Ông Nguyễn Sinh Sắc cùng hai con là Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm từng cứu chữa nhiều dân nghèo ở Huế. Một trong số những người thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn truyền lại bài thuốc, đến nay vẫn được nhiều người áp dụng...

Ông Nguyễn Sinh Sắc (Nguyễn Sinh Huy, 1867- 1929) là cha của Bác Hồ, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đã hai lần đưa gia đình vào kinh đô Huế. Lần đầu tiên, năm 1895 đến 1901. Ông vào kinh dự khoa thi Hội Ất Mùi (1895), cùng đi theo có vợ là bà Hoàng Thị Loan và 2 con trai, Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn Tất Đạt), Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành - Bác Hồ), nhưng không đỗ, sau đó vào học Quốc Tử Giám. Đầu năm 1901, không may, bà Loan qua đời, cậu trai út, sơ sinh cũng mất, nhưng ông vẫn dự thi Hội và đỗ Phó bảng (khóa 1901). Tình cảnh gia đình quá ngặt nghèo, ông phải đưa con quay về quê cũ. Lần thứ hai, từ năm 1906 đến 1909(1), ông Sắc vào lại Huế, làm quan ở Bộ Học, rồi Bộ Lễ. Đi theo ông có 2 cậu con trai. Còn cô con gái, Nguyễn Thị Thanh, thì sau này, năm 1922 mới đến Huế.

gia-dinh-bac-bqllang.gov.vn
Nhà thuốc Đồng Cát được lấy tên từ chữ đầu tiên của hai câu đối
do thầy Nghệ Nguyễn Sinh Khiêm tặng. Ảnh:TN

Gia đình Bác Hồ thời ấy, còn lại 4 người: Cha và 3 con, thì có đến 3 người làm thầy thuốc bắc, thuốc nam, gọi là ông lang, thầy lang. Thầy lang chân chính là lương y bây giờ. Đó là ông Sinh Sắc và 2 con là Sinh Khiêm và Nguyễn Thị Thanh, một thời gian dài họ đã làm nghề y tại Thừa Thiên Huế.

Thầy thuốc Nguyễn Sinh Sắc

Sau vụ chống thuế ở Trung kỳ mà Nguyễn Tất Thành có tham gia, ông Sắc bị buộc phải rời khỏi kinh đô. Ngày 01/7/1909, ông vào Bình Định làm Tri huyện Bình Khê, như là một sự đi đày, sau đó thì vào trong Nam.

Trong thời gian ở miền Nam (1911- 1929), ông đi đây, đi đó nhiều nơi, lấy việc hành y làm từ thiện là nghiệp chính của mình. Dân gian thường gọi ông là “thầy thuốc Huế”. Năm 1914, ông làm thầy thuốc ở vùng chợ Long Xuyên, được bà con mến mộ. Năm 1917, hành y ở làng Hòa An, Sa Đéc. Năm 1922, đến làm thuốc ở xóm Cây Dầu, làng Hưng Lợi, tỉnh Kandai (Campuchia). Sau đó, ông trở lại Sài Gòn. Năm 1923, ông làm thuốc ở huyện Tân Châu, Hồng Ngự.

Tại Sài Gòn, khi thì ông bắt mạch tại tiệm thuốc bắc Tam Thiên đường của người Hoa (1926), khi thì ở tiệm thuốc Thiên Phúc đường (1928), rồi về làm thuốc ở Cao Lãnh (1929).

Sở dĩ ông phải đi nhiều nơi, không lưu trú cố định một chỗ dài ngày là để bảo đảm an toàn cho tính mạng và để khỏi phiền hà đến gia chủ, vì bọn mật thám luôn rình rập, theo dõi hoạt động của ông.

Trong gần 20 năm (1911- 1929), người ta thấy hình ảnh một ông già mặc áo quần dài xưa, tay kẹp chiếc dù, vai mang bị đựng thuốc, dấu chân của “ông thầy thuốc Huế” in trên khắp nẻo đường Sài Gòn, vùng miền Đông, vùng Đồng bằng sông Cửu Long(2).

Nguyễn Sinh Sắc là vị Phó bảng, trở thành lương y không phải do gia truyền, cũng chẳng phải được đào tạo qua đường y môn, mà là do kiến thức tổng hợp thông thái của một đệ tử Nho giáo: Nho, y, lí, số; nhất là do cái tâm đức nhân ái của con người ông. Chính vì vậy, trong thời gian ở Huế, ông cũng đã thỉnh thoảng có làm thầy thuốc, chủ yếu là để chữa bệnh cứu giúp bà con của bạn bè và làm từ thiện.

Hiện nay, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế có lưu giữ một hiện vật là Chiếc mâm gỗ mít tiện tròn, có liên quan đến việc ông Sinh Sắc làm thầy thuốc ở Huế. Hiện vật do ông Cao Chí Thành, đảng viên hưu trí hiến tặng cho Bảo tàng xã Hương Long, năm 1985, sau đó, 1996, chuyển về Phân viện. Qua bản lý lịch hiện vât, ta rút ra một số nội dung sau:

Chiếc mâm gỗ mít, nguyên là của gia đình ông Đồ Ngân (Cao Đình Ngân, 1815-1907), xã Hương Long, Huế. Ông có con trai là Cao Đình Luyện (1890-1957) và cháu nội là Cao Chí Thành (1922-1997). Vợ ông Đồ Ngân bị bệnh nặng, may là ông Ngân có quen biết với thầy cử Nghệ (tức Nguyễn Sinh Sắc), nên mời thầy chữa chạy. Nhờ tài thầy, bệnh của bà thuyên giảm và bình phục. Gia đình ông Ngân mang ơn sâu của ông thầy Nghệ. Từ đó, họ trở thành bạn tâm giao, thường lui tới thăm hỏi. Có lần, gia đình ông Ngân đón tiếp và mời cơm ông cử Nghệ cùng 2 cậu con trai. Chiếc mâm gỗ mít này từng dùng để dọn cơm trong các dịp đó.

Theo đó, nhà ông Đồ Ngân mà thầy Sinh Sắc từng đến, tọa lạc tại xóm Cù Đa, xứ Hậu thôn của thôn Vạn Xuân, nay là tổ 3 phường Kim Long, thành phố Huế. Nhà đã bị sập đổ trong chiến tranh, hiện còn lại khu vườn hoang, nằm sát bờ nam sông Bạch Yến, rộng 1.000m2, cách Ba bến (nơi giáp sông Bạch Yến và sông Kẻ Vạn, ở cửa Chánh tây) gần 1km. Thời gian mà cử Nghệ đến chữa bệnh và dùng cơm ở nhà ông Đồ Ngân, là vào thời Thành Thái. Có khả năng nhất là khoảng giai đoạn đầu khi ông vào Huế, nhưng khó có thể sau 1898. Vì từ 1898, ông đã về ở và dạy học tại nhà ông Nguyễn Sĩ Độ, làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, và cũng không thể sau năm 1900, vì lúc đó cậu Khiêm đã ra Thanh Hóa cùng cha rồi về lại quê nhà.

Điều đáng tiếc là trong lời kể không nói rõ vợ ông Ngân bị bệnh gì, để có thể thấy được tài thuật cụ thể của thầy Nghệ. Chiếc mâm gỗ mít: Mâm tiện hình tròn, màu đen bóng, đường kính 67cm, dày 3cm, có 3 chân, cao 5,5cm. Thông tin về Chiếc mâm này kèm theo ảnh đã được công bố trên báo Nhân Dân, số 8974, ngày 24-5-1986. Ông Nguyễn Sinh Sắc thời ở Huế, người ta thường biết ông làm thầy đồ và làm quan, chứ ít nói đến việc làm thầy thuốc. Chiếc mâm gỗ mít là chứng tích xác minh việc ông Sắc còn là một lương y và sau này lưu lạc vào miền Nam, ông đem sở trường đó ra hành đạo cứu đời. Và chính nghề ấy của ông đã truyền lại cho 2 con là Sinh Khiêm và cô Thanh.

Thầy thuốc Nguyễn Thị Thanh

Năm 1922, cô Nguyễn Thị Thanh chuyển từ Nhà lao Quảng Ngãi ra Huế. Lúc đầu, ở tại nhà ông quan Phạm Phổ, đường Mạc Đĩnh Chi, trước Trường tiểu học Gia Hội (nay là Trường Tiểu học Phú Cát), sau đến ở nhà ông quan Tiền quân, góc đường Đinh Tiên Hoàng và Tịnh Tâm. Theo tác giả Chu Đức Tính, giai đoạn 1926- 1930, cô Thanh có ở tại ngôi nhà trên đường Đặng Thái Thân (Thành Nội Huế)(3).

Ngay khi nghe tin cô Thanh ra Huế, ông Khiêm tìm gặp chị, rồi 2 chị em đi nhiều nơi, trong đó có lên vùng Sơn Công, Phong Điền, tá túc trong nhà ông Hồ Văn Hiến vừa làm thuốc vừa hoạt động yêu nước. Bị thực dân phát hiện, muốn bắt nhưng chứng cớ chưa xác đáng, từ đó chúng theo dõi và quản lý hai người chặt hơn.

Thời ông Khiêm ở Phú Lễ, cô Thanh ở nhà ông Ấm Hoàng, cùng làng và hai chị em thường khám bệnh ở vùng Phong Điền, Quảng Điền, có khi khám bệnh từ thiện ở đình, chùa làng này.

Thông tin về việc cô Thanh làm thuốc hiện nay chưa sưu tập được nhiều.

Thầy thuốc Nguyễn Sinh Khiêm ở Huế

Năm 1915, vì hoạt động yêu nước, Nguyễn Sinh Khiêm bị bắt và giam tại Ba Ngòi, Nha Trang với tội “kích động dân chúng nổi loạn”. Ngày 17/3/1920, thực dân Pháp chuyển ông về giam tại lao Thừa Phủ, Huế. Sau đó được ra tù và giam lỏng tại Thừa Thiên Huế. Lúc đầu, ông đến ở nhà ông Nguyễn Văn Đề, làng Trạch Phổ, gần Mỹ Chánh (người mà ông Khiêm từng quen biết hồi trước ở Ba Ngòi), mỗi tháng phải vào Huế trình diện mật thám Pháp một lần. Ông có cái xảo thuật trong việc trình diện là chờ đến cuối tháng vào trình diện, rồi quanh quẩn đâu đó đôi ba ngày, đợi sang đầu tháng sau đến trình diện thêm lần nữa và về luôn suốt cả gần 2 tháng.

20 năm sau, được trả tự do, ông trở về quê trên chuyến tàu lửa khởi hành từ ga Huế, lúc 6g 30, ngày 06/02/1940 với lời phê trong giấy tờ là “lạc hồi dân tịch”. Năm 1942, ông còn trở lại Huế.

 Trong thời gian dài, gần 30 năm ở Thừa Thiên Huế, ông đi khắp nơi, nhất là 3 huyện phía bắc Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà vừa tuyên truyền yêu nước, vừa đem sở trường, sở đoản của mình ra hành đạo giúp đời. Vừa làm thầy đồ, thầy địa, vừa viết đơn từ giúp dân khiếu kiện, nhất là hành y cứu độ dân sinh.

Trong cuộc đời làm thầy thuốc, ông đã thể hiện tấm gương sáng “lương y như từ mẫu”.

Thời ở Phong Điền, ông thường đến các nhà thuốc bắc của thầy Ngại, thầy Tuần ở chợ Hôm (gần Mỹ Chánh) rượu trà đàm đạo. Vào An Lỗ, Phú Lễ thì ghé nhà thầy Hẹ, thầy Thâm. Về Sịa, ông thích ghé nhà danh y Đoàn Cảnh. Tại nhà thầy này có lớp dạy nghề thuốc, chừng 6 -7 môn sinh, nên ông muốn gặp gỡ các thầy để trao đổi kinh nghiệm. Có khi ông ở lại đêm. Trong nhà thường gọi ông với cái tên thân mật là chú Cả Đạt. Hiện gia đình còn lưu giữ bộ phản gỗ gõ, nơi mà ông thầy Khiêm thường nằm nghỉ.

Năm 1926, ông Khiêm và bà Thanh lên vùng vùng Sơn Quả, Cổ Bi (huyện Phong Điền), về vùng Nam Dương (Quảng Điền) làm thuốc. Hiện nay, ở các địa phương này, nhiều người còn nhớ và kể lại chuyện thầy Nghệ tận tình cứu chữa cho người thân gia đình họ.

Khoảng năm 1929 trở đi, ông về cư trú huyện Quảng Điền, “Sau khi chữa bệnh cho một người đàn bà trạc độ 33 - 34 tuổi ở làng Phú Lễ” rồi kết nghĩa vợ chồng với bà này. Đó là bà Nguyễn Thị Giáng làm nghề buôn bán hàng xén và hàng xáo (gạo) chợ Phú Lễ, trong ngôi nhà rường, lợp tranh, ba gian, bên bờ sông Bồ”(4) và thường ở lại nhà bà Giáng. Ông thường ngồi bắt mạch chữa bệnh tại đình làng, nhưng vẫn sẵn sàng đến tận nhà bệnh nhân để thăm khám, dù xa xôi, cách đò trở giang, hoặc đêm hôm mưa gió cũng không nề hà gì.

Trong quá trình chữa bệnh, thầy Nghệ đã kết hợp nhiều phương pháp: Châm cứu, chích lễ, thuốc thang. Dùng thuốc thì có thuốc bắc, nhưng cũng rất trọng dụng thuốc nam, cây nhà lá vườn. Ông không bao giờ giấu nghề, mà còn hướng dẫn, chỉ vẽ cho bà con dân quê tự kiếm cây lá để chữa các bệnh thông thường.

Chúng tôi đã nghe bà vợ thầy Hẹ ở An Lỗ kể lại: Thầy Nghệ - Cả Đạt đã từng đến thăm ở đây và có truyền cho một bài thuốc kinh nghiệm, gọi là “Thuốc đắng”, để chữa các chứng trúng phong, trúng hàn, phong thấp tê bại, đau nhức khớp, đau bụng... Theo bà Hẹ, bài thuốc đó có 2 vị chính là Mã tiền chế và Hương phụ (Cỏ cú) tứ chế(5).

Khoảng năm 1936 - 1939, ông thường ghé vào tiệm thuốc bắc thầy Đoàn Ngọc Phách (cháu nội thầy Cảnh, ở Sịa) ở chợ Kệ đàm đạo và cân thuốc.

Năm 1943 - 1944, ông có đi lại vùng Kim Long. Theo lời, kể của lương y Lê Hữu Mạch, hiện là Chủ tịch Hội Đông y Huế, thầy Nghệ thường lui tới tiệm thuốc bắc Đồng Cát (của thầy Hườn, Kim Long). Gia đình này quen gọi thầy Nghệ là Cụ Cố Đạt, và còn nhớ một số chuyện kể về ông:

+ Nhìn tiệm thuốc có tên Đồng Cát, ông giải thích cho biết, tên đó lấy từ 2 chữ đầu của câu đối:     

Đồng chí, đồng tình, kiêm đồng đạo

Cát tâm, cát sự, tịnh cát tường.

Mọi người nghe đều phục chuyện chữ nghĩa của thầy Nghệ, còn chủ nhà thì mừng rỡ ghi chép lại và lưu đến ngày nay.

 + Theo lương y Mạch, hiện nay nhà thuốc Đồng Cát (134 Kim Long, Huế) còn giữ một số bài thuốc do Cụ Cố Đạt truyền lại. Tiêu biêu như bài Điều kinh bổ huyết khá hiệu nghiệm.

Mang tiếng là làm thầy thuốc, nhưng không phải là nghề kiếm sống, ông Khiêm làm thầy là để làm việc nghĩa và có điều kiện đi đây đi đó tuyên truyền hoạt động yêu nước cho thỏa chí, dù đang bị giam lỏng.

Ông thường đi khắp các làng mạc chữa bệnh cho dân, hết lòng thương người. Với hạng nghèo khó thì chữa “bố thí”, với hạng giàu sang thì lấy tiền và cả quà biếu, rồi dùng số tiền đó may áo quần, mua quà tặng cho người bần hàn. Khi đi mặc áo lành lặn, khi về mặc áo cũ là chuyện thường đối với ông. Tính cách này thật giống Bác Hồ “Sữa để em thơ, lụa tặng già”.

Ông chưa đắc chí về hoạt động yêu nước, nhưng ông đã đem hết tâm huyết của người thầy thuốc ra cứu người, giúp đời ở xứ Thừa Thiên Huế, chẳng màng phú quí vinh hoa.

Thầy Nghệ, là hình ảnh quen thuộc. Chú Cả Đạt, Cụ Cố Đạt là tiếng xưng hô thân mật của một số gia đình người Huế đối với thầy Nghệ Nguyễn Sinh Khiêm. Đó là một người cao lớn, giọng nói rồ rồ, lúc nào cũng quần áo nâu, đội nón lá, vai mang túi vải, chân đi guốc gỗ, thích cau trầu, trà rượu, bản chất thông minh, khôi hài, sống giản dị, nhân hậu, nhưng rất khí khái với bọn cường hào, thực dân, phong kiến.

- Gia đình Bác Hồ có nhiều người thân làm lương y, không phải mở tiệm thuốc kinh doanh mà để làm từ thiện. Họ đã đi nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế để chữa bệnh cứu giúp đời và hoạt động yêu nước. Mảnh đất Thừa Thiên Huế đã gắn bó, bảo bọc họ, nhưng cũng mang ơn họ, nhất là thầy Nghệ Nguyễn Sinh Khiêm với nửa đời sống ở đây.

Việc cha, chị và anh Bác Hồ làm thuốc ở Thừa Thiên Huế, thường không để lại những chứng tích cụ thể, mà hầu hết là lời kể trong dân gian. Những hồi ức đó rất có giá trị, cần phải có một cuộc diều tra, xác minh và nên làm sớm, để tránh mai một thông tin. Qua đó, góp phần bổ sung qui hoạch di tích Bác Hồ và gia đình Bác Hồ ở Thừa Thiên Huế./.

* Phan Tấn Tô: NGƯT, ThS. Phó Chủ tịch Hội Đông y Thừa Thiên Huế.

(1), Có tài liệu nói ông vào Huế lần thứ hai năm 1905.

(2), Tạp chí Xưa Nay, số 428, tháng 8/1997.

(3), Chu Đức Tính, Hệ thống di tích Bác Hồ và gia đình ở Thừa Thiên Huế- Hôm nay và ngày mai, Huế xưa & nay, 1996.

(4), Hà Hữu Thừa, Những điều biết được về cuộc sống và hoạt động cả ông Nguyễn Sinh Khiêm, Huế xưa & nay, số 16, 1996.

(5), Lời kể của bà vợ thầy Hẹ, Phú Ốc. Bà này phụ trách chính việc chế biến thuốc men cho chồng làm thầy, nên nhớ rất rõ bài thuốc và kinh nghiệm chế biến một số vị thuốc mà thầy nghệ truyền cho.

Phan Tấn Tô *

Theo Báo Thừa Thiên Huế

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: