Chân dung Bác Hồ kính yêu là đề tài sáng tác cho rất nhiều văn nghệ sỹ thuộc các bộ môn nghệ thuật. Tuy nhiên, làm chân dung Bác bằng chất liệu mây, tre-những sản phẩm đặc thù của quê hương Việt Nam thì chỉ có một người.

Đó là nghệ nhân Nguyễn Văn Trung (Phú Mỹ, Chương Mỹ, Hà Nội). Nhưng trong số hàng trăm bức chân dung Bác Hồ đã sáng tác, ông không bán mà chỉ tặng và mang đi triển lãm. Hồi kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Người, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung đã miệt mài hoàn thành một bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khổng lồ (1,6x2m).

Ảnh 01
Bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đan bằng mây có kích thước khổng lồ (1,6x2m).
(Ảnh: T.G)

Người duy nhất đan ảnh lãnh tụ bằng mây

Ông Trung quê ở làng Phú Mỹ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Đời ông bị cái “nghiệp mây tre” đeo đuổi. Từ lúc còn trẻ lắm, ông đã sống chết với những sợi mây quê hương. Có lẽ, số phận đã chọn ông làm nghề này khi cho ông sinh ra ở một miền quê có truyền thống làm mây mỹ nghệ và lấy đi đôi chân khoẻ mạnh vào năm 16 tuổi.

Ông kể: “Đang đêm ngủ, trở mình thấy mỏi, rồi chân phải tê buốt. Hôm sau đi khám, bác sỹ bảo vỡ xương đùi do căn bệnh viêm xương, phải ngồi bệt một chỗ. Nhà nghèo, mất hai năm chạy chữa mà bệnh tật không thuyên giảm. Gia tài khánh kiệt, có lúc bác sỹ đã khuyên nên cưa chân thì sẽ chóng lành bệnh. Nhưng tôi không chịu. Thời gian trôi đi, vết thương biến chứng làm chân phải teo nhỏ”.

Đang cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” với bao hoài bão lại gặp phải căn bệnh éo le, cũng có  những lúc ông muốn buông xuôi. “Số mình thế, biết trách ai. Chỉ học hết lớp 4, không còn cơ hội đi học lên, sẽ gắn với cái phận ăn bám suốt đời”, ông nhớ lại cảm giác của mình lúc đó. Nhưng rồi mọi việc cũng nguôi ngoai dần. “Nghe theo lời Bác Hồ, những người khuyết tật phải có ý chí “tàn nhưng không phế” nên tôi đã đứng dậy và tập đi...”. Ông Trung kể.

Đầu những năm 1970, nhìn bạn bè cùng trang lứa ôm súng vào chiến trường chiến đấu, ngẫm lại cái thân phận của mình, ông Trung buồn lắm. “Chẳng lẽ mình chẳng làm được một việc gì ra trò trống hay sao?”- Ông Trung tự hỏi và cuối cùng đã tìm được cho mình câu trả lời. Ông quyết định theo nghề truyền thống của gia đình làm mây tre đan. Thế nhưng, công việc tưởng chừng không nặng nhọc này dường như vẫn quá sức đối với Nguyễn Văn Trung, những ngày đầu mới rời khỏi chiếc giường. Mỗi lần ngồi vào đan được vài phút, ông lại ngã gục.

Dù vậy, chàng thanh niên tật nguyền vẫn không chịu đầu hàng bệnh tật. Thời gian thấm thoắt trôi đi, bệnh tật rồi cũng đầu hàng chàng thanh niên giàu nghị lực. Trung đã dần dần ngồi hẳn được và biết đan được những đường viền thô cho các bức tranh làm bằng mây, tre của bố. Một buổi sáng, Trung đưa cho bố sản phẩm mà anh đã thức nhiều đêm để đan. Nhìn bức tranh, người cha mừng rỡ nói: “Ông trời cũng thương, còn mỗi cái nghề của cha ông để lại, con cố học để mà kiếm sống...”.

Ảnh 02
Việc lựa chọn nguyên vật liệu để làm ảnh đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ. (Ảnh: T.G)

Cho đến nay, ông Trung đã trở thành một nghệ nhân nổi tiếng của Việt Nam trong lĩnh vực mây tre đan. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế: “Giải thưởng tuổi trẻ và sáng tạo quốc tế”, “Bàn tay vàng Đông Dương”, “Giải thưởng sản phẩm thủ công tinh xảo tại Nhật Bản”, “Giải thưởng vàng Ngôi sao Việt Nam”. Ông cũng  được trao 6 Huy chương vàng, bạc trong danh hiệu “Bàn tay vàng Việt Nam”, 4 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và nhiều Bằng khen của các cấp chính quyền.

Đến bây giờ khi tuổi đời đã gần đến ngưỡng 60, ngồi đếm lại, ông vẫn không nghĩ mình đã đi được xa và đi nhiều nước trên thế giới đến thế. Cu Ba, Angola, Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Bỉ, Liên Xô... đó là chưa kể, ông nằm hàng năm trời ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á với tư cách là chuyên gia và giới thiệu mây tre đan Việt Nam cho bạn bè quốc tế. Có hai chuyến đi mà ông nhớ nhất là chuyến xuất ngoại đầu tiên, sang Liên Xô vào tháng  4/1982 với tư cách là nghệ nhân giới thiệu về nghề mây tre đan của Việt Nam.

Và chuyến đi dài nhất là đến Cu Ba, ông đã ở đây từ năm 1982 - 1987 để hướng dẫn, xử lý nguyên liệu cho nước bạn. Ông đã giúp nước bạn nghiên cứu xử lý cây thực vật thay cho mây tre đan để sản xuất ra các mặt hàng thủ công, đặc biệt là chế biến cây bèo tây làm ra các sản phẩm có giá trị như bàn ghế, đồ lót cốc chén, mũ, túi... Trên cơ sở đó, bạn đã mở được 4 xưởng sản xuất lớn, thu hút hàng nghìn lao động.

Ông Trung được bạn bè thế giới biết đến như một người đan ảnh chân dung xuất sắc. Ông không nhớ hết là mình đã làm bao nhiêu bức ảnh cho các vị lãnh tụ và những người nổi tiếng trên khắp thế giới. Trong phòng làm việc của mình, những bức ảnh lớn về Bác Hồ, Lênin, Karl Marx, Engels Chủ tịch Fidel... những người ông ngưỡng mộ được treo ở vị trí trang trọng, còn lại rất nhiều ảnh chân dung khác. Mỗi bức ảnh đều có thần thái riêng.

Ông kể: “Có rất nhiều người nhờ đại sứ quán của họ ở Việt Nam thuê ông đan ảnh chân dung của mình. Có người nổi tiếng, có người tôi không biết là ai”. Nhưng dù là ai đi nữa, chỉ cần gửi tấm ảnh qua email cho ông là được. Ông Trung hiện là người duy nhất trên thế giới chuyên đan ảnh lãnh tụ bằng nguyên liệu mây.

Kỷ lục đan ảnh Bác Hồ bằng mây

Thế nhưng, những thành công hiện nay mà ông Trung có được lại bắt đầu từ việc khao khát đan được một bức chân dung Bác Hồ thật đẹp. Ông nhớ lại thời gian đầu mới làm nghề, ước mơ trở thành anh bộ đội Cụ Hồ không thành nên anh thanh niên Trung muốn làm điều gì đó ý nghĩa để thể hiện lòng ngưỡng mộ tới vị lãnh tụ kính yêu. Ước mơ ấy đã thôi thúc anh ngày đêm không ngừng học hỏi, để có thể đan được một bức chân dung Bác Hồ thật đẹp. “Để đan ảnh Bác, tôi thử đan rất nhiều ảnh chân dung của người thân, nhưng khi đan ảnh Bác lại chưa  được vì không thể hiện được thần thái của Người”- ông Trung nhớ lại.

Không nản chí, anh vẫn quyết tâm để đạt được ước mơ của mình.  Ngày đêm trăn trở, anh nhờ người đèo hàng chục cây số vào trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội tìm gặp trực tiếp thầy giáo Lê Quốc Lập (khi đó là Hiệu trưởng) nhờ thầy chỉ dạy cho các vướng mắc đang gặp phải về kỹ thuật. Tuy có sự giúp đỡ của thầy Lập và một số  thầy giáo có uy tín trong trường nhưng sau một năm ròng, ông vẫn chưa ưng ý với những tác phẩm của mình.

Ảnh 03

Rất nhiều tác phẩm đã ra đời dưới bàn tay cần mẫn của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung.
(Ảnh: TG)

Ông đã sưu tầm rất nhiều ảnh của Bác Hồ, ảnh Bác ở Chiến dịch Biên giới, Bác bắt tay Bác Tôn, Bác đang làm việc, Bác hôn các cháu thiếu nhi... Trước khi đan tấm ảnh nào, ông treo khắp nhà để khi nhìn vào đâu cũng thấy ảnh Bác và hình ảnh của Người cũng nhập tâm và theo ông vào từng giấc ngủ. Bàn tay khéo léo chuốt từng sợi mây mảnh mai trắng muốt nhỏ đến 1 ly, người đan phải sử dụng tới 15 đến 16 lối đan kết hợp với nhiều lóng đan đã tạo nên tác phẩm sinh động chân dung vị lãnh tụ kính yêu.  Cuối cùng ông cũng đã có được bức chân dung Bác Hồ bằng chất liệu mây, tre ưng ý -  đó là năm 1976.

Từ thành công bước đầu đó, đến nay ông Nguyễn Văn Trung đã đan được hơn 200 bức ảnh chân dung Bác Hồ . Bức nhỏ nhất 40x60cm, bức lớn nhất đã hoàn thành vào dịp kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Bác có kích thước 1,6x2m. Đây là bức chân dung bằng mây lớn kỷ lục từ trước đến nay.

Ông Trung cho biết, những bức chân dung Bác Hồ của ông có nhiều người muốn mua, thậm chí trả giá đến hàng chục triệu đồng nhưng ông không bán. Những tác phẩm này ông để dành tặng các cơ quan nhân các sự kiện quan trọng của đất nước như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ... trong các dịp Quốc khánh, kỷ niệm Ngày sinh hoặc Ngày mất của Bác, Đại hội Đảng... Số còn lại, ông để tham dự các triển lãm trong nước và quốc tế để giới thiệu về con người và đất nước Việt Nam.

Một điều đáng quý nữa của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung là chưa bao giờ ông có ý định giấu nghề. Ngoài việc tham gia giảng dạy tại ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, trường Mỹ nghệ Hà Tây, nhiều năm qua, ông đã hướng dẫn cho rất nhiều thanh niên trong làng học nghề và đi khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam trực tiếp dạy nghề mây tre đan theo lời mời của các địa phương. Ông đã đào tạo được trên 100 lớp với gần 5.000 học sinh./.

Quang Thành

Theo Gia đình và xã hội

Khúc Thị Lan Hương (st)

Bài viết khác: