Hoà bình lập lại ở miền Bắc, không lâu sau một trong những bệnh viện ở Hà Nội được thành lập. Chỉ một tuần sau bác sĩ và y tá của bệnh viện số đông là người Nga đã nhận bệnh nhân vào điều trị, là Bệnh viện Hồng thập tự của Liên Xô (Sau này gọi  là Bệnh viện Hữu Nghị). Bác Hồ cùng các viên chức cao cấp của ngành Y tế đã đến thăm. Bác sĩ trưởng Bệnh viện người Nga cùng một số viên chức y nghiệp Liên Xô rất vui được đón Bác.

Những người công tác tại đây sau này đã thuật lại điều Bác nói, đại ý: Y tế của chúng ta được nền y tế vĩ đại của Liên Xô trợ giúp, thì đó là một diễm phúc. Trong thời gian các đồng chí y bác sĩ Liên Xô công tác tại Việt Nam ta, các đồng chí ấy sẽ giúp chúng ta có thêm kiến thức về phương pháp điều trị, về phương pháp khai triển hệ thống của ngành Y tế ra khắp đất nước, và tới tận các mặt trận, dẫu là quân và dân ta đang chiến đấu ở đâu.

Bác còn nói thêm về cách tổ chức những mạng lưới của y nghiệp để đáp ứng kịp thời nhu cầu chữa lành và điều trị thương, bệnh binh và gìn giữ bảo đảm sức khoẻ cho người dân ở mọi vùng, nhất là vùng sâu vùng cao của đồng bào các dân tộc. Bác Hồ nhân đó nói riêng với các thầy thuốc và y tá Việt Nam cùng làm việc tại bệnh viện.

y nghiep

Bác nói đại ý: Liên Xô trong kháng chiến phát xít Đức đã hy sinh gần ba mươi triệu người vừa là dân vừa quân nhân. Đến thời kỳ cuộc tổng phản công, chỉ trong một thời gian ngắn đã có tới hơn mười triệu Hồng quân ào ạt tấn công vào nước Đức quốc xã, tràn vào Béc lanh, tróc nã Hít le từ hầm ngầm moi lên. Trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, chúng ta bây giờ hãy hình dung xem, việc bố trí mạng lưới lớn về các trạm quân y dã chiến để cứu chữa cho hàng triệu các chiến binh bị thương. Chúng ta sẽ thấy được công cuộc tổ chức phi thường này.

Bác nói tiếp, đại ý: Chúng ta rất mong các đồng chí thầy thuốc, y tá, các cán bộ quân y Liên Xô sẽ truyền lại cho chúng ta phương pháp tổ chức hệ thống quân y và dân y trong cả nước ta. Rồi Bác hỏi đồng chí giám đốc bệnh viện rằng, các đồng chí sang công tác tại Việt Nam có khó khăn gì không. Đồng chí ấy cười và thưa với Bác, các bác sĩ và các đồng chí y tế Việt Nam đã giúp cho rất đầy đủ. Bây giờ cả hai y tế Liên Xô và y tế Việt Nam đang trao đổi và học hỏi nhau các phương pháp điều trị của hai nước, và phía Liên Xô thì đang tìm hiểu sâu về các chứng bệnh của con người vùng nhiệt đới để có phương pháp điều trị thật tốt cho người bệnh Việt Nam.

Ngày 15 tháng 12 năm 1954, Bác đến thăm Bệnh viện Bạch Mai. Ngày ấy, hai bệnh viện lớn là Bạch Mai và Phủ Doãn, các bác sĩ và y tá tiến bộ của hai bệnh viện lớn này đã trải qua trận chiến rất gay go và căng thẳng trong đấu tranh với thế lực quân đội Pháp trước khi chúng rút khỏi thủ đô Hà Nội, chúng muốn vơ vét tất cả máy móc thuốc men của hai bệnh viện này cùng với sự o ép, lôi cuốn, dụ dỗ ráo riết các bác sĩ và y tá đi cùng  với chúng vào Nam.

Nhưng rồi nhờ có đội ngũ cán bộ của ta rất tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng và chính sách khoan hồng của Đảng, của Chính phủ và đặc biệt là của Bác Hồ, nên rất nhiều các nhà chuyên môn về y nghiệp đã tích cực chống lại sự dụ dỗ độc ác của địch, và cùng nhau giữ lại tất cả các máy móc phục vụ cho y nghiệp.

Ngày Bác đến thăm Bệnh viện Bạch Mai, Bác đã khen ngợi tinh thần yêu nước, yêu người bệnh của tất cả các bác sĩ, y tá và khán hộ. Họ thật xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Ông Giám đốc bệnh viện cũng báo cáo với các bác sĩ, y tá đang tận tâm học tập, điều khiển các máy móc dùng trong y tế là những hệ thống máy nhập của Châu Âu do Pháp nhận và dùng tại bệnh viện này. Bác chăm chú nghe và nhắc nhở đến sự chân thành thật thà trong đoàn kết. Đoàn kết như anh em cùng một nhà cùng một cha mẹ sinh ra.

Giữa các viên chức y nghiệp mới đã làm việc lâu năm tại Bệnh viện với anh em y nghiệp từ ngoài Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, tiếp tục làm việc tại các khoa trong bệnh viện. Ông Giám đốc bệnh viện báo cáo tiếp với Bác về việc tổ chức các lớp học chuyên môn cho tất cả các bác sĩ y tá của cả hai, những anh chị em từ ngoài Việt Bắc và các tỉnh về, và những anh chị em đã làm việc tại bệnh viện này thời Pháp tạm chiếm Hà Nội.

Nội dung của buổi học tập là chuyên sâu vào các phương pháp điều trị đã có và cả những phương pháp điều trị mới, do các bác sĩ thụ học từ các quốc gia bên châu Âu về nước, và làm việc tại đây. Ông giám đốc bệnh viện còn báo cáo với Bác về việc thường xuyên tổ chức các buổi học tập, trao đổi khi có một ca chữa phức tạp, để tất cả các bác sĩ y tá cùng trau dồi và rút kinh nghiệm, để đội ngũ y nghiệp của các khoa trong bệnh viện sẽ chữa trị tốt những ca tương tự khi họ gặp phải.

Bác lắng nghe chăm chú và Bác rất khen ngợi cách tổ chức nâng cao và trau dồi y nghiệp. Bác nói ngày xưa các lương y lựa chọn rất kỹ và rất nghiêm khắc về người kế nghiệp. Con cháu có được cha ông là Lương y lựa chọn nối nghề, thì cũng phải mười năm rèn tập, rồi mới được trực tiếp bắt mạch bốc thuốc cho người bệnh.

Năm 1955, Bác Hồ đến thăm Bệnh viện Phủ Doãn. Ở đây số các nhà chuyên môn về y nghiệp giỏi có nhiều, và cũng giống Bệnh viện Bạch Mai, khi Pháp rút khỏi Hà Nội, anh em trong Bệnh viện đã đấu tranh không khoan nhượng, kiên quyết giữ lại máy móc y tế là các tài sản quý dùng trong các chuyên khoa. Tại bệnh viện này, Bác còn xuống xem xét khu nhà bếp, và sau khi đi thăm một lượt, Bác vô cùng hài lòng về sự ngăn nắp, và rất sạch sẽ của khu bếp núc và nơi phân phối các món ăn cho toàn bệnh nhân của Bệnh viện.

Năm 1961, Bác về thăm giếng nước ăn của nông dân xã Tân An, huyện Yên Dũng. Xã Tân An là xã dẫn đầu về vệ sinh phòng dịch của tỉnh Bắc Giang. Năm 1962, Bác về thăm xã Quảng An, Hà Nội. Bác thấy có nhiều cháu bé đau mắt vì thiếu nước sạch để dùng, Bác đã tặng xã một khoản kinh phí từ sổ tiết kiệm của Bác, để dân ở đây đào giếng. Và sau đấy giếng dân đào bằng kinh phí Bác cho tại thôn Quảng Khánh. Cũng từ đó dân xã này gọi là “Giếng Bác Hồ”.

Cuối năm 1961, Bác về thăm Trạm y tế của xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Giữa năm 1963, Bác về thăm Bệnh xá của thành phố Nam Định. Cũng từ đây, là một giai đoạn rất quan trọng, các trạm y tế xã được thành lập và đã làm nên mạng lưới y tế trong cả nước.

Vậy nền móng nhân văn của y nghiệp trong Đạo đức Hồ Chí Minh, từ trước tới nay luôn luôn rất được nhân dân cả nước bảo nhau coi trọng. Trong dòng cuối của bức thư đầu tiên Bác gọi Bệnh viện là Nhà thương. Hai từ Bệnh viện nó lạnh và trừu tượng. Phải gọi nơi chốn cho những ai trong nước ốm đau, có bệnh đến đó mà chữa bệnh là Nhà thương mới đúng.

Nhà thương có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất chỉ về những người thương tật ốm đau. Và điều rất quan trọng, nghĩa thứ hai là người ốm đau có bệnh đến đó, là nơi tràn ngập một tình yêu thương không bờ của tất cả bác sĩ y tá. Và, có nhà thương của Chính phủ thì gọi là Nhà thương công. Những người giàu có, với lòng thương con người khôn nguôi, thì họ cùng nhau lập nên Nhà thương tư.

Câu đầu của bức thư thứ ba Bác viết: “Y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà lại là một nghĩa vụ. Những người trong y nghiệp còn có một nghĩa vụ. Một công cuộc nữa sẽ gắn bó với người của y nghiệp, đó là thực hiện nghề mình suốt cả một đời người. Vậy, không thể có hưu trí với người của y nghiệp nữa. Chẳng là thế này, nước nọ có một câu chuyện như sau về việc hưu trí. Vị Bộ trưởng Bộ Y tế đến thăm bệnh viện nọ.

Có một bác sĩ phẫu thuật tuổi đã 85 rồi, theo như hành chính thì bác sĩ đó phải nghỉ, nhưng lòng vẫn không muốn đâu, vì cụ muốn làm việc đến khi nào chết. Ông Bộ trưởng Bộ Y tế mỉm cười quay sang nói với một cô bác sĩ đứng gần ông: “Cháu nhổ lấy một sợi tóc rồi thả xuống mặt bàn phủ tấm kính này...”. Cô bác sĩ chưa hiểu vì sao vị Bộ trưởng lại bảo với cô như vậy. Nhưng cô vẫn làm theo lời của vị Bộ trưởng. Lát sau trên mặt bàn kính có một sợi tóc dài.

Vị Bộ trưởng liền nói với ông già tuổi 85, bác sĩ phẫu thuật: “Nào, bây giờ tôi mời cụ, bằng hai ngón tay thôi cụ cầm và nhắc được sợi tóc này lên”. Rồi vị Bộ trưởng mỉm cười chăm chú nhìn bàn tay già nua của cụ bác sĩ phẫu thuật. Cụ bác sĩ phẫu thuật cũng mỉm cười, nhẹ nhàng và rất tự nhiên cụ đưa hai ngón tay, ngón cái và ngón chỏ bên bàn tay phải, và thong thả cụ cầm lấy sợi tóc trên mặt bàn kính lên, chìa ra trước vị Bộ trưởng.

Ông Bộ trưởng vỗ tay và nói như reo: “Hoan hô, tay cụ vẫn rất khéo và chính xác lắm. Vậy thì xin cụ cứ làm theo nguyện vọng của cụ. Rồi đây, tôi sẽ có một quyết định trình Chính phủ rằng, chỉ riêng trong ngành y tế, ai muốn làm việc suốt đời xin cứ làm theo ý mình. Còn ai muốn hưu trí như nhân viên của mọi ngành thì cũng vậy...”.

Xin được trình bày thêm những đức tính cực kỳ quan trọng mà những thầy thuốc, những dược sĩ, những y tá tự thuở nào đã đặt lên hàng đầu, đó là công cuộc của y nghiệp là công cuộc của niềm yêu thương. Yêu thương tận đáy lòng với tất cả những ai đến Nhà thương của họ để chữa bệnh. Như vậy cững từ đây niềm vui mừng tham gia xác lập mối quan hệ giữa những con người trong nghề của Y nghiệp với nhau, của y nghiệp với những người đang lành bệnh.

Và được như thế rồi, thì cũng là nền tảng của sự bình an. Để từ đấy những người của y nghiệp có trong tâm khảm sự nhẫn nại, sự nhân từ và sự lương thiện. Góp thêm phần rất đắc lực vào đắp bồi gìn giữ nền tảng đoàn kết trong nội bộ đội ngũ của y nghiệp. Rồi khi đã có một cách hiển nhiên các điều trên đây thì tự mỗi con người của y nghiệp đầy ắp đức tính Trung tín trong học hỏi, trong trau dồi để nâng cao, và để chuyên sâu và vô vàn các phương pháp chữa bệnh mới tiên tiến hiện đại.

Và đến đấy, mỗi con người của y nghiệp lại sẽ toả sáng ra đức tính nhu mì, để cùng nhau tiếp tục trau dồi cho có thêm những tiến bộ mới, đến khi được như vậy rồi, thì tự nhiên họ trở nên như những chuyên gia rất đáng kính trọng và họ truyền sang nhau niềm tiết độ để gìn giữ và phát triển một cách chắc chắn cho những thành quả mà họ đã đạt được.

Với tất cả chín đức tính trên đây, đội ngũ y nghiệp của bất cứ một nhà thương nào, họ cũng sẽ kiến tạo nên như những ngôi đền thiêng, tôn quí, trọng thể, cao cả là sự thiêng liêng của bên trong đời sống mỗi con người dẫu đó là họ, hay là bất cứ người bệnh đang điều trị nào, hay cả người đã vừa lành bệnh. Đó thực sự là một hệ quả lớn có từ mọi mối quan hệ, trong mọi mối bang giao của giữa những người dành trọn cuộc đời cho y nghiệp, với người bên ngoài, tỏa sáng ngời một nền nếp của Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Vâng, Nhà thương - Ngôi đền thiêng, đã và đang dạt dào đạo đức lớn lao của những con người trong y nghiệp. Đó, chính là cái đau đáu và vô cùng bức thiết của nền móng nhân văn có từ y nghiệp trong đạo đức Hồ Chí Minh./.

Nhà văn Bùi Bình Thi

Theo http://antgct.cand.com.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: