Cùng với các tổ chức, lực lượng trong toàn quân, phụ nữ Quân đội đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo Chỉ thị 03-CT/TƯcủa Bộ Chính trị (khoá XI), góp phần đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trở thành lẽ sống thường ngày của mỗi hội viên phụ nữ Quân đội; trong đó, đẩy mạnh phong trào thực hành tiết kiệm, giúp nhau xóa đói giảm nghèo là một chủ trương được triển khai tích cực và có hiệu quả cao.
Hiện nay trong toàn quân, phụ nữ chiếm tỷ lệ khá lớn. Họ có mặt ở mọi lĩnh vực công tác và hầu khắp các cơ quan, đơn vị, đóng vai trò rất quan trọng cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Quân đội. Trong gia đình, họ là những người vợ, người mẹ, người chị thủy chung, son sắt, yêu chồng, thương con, tần tảo, chịu khó, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc. Thấm nhuần và làm theo lời dạy của Bác Hồ: Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”, phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, phụ nữ Quân đội (PNQĐ) luôn “giỏi việc đơn vị, đảm việc nhà”, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin yêu của cán bộ, chiến sĩ trong các cơ quan, đơn vị. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, chị em PNQĐ đã phát huy tốt chức trách, nhiệm vụ trên các lĩnh vực công tác; có đời sống cơ bản ổn định, gắn bó với đơn vị, yêu ngành, yêu nghề. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ PNQĐ tuổi đời, tuổi quân còn ít, kinh nghiệm cuộc sống chưa nhiều; có chị em công tác, đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa hoặc hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, độc hại; nhiều chị em là người dân tộc thiểu số,… nên cuộc sống gia đình của họ còn khó khăn cả về vật chất và tinh thần (hiện có khoảng 2,22% hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn).
Nhận thức rõ điều đó, nhằm bảo đảm mọi PNQĐ đều có cơ hội phát triển bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, Ban PNQĐ đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PNQĐ với nhiều biện pháp, hình thức phong phú, sáng tạo, thiết thực, góp phần giảm tỷ lệ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức nhiều hoạt động, các phong trào thi đua, cuộc vận động phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh của phụ nữ và chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, như: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Tiết kiệm trong sinh hoạt, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Tiết kiệm hôm nay, thắp sáng tương lai”; mô hình các câu lạc bộ “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Gia đình nói không với bạo lực và tệ nạn xã hội”; “Khu gia đình quân nhân văn minh, kiểu mẫu”,… Vì vậy, các phong trào thi đua được phát triển rộng khắp trong các cấp Hội, trong sinh hoạt của mỗi hội viên, góp phần nâng cao đời sống và tạo điều kiện để chị em được cống hiến, phát triển bình đẳng. Trong đó, làm theo lời Bác Hồ dạy theo Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI), PNQĐ giúp nhau xóa đói giảm nghèo là nội dung, biện pháp cơ bản; tạo phong trào hành động cách mạng sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia và sự ủng hộ giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ ở các cơ quan, đơn vị. Chính vì thế, phong trào đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.
Hội Phụ nữ cơ quan Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam tặng quà cho trẻ em nghèo xã Dang, huyện Tây Giang. (Nguồn: baoquangnam.com.vn)
Học tập, làm theo tấm gương cần, kiệm của Bác, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, PNQĐ đã động viên chị em đẩy mạnh thực hành tiết kiệm trong mỗi gia đình, bản thân; tranh thủ thời gian tích cực tăng gia sản xuất, làm thêm nghề phụ; tạo nguồn vốn cho hội viên vay phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và giải quyết khó khăn trong cuộc sống. PNQĐ luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: tiết kiệm không phải là bủn xỉn, mà là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi; việc gì không nên tiêu thì một đồng xu cũng không nên tiêu, việc gì đáng làm, có ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng; phải biết cách tổ chức thì tiết kiệm mới có hiệu quả. Bác cho rằng, cần phải tiết kiệm cả của cải, thời gian và sức lực, dành dụm để phục vụ đồng bào, dân tộc và sự nghiệp cách mạng. Với tinh thần đó, các Hội Phụ nữ cơ sở trong Quân đội đã động viên chị em nâng cao tinh thần tương thân, tương ái, phát huy nội lực, tự nguyện tham gia nhiều hình thức, mô hình tiết kiệm sáng tạo, như: “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ khó khăn”, “Tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Nuôi heo đất”, “Tiết kiệm của bản thân để phần người khó”,... Bằng hình thức tiết kiệm tiêu dùng cá nhân trong sinh hoạt, mỗi người, mỗi tháng dành từ 10.000 đồng đến 100.000 đồng để tạo quỹ, cho vay, ủng hộ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, hoạt động này còn lôi cuốn được đông đảo cán bộ, chiến sĩ là nam giới tham gia, như: Quân khu 9 có 688 đồng chí góp vốn cùng Hội Phụ nữ; Binh đoàn 16 huy động được mức tiết kiệm 200.000 đồng/người/tháng; Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị mức tiết kiệm lên tới 300.000 đồng/người/tháng. Qua đó, đã tạo được nguồn quỹ là 31,3 tỷ đồng (tính đến 10-12-2013 và chưa tính các hình thức khác) cho hội viên vay. Nguồn quỹ vốn này được tập trung quản lý theo đầu mối các đơn vị quân khu, quân đoàn, do cấp ủy, chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo việc cho vay được thực hiện dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc tài chính và có sự điều tiết giữa các đơn vị có nhiều đối tượng với đơn vị có ít đối tượng cần vay. Trên cơ sở rà soát, xem xét đối tượng có nhu cầu vay vốn, Hội Phụ nữ cơ sở lập danh sách đề nghị cấp trên quyết định; đồng thời, là người bảo lãnh, giúp đỡ hội viên sử dụng có hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng quỹ tiết kiệm cho vay còn có hình thức các tổ, nhóm tiết kiệm xoay vòng do chị em tự quản, với số vốn đạt hơn 66,5 tỷ đồng. Cùng với khoản hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, hiện nay đã có 12.023 hội viên phụ nữ, trong đó có khoảng 200 hội viên hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số được vay vốn không lãi suất để phát triển kinh tế. Chị em đã sử dụng trong tăng gia, chăn nuôi,… đạt hiệu quả kinh tế khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình từ 3 đến 10 triệu đồng/tháng.
Hoạt động giúp nhau xóa đói giảm nghèo của PNQĐ không chỉ bằng việc cho vay vốn, mà còn thông qua các mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”; “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”; đồng thời, hỗ trợ nhau về con giống, vật nuôi, cây trồng, trao đổi kiến thức khoa học, kỹ thuật. Qua đó, giúp chị em nâng cao trình độ sản xuất, làm kinh tế, ổn định đời sống. Cùng với đó, các cấp Hội đã động viên chị em tích cực tham gia các phong trào ở địa phương nơi đóng quân, địa bàn cư trú, như: phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,… Thông qua phấn đấu thực hiện các tiêu chí của những phong trào đó, các hội viên phụ nữ góp phần xây dựng địa bàn giàu đẹp; gia đình văn hóa, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Học tập, làm theo theo tinh thần vượt khó của Bác, chị em PNQĐ không cam chịu hoàn cảnh, trông chờ, ỷ lại, mà luôn chịu thương, chịu khó vươn lên làm chủ cuộc sống. Chính vì vậy, cho đến nay, có hơn 95% phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống đã từng bước ổn định và có bước phát triển tốt; trong đó, những trường hợp đặc biệt khó khăn được giúp đỡ tích cực.
Điều đáng nói là, đạt được kết quả trên - giúp chị em xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững - có vai trò rất lớn của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Hầu hết các cấp ủy, chỉ huy luôn tạo điều kiện cho phụ nữ học tập nâng cao trình độ mọi mặt; quan tâm chăm sóc sức khỏe, bố trí việc làm đúng chuyên ngành, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh; được tiếp xúc với các chương trình Quốc gia về “Xóa đói giảm nghèo”, “Vì sự tiến bộ của phụ nữ”,… tạo cơ hội bình đẳng để chị em phấn đấu vươn lên. Đặc biệt, có đơn vị còn cho phụ nữ mượn đất, ưu tiên chị em ở vùng sâu, vùng xa vay vốn phát triển trang trại, trồng rừng, tăng gia sản xuất, bước đầu đạt kết quả tốt, như: Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa,… Đối với các doanh nghiệp Quân đội, các đơn vị kinh tế - quốc phòng đảm bảo đầy đủ lương, phụ cấp độc hại theo ngành nghề lao động; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định và đúng chế độ, chính sách cho lao động nữ.
Có thể khẳng định rằng, phong trào “Học tập và làm theo lời Bác, PNQĐ giúp nhau xóa đói giảm nghèo” là việc làm có ý nghĩa thiết thực, đậm tính nhân văn. Hoạt động này đã trực tiếp động viên chị em nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Điều đó càng phấn khởi hơn khi các chị em tham gia góp vốn cho đồng đội nhìn thấy đời sống của gia đình họ được cải thiện; sự đoàn kết, gắn bó trong các Hội Phụ nữ cơ sở ngày càng được tăng cường; tinh thần tương thân, tương ái ngày thêm khởi sắc. Từ đó, các hội viên càng tích cực hơn trong tham gia các hoạt động chung của Hội; làm cho việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành thường xuyên, thiết thực, hiệu quả. Những kết quả bước đầu tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn và rất đáng ghi nhận. Đó là nguồn động viên, sự khích lệ rất quan trọng để PNQĐ tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt phong trào thi đua “PNQĐ tích cực học tập, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc”; tự hào vươn lên đạt được các tiêu chí, phẩm chất “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” của Phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới.
Để phong trào thực sự phát huy hiệu quả mạnh mẽ hơn nữa, bên cạnh sự cố gắng của các cấp Hội và mỗi hội viên, rất cần sự chung tay góp sức, ủng hộ của các tổ chức và mọi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng trong toàn quân. Trên tinh thần đó, cấp ủy, chỉ huy và tổ chức Hội cần quán triệt sâu sắc ý nghĩa xã hội và thực tiễn của hoạt động này. Cùng với sự chỉ đạo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổng cục Chính trị, toàn quân cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm hay, mô hình hiệu quả và những hạn chế cần rút kinh nghiệm, nhằm thống nhất nhận thức, nhân rộng điển hình tiên tiến; khắc phục những việc làm không đúng, vô cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm. Gắn hoạt động tiết kiệm của PNQĐ với các cuộc vận động và phong trào thi đua: giúp nhau xây dựng “Mái ấm tình thương”, “Nhà Nghĩa tình hội viên”, xây dựng gia đình văn hoá. Đồng thời, nhằm hiện thực hóa Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Thường vụ Quân ủy Trung ương phát động, PNQĐ ra sức phấn đấu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cùng giúp nhau vươn lên thoát nghèo, nhân ái, sẻ chia giúp nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, phát triển bền vững. Các cấp Hội cần chủ động trong việc tham mưu, đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy và phát huy tính sáng tạo, tinh thần tự giác của mỗi cán bộ, hội viên để tổ chức các hoạt động sát với điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa Hội Phụ nữ cơ sở với các tổ chức trong đơn vị và cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, làm cho phong trào ngày càng có sức lan tỏa, lôi cuốn mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu “Vì sự tiến bộ của PNQĐ”.
Từ kinh nghiệm rút ra trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) ở các cấp Hội PNQĐ, thời gian tới, Ban PNQĐ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, tổ chức, lực lượng chỉ đạo hướng dẫn các cấp Hội và hội viên giúp nhau có hiệu quả hơn nữa đối với việc xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho PNQĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”./.
Thượng tá Bùi Thị Lan Phương
Trưởng Ban Phụ nữ Quân đội
Kim Yến (st)