Bức thư Bác Hồ gửi cho Trường Y tá trong y nghiệp của Liên khu I (Đây là tên gọi các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng thời kháng chiến chống Pháp). Ngay trong câu đầu của bức thư Bác Hồ viết: Y tá chẳng những là một nghề nghiệp mà lại là một nghĩa vụ.

Bức thư thứ Ba

Thư gửi nam nữ học viên Trường Y tá Liên khu I

Các bạn yêu quí, Y tá chẳng những là một nghề nghiệp mà lại là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những giúp chữa bệnh mà còn phải phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn và bồi bổ sức khoẻ của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó. Phải giàu lòng bác ái hy sinh. Trong phong trào thi đua ái quốc, tôi mong các bạn xung phong học và hành ngày càng tiến bộ.

Với tinh thần thanh niên hăng hái của các bạn, với sự huấn luyện ân cần của các giáo viên, tôi chắc các bạn đều làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 2 năm 1949

HỒ CHI MINH

(Chép trong Hồ Chí Minh toàn tập, tr. 567 tập 5, 1947-1949)

Bức thư trên Bác Hồ gửi cho Trường Y tá trong y nghiệp của Liên khu I (Đây là tên gọi các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng thời kháng chiến chống Pháp). Ngay trong câu đầu của bức thư Bác Hồ viết: Y tá chẳng những là một nghề nghiệp mà lại là một nghĩa vụ.

Một nghề nghiệp: Nó hàm súc một chuyên môn dành cho cả một đời người. Nó hàm súc một ý nghĩa lớn, đó là chuyên môn của y nghiệp này, được người y tá luôn luôn đem ra dùng đến bất cứ khi nào bất cứ lúc nào, khi người y tá đó đối diện với người đau, người bệnh.

Những nghề khác thì không có hai từ nghĩa vụ đi kèm phía sau, thì cũng có nghĩa cái nghề ấy người có nghề dùng nó trong một thời hạn nhất định là thời hạn trước năm của thời hạn nghỉ hưu. Sau câu trên, Bác Hồ viết câu thứ hai: Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, để bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Khang kiện là hai từ Hán Việt có nghĩa con người được bình an, tinh thần khoẻ mạnh và thân thể cường tráng. Và tiếp là ba từ nữa: Của giống nòi.

Xin được hiểu như sau về ba từ này: Dẫu người thầy thuốc, y tá đó đang làm việc, đang hành nghề tại bệnh viện thuộc bất cứ tỉnh nào, thành phố nào, thì tầm vóc vị thế của người thầy thuốc, người y tá đó là tầm vóc của toàn quốc, của cả nước.

Năm 1960, năm dân ta trong cả một đất nước đã bị chia cắt từ 16 năm trước, bắt đầu vào một cuộc kháng chiến lớn: Chiến đấu chống Mỹ và chế độ tay sai tại miền Nam. Vì vậy bức thư trên đây chính là một đề cương cho công cuộc phát triển rất lớn của y nghiệp sau này nhằm kịp thời đáp ứng cho công cuộc kháng chiến như đã nói ở trên đây. Và, một điều chính yếu nữa: Những điều trong bức thư là nền móng nhân văn của y nghiệp trong đạo đức Hồ Chí Minh.

Bức thư thứ Tư

Thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế toàn quốc năm 1953

(nhờ ông Bộ trưởng chuyển Hội nghị Cán bộ y tế)

Nhân dịp Hội nghị này, tôi gửi lời thân ái chúc các bạn mạnh khoẻ và hăng hái công tác để Hội nghị được nhiều kết quả thiết thực và tốt đẹp. Tôi nêu mấy ý kiến sau đây để giúp các bạn nghiên cứu. Sức khoẻ của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khoẻ đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau chóng thành công, nhiệm vụ ấy có hai phần:

Phòng bệnh cũng cần thiết như trị bệnh, để làm tròn nhiệm vụ ấy cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt

Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân.

“Lương y phải kiêm từ mẫu”. Cán bộ y tế nên cố gắng thực hiện mấy điểm này:

Về chuyên môn: Cần luôn luôn học tập nghiên cứu để luôn luôn tiến bộ, nhưng phải chú trọng cái gì thiết thực và thích hợp với hoàn cảnh kháng chiến của ta hôm nay.

Về chính trị: Cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ: Yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác.

Về tổ chức: Cần chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy từ trên xuống dưới, làm cho nó gọn gàng, hợp lý. Ít tốn người tốn của mà làm được nhiều việc ích lợi cho nhân dân.

Về cán bộ: Cần lựa chọn và đào tạo nhiều cán bộ mới trong số thanh niên nam nữ, dạy cho họ những công tác cần thiết trong nhân dân, trong dân công ở vùng tạm chiếm và vùng rừng núi.

Một số cán bộ y tế đã được chỉnh huấn, đó là một việc rất tốt. Nên xếp đặt công việc để cho mọi người đều được chỉnh huấn, như thế sẽ rất có lợi cho công tác chung của Bộ.

Chúc Hội nghị thành công

Chào thân ái và quyết thắng

HỒ CHÍ MINH

(Chép trong Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, 1953-1955. Bác viết thư này khoảng tháng 6/1953)

 

Nội dung của bức thư trên đây của Bác là một đề cương nữa đầy đủ thiết yếu nhất cho các chiến dịch của quân và dân ta sắp khai mở đối với quân xâm lược Pháp. Đó là mùa đông năm 1953, Bác và Bộ Chính trị Đảng ta họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chúng ta nhớ lại, Chiến dịch Điên Biên Phủ mở màn, Cục Quân y thành lập Ban Quân y chiến dịch do bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng làm Trưởng ban. Chính phủ cử bác sĩ Vũ Đình Tụng, Bộ trưởng Bộ Thương binh và bác sĩ Tôn Thất Tùng, Thứ trưởng Bộ Y tế, cố vấn phẫu thuật của Bộ Quốc phòng trực tiếp tham gia chiến dịch vừa mổ xẻ cho thương binh, vừa thanh tra giúp đỡ ý kiến cho các đơn vị Quân y. Bộ Y tế được phân công phụ trách bảo vệ sức khoẻ cho lực lượng dân công rất đông là 261.000 người, đồng thời cử các bác sĩ lên Điện Biên xây dựng một phòng xét nghiệm vi sinh vật hoá, hoặc để giám sát dịch tễ và phòng chống chiến tranh vi trùng, chiến tranh hoá học mà phía Pháp có thể gây ra. Trường Đại học Y khoa, Trường Y sĩ của Bắc Bộ đều đưa hàng trăm sinh viên vào chiến dịch.

Và nữa, cũng trong thư này Bác căn dặn hai điều cực kỳ quan trọng. Điều thứ nhất: Phòng bệnh cần thiết như trị bệnh. Đây chính là điều vô cùng cần thiết cho y nghiệp quân đội khi trận mạc. Điện Biên và các chiến dịch quân sự khác ở những miền khác trong đất nước ta mà quân ta đang tiến hành.

Điều căn dặn thứ hai của Bác: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Tất cả điều dặn của Bác hàm súc một ý nghĩa trọng đại: Sự hết lòng, sự tận tâm. Thương và yêu như anh em ruột thịt. Như anh em thì đã quí rồi. Như ruột thịt (người cùng một mẹ sinh ra) còn vạn lần quý hơn. Và để cho đối tượng nhận thị hiểu thấu đáo chính xác và tính cấp bách điều Bác viết trong thư, Bác đã dùng ba cặp từ Hán Việt: Tận tâm, tận lực, phụng sự. Hết lòng, hết sức vâng theo hoàn toàn công cuộc phục vụ nhân dân.

Bức thư  thứ Năm

Thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế

Bác thân ái chúc các cô (nghe nói có nữ bác sĩ ở Nam về?) các chú vui vẻ, khoẻ mạnh, hăng hái trao đổi kinh nghiệm, bàn định kế hoạch cho thiết thực và làm việc cho tiến bộ.

Bác góp vài ý kiến sau đây để giúp các cô, các chú thảo luận:

- Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta.

Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.

Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế, từ Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành Y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

- Thương yêu người bệnh: Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu” câu nói ấy rất đúng.

- Xây dựng một nền y học của ta: Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta.

Y học càng phải dựa vào nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quí báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu thuốc “Đông” và thuốc “Tây”.

Mong các cô, các chú cố gắng thi đua làm tròn nhiệm vụ.”

Chào thân ái và thành công.

Tháng 2 năm 1955

(Chép trong Hồ Chí Minh toàn tập, trang 477. Tập 7, 1953-1955).

 

Nhớ lại, ngay từ năm 1941 khi Bác Hồ về đến Cao Bằng, Bác luôn luôn nhắc nhở những người giúp việc Bác phải ra sức học hỏi kinh nghiệm phòng chữa bệnh, sưu tầm tìm kiếm những bài thuốc hay, những cây thuốc có tác dụng chữa bệnh trong nhân dân các dân tộc để làm thuốc chữa trị cho cán bộ. Lần đó Bác bị sốt rất nặng, mọi người đều rất lo lắng chưa biết tìm đâu ra thuốc, thì có một bà người dân tộc Tày, đi hái rồi đem về cây thuốc dược dân hay dùng để điều trị. Lương y Đặng Văn Cáp khi ấy là cán bộ của Bác đã điều chế cây thuốc do bà người dân tộc Tày đưa cho. Lương y Cáp đã đem đi chế biến. Bác uống và khỏi bệnh.

Chúng ta cũng nhớ lại ngày Mồng 7 tháng 5 năm 1954 quân dân ta giải phóng Điện Biên Phủ. Tháng 10 năm 1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng cùng với toàn miền Bắc. Bức thư trên của Bác sau giải phóng Thủ đô 14 tháng. Chúng ta có một thời hoà bình ngắn ngủi. Đến tháng 8 năm 1964, Mỹ khởi sự ném bom toàn miền Bắc qua trận oanh tạc mở đầu bằng chiến đấu cơ tại Quảng Ninh. Trở lại với mỗi tháng năm trong thư Bác đến ngày Mỹ ném bom miền Bắc là 9 năm. Nối lại hai sự kiện trên đây mới thấy hiển hiện của nội dung toàn bức thư là một đề cương nữa cho y nghiệp của chúng ta trong những năm dài từ 1964 đến 1975 của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Vậy, y nghiệp đón sự nhờ cậy đó của người bệnh, của Chính phủ bằng tất cả tình cảm yêu thương như anh em ruột thịt, coi sự đau đớn của người bệnh như sự đau đớn của bản thân những người trong y nghiệp. Đây chính là bản tính duy nhất bản tính hàng đầu là quan trọng bậc nhất của các thầy thuốc, y tá, khán hộ trong y nghiệp. Và, cũng chính là nền móng nhân văn của y nghiệp trong đạo đức Hồ Chí Minh./.

Nhà văn Bùi Bình Thi

Theo http://antgct.cand.com.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: