60 năm qua, cây vú sữa miền Nam trong vườn nhà Bác ở Ba Đình - Hà Nội đã lớn lên cùng với chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc, cho ra những mùa hoa thơm trái ngọt cùng với những mùa Xuân vinh quang của non sông, đất nước.
Hôm nay, trên quê hương cây vú sữa miền Nam, Đảng bộ và nhân dân Cà Mau không ngừng ra sức học tập, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức của Bác để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, làm cho đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Ngược dòng thời gian
Bác Hồ trìu mến chăm sóc cây vú sữa miền Nam - đây chính là cây vú sữa của gia đình bà
Lê Thị Sảnh (thường gọi là mẹ Tư, mẹ chiến sĩ thời chống Pháp) ở Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, gửi tặng Bác vào tháng 11/1954.
Tại nhà mẹ Lê Thị Sảnh, bia kỷ niệm cây vú sữa miền Nam với Bác Hồ được xây dựng vào năm 2000. Bà Nguyễn Thị Bảy năm nay 85 tuổi, là con dâu duy nhất, sống chung với mẹ Sảnh lúc sinh thời, nhớ lại: “Hồi đó má tôi nuôi rất nhiều chiến sĩ, bộ đội, trong nhà có gì má cũng đem cho các anh.
Có hôm bộ đội ở xa về, để bồi dưỡng cho các anh, má tôi bắt luôn con gà mái đẻ nấu cháo. Má tôi luôn thương yêu chiến sĩ và rất kính yêu Bác Hồ. Chính vì thế, khi nghe các anh đi tập kết ra Bắc, ngoài việc chuẩn bị những thức ăn, đồ uống, má bàn với các anh gửi tặng Bác Hồ cây vú sữa.
Má dặn các anh: “Ra ngoài đó các con thưa với Bác Hồ, thưa với các cô, bác miền Bắc: Bà con trong này luôn hướng ra Cụ Hồ, hướng ra miền Bắc!”. Thế rồi cây vú sữa được đưa lên tàu tập kết ra Bắc, mang theo trong đó đầy ắp tình cảm, tấm lòng kính yêu Bác Hồ của nhân dân Cà Mau, nhân dân miền Nam”.
Theo nhiều tài liệu ghi chép, Bác Hồ xúc động đến ngấn lệ khi biết đây là cây vú sữa của đồng bào vùng tận cùng cực Nam Tổ quốc.
Cây vú sữa đã được Bác trồng ngay bên nhà sàn của Người để hằng ngày được chăm sóc, ngắm nhìn cây vú sữa lớn lên cùng với niềm mong đợi miền Nam mau chóng được giải phóng, mừng mùa Xuân độc lập Bắc - Nam sum họp một nhà.
Bác từng nói: “Miền Nam trong trái tim tôi”, “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào miền Nam còn chịu cực, chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cây vú sữa miền Nam trồng bên ngôi nhà sàn của Bác được nhân giống gửi tặng lại cho bà con vùng cực Nam Tổ quốc.
Hiện nay, cây vú sữa đó đang xanh tốt bên Đền thờ Bác Hồ tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Cây vú sữa, biểu tượng tình cảm của Bác Hồ với nhân dân miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam với Bác Hồ hôm nay được nhân giống, gieo mầm trên khắp quê hương Cà Mau anh hùng.
Tấm lòng người dân Cà Mau với Bác Hồ
Nhà thơ Tố Hữu từng viết: "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”. Thế nhưng, Bác chưa vào thăm được miền Nam, chưa nhìn thấy ngày thống nhất đất nước, năm 1969, Người đã ra đi về cõi vĩnh hằng, để lại trong lòng nhân dân một nỗi tiếc thương, mất mát tột cùng.
Nhà báo Đỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), nguyên Trưởng ban Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau, kể rằng: “Được tin Bác mất, nhiều tầng lớp nhân dân trong tỉnh lúc bấy giờ để tang, làm Lễ truy điệu Bác, có nơi tổ chức ngay trong lòng địch.
Có cả các tôn giáo làm Lễ truy điệu Bác, trong đó có chùa Phật Tổ (Sắc tứ Quan Âm Cổ Tự) ở phường 4. Sau đó, nhiều địa phương tiến hành xây dựng đền thờ Bác Hồ dưới mưa bom, lửa đạn của kẻ thù.
Nhiều đền thờ phải dựng, sửa lại rất nhiều lần vì địch liên tục bắn phá. Trong đó phải kể đến Đền thờ Bác tại Hậu Nà Chim, ấp Biện Trượng, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển. Đây là Đền thờ Bác đầu tiên được xây dựng vào ngày mùng 4/9/1969 và hoàn thành sau một tuần”.
Đền thờ Bác là nơi cán bộ và nhân dân vùng Đất Mũi Ngọc Hiển hằng ngày đến thắp hương tưởng nhớ đến công ơn to lớn của Người. Sau khi đền thờ Bác ở Ngọc Hiển được xây dựng, nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục xây dựng đền thờ, phủ thờ Bác để tỏ lòng kính yêu và hứa với Bác sẽ quyết tâm vượt qua khó khăn, đánh thắng kẻ thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như mong muốn của Người.
Đồng chí Dương Việt Thắng, nguyên UVBTV, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, khái quát: “Tình cảm, hình ảnh Bác Hồ luôn ấm áp trong lòng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Nhất là những lúc khó khăn, những lúc bị tù đày, bị địch tra tấn, trước những trận đánh và kể cả trước lúc hy sinh, mọi người đều nhớ về tình cảm của Bác để làm động lực vượt lên khó khăn, giữ vững lập trường, khí tiết cách mạng, dũng cảm, mưu trí đánh bại kẻ thù”.
Trong những năm kháng chiến, có nhiều bà má cất giữ ảnh Bác Hồ như tài sản quý nhất nên đến ngày giải phóng là có ảnh Bác treo lên để báo công với Bác, mừng xuân độc lập, thống nhất đất nước.
Sau giải phóng đến nay, hầu hết các huyện và TP Cà Mau đều có đền thờ, phủ thờ Bác. Nhiều người dân treo ảnh Bác Hồ nơi trang trọng nhất trong nhà. Nhiều gia đình lập bàn thờ Bác trang nghiêm và hằng ngày hương khói tưởng nhớ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.
Bà Nguyễn Thị Bảy (con dâu duy nhất của mẹ Sảnh) luôn ân cần nâng niu, chăm sóc bức ảnh Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam. Ảnh: Nguyễn Danh
Đồng chí Nguyễn Hồng Vệ, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, cho biết: “Hiện nay, phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ và nhân dân Cà Mau ngày càng đi vào chiều sâu và trở thành việc làm thường xuyên, càng khẳng định tấm lòng của người dân Cà Mau đối với Bác Hồ kính yêu.
Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình, cách làm hay của nhiều tập thể, cá nhân tận tuỵ phục vụ nhân dân, tận tuỵ trong lao động, sản xuất, công tác, góp phần xây dựng quê hương Cà Mau ngày càng giàu, mạnh”./.
Hiện nay trong tỉnh có 3 đền thờ Bác Hồ được xếp hạng di tích cấp tỉnh gồm: Đền thờ Bác tại xã Viên An, huyện Ngọc Hiển; đền thờ Bác tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình và tại thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước. Ngoài các đền thờ trên, tại Cà Mau còn có các đền thờ khác tại thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi; xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân; đền thờ Bác tại Khu Di tích Hòn Đá Bạc, huyện Trần Văn Thời.
Theo thống kê thực tế từ năm 1969 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 21 địa phương xây dựng đền thờ, gian thờ Bác Hồ để nhân dân đến thắp hương tỏ lòng tôn kính, học tập và làm theo tấm gương của Bác.
Một sự kiện đáng phấn khởi nữa là sau thời gian trùng tu và tôn tạo, ngày 5/1/2014, Đảng bộ và quân, dân Cà Mau long trọng làm lễ khánh thành Khu tưởng niệm Bác với quy mô hoành tráng (gồm Gian thờ Bác, Nhà sàn của Bác theo nguyên mẫu và các công trình văn hoá có liên quan) tại phường 1, TP Cà Mau.
Đây là khu văn hoá đặc biệt để các thế hệ người dân tận cùng cực Nam Tổ quốc ngày ngày đến đây tưởng niệm Bác, thành tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người./.
Xuân Đào
Theo http://www.baocamau.com.vn
Thu Hiền (st)