2. Đặc trưng lịch sử và văn hóa của nhân cách Bộ đội Cụ Hồ
Các kiểu mẫu nhân cách tiêu biểu của một số quốc gia, dân tộc thường gắn rất chặt và trực tiếp với một hệ tư tưởng, thông thường là hệ tư tưởng của giai cấp thống trị. Tất nhiên, hệ tư tưởng đó có sức mạnh chi phối sâu sắc đối với một thời kỳ lịch sử và đóng vai trò tích cực đối với sự phát triển của thời kỳ lịch sử đó. Từ đó, kiểu mẫu nhân cách-kết quả trực tiếp từ hệ tư tưởng đó, cũng có tác động mạnh mẽ như một hình mẫu mà con người đương thời có khát vọng vươn tới. Người quân tử trong xã hội phong kiến Trung Quốc gắn rất chặt với hệ tư tưởng phong kiến, mà trực tiếp và bao trùm là Nho giáo. Những đòi hỏi về các giá trị cần có trong nhân cách của người quân tử là trung, hiếu, lễ, nghĩa, trí, tín, để từ đó thực hiện sứ mệnh "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Các kiểu mẫu nhân cách khác, từ hiệp sĩ thời trung cổ châu Âu, đến võ sĩ đạo trong văn hóa Nhật Bản đều có đặc trưng quan trọng là sự gắn bó trực tiếp với hệ tư tưởng, là kết quả trực tiếp của một hệ tư tưởng.
Có thể đi tìm nguồn gốc sâu xa của kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ từ các nhân tố mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và lịch sử rất sâu sắc. Trước hết mang ý nghĩa nhân dân, được nhân dân hóa, được nhân dân cảm nhận, nhân dân đặt tên, khẳng định và truyền tụng. Nếu trước đây, trong lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc ta, những người có công trong chiến đấu bảo vệ thôn xóm, làng xã, quê hương, trong tạo dựng đời sống bền vững được nhân dân tôn thành các thành hoàng để ghi công và tưởng nhớ, thì danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ cũng là do chính nhân dân trao tặng cho bộ đội. Sự thống nhất giữa những người lính bình thường (bộ đội) với tên tuổi, phẩm giá thiêng liêng của lãnh tụ (Cụ Hồ) chính là thể hiện tình cảm, tình yêu, sự quý trọng và ngưỡng mộ của chính nhân dân đối với người chiến sĩ, và qua đó đối với lý tưởng, mục tiêu chiến đấu mà vì nó, người chiến sĩ sẵn sàng hy sinh, cống hiến.
Bộ đội Cụ Hồ, vì vậy, là sản phẩm lịch sử, là một giá trị văn hóa được hình thành trong một thời điểm lịch sử đấu tranh rất đặc biệt, khi mà mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, của Bác Hồ hòa quyện và thống nhất tuyệt đối với khát vọng độc lập, tự do, khát vọng giải phóng của cả dân tộc.
Mặt khác, nếu xét ở góc độ truyền thống dân tộc và truyền thống văn hóa dân tộc, kiểu mẫu Bộ đội Cụ Hồ còn có nguồn gốc sâu xa hơn, bởi vì nó không chỉ là sản phẩm của 70 năm, mà còn bắt nguồn, nối tiếp và phát triển của kiểu mẫu những nghĩa sĩ, nghĩa binh, nghĩa quân, của cả ngàn năm lịch sử.
Sinh nhật đồng đội tại Trung đoàn 43, Sư đoàn 395, Quân khu 3. Ảnh: Duy Văn
Những nghĩa binh, nghĩa quân, nghĩa sĩ đứng lên, sung vào đội ngũ chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì những giá trị của văn hiến Việt Nam trong suốt 1000 năm Bắc thuộc, trong suốt cuộc chiến đấu chống ngoại xâm thời phong kiến và trong khoảng 80 năm đô hộ của thực dân Pháp xâm lược đều là những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.
Nói về những nghĩa sĩ, nghĩa quân của cả ngàn năm lịch sử ấy không thể không kể tới hình ảnh của các đội nữ binh thời Bà Trưng, Bà Triệu, những nữ binh cưỡi voi xông trận trong tinh thần "Đền nợ nước, trả thù nhà", với khí thế "muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi đánh đuổi giặc, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, không chịu khom lưng làm tì thiếp người". Những nữ binh trong các cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43), khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248) thực sự đã làm nên truyền thống "Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh" của người Việt Nam và phải chăng, đó chính là cội nguồn tạo tiền đề đầu tiên cho sự ra đời của các "Đội quân tóc dài" cách mạng sau này.
Nói về những nghĩa binh, nghĩa quân thời xa xưa ấy không thể không nhắc tới những người "Cờ lau tập trận" trong đội quân của Đinh Bộ Lĩnh thời dẹp loạn "12 sứ quân" năm 967, những người "Áo vải cờ đào" trong khởi nghĩa Tây Sơn của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ (năm 1786) nhằm lập lại nền thống nhất đất nước, chấm dứt cuộc xung đột Nam-Bắc triều (Lê-Mạc) và cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh...
Nói về những nghĩa sĩ, nghĩa binh trong lịch sử dựng nước và giữ nước cần phải nói nhiều hơn đến hình ảnh những người chiến sĩ đã làm nên chiến thắng lừng lẫy trên sông Bạch Đằng, sông Cầu, ở bến Chương Dương, Hàm Tử, ở Chi Lăng, Xương Giang, Tốt Động, Chúc Động, Rạch Gầm, Xoài Mút, Ngọc Hồi, Đống Đa...
Di sản quý báu nhất có từ trong khói lửa của cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc thời phong kiến và thời Pháp thuộc để lại cho thế hệ hôm nay, có lẽ là truyền thống bất khuất, ý chí quật cường của cha ông. Di sản, truyền thống ấy còn là tư tưởng quân sự "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn", "Lấy chí nhân thay cường bạo" và nữa, đó còn là tinh thần "Phụ tử chi binh" của thời Trần, "Huynh đệ chi binh" của thời Lê, thời Tây Sơn. Tinh thần đó làm cơ sở tốt để sau này chúng ta xây dựng quân đội nhân dân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Tinh thần "cá nước", "nghĩa tình đồng đội, đồng chí" của hôm nay phải chăng đã bắt nguồn từ thời "Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" có từ thời khởi nghĩa Lam Sơn.
Từ sự phân tích trên cho phép chúng ta khẳng định rằng, kiểu mẫu nhân cách Bộ đội Cụ Hồ có nguồn gốc sâu xa trong lịch sử đấu tranh, trong truyền thống văn hóa lâu đời và độc đáo của dân tộc ta. Và vì vậy, nó có sức sống bền vững, có khả năng được củng cố, phát triển trong những giai đoạn lịch sử. Tất nhiên, nó không thể là sản phẩm tự phát, vì vậy, việc tiếp tục nuôi dưỡng, xây dựng, phát triển kiểu mẫu nhân cách đó lúc này và trong tương lai lại là nhiệm vụ cực kỳ to lớn và phức tạp. Để có thể làm tốt nhiệm vụ đó, điều cần thiết là phân tích kiểu mẫu nhân cách này về mặt lịch sử và văn hóa, tìm ra những giá trị cốt lõi, bền vững, những giá trị mang tính đặc thù của một giai đoạn lịch sử, đồng thời phân tích sự tác động phức tạp của đời sống đương đại hiện nay đối với các giá trị đó, từ đó vừa củng cố các giá trị truyền thống, vừa bổ sung những giá trị mới cần có của nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong một thời kỳ lịch sử mới.
Đất nước ta đã trải qua mấy chục năm phải tiến hành hai cuộc kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ đầy hy sinh gian khổ và hết mực kiên cường, quả cảm. Đây là giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, cả nước trăm người như một, cùng ý chí, một lòng, một con đường, một lý tưởng cao đẹp; đuổi giặc ngoại xâm giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do. Trong nhiều chục năm đó, cộng đồng Việt Nam, mọi đối tượng, thành phần đoàn kết bên nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất cao trong một loạt những quan niệm về giá trị. Ở hậu phương thì sống theo những chuẩn mực: Tất cả vì tiền tuyến; mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt; thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người..., ở tiền tuyến thì: Chưa hết giặc là ta chưa về; thà chết chứ không chịu làm nô lệ, không chịu mất nước; cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù;... Đúng như Chính Hữu và Vũ Trọng Hối đã viết thành thơ và nhạc: "Có những ngày vui sao, cả nước lên đường, xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục", bởi vì cả nước ra trận, "Đi theo ánh lửa từ trái tim mình"./.
(Còn nữa)
GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG (Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận-Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương)
Theo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)