"Là một lãnh tụ nhưng Bác Hồ chưa bao giờ có một sinh nhật cho riêng mình. Hàng năm, cứ đến gần ngày sinh nhật là Bác lại có lịch đi tiếp khách, lịch đi công tác xa. Nhiều lần trùng hợp như thế, cán bộ phục vụ lấy làm thắc mắc. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, thì ra, Bác cố tình tránh nhắc đến ngày đó vì sợ anh em, đồng chí tổ chức lại tốn kém, trong khi nước nhà còn chưa hoàn toàn thống nhất, dân ta còn nghèo", bà Lưu Thị Tính - nữ cảnh vệ có gần 20 năm phục vụ Bác Hồ chia sẻ.

Duyên tiền định

Sức mạnh của thời gian có thể làm thay đổi nhiều thứ, nhưng có những giá trị bất biến vẫn tồn tại như thách thức với tạo hóa, trêu đùa với nhân gian. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, trong ký ức của người lính cảnh vệ Lưu Thị Tính dường như mọi khoảnh khắc được phục vụ Bác như diễn ra hôm qua. Lật giở trang hồi ký như những thước phim quay chậm trong đầu, bà tìm về những ngày tháng đầy tự hào của mình. Tôi chợt hiểu rằng, chừng ấy hay nhiều thời gian hơn nữa cũng không đủ sức để xóa nhòa phần quá khứ đầy ắp kỷ niệm trong người lính già này.

ba Tinh a
Trung tá Lưu Thị Tính vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết
trao tặng Bằng khen năm 2008

Có lẽ khi quyết định đặt chân vào Cục Cảnh vệ, nhận về mình nhiệm vụ khó khăn của một người lính Cụ Hồ là một bước ngoặt lớn lao trong cuộc đời của người nữ cảnh vệ Lưu Thị Tính (quê ở Quất Động, Thường Tín, Hà Nội). Bởi, nơi đây không chỉ ghi lại dấu ấn những năm tháng gian khổ nhưng oanh liệt và không kém phần tự hào của tuổi trẻ của bà mà đặc biệt hơn, chính đây là mảnh đất đã ươm mầm, bén rễ cho mối tình chung thủy, son sắt của bà với người đồng nghiệp - ông Nguyễn Ngọc Cẩn những năm về sau.

Trong hơn 20 năm công tác tại Cục Cảnh vệ, bà được tổ chức giao nhiều nhiệm vụ quan trọng khác nhau như: Tiếp đoàn khách quốc tế, bảo vệ mục tiêu, bảo vệ vòng trong, cán bộ Đội kỹ thuật bảo vệ thực phẩm... Thời gian đầu khi mới vào cục Cảnh vệ, nữ cảnh vệ Lưu Thị Tính được tin tưởng giao nhiệm vụ đi đón đoàn khách quốc tế, bảo đảm an toàn cho họ trong những ngày lưu lại tại Việt Nam. Thời điểm đó, các nữ chính khách, nguyên thủ quốc gia đặt chân đến Việt Nam, người đầu tiên họ tiếp xúc chính là những nữ cảnh vệ như bà, khi ra về, cũng chính những nữ cận vệ khéo léo này là người đưa tiễn họ ra máy bay về nước. Chính vì vậy, những ấn tượng đầu tiên, những tình cảm đầu tiên về đất nước và con người Việt Nam đều được thể hiện qua thái độ, phong cách của các nữ cảnh vệ - bà Tính nhớ lại nhiệm vụ của mình.

Đầy ắp ký ức về Bác

Công tác tại Cục Cảnh vệ từ năm 1955 cho đến khi Bác Hồ qua đời, quãng thời gian dài đó đã giúp cho những người tiếp xúc thường xuyên với Bác Hồ như bà thấy thấm và ngấm hơn phong cách của Người. Hình ảnh Bác với khuôn mặt hiền lành, mái tóc bạc, chiếc áo bà ba nâu sờn, đôi dép cao su... đã đầy ắp ký ức của bà. "Những sở thích giản dị, những thú vui lúc rảnh rỗi của Người hay những kỷ niệm trong những lần được trò chuyện cùng Bác đã ngấm vào cuộc sống thường nhật của bà. Bác sống thật giản dị, là lãnh tụ nhưng Người không bao giờ cầu kỳ mà cố gắng tối giản, tiết kiệm mọi thứ có thể để cho dân, cho nước. Từ ăn uống, trang phục, thói quen lẫn đức tính hay cách chăm lo cho dân, cho nước của Bác đều toát lên một nhân cách vĩ đại", bà Lưu Thị Tính bồi hồi kể.

Bà Tính nhớ lại: "Món ăn yêu thích của Người rất đơn giản. Đó là rau muống luộc chấm với tương Nam Đàn (Nghệ An), là canh cua nấu với rau cải mơ, là cá bống kho tương, là cà muối... Người luôn căn dặn các chiến sỹ cảnh vệ phải hết sức tiết kiệm bởi đất nước mình còn nghèo, người dân đang khổ và Bác luôn làm gương. Chủ tịch thường ăn cơm trong nhà ăn tập thể với đĩa rau muống, quả cà và một bát nước rau muống vắt chanh. Khi bà con phải ăn cơm độn khoai sắn, Người cũng ăn cơm độn với đồng bào dù các đồng chí cảnh vệ, người phục vụ luôn làm cơm có thức ăn để Bác dùng nhằm duy trì sức khỏe".

"Một chi tiết ấn tượng về Bác mà đến giờ tôi vẫn không thể nào quên, đó là dù bận trăm công ngàn việc, việc nước, việc dân nhưng Bác luôn gần gũi với mọi người, từ đồng chí, đồng bào, từ anh lính cảnh vệ cho đến người làm bếp, làm vườn. Đồng bào biếu con cá, mớ rau ngon hay đặc sản vùng quê ngon, Bác luôn dành phần cho cảnh vệ, người phục vụ. Mùa hè nóng nực hay mùa đông buốt giá nhưng Bác hạn chế dùng quạt điện hay lò sưởi trong phòng. Các đồng chí cảnh vệ xót xa, lo cho sức khỏe của Bác nên lén bật quạt hoặc lò sưởi lên. Nhưng, Bác trách: "Dân ta còn nghèo khổ, điện cần để dùng cho thủy điện, cho chiến đấu, cho dân chứ Bác không cần”, nữ cảnh vệ Lưu Thị Tính chia sẻ.

Có một điều ít ai biết đó là, dù là lãnh tụ, là người đứng đầu đất nước nhưng chưa bao giờ Bác Hồ có được một sinh nhật cho riêng mình. Ngày sinh nhật của Người bộn bề trong công việc, trong những chuyến công tác xa xôi, trong những buổi tiếp khách. Điều anh em cảnh vệ, chiến sỹ phục vụ lấy làm thắc mắc là năm nào cũng vậy, cứ đến dịp sinh nhật là Bác lại đi công tác, không biết vô tình hay hữu ý. Nhưng, đó chính là ý nguyện của Người vì sợ các đồng chí tổ chức sinh nhật cho mình tốn kém trong khi đất nước chưa thống nhất hoàn toàn, dân còn phải ăn cơm độn khoai nên ngày sinh nhật cũng giống như những ngày bình thường khác trong năm. “Hiểu được tấm lòng cao cả của Bác, hàng năm cứ đến ngày 19 tháng 5, các đồng chí cán bộ mang một bó hoa vườn, thật giản dị đến chúc mừng sinh nhật Người. Sinh nhật lần đó, tôi thấy Người rất vui”, bà Tính chia sẻ.

ba Tinh b
“Được làm người lính cảnh vệ là món quà lớn mà tôi tự hào có được”- bà Lưu Thị Tính chia sẻ.

Và công việc đặc biệt của nữ cảnh vệ

Sau 10 năm công tác tại đội bảo vệ của Cục Cảnh vệ, đến năm 1965 do nhu cầu luân chuyển cán bộ, bà được cử đi học một lớp cấp tốc về Hóa - Kỹ thuật để trở thành cán bộ nòng cốt của Đội kỹ thuật bảo vệ thực phẩm. Nhiệm vụ của bà là hàng ngày đến tận nhà ăn, lấy mẫu thực phẩm về, sau đó kiểm tra mẫu thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không một cách nhanh nhất để quay trở lại trả kết quả. Nếu sử dụng các phương pháp kiểm định truyền thống thường phải mất vài ngày tới một tuần mới cho ra kết quả, trong khi bà Tính chỉ có vài tiếng đồng hồ để cho ra kết quả mà vẫn đảm bảo yếu tố chính xác lên hàng đầu. Hơn nữa, thời gian đó, chưa có điều kiện để sắm trang thiết bị dụng cụ đắt tiền nên phương pháp thẩm định về an toàn vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn của Bác vẫn còn rất khó khăn.

Bảo đảm an toàn tuyệt đối về thực phẩm cho Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng nhất của lực lượng kỹ thuật bảo vệ trong Cục Cảnh vệ.

Ánh mắt hân hoan, nụ cười rạng rỡ của bà khi kể về kỷ niệm với Bác cũng khiến tôi hiểu rằng, bà đang sống lại với quãng thời gian tươi trẻ nhất của cuộc đời./.

 

Bom nổ không ngăn được bước chân

Bà nhớ lại: “Có những hôm đang đạp xe trên đường đi trả mẫu thực phẩm, bỗng nhiên bom nổ trên đường, dù đôi chút sợ hãi nhưng tôi vẫn liều mình đạp xe thẳng tiến để về cho kịp giờ. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, mình đang thực hiện nhiệm vụ quốc gia, không thể màng đến sự sống của bản thân mà làm trễ việc tập thể”.

 

Bảo Hằng

Theo http://www.nguoiduatin.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: