Nữ giới thường chiếm đến phân nửa số dân của một quốc gia. Nước Việt Nam từ xưa trồng lúa nước và làm thủ công, lao động chân tay là chính nên việc xây dựng kinh tế nước nhà cũng như tham gia đánh giặc giữ nước, phụ nữ có đóng góp rất lớn. Bác Hồ nhận thức rất sâu sắc điều này nên từ buổi đầu cách mạng, lúc lãnh đạo Chính phủ, mãi đến cuối đời Bác luôn luôn dành cho nữ giới tấm lòng trân trọng, yêu thương.
Trong Việt Nam Quốc sử diễn ca, Bác vinh danh những bậc liệt nữ anh hùng
Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh Đông dẹp Bắc làm gương để đời
Hai Bà Trưng có đại tài
Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian
Ra tay khôi phục giang san
Tiếng thơm đời tạc đá vàng nước ta
Tỉnh Thanh Hóa có một bà
Tên là Triệu Ẩu(*) tuổi vừa đôi mươi
Tài năng dũng cảm hơn người
Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương…
Trong lịch sử chiến đấu giành độc lập đã có những tấm gương hy sinh lẫm liệt, để lại cho đời bao nhiêu tiếc thương, quý trọng có thể kể một số gương đại diện như nữ anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Ngân (Phạm Thị Vân), Võ Thị Sáu, Đặng Thị Kim, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Hạnh, Lê Thị Riêng, mười cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, nữ Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, 32 dân công hỏa tuyến trong đó có nhiều chị em gái hy sinh ở Vĩnh Lộc - Bình Chánh trong năm Mậu Thân, các nữ tù chính trị chuồng cọp Côn Đảo… Chị Trần Thị Kim Cúc, nữ chiến sĩ biệt động thành 8 lần được gặp Bác (quê huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, Đội trưởng Đội Công tác đặc biệt của Huyện ủy Hòa Vang). Đặc biệt trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, đất nước ta đã có đến hơn bốn vạn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (44.253 mẹ), trong đó có những Bà mẹ rất tiêu biểu như Mẹ Nguyễn Thị Thứ, Mẹ Suốt, Mẹ Bùi Thị Mè, Mẹ Trương Thị Bảy, Mẹ Nguyễn Thị Rành… Phụ nữ Việt Nam thật xứng đáng với tám chữ vàng Bác Hồ trao tặng: Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang.
Trong thời kỳ vận động cách mạng, Bác luôn thể hiện quan điểm: Trẻ em và phụ nữ là lớp người khổ nhất trong những người cùng khổ ở các nước thuộc địa. Trong “ Bản án chế độ thực dân” Bác từng lên án bọn thống trị “ đối xử một cách hết sức bỉ ổi với phụ nữ… xúc phạm phong hóa, trinh tiết và đời sống của họ”.Trong các bài báo Bác viết liên quan đến phụ nữ thuộc địa trong thời kỳ này đều thể hiện quan điểm trên.
Trong cương lĩnh đầu tiên, Đảng đề ra chủ trương “ Nam nữ bình quyền”, “ Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ”
Đầu năm 1946, trong lần bầu cử Quốc hội đầu tiên, nữ cử tri đã được tham gia một cách bình đẳng như nam cử tri và chính cử tri nữ đi bầu hăng hái nhất. Thực tế ấy minh chứng phụ nữ nước ta được hưởng quyền bầu cử, ứng cử sớm như trong một ít nước thuộc Khu vực Đông Nam Á và Châu Á thời bấy giờ.
“Bác thường nhắc: Lực lượng phụ nữ không nhỏ, có khi số lượng còn đông hơn nam giới, vì thế khi giải quyết việc gì trong dân, điều quan trọng là phải làm như thế nào đối với phụ nữ. Ở Việt Nam, Châu Á, Châu Phi, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ rất rõ rệt. Phụ nữ Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt hai lần bị bóc lột: Đế quốc và ý thức hệ phong kiến với "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" đã đè nặng lên người phụ nữ.”
Trong cương vị lãnh đạo Đảng, Bác chủ trương “ Để xây dựng CNXH thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi phụ nữ”. Năm 1952, kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bác khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Tại Đại hội Phụ nữ tích cực Thủ đô lần thứ hai 8/3/1960, Bác nói: Hiện nay, trong các ngành phụ nữ tham gia còn ít, dù vậy Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, Chính phủ sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Thực tế từ những năm sáu mươi về sau này phụ nữ giữ chức trách cao trong các ban ngành Chính phủ ngày càng nhiều như các bà Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình…
Một trường hợp đặc biệt chứng tỏ tấm lòng ưu ái của Bác dành cho nữ giới: Tháng 1/1963, trong một phiên họp của Bộ chính trị, Bác Hồ đã đọc một lá thư của người phụ nữ là cán bộ cách mạng ở Vĩnh Phúc, chị này bị chồng đối xử, đánh đập tàn tệ mà không được chính quyền, đoàn thể sở tại can thiệp, cán bộ, đảng viên thì lẩn tránh trách nhiệm. Bác cho đó là tội ác, là tàn dư tồi tệ nhất của chế độ cũ và yêu cầu Bộ Chính trị ưu tiên giải quyết vụ việc ngay trong cuộc họp. Đấy là phong cách làm việc đặc biệt của Bác, cụ thể, thiết thực, nói đi đôi với làm, hiệu quả, không phô trương.
Và cảm động biết bao, trong những ngày cuối cùng của đời mình, Bác viết trong Di chúc: Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm có nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.”./.
Năm Dân (Thực hiện)
(*) Triệu Ẩu còn có tên là Triệu Thị Trinh.
Theo http://daihoclongan.edu.vn
Khúc Thị Lan Hương (st)