Dịp kỷ niệm lần thứ 96 Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh được Đại tướng mời về trưng bày bộ tranh có một không hai tại nhà riêng ở phố Hoàng Diệu. Đại tướng viết lời khen ngợi: “Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang với bàn tay điêu luyện và đức tính cần cù, đã khắc nên những bức tranh bằng đá về cả cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng ta. Tôi đã xem rất cảm động, cảm phục và tôi có lời khen ngợi nghệ nhân…”

10 năm "bén duyên" nghệ nhân

Ngày còn là một thiếu niên, Triệu Hoàng Giang đã từng được ghi khá nhiều công lao động ngang với người lớn. Vốn có năng khiếu hội họa từ nhỏ, Giang mê mẩn với các bức tranh bộ đội hành quân, chiến đấu và lao động cùng nhân dân. Lớn lên chút nữa, Hoàng Giang thường vẽ tranh sinh vật giúp các thầy, cô giáo giảng dạy... Sự ham mê ấy của anh được Nhà trường, thầy cô và lãnh đạo xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) ưu tiên ghi vào bảng chấm công điểm của hợp tác xã.

khac-tranh-bac-ho-len-da-bqllang.gov.vn
Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang giới thiệu các tác phẩm tại gia đình

Tốt nghiệp phổ thông năm 1978, chàng thanh niên 17 tuổi Triệu Hoàng Giang vinh dự được Nhà nước cử sang Bun-ga-ri học tập theo tiêu chuẩn của gia đình có con trai là liệt sĩ. Chuyên ngành anh theo học là cơ khí chính xác. Anh thấy ở nước bạn có rất nhiều tranh khắc đá ở các bảo tàng. Anh bảo, lần đầu tiên nhìn thấy những bức tranh khắc đá và biết đến ngành nghệ thuật khắc đá là anh mê luôn. Học cơ khí thì vẫn học nhưng mê vẽ dường như đã ăn vào máu của anh, vì thế, ngoài thời gian học, Triệu Hoàng Giang bỏ qua những toan tính và thú vui mua sắm hàng hóa gửi về nước giúp gia đình như những lưu học sinh khác, chỉ tơ tưởng đến tranh và nghệ thuật khắc đá. Anh đã đi khắp Bun-ga-ri và nhiều nước Châu Âu để tìm hiểu và chiêm ngưỡng nghệ thuật chạm khắc Châu Âu.

Đúng 10 năm sau khi đặt chân đến học tập ở nước bạn rồi về nước công tác, Triệu Hoàng Giang lại có dịp trở lại xứ sở của đất nước hoa hồng với nhiệm vụ làm phiên dịch tiếng Bun-ga-ri. Tuy nhiên, trong chuyến đi đó, bên cạnh nhiệm vụ phiên dịch, sức cuốn hút lạ kỳ của những bức tranh khắc đá đã vẫy gọi tâm hồn nghệ sĩ. Trong thời gian này, việc phiên dịch nhàn rỗi, cơ duyên đã đưa anh gặp một nghệ nhân chuyên khắc đá tên là I-va-lốp trong một triển lãm tranh điêu khắc Châu Âu. Gia đình nghệ nhân I-va-lốp có 3 đời chuyên làm nghề điêu khắc đá. Anh ngỏ ý được học nghề, I-va-lốp đồng ý nhận Triệu Hoàng Giang làm học trò nhưng thẳng thắn ra điều kiện: "Nếu lấy vợ, định cư ở đó thì sẽ không truyền nghề, nếu làm thủ tục về nước thì mới truyền nghề cho...". Vậy là trong chuyến công tác đó, Triệu Hoàng Giang đã thực hiện được mong muốn dai dẳng từ hàng chục năm trước, học được kỹ thuật khắc đá.

10 năm tâm huyết

Ý tưởng nung nấu thì lâu, nhưng khi triển khai thì gặp trăm nghìn khó khăn. Đá phôi lấy đâu ra? Kinh phí đi lại, mua đá, vận chuyển, lại còn nuôi vợ con... trăm thứ bà giằn!

Khó khăn lắm nhưng tâm hồn, trái tim nghệ sĩ thì luôn đam mê, thôi thúc. Năm 1996, Triệu Hoàng Giang bắt tay thực hiện ý tưởng. Ban đầu, anh mất khá nhiều công sức để khắc tác phẩm trên nền đá nhưng chất liệu đá giòn, vỡ hoặc rạn nứt ở các chi tiết nhỏ, phải kỳ công, tỉ mẩn. Không nản lòng, anh tiếp tục bỏ ra nhiều thời gian, trí tuệ, công sức và tiền của đi hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước để tìm đá nguyên liệu. Nhờ một người bạn am hiểu, có chuyên môn về địa chất, anh đã về Thanh Hóa và tìm thấy loại đá có độ nhẵn, mịn và rắn theo đúng yêu cầu nghệ thuật chạm khắc.

khac-tranh-bac-ho-len-da-bqllang.gov.vnb
Tác phẩm "Bút tích bản Di chúc cuối cùng của Bác Hồ"

Bức tranh đầu tiên anh lựa chọn để khắc họa là hình ảnh Bác Hồ đang quan sát tại Chiến dịch Biên Giới trên núi Báo Đông (Cao Bằng) năm 1950. Cứ 11 giờ hằng đêm là bắt đầu thời gian sáng tạo của anh. Sau hơn nửa năm, tác phẩm đầu tay hoàn thành, cũng là tác phẩm đầu tiên của bộ tranh khắc đá về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh có một không hai sau này.

Được vợ con, bạn bè cổ vũ, động viên, Triệu Hoàng Giang tiếp tục tạc hình tượng của Bác lên các bức đá như: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Bác Hồ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3”, “Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập”, “Bác Hồ với các đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam”, "Hồn nước" thể hiện hình ảnh Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Hùng năm 1954… Ngoài ra, nhiều tác phẩm khắc đá liên quan đến hoạt động của Bác như bìa sách Nhật ký trong tù, lán Nà Lừa (Tuyên Quang), lán Khuẩy Nậm (Cao Bằng), làng Kim Liên (Nghệ An), nhà sàn nơi Bác ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch… Tất cả đều rất đẹp và sinh động, thể hiện nét khắc tinh xảo, kỹ lưỡng, sự cẩn thận, miệt mài sáng tạo của tác giả. Công phu và tâm đắc nhất phải kể đến tác phẩm "Bút tích bản thảo Di chúc cuối cùng của Bác Hồ". Đây là tác phẩm yêu cầu tỉ mỉ, cẩn thận và không được phép sai sót. Tất cả các nét chữ, dấu, kể cả nét gạch, xóa đều được khắc nổi. Ròng rã 19 tháng trời, mỗi ngày anh chỉ khắc được một, hai chữ và khi hoàn thành, tác phẩm giống y hệt như bản viết tay của Bác.

Khoảng 10 năm trời, ba chục tác phẩm của Nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang thể hiện cuộc đời, sự nghiệp, quá trình hoạt động của Bác Hồ hoàn thành. Kích thước của các bức tranh đa phần là 30x40cm, một số bức lớn hơn. Bức lớn nhất là tác phẩm “Chống gậy lên non xem trận địa” có kích thước 100x120cm, khắc không gian 3 chiều, có chiều sâu 20cm, nét khắc khá thoáng đãng, mô phỏng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Chiến dịch Biên Giới 1950 của Nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An. Từ năm 2007, khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", bộ tranh được đưa đi trưng bày, triển lãm ở một số nơi trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, đã gây sự chú ý của dư luận.

"Hoàn thành tâm nguyện là vui"

Cuộc sống vốn không đơn giản. Sau chuyến đi làm phiên dịch và học nghề, năm 1991, Triệu Hoàng Giang về nước tiếp tục cùng vợ bươn chải, kiếm kế sinh nhai. Để phụ vợ làm hai sào ruộng, nuôi vài con gà, con lợn, bán cửa hàng tạp hóa nhỏ, anh hành nghề sửa chữa đồng hồ, đó là nguồn thu nhập chính và lấy nghề này để nuôi tâm huyết khắc tranh.

Căn nhà khá khang trang của vợ chồng Nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang-Bùi Thị Kim Tình ở khu 10, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) được xây cất 5 năm sau đó nhờ việc "thuận vợ, thuận chồng". Chị Tình cho biết: "Tiền làm nhà, ăn học của các cháu là tiền tích cóp được từ bán hàng tạp hóa, nuôi lợn và sửa đồng hồ của anh ngày xưa, chứ nghề khắc đá của anh chỉ có chi phí đi chứ không có thu chú ạ!".

Căn nhà ấy giờ là nơi trưng bày bộ tranh khắc đá về Bác Hồ. Bên cạnh ban thờ gia tiên là các tác phẩm được phủ vải đỏ. Thi thoảng có láng giềng, bạn bè, Hội Mỹ thuật tỉnh Phú Thọ, nơi anh Giang tham gia hay khách thập phương nghe danh tìm đến chiêm ngưỡng, vợ chồng Nghệ nhân Triệu Hoàng Giang lại có dịp đàm đạo, chia sẻ. Xưởng mỹ thuật điêu khắc thủ công của gia đình nhỏ, hẹp nhưng bấy lâu, các tác phẩm về chủ đề lãnh tụ đã choán gần như trọn vẹn tình cảm của tác giả. "Hoàn thành tâm nguyện tạc hình ảnh Bác vào những bức tranh đá, tấm lòng của mình đối với Bác được mọi người ghi nhận là tôi vui rồi" - Anh Giang chia sẻ như vậy, còn chị Tình cho biết thêm: "Thời điểm sáng tác, có đợt anh thức cả đêm, quên ăn ngủ, mặc áo mưa làm để tránh bụi. Vất vả lắm nhưng thấy anh toàn tâm sáng tác, tôi chỉ biết tham gia cùng các công việc phá khối, đánh bóng để động viên anh".

Hai cậu con trai của anh sau này đều công tác trong quân đội, khi còn nhỏ, hai cháu đi học về là phụ giúp bố mẹ việc nhà, khắc tranh. Từ năm 2007 đến nay, bộ tranh lãnh tụ Bác Hồ của Nhà điêu khắc Triệu Hoàng Giang đã 5 lần chính thức được mời đi trưng bày, triển lãm ở nhiều nơi. Mỗi lần triển lãm, có tới hàng nghìn người tới dự và đều tỏ lòng ngưỡng mộ. Chị Văn Thanh Hải, cán bộ Bảo tàng Hùng Vương (Phú Thọ) nhận xét: “Xem trọn bộ tranh khắc đá mới thấy tình cảm và sức sáng tạo của tác giả lớn đến nhường nào. Mỗi lần xem tranh là một lần ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và phong cách gần gũi, giản dị của Bác”.

Đợt trưng bày kéo dài hai tháng ở Thái Nguyên là đợt duy nhất Ban Tổ chức hỗ trợ anh 8 triệu đồng chi phí vận chuyển, còn lại tất cả các đợt trưng bày, triển lãm, anh đều không thu phí. Vào dịp kỷ niệm lần thứ 96 Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh được Đại tướng mời về trưng bày bộ tranh có một không hai ấy tại nhà riêng ở phố Hoàng Diệu. Anh nhớ mãi lời căn dặn ân tình của Đại tướng: "Cháu hãy phát huy hết tài năng và trí tuệ của mình cho lịch sử dân tộc". Nhiều người dân xem tranh tại các đợt triển lãm rồi mê, muốn mua tranh lắm nhưng chủ nhân không bán, trong đó tác phẩm "Chống gậy lên non xem trận địa" có người sẵn sàng trả giá tới 2 tỷ đồng. "Mình bán đi thì tiếc lắm, mất hết ý nghĩa tác phẩm nghệ thuật về lãnh tụ" - Anh Giang tâm sự như thế..

 

Thư khen của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: “Tôi rất xúc động được gặp Bác qua tác phẩm tuyệt diệu của đồng chí Triệu Hoàng Giang. Xin cảm ơn đồng chí đã cho tôi được gặp lại, đọc lại, nghe lại tất cả những gì Bác đang căn dặn con cháu…”

 

 

Bài và ảnh: Đức Hanh, Dâng Triều

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: