gd--Wilfred Burchett-bqllang.gov.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng
chụp ảnh cùng vợ chồng nhà báo Wilfred Burchett, Hà Nội năm 1966

Wilfred Burchett là người bạn lớn, người hết mình ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Triển lãm sẽ không thể thực hiện được nếu không có họa sĩ George Burchett, con trai nhà báo. Sinh ra tại Hà Nội, giờ đây Burchett con đang trở về với Hà Nội.

Nhà báo Wilfred Burchett gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên tại Chiến khu Việt Bắc ở Thái Nguyên tháng 3.1954, trước khi mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ấn tượng về một nhà lãnh đạo thông tuệ, sâu sắc và giản dị chính là khởi đầu cho sự gắn bó và tình cảm suốt đời với Wilfred Burchett với Việt Nam. Ông chuyển đến Việt Nam sinh sống những năm 1955 - 1956, sau đó trở lại Việt Nam nhiều lần để viết về cuộc đấu tranh giành độc lập của người dân Việt Nam. Ông là nhà báo phương Tây đầu tiên đi thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam trong những năm 1963 - 1964.

Suốt gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, 8 cuốn sách, hàng trăm bài báo, hàng nghìn bức ảnh của ông về Việt Nam được in ở nhiều tờ báo lớn trên thế giới đã góp phần làm dấy lên làn sóng dư luận phản đối cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. 100 bức ảnh được triển lãm ở Hà Nội lần này là để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Wilfred Burchett (16.9.1911). George Burchett, con trai nhà báo, đã dành nhiều tháng chuẩn bị cho triển lãm, ông lựa chọn và chú thích cho các bức ảnh, sắp đặt chúng một cách nghệ thuật. George Burchett cho biết:

“Có nhiều bức ảnh lần đầu tiên tôi nhìn thấy, hoặc lâu lắm rồi mới xem lại. Tôi chú trọng những bức ảnh gương mặt con người. Tôi xúc động sâu sắc trước những gương mặt ấy, thường là rất trẻ, hầu như lúc nào cũng tươi cười, cứ thay nhau hiện lên màn hình máy tính. Người xem không những được thưởng thức vẻ đẹp mà còn cảm nhận ý nghĩa lịch sử của các bức ảnh. Qua đó thế hệ trẻ sẽ kết nối được với lịch sử. Những gương mặt ấy nhắc ta rằng lịch sử vẫn sống, và chúng ta không thể tảng lờ quá khứ”.

George Burchett sinh tháng 5.1955 ở Hà Nội, khi bố mẹ ông đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Ông kể: “Sau Hiệp định Geneve, bố mẹ tôi chuyển đến Hà Nội. Tôi sinh vào ngày mà người lính Pháp cuối cùng lên tàu rời khỏi Hải Phòng vào Nam. Vì vậy, tôi là đứa con của độc lập. 2 năm đầu đời của tôi là ở Hà Nội”. Lúc sinh ra George rất yếu và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người sau này trở thành bạn của gia đình, đã cứu sống ông. Trong triển lãm có hai bức ảnh về gia đình Burchett ở Hà Nội. Một bức là hình ảnh gia đình ông cùng những người hàng xóm Việt Nam, và bức kia là hình ảnh George trong những bước đi đầu đời.

Sau Hà Nội, gia đình Burchett tiếp tục chuyển đến nhiều nơi theo những bước chân của nhà báo. Năm 1957, họ chuyển tới Moscow, rồi Phnom Penh năm 1965 và Paris năm 1966. Trong những năm tháng ấy, các bài báo của ông về Việt Nam đã gây nhiều tranh cãi ở phương Tây. Có lúc, quan điểm ủng hộ Việt Nam và phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ của ông đã khiến Australia – nước cũng gửi quân đội tham chiến ở Việt Nam, từ chối cấp hộ chiếu cho chính công dân của mình. Năm 1962, Đại sứ quán Việt Nam ở Moscow phải cấp cho Wilfred Burchett một giấy thông hành để ông đi lại các nơi trên thế giới.

Những cuộc di chuyển của gia đình, cùng với việc Wilfred Burchett bị từ chối hộ chiếu Australia, đã khiến George bị tổn thương sâu sắc. “Chính phủ Mỹ đã gây sức ép với Australia khiến họ không cấp hộ chiếu cho bố tôi. Ông bị từ chối quyền công dân Australia trong 17 năm, cho tới khi Chính phủ Công đảng mới lên cầm quyền năm 1973, Thủ tướng Công đảng đã gửi thư xin lỗi và cấp lại hộ chiếu cho bố tôi. Trong thời gian ấy, tôi cũng không được phép đăng ký là công dân Australia.

Chúng tôi đã sống ở nhiều nước khác nhau trong thời gian đó mà không có một Tổ quốc của riêng mình. Điều đó rất khó khăn. Ai cũng có một Tổ quốc. Tôi yêu mến Việt Nam, Campuchia, Liên Xô…, những đất nước mà tôi đã sống. Khi mọi người hỏi tôi từ đâu tới, tôi nói tôi sinh ra ở Hà Nội, tôi sống ở Liên Xô, mẹ tôi là người Bulgaria, bố tôi người Australia, nhưng không có hộ chiếu. Hơn hết tôi muốn có Tổ quốc riêng, và tôi cũng muốn Tổ quốc đó yêu mến tôi. Luôn có điều gì đó mất mát. Ai cũng hiểu là có một Tổ quốc thì quan trọng như thế nào”.

Nhưng George Burchett hiểu rất rõ cha mình. Người con trai biết rõ người cha yêu con đến thế nào. Cho dù người cha đi công tác liên miên, xa nhà hàng tháng, cho dù gia đình có phải thay đổi chỗ ở thường xuyên, thì người con biết rõ, những lúc khó khăn nhất, thậm chí bị đạn bom đe dọa đến tính mạng, thì người cha vẫn luôn nghĩ đến gia đình. George vẫn giữ bản gốc bức thư đánh máy dài một trang rưỡi đã ngả màu, mà Wilfred Burchett viết cho các con, từ căn cứ địa của Việt Cộng ngày 3/1/1964: “Như các con đã biết, nhân dân Việt Nam là những người bạn rất thân thiết của chúng ta. Họ là những người rất tử tế, đều yêu quý cha mẹ cùng ba đứa các con, rất nhiều đấy. Và chúng ta cũng yêu quý họ.

Cho nên cha phải đến đó để viết các bài báo và một cuốn sách lớn nữa để mọi người trên khắp thế giới biết tụi Mỹ xấu xa thế nào và tại sao tất cả mọi người đều nên giúp nhân dân miền Nam Việt Nam để chấm dứt chiến tranh. Tất nhiên là ở đây ai cũng mong muốn hòa bình. Mọi người, các bà mẹ, ông bố và trẻ con đều đang phải chịu đựng gian khổ rất nhiều vì cuộc chiến tranh tàn khốc này. Mà chỉ khi nào người Mỹ bị buộc phải rời bỏ Nam Việt Nam, đem hết súng ống và máy bay của họ đi khỏi đó, thì mới có hòa bình…”

Wilfred Burchett đã cố gắng giải thích cho các con ông một cách dễ hiểu nhất về những chuyến công tác, có chuyến đi ông phải đi bộ hàng tháng trời để vào đến vùng giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông căn dặn các con phải tập luyện, giữ sức khỏe, ông hứa sẽ mua đèn chiếu và màn ảnh cho các con xem những bức ảnh ông chụp ở Việt Nam, hứa kể cho các con nghe “những câu chuyện về những người du kích miền Nam Việt Nam dũng cảm và những con người rất tốt”… “Chắc phải mất nhiều năm cha mới kể hết được”, Wilfred viết. “Cha gửi đến các con thật nhiều, thật nhiều cái ôm hôn và tình yêu sâu nặng của cha. Bởi chúng ta yêu nhau đến thế, và cũng bởi các con đang được sống bình yên và hạnh phúc như vậy, nên cha càng thêm quyết tâm phải giúp nhân dân Việt Nam có được một cuộc sống bình yên và hạnh phúc, để cho con cái họ được sống với bố với mẹ và được hạnh phúc như chúng ta”.

George Burchett trở về định cư ở đất nước Australia của ông từ năm 1986. Ông tổ chức triển lãm và vẽ tranh ở Australia và nhiều nước Đông Nam Á. Cùng với việc gây dựng sự nghiệp riêng của mình, George Burchett tiếp tục gìn giữ và nghiên cứu các tư liệu mà cha ông để lại. “Tôi lớn lên với những huyền thoại về Bác Hồ, về cuộc đấu tranh của người dân Việt Nam, về đất nước Việt Nam. Nhưng đó chỉ là một phần. Những gì cha tôi làm đã khiến tôi tìm hiểu rất nhiều về lịch sử, về chiến tranh và hòa bình. Đó vẫn là những bài học rất lớn của lịch sử”.

George đã tham gia biên soạn hai cuốn sách về Wilfred - cha ông: “Nghề báo nổi loạn: Các lối viết của Wilfred Burchett” (ấn phẩm của trường đại học Cambridge, 2005), và “Hồi ức của một nhà báo nổi loạn: Tự truyện của Wilfred Burchett” (ấn phẩm của trường đại học New South Wales, 2005). “Tôi tin rằng cha tôi đến với Việt Nam từ tiếng gọi của chính trái tim ông. Ông đã dành cho Việt Nam tình yêu lớn. Ông tin rằng Việt Nam đấu tranh vì chính nghĩa, và ông đã đúng 100%, thậm chí 200%”.

George Burchett biết rõ những tranh luận về cha mình: “Người ta nói rằng ông là cộng sản, đã được trả tiền, trở thành cái loa cho Việt Nam, ông viết tuyên truyền. Nhưng tôi là người đã soạn sách về ông, và càng khám phá ông, tôi càng ngưỡng mộ ông. Ông là một nhà nhân đạo thực sự. Ông đã giúp tôi hiểu hơn về thế giới. Ông giúp tôi biết rằng cần tin vào chính mình, tin vào loài người, cần hiểu người khác, cần tin vào người khác, không nên hoài nghi. Đây là thế giới khó khăn và cần những người như Wilfred Burchett giải thích. Họ có lòng dũng cảm để đến tận nơi, bất chấp hiểm nguy, và chúng ta cần nhiều nhà báo như Wilfred Burchett”.

Phải đến năm 2010 George Burchett mới lần đầu tiên trở lại thành phố ông đã sinh ra. Cũng trong lần đầu tiên trở lại ấy, George Burchett đã đi thăm An toàn khu Thái Nguyên, nơi lần đầu tiên cha ông gặp Bác Hồ, nơi bắt đầu câu chuyện của gia đình ông với Việt Nam. Tại vùng đại ngàn xanh ấy, nghe tiếng chuông tưởng niệm Bác Hồ, xem những bức ảnh trong Khu tưởng niệm Người, George Burchett đã xúc động đến trào nước mắt. Vẫn còn nhớ, ngay thời khắc đó, George mắt đỏ hoe, chia sẻ với phóng viên Lao Động: “Ở đây, tôi thực sự cảm thấy một mối quan hệ gần gũi với Việt Nam. Khi nhìn thấy tượng Bác Hồ, tôi phải ngăn dòng nước mắt. Bố tôi đã tới đây, đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đây và tình cảm của ông với Việt Nam cũng bắt đầu từ đây”.

Ngôi nhà đầu tiên George Burchett ở tại Hà Nội đã bị phá đi. Nhưng tình cảm của người dân Việt Nam, cùng những chuyến thăm Hà Nội hai năm qua và việc tìm kiếm lại kho ảnh chuẩn bị cho triển lãm tháng 9.2011, những ký ức tưởng như đã phai mờ, dường như dần đậm nét trở lại trong ông. Năm nay, vợ ông, bà Ilza Burchett, cũng là một nghệ sĩ và con trai họ - Graham Burchett, 30 tuổi - cũng sang Việt Nam dự khai mạc triển lãm. Các cộng sự của George Burchett ở Việt Nam nói rằng, có thể ông sẽ quay lại vùng đất này, để sống./.

Mỹ Hằng
Theo laodong.com.vn
Minh Thu (St)

Bài viết khác: