Có lẽ trong chúng ta, ai ai cũng tự hào vì là người con đất Việt – nơi đã sinh ra Hồ Chí Minh. Khi nhắc đến Bác, trong sâu thẳm tâm hồn, tôi luôn cảm nhận một tình cảm yêu thương bao la, nồng ấm, chứa chan, lan toả khắp đất trời:
“Hồ Chí Minh, Người ở khắp muôn nơi
Hồn biển lớn đón muôn lời thủ thỉ
Lắng từng câu từng ý chưa thành
Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ…”
Hồ Chí Minh, một đời người cống hiến cho đất nước với bao trăn trở, cần lao và sáng tạo để cho chúng ta hôm nay - Người Việt Nam có một lãnh tụ, thế giới có thêm một vĩ nhân. Hồ Chí Minh là tấm gương sáng tích lọc tinh hoa của dân tộc và là một nhà văn hoá lớn.
“Một điểm nổi bật trong đạo đức của Hồ Chí Minh là lòng yêu nước. Nhưng ở đây không phải là lòng thương người siêu giai cấp, trừu tượng, mà là tình thương yêu giai cấp đối với công nhân, tình yêu thương rộng lớn đối với nhân dân lao động, đối với những người cùng khổ” (Trường Chinh - Hồ Chủ tịch, lãnh đạo kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. NXB Sự thật H 1965, tr.57).
Sự nghiệp cách mạng của Người bắt đầu từ đời sống cần lao, vì thế đối với giai cấp công nhân Người đã giành một sự quan tâm sâu sắc, một tình cảm yêu thương đặc biệt vì chính bản thân Người, suốt cả tuổi thanh xuân, đã trải qua cuộc đời người thợ, đã đau đến tận cùng nỗi đau của người cần lao trên toàn trái đất. Chính vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích của giai cấp công nhân, cần phải có một tổ chức, đó là tổ chức Công Hội (nay là tổ chức Công đoàn). Người đã có rất nhiều bài viết, bài nói chuyện về giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, trong số đó, tôi đã đọc rất nhiều lần và vô cùng thấm thía từng câu, từng ý của Bác qua bài nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng và những tâm huyết của Bác đối với tổ chức Công đoàn qua bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc.
(Trích trong tài liệu “Bác Hồ với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam”– Nhà xuất bản Lao động 2003).
Có thể nói trong toàn bộ kho tàng tư tưởng và di sản cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc giải quyết vấn đề công nhân là quan trọng nhất.
Ngày 11 tháng 10 năm 1941 Bác viết bài thơ “Công nhân” gồm 20 câu in trên báo “Việt Nam Độc lập”, trong đó có những câu:
“Thợ thuyền ta phải đứng ra
Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình
Cùng nhau vào hội Việt Minh
Ra tay tranh đấu hy sinh mới là
Bao giờ khôi phục nước nhà
Của ta ta giữ công ta ta làm”
Để nhắc nhở, động viên công nhân, Bác đã đi thăm rất nhiều nhà máy xí nghiệp và nói chuyện thân mật với họ, vào ngày 30/5/1957, Bác đã nói chuyện với cán bộ công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng. Bài nói chuyện của Bác đã tác động tích cực đến tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, anh em công nhân nơi đây:
“Nhà máy xi măng Hải Phòng trước đây là của thực dân. Bây giờ là của các cô, các chú. Người công nhân trước đây là người làm thuê cho tư bản. Bây giờ là người làm chủ đất nước. Phải xứng đáng với vai trò của mình.
Đảng và Chính phủ rất thông cảm với khó khăn của nhà máy, những khó khăn của công nhân… Đây cũng là khó khăn chung của đất nước sau chiến tranh và sau bao năm bị đế quốc, phong kiến vơ vét, bóc lột đến tận xương tuỷ.
Muốn khắc phục những khó khăn đó, phải chịu khó, chịu khổ. Ra sức lao động sản xuất để cải thiện đời sống. Công cuộc xây dựng lại đất nước ngày nay như đào một cái giếng uống nước, trồng một cái cây ăn quả: Người đào giếng thì phải chịu khát rồi mới có nước. Người trồng cây phải cố gắng vun trồng thì cây mới có quả.
Vì sao bây giờ lương còn ít, đời sống khó khăn? Có phải vì Bác, vì các cô, các chú không? Chính là vì bọn thực dân Pháp bóc lột nhân dân mình, nhất là bóc lột công nhân. Ta kháng chiến đánh đuổi được nó đi. Nhưng “không ăn thì đạp đổ”, nó đã mang theo máy móc đi, mang đi không được thì nó phá.
Thế là đế quốc rút đi còn để lại cho chúng ta nghèo, nạn thất nghiệp và bệnh tật… Bây giờ ai giải quyết cái đó? Chính là các cô, các chú ở đây, công nhân các nơi cùng toàn thể nhân dân. Các cô, các chú cứ ngồi ở đây mà kêu Đảng, kêu Bác Hồ thì thật không phải. Đảng và Bác Hồ chỉ lãnh đạo các cô, các chú làm thôi chứ. Các cô, các chú mà cố gắng công tác, sản xuất thì rồi của cải gì cũng nhiều, cũng rẻ. Rẻ thì mới mua được nhiều và mới ấm no.
Hiện nay trong tư tưởng của một số cán bộ, công nhân chỉ thích đỗ đạt bằng cấp, thăng quan tiến chức, ngồi bàn giấy mà coi thường lao động chân tay, lao động sản xuất. Ta học để làm gì? Cũng để mà lao động. Đã là lao động thì lao động chân tay hay lao động trí óc cũng đều quý. Nếu không có lao động chân tay thì lao động trí óc làm được gì? Công tác của những người như cô Bin, cô Thơm tuy vất vả nhưng rất vinh vang. Không có các cô, các chú ấy thì ai làm? Người làm Chủ tịch mà không làm tròn nhiệm vụ thì có gì là vẻ vang đâu. Người lười biếng, người muốn làm ít, ăn nhiều (như đầu cơ, tích trữ) thì chẳng những không vẻ vang mà còn đáng hổ thẹn”.
Qua bài nói chuyện trên, nếu tôi là công nhân của nhà máy, có lẽ tôi rất xúc động! Vâng, xúc động vì tấm lòng yêu thương, trìu mến của Bác, Bác quan tâm đến đời sống của anh, em công nhân, Bác đã chỉ ra cuộc sống nghèo nàn, cơ cực hiện nay mà chúng ta phải gồng mình gánh chịu đó là do bọn thực dân Pháp gây nên “chính là vì bọn thực dân Pháp bóc lột nhân dân mình, nhất là bóc lột công nhân”. Bác đã chỉ ra được nguyên nhân gây ra sự đói nghèo, Bác đã động viên anh, em công nhân vượt qua khó khăn, tăng gia sản xuất “các cô, các chú mà cố gắng công tác, sản xuất thì rồi của cải gì cũng nhiều, cũng rẻ. Rẻ thì mới mua được nhiều và mới ấm no”. Chỉ có làm được điều đó bằng chính sự quyết tâm, bằng sự lao động chân chính thì cuộc sống của chúng ta mới được ấm no, tự do và hạnh phúc.
Bác Hồ không chỉ quan tâm đánh giá cao vị trí, vai trò của giai cấp công nhân mà còn khẳng định vị trí, tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Công đoàn cơ sở toàn miền Bắc, Bác Hồ đã có những lời dặn dò đầy tâm huyết:
“Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp công nhân thì cần có công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt.
Cán bộ phải cố gắng học tập văn hoá, chính trị, nghiệp vụ. Kinh tế của ta ngày càng phát triển, hàng ngũ công nhân ngày càng thêm đông. Muốn làm tròn nhiệm vụ của mình thì cán bộ phải luôn luôn cố gắng học tập, cố gắng vươn lên để không ngừng tiến bộ.
Phải chủ động xây dựng quan hệ đoàn kết và phối hợp giúp đỡ nhau giữa các tổ chức và các ngành nghề, nhất là giữa Công đoàn, Giám đốc và Đoàn Thanh niên.
Phải chống tư tưởng chờ đợi, ỷ lại và cục bộ.
Phải có kế hoạch bồi dưỡng các anh hùng và chiến sĩ thi đua để phát huy vai trò kiểu mẫu và tác dụng đầu tàu của họ.
Đối với anh em lao động trí óc và cán bộ khoa học kỹ thuật, công đoàn phải có kế hoạch giúp đỡ họ không ngừng tiến bộ và thực hiện đoàn kết chặt chẽ với nhau.
Công đoàn phải làm tốt công tác bảo hộ lao động, phải thật sự chăm nom nơi ăn, nhà ở của công nhân viên chức.
Công đoàn các cấp cần phải cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc kiểm tra, cần bớt giấy tờ từng đống và hội họp lu bù. Cán bộ cấp trên cần thường xuyên đi đến cơ sở để giúp họ một cách thiết thực hơn”.
Trong những năm tháng miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy tuổi đã cao, sức đã yếu và tuy bận trăm nghìn công việc, Bác Hồ vẫn thường xuyên đi về các công trường nhà máy, hầm mỏ để chuyện trò, để giáo dục, hướng dẫn, dìu dắt giai cấp công nhân. Toát lên trong toàn bộ các bài viết, bài nói của người là một tình cảm yêu thương bao la, là những mong muốn mãnh liệt xây dựng một giai cấp công nhân tiên phong, gương mẫu, tiêu biểu cho các giai cấp khác.
Đất nước ta đang chuyển mình đổi mới, thời kỳ khó khăn của dân tộc đã qua, cả nước ta đang hừng hực khí thế đi lên, khẳng định vị thế của Việt nam trên trường quốc tế. Vận hội mới đang bắt đầu, tương lai dân tộc đang bừng sáng. Là người dân Việt Nam, chúng ta tự hào phấn khởi với những thành quả mà nhân dân ta đã đạt được. Trong đó, cái quý nhất, cao đẹp nhất là sự đoàn kết một lòng của các giai cấp trong xã hội, giai cấp công nhân vẫn giữ vai trò tiên phong của mình trong lãnh đạo và xây dựng đất nước. Để giữ vững trọn vẹn niềm tin vào bản lĩnh, sức mạnh của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn cần phải đổi mới hoạt động để bảo vệ quyền và lợi ích, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho công nhân và người lao động.
Với cá nhân tôi, trước đây, tôi hiểu biết rất hạn chế về tổ chức Công đoàn. Tôi ít khi quan tâm và tham gia các hoạt động công đoàn. Nhưng từ khi có thông tin về việc bãi công, biểu tình của công nhân Khu Công nghiệp Tỷ Xuân (xã Hoà Phú - huyện Long Hồ) tôi thấy công nhân bị bóc lột sức lao động và đối xử không công bằng, đời sống vật chất khó khăn, đời sống tinh thần không ổn định. Chính nhờ sự can thiệp của Liên đoàn Lao động tỉnh, chỉ ra những quy định bất hợp lý đối với công nhân, Ban Giám đốc của Khu Công nghiệp Tỷ Xuân đã nhanh chóng điều chỉnh những quy định khắc khe này, quyền và lợi ích của công nhân được bảo vệ, từ đó, tôi quan tâm đến tổ chức Công đoàn nhiều hơn. Qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, ở các nơi khác, nhiều nguyện vọng, đề xuất hợp lý, hợp tình, những quyền lợi chính đáng, bức xúc của người lao động đã được tổ chức công đoàn đứng ra bảo vệ, giúp đỡ. Qua đó đã tạo được lòng tin của đoàn viên và người lao động, làm cho nhận thức của họ tăng lên và thấy được việc công đoàn làm là vì lợi ích cho mình. Lòng tin ấy không bị hao mòn theo thời gian vì nó không chỉ dừng lại ở những câu chữ mà ngày càng tỏa sáng bởi những hoạt động rất thực tế và cụ thể. Ở cơ quan tôi, công đoàn đã phổ biến và thực hiện các hoạt động như “Mái ấm công đoàn”, phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cho các nữ công đoàn viên, tổ chức Tết trung thu cho các cháu thiếu nhi, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, công chức, luôn kịp thời hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn... đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với cán bộ, công chức trong cơ quan. Điều này đã làm nổi bật vị trí của Công đoàn – tổ chức chính trị xã hội tham mưu cho cấp ủy chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, là ngôi nhà, là tổ ấm, là người bạn đồng hành của giai cấp công nhân và người lao động.
Tìm hiểu những tư tưởng của Bác về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, chúng ta hãy cùng suy ngẫm, vận dụng và thực hiện di huấn của Người, đây là một việc làm thiết thực đối với mỗi cán bộ, nhân viên, công nhân. Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp công nhân và công đoàn vẫn là ngọn đuốc soi chúng ta vững bước đi vào thiên niên kỷ mới./.
Phạm Thị Tuyết Minh
Theo tctph.gov.vn
Kim Yến (st)