Hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Ít thấy có dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Đây vừa là tình cảm vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là một hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng của Bộ đội Cụ Hồ như dân tộc Việt Nam ta.

Bộ đội Cụ Hồ là cách gọi rất Việt Nam, thật gần gũi. Bộ đội Cụ Hồ không những chỉ là tên gọi trìu mến mà nhân dân dành cho quân đội mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của nhân dân.

Về xuất xứ của tên gọi Bộ đội Cụ Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong một hồi ức của mình kể: “Tôi nhớ rằng, từ trong Khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang ta là “Bộ đội Ông Ké”, hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình mà nhiều người lúc đó chưa biết tên Bác. Có lẽ về sau khi biết tên Người, đó là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam mới, mọi người đã gọi “Bộ đội Ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ”, và cũng từ Chiến khu Việt Bắc, tên gọi yêu dấu ấy xuất hiện từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”.

1. Đặc điểm và ý nghĩa xã hội của “Bộ đội Cụ Hồ”

Sự xuất hiện các tổ chức vũ trang đầu tiên của cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đặc biệt là sự ra đời của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 22-12-1944) có một ý nghĩa rất lớn. Nó chẳng những chứng tỏ sự lớn mạnh của cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền trong cả nước, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do mà còn đánh dấu một thời đại mới của những người lính Việt Nam. Đó là thời kỳ nước Việt Nam có một quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, chiến đấu vì mục tiêu cao cả là độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc và vì chủ nghĩa xã hội.

Nhân dân ta gọi Bộ đội Cụ Hồ vì Cụ Hồ - tên gọi trìu mến của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, là người tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta, là hiện thân của niềm tin và sức mạnh, là người tổ chức và dẫn dắt nhân dân ta đứng lên tự giải phóng, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả những giá trị cao đẹp của dân tộc Việt Nam, của văn hóa Việt Nam. Những gì gắn bó với cuộc đời Bác, được Bác chăm lo, với nhân dân đều cao quý vô cùng. Nhân dân ta gọi quân đội của mình là bộ đội của Cụ Hồ vì cảm nhận một cách sâu sắc quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Bác và quân đội, Bác và những người chiến sĩ. Bác chính là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người đã khai sinh ra quân đội ta với bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân lịch sử. Bác chăm lo từng bước đi lên của quân đội, giáo dục chiến sĩ, khuyên bảo cán bộ... Nét đặc sắc trong đạo đức và tình cảm của Bác là vô cùng gần gũi, yêu thương bộ đội, tin tưởng ở tinh thần dũng cảm và sáng tạo của bộ đội, hiểu thấu và thông cảm những gian khổ, khó khăn của người chiến sĩ. Trước lúc đi xa, Người còn để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể bộ đội và căn dặn cần chọn những chiến sĩ trẻ tuổi ưu tú trong quân đội và thanh niên xung phong để đào tạo thành những cán bộ, công nhân giỏi, coi đó là đội quân chủ lực trong công cuộc phục hưng và tái thiết đất nước sau này.

Mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của quân đội đều gắn liền với sự giáo dục, rèn luyện của “người cha thân yêu” nên nhân dân gọi họ là Bộ đội Cụ Hồ. Gọi bộ đội là Bộ đội Cụ Hồ còn là vì bản thân các chiến sĩ quân đội trải qua hơn nửa thế kỷ chiến đấu đã luôn luôn xứng đáng với niềm tin của Người. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một mẫu hình về con người mới có lý tưởng cao đẹp, có đạo đức trong sáng, thực hiện trọn vẹn xuất sắc chỉ thị, những lời dặn và niềm tin sâu sắc của Bác.

Những đặc trưng cơ bản của Bộ đội Cụ Hồ được cô đúc trong lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944/22-12-1964) là: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Lời biểu dương đó đồng thời cũng là sự khái quát đầy đủ nhất bản chất cách mạng của quân đội ta. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ chứa đựng một cách đầy đủ và tập trung nhất những phẩm chất tốt đẹp của quân đội mà mỗi chiến sĩ đã thực hiện đúng những lời dạy của Người.

Bộ đội Cụ Hồ là đỉnh cao về hình tượng của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ngay từ khi mới thành lập, họ đã được nhân dân coi như con em. Biết bao bài ca, câu chuyện về “những nông dân mặc áo lính” còn được lưu truyền đến bây giờ. Họ là “những người tứ xứ” nhưng có chung lý tưởng chiến đấu, họ luôn luôn gắn bó với dân, được dân tin, dân phục, dân yêu vì chẳng những “không lấy cái kim sợi chỉ của nhân dân” mà còn “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, dám xả thân “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Quân đội ta là quân đội nhân dân vì lý do như vậy. Nói quân đội ta “hiếu với dân” cũng do là như vậy.

Bộ đội Cụ Hồ là những chiến sĩ có lòng trung thành tuyệt đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Trung thành với Đảng cũng là trung thành với Tổ quốc Việt Nam, bởi Đảng là tổ chức tiền phong của giai cấp công nhân, của dân tộc, lợi ích của Đảng là lợi ích của dân tộc. Trung với Nước, trung với Đảng được biểu hiện ở lòng yêu Tổ quốc thiết tha, căm ghét mọi kẻ thù xâm lược và các thế lực không tôn trọng độc lập, chủ quyền và sự nghiệp cách mạng của chúng ta, là tinh thần quyết chiến quyết thắng, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”; là lời thề “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Lòng trung thành của Bộ đội Cụ Hồ với Tổ quốc là sự kế thừa truyền thống “sát thát”, “dẫu trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, ngàn xác này gói trong da ngựa cũng cam lòng” của những người lính thời Trần.

Vì chung một lý tưởng, đều là con em nhân dân nên Bộ đội Cụ Hồ có tinh thần đồng đội rất cao. Đồng đội đồng thời cũng là đồng chí. Đây là nét rất đặc thù của quân đội cách mạng. Nếu như những người lính trước đây coi nhau như “huynh đệ” (anh em) thì đến giữa thế kỷ 20, những chiến sĩ Việt Nam đã nâng lên thành tinh thần đồng đội, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau lúc thường cũng như khi ra trận. “Nghĩa tình đồng đội”, “tình bạn chiến đấu”, “đi tìm đồng đội”, “tâm tình đồng đội”... từ lâu đã trở thành những nét đẹp trong đời sống cộng đồng người Việt Nam. Có thể nói, đây là biểu hiện cao của truyền thống đoàn kết, nhân ái của con người Việt Nam.

nhan-cach-bd-cu-ho-bqllang.gov.vn
Gương mặt chiến sĩ mới Lữ đoàn 147 Hải quân. Ảnh: Minh Trường

Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là những người cầm súng thuần túy. Từ khi mới ra đời, quân đội ta đã được xác định nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất và công tác. Trong thời chiến, lúc hòa bình, ba chức năng chiến đấu, công tác và sản xuất đều được coi trọng. Xác định được nhiệm vụ thường xuyên như vậy nên chiến sĩ ta luôn luôn tích cực học tập, rèn luyện về mọi mặt để không ngừng tiến bộ. Trải qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh, quân đội ta không những đã chứng tỏ là một quân đội chiến đấu giỏi mà còn là đội quân công tác giỏi, sản xuất giỏi. Gan dạ và dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, tự lực tự cường, kiên nhẫn và nhiệt tình luôn luôn là những truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Truyền thống này phải chăng có nguồn gốc từ thời Trần với chính sách "ngụ binh, ư nông"? Nói về truyền thống chiến đấu giỏi, công tác và sản xuất có hiệu quả, năng suất của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tức là nói đến truyền thống "nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".

Một nét đặc trưng tiêu biểu khác của Bộ đội Cụ Hồ đó là tinh thần kỷ luật, tự giác cao. Trước đây, trong lịch sử, những người lính Việt Nam đã có truyền thống "quân lệnh như sơn", thời nay, Bộ đội Cụ Hồ luôn luôn được rèn luyện tinh thần kỷ luật, tự giác bằng "12 điều kỷ luật", bằng việc chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và mệnh lệnh của cấp chỉ huy.

Ý thức chấp hành kỷ luật của Bộ đội Cụ Hồ mấy mươi năm qua dựa trên tinh thần tự giác là chủ yếu. Tinh thần "quân lệnh như sơn" ở đây đã được thực hiện bằng tình đồng đội, tình "huynh đệ" và nhiều hơn, chính là lòng tự trọng, danh dự. Mang trên mình bộ quân phục, với vinh dự Bộ đội Cụ Hồ được dân tin, được dân yêu, người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không thể không trở thành những chiến sĩ có kỷ luật cao. Hơn năm mươi năm qua, nói tới Bộ đội Cụ Hồ là nói tới những con người sống có ý thức tổ chức và kỷ luật rất cao. Vì rất tự hào, tin tưởng ở bộ đội nên nhân dân ta mới coi "việc quân", "việc nhà binh" là trên hết. Câu ca thời chống Mỹ "Nhà tan, cửa nát cũng ừ/ Quyết tâm đánh Mỹ cực chừ sướng sau" thể hiện rõ điều này. Vì việc nhà binh, vì chiến thắng, họ sẵn sàng nhường cả ngôi nhà thân yêu của mình để cho xe đi ra chiến trường. Tinh thần kỷ luật cao đồng thời chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh bách chiến, bách thắng của Bộ đội Cụ Hồ, của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ đội Cụ Hồ còn là những người lính có tinh thần quốc tế cao cả. Từ truyền thống nhân ái của dân tộc "Tắt lửa, tối đèn có nhau", "Thương người như thể thương thân", mấy mươi năm qua, với tinh thần "Cứu bạn là tự cứu mình" đầy nhân bản, nhân ái, nhiều chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành những chiến sĩ quốc tế, những "tình nguyện quân", vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ của nhân dân Lào, Cam-pu-chia, trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, các cuộc chiến đấu chống lại các thế lực tay sai, phản động. Tinh thần quốc tế cao cả, vô tư của Bộ đội Cụ Hồ là một nét rất mới trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam.

Những đặc trưng nổi bật của Bộ đội Cụ Hồ như trung thành vô hạn với Tổ quốc Việt Nam, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, gắn bó chặt chẽ với nhân dân; có tinh thần đồng đội, tinh thần kỷ luật, tự giác và ham học hỏi, cầu tiến bộ... đã trở thành những hành trang quý báu trên hành trình lớn lên, trưởng thành và chiến thắng của các lực lượng vũ trang ta. Đó cũng là nét văn hóa đặc trưng của một nền văn hóa mới, văn hóa vì con người dựa trên truyền thống và cốt cách Việt Nam.

Sự xuất hiện của Bộ đội Cụ Hồ trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc mới có 70 năm. Thời gian ấy so với lịch sử dân tộc là không dài, nhưng chỉ bằng thời gian đó, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ đã đi vào lịch sử, đi vào đời sống đất nước, đời sống cộng đồng một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn và trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới.

Ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, hình ảnh những "chàng Vệ quốc quân" với những gương chiến đấu kiên cường, với cái cười thật hồn nhiên và chiếc mũ có lưới ngụy trang cùng tấm áo trấn thủ "ba mươi sáu đường gian khổ"... đã đi vào tâm khảm của nhân dân. Họ đi đến đâu giặc tan, đời sống hòa bình đến đó. Hình ảnh "bộ đội về làng", "bộ đội gặp dân công", "bộ đội kéo pháo", "công đồn"... mãi mãi là hình ảnh tươi đẹp của một thời. Truyền thống "đi dân nhớ, ở dân thương", tinh thần đoàn kết quân dân, "tình cá nước"... được hình thành từ đó. Và cũng từ đây, anh lính Cụ Hồ trở thành nhân vật trung tâm của văn hóa, văn nghệ cách mạng.

Cũng từ khi những "chàng Vệ quốc quân", những anh Bộ đội Cụ Hồ trở thành biểu tượng tự hào trên quê hương Việt Nam, đã hình thành những quan hệ đặc biệt chứa đựng giá trị văn hóa hoàn toàn mới, từ đó, được văn học, nghệ thuật tái tạo thành những mô-típ thật đẹp đẽ, độc đáo. Trong các quan hệ ấy, lịch sử hơn 50 năm qua đã xây đắp nên một quan hệ cực kỳ đặc biệt, đó là người mẹ và người chiến sĩ. Với các mẹ, thì thật chưa có nơi nào, thời nào, người lính lại được sống trong tình thương yêu lớn lao như thế, "mẹ chiến sĩ", "mẹ bộ đội", "mẹ anh hùng", "mẹ Việt Nam"... là những hình tượng đã đi vào lịch sử, vào đời sống, đi vào thơ, nhạc, những ca khúc và những áng thơ văn bất diệt.

Những người mẹ Việt Nam tin tưởng quân đội là trường học lớn, ở đó, những người con của các mẹ không chỉ được học về kỹ thuật, chiến thuật để chiến đấu mà còn được giáo dục, rèn luyện về văn hóa, nếp sống, về lòng quả cảm, đức hy sinh và lòng nhân ái, vị tha. Ở đó, quân đội là "gia đình lớn" vì những người chiến sĩ coi nhau như anh em một nhà, bất kể quê hương, dân tộc, tôn giáo. Trong gia đình ấy, chỉ có tình thương và chữ "đồng": Đồng chí, đồng đội, đồng hương. Chưa thời nào, chưa thấy ở đâu, tình thương yêu lại sâu nặng, gắn bó như tình đồng đội của những Bộ đội Cụ Hồ. Nghĩa tình này không chỉ có khi họ cùng chiến hào, cùng đơn vị với nhau mà mãi về sau, khi họ đã rời tay súng, trút bỏ bộ đồ nhà binh rồi, mối tình ấy vẫn còn sâu nặng. Khi người lính trở về, tinh thần, tình đồng đội của họ không những không nhạt phai mà còn được nhân lên. Họ cùng nhau lặn lội "đi tìm đồng đội" năm xưa. Tìm nhau không chỉ để tìm về kỷ niệm cũ mà để giúp đỡ, tương trợ nhau và còn để cùng đi tìm phần mộ, hài cốt của những người đồng đội đã ngã xuống trong những năm tháng chiến đấu...

Cùng với quan hệ mẹ và chiến sĩ, quan hệ đồng đội, đồng chí với những giá trị nhân văn sâu sắc, cảm động đã đi vào văn hóa, văn học, nghệ thuật, tạo nên những hình tượng, những mô-típ độc đáo trong suốt lịch sử văn hóa cách mạng Việt Nam.

Bộ đội Cụ Hồ với những biểu hiện đẹp đẽ đó đã là biểu tượng tiêu biểu và đáng tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng, đã được nhân dân ca tụng là "con người đẹp nhất", được coi là khát vọng vươn tới của tuổi trẻ. Và thật đặc biệt, Bộ đội Cụ Hồ từ một biểu tượng mang ý nghĩa xã hội lại trở thành một hình ảnh gần gũi, thương yêu, trở thành nơi gửi gắm tình cảm thầm kín, khát vọng hạnh phúc riêng tư và trong sáng./.

(Còn nữa)

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG (Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: