1. Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở. Có hiệu lực thi hành ngày 25/4/2014.
Theo đó, hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung); tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình; vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính; vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn...
2. Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện. Có hiệu lực từ ngày 15/4/2014.
Theo nghị định này, nhà ở, công trình xây dựng chỉ được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp đến 220 kV nếu đáp ứng các điều kiện: Mái lợp, tường bao làm bằng vật liệu không cháy; không gây cản trở việc bảo dưỡng,… Nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân nằm giữa hai đường dây dẫn điện trên không, điện áp từ 500 kV trở lên sẽ được xem xét bồi thường, hỗ trợ di dời.
3. Thông tư số 03/2014/TT-BXD sửa đổi Điều 21 Thông tư số 16/2010/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định số 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành. Có hiệu lực từ ngày 08/4/2014
Theo Thông tư diện tích sử dụng căn hộ được tính theo kích thước thông thủy và được ghi vào Giấy chứng nhận cấp cho người mua, bao gồm cả phần diện tích tường ngăn các phòng bên trong căn hộ và diện tích ban công, lô gia (nếu có) gắn liền với căn hộ đó, không tính tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật nằm bên trong căn hộ.
Khi tính diện tích ban công thì tính toàn bộ diện tích sàn, trường hợp ban công có phần diện tích tường chung thì tính từ mép trong của tường chung. Khi bàn giao căn hộ, các bên phải ghi rõ trong biên bản bàn giao căn hộ hoặc trong phụ lục hợp đồng diện tích sử dụng căn hộ thực tế bàn giao và diện tích ghi trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký; biên bản bàn giao căn hộ hoặc phụ lục hợp đồng được coi là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng mua bán căn hộ.
4. Thông tư số 06/2014/TT-BGDĐT ngày 11/3/2014 của Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 24/2012/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 6 năm 2012, Thông tư số 03/2013/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 2 năm 2013, Thông tư số 21/2013/TT-GDĐT ngày 18 tháng 6 năm 2013, Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT ngày 04 tháng 7 năm 2013 và Thông tư số 28/2013/TT-GDĐT ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thông tư 06/2014/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 25/04/2014.
Thông tư quy định một số điểm mới như: 1. Các trường tổ chức tuyển sinh riêng thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh theo quy định; 2.Bỏ quy định về điểm sàn thí sinh dự thi đại học theo đề thi chung nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi đại học ngay năm đó để nộp hồ sơ ĐKXT vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển và có yêu cầu điều kiện đầu vào phù hợp mà không cần căn cứ vào điểm sàn do Bộ công bố như các năm trước; 3. Có nhiều thay đổi về đối tượng ưu tiên như sau:
Đối với đối tượng ưu tiên nhóm 1
- Về đối tượng là người dân tộc thiểu số: là người có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 447/QĐ-UBDT, Quyết định số 539/QĐ-TTg (thay thế cho quy định trước đây là người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số).
- Về đối tượng Quân nhân, công an nhân dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đã xuất ngũ: bỏ quy định cụ thể là đã có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên.
- Bổ sung đối tượng 04: Con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 81% trở lên
- Đối với Con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã được UBND tỉnh công nhận: phải đáp ứng điều kiện là con để của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng
Đối với đối tượng ưu tiên nhóm 2
- Bổ sung đối tượng 05: Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn; Thôn đội trưởng, Trung đội trưởng Dân quân tự vệ nòng cốt, Dân quân tự vệ đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nòng cốt từ 12 tháng trở lên, dự thi vào ngành Quân sự cơ sở
- Người dân tộc thiểu số không thuộc có hộ khẩu thuộc xã khó khăn quy định tại nhóm 1, thì được hưởng chính sách ưu tiên của nhóm ưu tiên 2
- Bổ sung Người bị khuyết tật nặng vào nhóm ưu tiên 2
- Sửa đổi một số nội dung về con của thương binh, bệnh binh mất sức lao động dưới 81%, con của người hoạt động cách mạng bị bắt đi tù…
Đối tượng được tuyển thẳng
Bổ sung đối tượng đoạt giải trong Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Nếu các đối tượng này không dùng quyền ưu tiên được tuyển thẳng thì cũng được ưu tiên khi xét tuyển vào trường khác.
Ưu tiên theo khu vực
Bổ sung đối tượng Học sinh có hộ khẩu thường trú tại các thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT, Quyết định số 539/QĐ-TTg (ưu tiên KV1).
5. Thông tư số 03/2014/TT-BGDĐT ngày 25/2/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam. Có hiệu lực từ ngày 11/4/2014.
Theo Thông tư thì người nước ngoài học tập tại Việt Nam học chương trình trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ được miễn áp dụng chuẩn ngoại ngữ đầu ra quy định với công dân Việt Nam học các chương trình tương ứng giảng dạy bằng tiếng Việt; được miễn học môn Giáo dục quốc phòng - an ninh và được lựa chọn môn học thay thế, gồm: Tiếng Việt nâng cao, Văn hóa Việt Nam, Lịch sử Việt Nam…
6. Thông tư số 02/2014/TT-BXD hướng dẫn Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành. Có hiệu lực thi hành ngày 02/4/2014.
Theo Thông tư thì các trường hợp xây dựng sai phép, không phép… mà đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ nhưng chưa thực hiện. Nếu xét thấy việc xây dựng không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và trong quy hoạch đất này được phép xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính xem xét, quyết định hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ.
Với sai phạm trên, xử lý theo hình thức áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình.
Đối với trường hợp theo quy định phải có giấy phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng sau khi chủ đầu tư chấp hành đầy đủ quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả./.
Kim Yến (Tổng hợp)