Giữa sông Tiền - đoạn chảy qua huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, có một cù lao, tên là Tân Phong. Cách trở sông nước, người dân chịu nhiều thiệt thòi vật chất, tinh thần, nhưng hằng năm, bà con ở cù lao Tân Phong đều được dự giỗ Bác. Có được điều đó là nhờ một thương binh, người đã tự xây dựng gác thờ Bác tại nhà, hằng năm làm giỗ Bác...
Ông Bình bên bàn thờ Bác Hồ
Giống như bao người dân miền Nam khác, ông Trần Thanh Bình (Tám Bình, ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, huyện Cái Bè, Tiền Giang), cũng mong ước được một lần ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Chính tấm gương lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thôi thúc ông lên đường kháng chiến vào mùa Thu 1945, 4 lần bị thương (ông là thương binh 1/4), bị tù đày, nhưng ông luôn tâm nguyện đi theo con đường của Bác, và ước ao được một lần gặp Bác. Tuy vậy cho tới lúc về nghỉ hưu năm 1979, hạnh phúc được gặp Bác đó vẫn chưa đến với ông.
Để thỏa lòng thương nhớ, tôn kính Bác Hồ, năm 1997 (lúc đã 74 tuổi), ông Tám Bình xuống Huyện ủy Cái Bè xin lập gác thờ Bác ngay tại nhà để có chỗ cho ông và bà con trên cù lao tới thắp hương trong ngày giỗ Bác. Một thời gian sau, Huyện uỷ mời ông đến và có ý kiến rằng, chuyện ấy mới quá, chưa từng có ai làm, vì vậy phải chờ xin ý kiến ở trên.
Chờ hoài không thấy cho phép, ông Tám Bình đem chuyện này bàn với các bậc lão nông trong ấp. Rồi ông báo cáo với cấp uỷ xã Tân Phong, trước khi cùng các cụ phụ lão lập gác thờ Bác ngay tại nhà mình. Gác thờ được "khánh thành" đúng vào dịp 2-9-1998. Hôm ấy, nhân kỷ niệm 29 năm Ngày Bác Hồ mất, ông Tám Bình cùng các cụ cao niên tổ chức giỗ Bác trang trọng, nhưng gọn nhẹ. Không ngờ, bà con trong ấp biết chuyện, họ rủ nhau kéo tới nhà ông đông nghịt.
Trước hàng trăm người, ông Tám trịnh trọng ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, rồi lấy Di chúc của Bác đọc. Từ đó đến nay, cứ đến ngày 2.9, người dân trên cù lao lại tập trung về nhà ông Tám làm giỗ Bác. Ông Tám không muốn bà con cúng heo, gà tốn kém, không phù hợp với phong cách giản dị, tiết kiệm của Bác Hồ. Ông đề nghị bà con đến như đi dự giỗ của cha mình, chỉ cần tấm lòng thôi cũng là quý... Thế nhưng, những bậc cao niên trong xã cho rằng giỗ Bác cũng như giỗ cha, phải tổ chức cho đúng truyền thống, cúng heo, gà cũng là để cho bà con chung vui trong ngày nhớ Bác.
Bảo tàng độc nhất vô nhị
Gác thờ Bác Hồ được ông Tám Bình gom góp tiền lương hưu để xây dựng. Gác được xây dựng 2 tầng, diện tích mỗi tầng khoảng 20m2, nằm sát nhà ông. Tầng trên, ông Tám dùng làm nơi thờ Bác Hồ và các cụ thân sinh của Bác, cũng là nơi trưng bày, lưu giữ nhiều hình ảnh, sách, hiện vật về Bác Hồ. Tầng dưới dùng làm nơi tiếp khách.
Có thể nói, ông Tám Bình đang sở hữu một "bảo tàng" nhỏ về Bác Hồ. Khi có điều kiện đi đó đi đây, khi đọc sách báo, hễ thấy có tấm hình nào mới về Bác Hồ, là ông đem về "bảo tàng" nhà mình. Những người bạn là cán bộ ghé thăm ông, những vị khách gần - xa đến viếng Bác Hồ, con cháu đi đâu xa về ghé thăm ông, món quà mà ông quý nhất là hình ảnh, hiện vật hoặc cuốn sách viết về Bác.
Riêng về tượng Bác, ông đã có đến 4 - 5 tiêu bản. Hình ảnh của Bác lên tới hàng trăm. Vài chục cuốn sách viết về Bác được ông trưng bày trang trọng trong tủ sách. Ông còn làm cả mô hình nhà sàn thu nhỏ của Bác... Nhờ những tư liệu về Bác ở "bảo tàng" nhà ông mà các cháu học sinh nhỏ trên cù lao đã làm bài dự thi tìm hiểu về Bác Hồ đạt kết quả tốt.
Trong "bảo tàng" độc nhất vô nhị ấy, ngoài những hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ, còn có những hiện vật khác, không kém phần ý nghĩa. Đó là cái máy cassette đời cũ, cái micro quấn vải, cái loa sắt cổ... Tất cả những vật dụng đó đã gắn bó với ông suốt 28 năm qua với một công việc thầm lặng, công việc đã làm nên cái tên "ông Tám truyền thanh"!
Đài phát thanh ông Tám
Trên gác thờ Bác Hồ còn có "đài phát thanh ông Tám". Đài phát thanh do ông tự bỏ tiền ra trang bị, tự vận hành, thông tin luôn cập nhật, thiết thực với người dân cù lao, thời lượng thông tin hằng ngày khá cao, đến 5 - 6 giờ. Đài phát thanh này ông lập ra đã 28 năm.
Lúc ấy, ngay trước nhà ông, ghe thuyền tấp nập họp chợ nổi trên sông Tiền. Nhiều người hành xử như "ở chợ". Ông nghĩ: "Nếu có được cái loa phát thanh để giải thích, tuyên truyền pháp luật, chính sách của Nhà nước thì rất có ích".
Ông xin phép Uỷ ban xã Tân Phong lập đài truyền thanh, nhưng xã bảo chưa dám nghĩ tới chuyện này. Ông Tám lại lặn lội xuống huyện. Ông hứa sẽ lấy tiền lương hưu để trả tiền điện, không cần một đồng kinh phí nào của địa phương. Đài Truyền thanh huyện Cái Bè đã ủng hộ ông, họ còn tặng ông cái ampli và một cái loa cũ.
Dịp Tết năm 1981, "đài phát thanh ông Tám" chính thức "khánh thành". Cứ đúng 4h30 sáng, ông cho tiếp âm Chương trình Nông thôn của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM. Đến 6h sáng, ông chuyển sang tiếp âm thời sự Đài Tiếng nói VN. Sau này có thêm chương trình của đài tỉnh, đài huyện... Chương trình tiếp âm buổi trưa bắt đầu lúc 11h và buổi chiều khoảng 17h-18h, với nhiều nội dung phong phú, có cả chương trình ca nhạc, cải lương.
Sau đó vài năm, ông trang bị thêm micro, tự soạn các bản tin, tìm các chính sách mới của xã, huyện, tỉnh để tự mình đọc phát thanh. Ông "lùng sục" nhiều gương người tốt, việc tốt; các tệ nạn ở địa phương để viết thành tin, bài đọc phát thanh. Tiếp theo, ông kéo dây, mắc loa đi nhiều nơi trong ấp để "tiếng nói" của đài đến được nhiều bà con hơn.
Điều kiện trang bị máy móc của ông có giới hạn, nên chất lượng truyền thanh không cao. Biết chuyện, một chủ trại mộc trong đất liền (thị trấn Cái Bè) đã gửi tặng ông cái ampli mới 100W. Một đôi vợ chồng ở tận Biên Hoà nghe chuyện đã lặn lội xuống tận cù lao tặng ông giàn ampli, micro. Rồi Đài THVN tại Cần Thơ gửi tặng hệ thống loa...
Dù sau này tuổi cao sức yếu, nhưng ông Tám Bình luôn đều đặn hằng ngày "lên sóng" trong vai trò trưởng đài, kiêm kỹ thuật viên, phát thanh viên, phóng viên... Cũng có những hôm trái gió trở trời, ông bị bệnh, "đài phát thanh ông Tám" ngừng hoạt động; những ngày ấy, người dân cù lao như thiếu một cái gì đó.
Ngày nay, truyền hình đã chiếm ưu thế, người dân có nhiều sự lựa chọn phương tiện thông tin, giải trí, nhưng "đài phát thanh ông Tám" vẫn luôn có chỗ đứng trên cù lao Tân Phong./.
Nguyễn Phấn Đấu
Theo Báo Lao Động
Minh Thu (st)