên ngôn của các dân tộc thiếu số Tây Nguyên “Ơn Bác Hồ kính yêu ngàn năm làng buôn ghi nhớ mãi”. Một tác giả khác người dân tộc Êđê ở Đăk Lăk, nhạc sỹ Y Sơn Niê, trong những sáng tác rất được phổ biến của anh ở các buôn làng, luôn gắn liền với tình cảm biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ sâu sắc. Như bài “Ơ chim Ktiă” có câu “Dân Tây Nguyên nhớ tới Bác. Ơn Đảng Bác có cuộc đời này”. Hoặc trong bài “Hoa suối" dựa trên ý một bài dân ca Êđê “Hoa Bác Hồ đua nở” thời chống Mỹ “Em là hoa của suối, anh là núi của ngàn. Hoa cha mẹ để lại. Hoa Bác Hồ cho ta”. Tác giả bài viết này, là người dân tộc Êđê, cũng có một sáng tác mang tựa đề “Bác Hồ, Người là sao Bắc Đẩu”. Trên đường nét dân ca Êđê, bài hát phỏng theo lời một bài ca dao thời kháng chiến chống Pháp của Tây Nguyên, ví “Bác Hồ là vì sao sáng, lấp lánh rực trời đêm. Bác là mặt trời lên, xua đêm dài tăm tối”, như nhân dân các dân tộc Tây Nguyên khẳng định “Bác là người chỉ lối, Bác Hồ vạch đường đi”, cho Tây Nguyên thoát khỏi cuộc đời tăm tối. Cũng đề tài “Nhớ ơn Bác Hồ,ơn Đảng", đề cập đến sự đổi thay của Tây Nguyên trong niềm biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ, với Đảng, tác giả Đức Bình ở Đăk Lăk có bài hát “Dâng Người lời ca Tây Nguyên hôm nay”. Tác giả Văn Thìn - Kon Tum, một nhạc sỹ gắn bó với Tây Nguyên từ những năm kháng chiến chống Pháp, đã bày tỏ tình cảm “người Kinh, Bana, Jrai, Jẻ Triêng... muôn người cùng nhau xây dựng cuộc đời mới. Ơn Bác, Đảng kính yêu nguyện đi theo Đảng trọn đời...”. Bài hát này dựa trên làn điệu dân ca Jrai, giản dị, ngắn gọn, dễ thuộc.

Em la hoa của suoi
“Em là hoa của suối, anh là núi của ngàn

Trong việc nhân dân các dân tộc Tây Nguyên cùng với cả nước, đóng góp gỗ quý của rừng già để xây dựng Lăng Bác, tác giả Văn Chừng ở Gia Lai đã viết bài hát “Bác Hồ trong lòng dân Tây Nguyên”. Đây là bài duy nhất viết về Bác Hồ với Tây Nguyên nhưng không sử dụng chất liệu dân ca Tây nguyên, mà dùng dân ca Nghệ Tĩnh để chuyển tải tấm lòng người Tây Nguyên khi “Cho con góp 79 bậc thang” làm căn nhà cho Bác yên nghỉ. Tuy nhiên, cho dù sử dụng chất liệu dân gian vùng miền nào, thì cũng chỉ là cách làm, phương thức sáng tạo và đặc biệt là từ sự chân thành trong cảm xúc của mỗi nhạc sỹ. Còn thành công đến đâu, lại ở phía người nghe, mà trong nghệ thuật đã xác định “là người sáng tạo thứ ba, sau tác giả và ca sỹ”. Tuy nhiên, phải thành thật mà nói rằng, kể từ cuối thế kỷ XX đến nay, những ca khúc hay viết về Bác Hồ ít xuất hiện, sống được trong lòng công chúng lại càng không nhiều. Có thể do các tác giả không tìm được cho mình những “tứ” mới về ca từ, cảm xúc nồng nàn cũng phôi pha theo thời gian. Các tác giả trẻ thì không có mấy những xúc cảm thật sự về Bác, vì thiếu ảnh hưởng trực tiếp. Ngay cả trong cuộc vận động sáng tác về đề tài Bác Hồ của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Ban Tổ chức Trung ương, cũng khó thấy ca khúc nào sẽ có chỗ đứng lâu dài trong công chúng, như những năm trước đây. Nhất là từ chất liệu dân ca Tây Nguyên. Rất có thể đâu đó trong kho tàng âm nhạc đương đại của Việt Nam còn nhiều ca khúc dùng chất liệu âm nhạc dân gian của Tây Nguyên nói về đề tài ơn Bác Hồ, mà người viết bài này chưa biết đến. Hy vọng với lòng kính yêu Bác, và những tâm hồn yêu nhạc, chúng ta sẽ có thêm những thông tin quý giá, để hoàn chỉnh thêm phần lưu trữ của mình. /.

Theo linhnganiekdam.vn
Minh Thu (st)  

Bài viết khác: