Chiến thắng Điện Biên Phủ là trang sử vàng của dân tộc. Trong trận đọ sức lịch sử ấy, các đơn vị chủ lực của quân đội ta được huy động tối đa lên vùng Tây Bắc với khí thế hừng hực, quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân xâm lược, kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ. Trong chiến công lẫy lừng ấy có sự đóng góp không nhỏ của những con người bình dị nhưng rất đỗi phi thường…

Điệp trùng đường lên Tây Bắc

Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 225, Tiểu đoàn 232, Trung đoàn 88 (Đại đoàn Quân Tiên Phong), người trực tiếp tham gia chiến đấu ngay từ đầu đến khi kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhớ lại:

chien-sy-dien-bien-bqllang.gov.vn
Trung tướng Lê Nam Phong thắp hương tưởng niệm
những đồng đội hy sinh trên đồi Độc Lập năm xưa

- Từ mùa Xuân năm 1953, các đại đoàn quân tinh nhuệ của ta từ Thượng Lào, Thanh Hóa, Hòa Bình bắt đầu cơ động đến Tây Bắc chuẩn bị cho Chiến dịch Trần Đình (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ). Đơn vị tôi cũng gấp rút hành quân để kịp thời nhận nhiệm vụ mới. Những đoàn người dập dồn chân bước, hối hả hành quân. Ban ngày, qua làng bản đồng bào vui mừng vẫy tay chào đón khiến tâm trạng chúng tôi rạo rực, vơi bớt mệt nhọc, vất vả dặm trường. Ban đêm, đuốc dân công, đèn xe thồ như sao sa trên suốt chặng đường. Lực lượng đông đảo nhất, hùng hậu nhất là dân công Thanh Hóa. Ngày ấy, cứ thấy các đoàn dân công Thanh Hóa là chúng tôi rất yên tâm, không lo thiếu lương thực, đạn dược. Mãi sau này tổng kết Chiến dịch tôi mới biết, anh chị em dân công Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận hơn 10.000 tấn lương thực, thực phẩm, chiếm 80% so với tổng số toàn chiến dịch. Tinh thần tất cả vì tiền tuyến của dân công Thanh Hóa là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Đường ra mặt trận vô cùng hiểm trở với bao núi cao, vực thẳm, vách đứng chênh vênh, đường gập ghềnh, khúc khuỷu vẫn không làm cho đoàn quân ta chùn bước. Họ vẫn vượt núi, băng rừng đạp bằng chông gai, hướng về Điện Biên với quyết tâm sắt đá. Từng người, từng người tay xách súng, vai mang nặng ba lô, đạn, gạo… miệt mài sải bước. Trên gương mặt những người lính trẻ dường như không hề biết mệt nhọc. Trong lúc nghỉ ngơi hoặc trước khi đi ngủ, ở các đơn vị bộ binh, từng tổ ba người khoét chung một hố nhỏ, lót ni-lông bên dưới rồi đổ nước ấm pha muối để cùng ngâm chân. Còn với các đơn vị ô tô vận tải, xe kéo pháo không phải hành quân bộ nhưng lại vô cùng mệt nhọc khi phải đẩy pháo, kéo pháo, thậm chí phải tháo rời từng bộ phận vác qua những đoạn đường nhỏ, hẹp, cheo leo… Đại tá Phạm Thanh Tâm, nguyên phóng viên Báo Quyết Thắng của Đại đoàn 351, kể:

- Là ký giả chiến trường nên tôi luôn theo sát đội hình các đơn vị. Có lúc ngồi trên xe kéo pháo của Trung đoàn 45, có lúc lại hành quân bộ hoặc tham gia mở đường cùng Trung đoàn Công binh 151. Bởi vậy, tôi được chứng kiến nhiều đơn vị bộ đội, dân công điệp trùng ra tiền tuyến. Trên đường hành quân, lần đầu tiên nhìn thấy xe to, pháo lớn vượt đèo lên Tây Bắc, nhiều nam, nữ dân công trầm trồ ngạc nhiên, đứng nhìn theo đến khi xa khuất. Có đoàn dân công còn tặng quà bộ đội kèm theo những lời hẹn hò, chúc nhau giành chiến thắng… Tôi đã ghi lại những khoảnh khắc ấy trong bức ký họa “Điệp trùng đường lên Tây Bắc” hiện đang được lưu giữ trong bộ sưu tập tranh, ảnh Điện Biên Phủ.

Kiên cường những chiến sĩ Điện Biên

Sau pháo lệnh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ chiều 13-3-1954, ta đã tiêu diệt cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo trong thời gian 4 ngày. Bước vào giai đoạn 2, tình hình chiến sự trở nên vô cùng khốc liệt. Thời tiết khắc nghiệt, mưa dầm dề, bùn đất nhão nhoẹt. Thế nhưng, cán bộ, chiến sĩ ta vẫn hừng hực khí thế quyết tâm, vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy để giành thắng lợi vĩ đại. Nhiều tấm gương chiến đấu quên mình còn mãi trong tâm trí những người đồng đội. Kể lại thuở hào hùng nơi "chảo lửa" Điện Biên, Trung tướng Lê Nam Phong hào sảng:

- Ở Đại đội tôi có trường hợp của chiến sĩ Nguyễn Quốc Ân. Trong trận đánh cắt sân bay Mường Thanh, Ân bị thương cụt một chân. Sau khi băng bó vết thương, cậu ta nhất định không chịu về tuyến sau, cứ nằng nặc xin ở lại trận địa tiếp tục chiến đấu cùng đồng đội. Hay, trường hợp của chiến sĩ Đồng, trong trận tiến công đồi Độc Lập, Đồng liên tục ôm bộc phá xung phong lên đánh mục tiêu ngay cả khi đã bị thương nặng. Đồng anh dũng hy sinh khi quân ta tiến công vào tung thâm đội hình địch… Những tấm gương dũng cảm kiên cường ấy có tác dụng cổ vũ tinh thần chiến đấu đến cùng, quyết không rời trận địa của bộ đội ta.

chien-sy-dien-bien-bqllang.gov.vnb
Trung tướng Lê Nam Phong thăm lại chiến trường xưa

Để có được khí phách anh hùng, ngoài lòng yêu nước, căm thù giặc còn có vai trò quan trọng của công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Thực tế chiến đấu ở Điện Biên Phủ cho thấy, động viên tư tưởng bộ đội không gì hiệu quả bằng những hành động, việc làm cụ thể; phải tạo cho anh em niềm tin vào chính người chỉ huy, nhất là trong những lúc khó khăn, gian khổ. Đại tá Lê Duy Lưu, nguyên Chính trị viên trưởng Đại đội 34, Tiểu đoàn 400, Trung đoàn 9 (Đại đoàn 304), hồi tưởng:

- Trong giai đoạn 1 của Chiến dịch, đại đội tôi được lệnh chi viện hỏa lực cho đơn vị bạn tiến công. Đúng lúc cả đại đội đang đồng loạt bắn cấp tập vào mục tiêu địch thì một quả đạn pháo đối phương rơi trúng trận địa. Nhiều đồng chí thương vong, trong đó có Đại đội trưởng Bùi Công Phùng. Anh Phùng bị thương nặng nhưng vẫn cố vươn người phất cờ chỉ huy bắn. Thấy vậy, tôi chạy lại vừa kịp lúc anh khuỵu xuống. Hành động của anh như tiếp thêm sức mạnh, thổi bùng lên ngọn lửa căm thù trong toàn đơn vị. Lập tức, hết thảy anh em thương binh đều gắng sức trở về vị trí tiếp tục nã đạn xuống đầu thù, chi viện hiệu quả cho bộ binh tiêu diệt địch trên đồi Độc Lập.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ còn lưu danh chiến công của nhiều cán bộ, chiến sĩ dũng cảm, anh hùng. Trong đó có những chiến công tưởng chừng như sức người không kham nổi khi một pháo thủ đảm nhiệm công việc của cả một khẩu đội tiêu diệt hỏa lực địch suốt nửa tháng trời. Đại tá Phạm Thanh Tâm tấm tắc:

- Đó là trường hợp của Khẩu đội trưởng kiêm pháo thủ số 2 Phùng Văn Khầu, thuộc Trung đội 1, Đại đội 755, Tiểu đoàn 275, Trung đoàn sơn pháo 675 (Đại đoàn 351). Khi Chiến dịch thắng lợi, tôi trực tiếp gặp Phùng Văn Khầu và một số cán bộ, chiến sĩ Đại đội 755, nghe kể lại toàn bộ chiến công phi thường của anh để viết bài đăng trên Báo Quyết Thắng. Những chi tiết ấy đến nay tôi vẫn còn ghi đầy đủ trong cuốn nhật ký Điện Biên Phủ… Hôm ấy là ngày 24-4, trong trận đánh cắt sân bay Mường Thanh, quân Pháp đã dùng 2 tiểu đoàn bộ binh, 5 xe tăng, pháo binh và pháo phòng không chống trả. Khi đó, đơn vị đồng chí Khầu đang ở trên đồi E thì được cấp trên thông báo xuất hiện một trận địa pháo binh địch gồm 4 khẩu 105mm gây trở ngại cho quân ta chiến đấu. Đại đội 755 nhận lệnh tiêu diệt trận địa này, trong khi đó đơn vị chỉ còn duy nhất khẩu đội của đồng chí Khầu có thể chiến đấu được. Nhận nhiệm vụ từ đại đội trưởng, đồng chí Khầu đã xác định quyết tâm chiến thắng. Nhưng rồi, sau thời gian tác chiến, cả khẩu đội chỉ còn lại mình anh. Với lòng căm thù giặc cao độ, Khầu đã làm tất cả nhiệm vụ của 7 pháo thủ khác, từ quan sát, xác định cự ly, ngắm mục tiêu đến nạp đạn, giật cò bắn... Kết quả là, 4 khẩu pháo nguy hại của địch và nhiều lô cốt, ụ đại liên lần lượt bị anh tiêu diệt, chi viện đắc lực cho bộ binh ta tiến công giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ.

Kết thúc Chiến dịch, Phùng Văn Khầu được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Những chiến sĩ Điện Biên “gan vàng dạ ngọc”, mưu trí, anh hùng ấy là biểu tượng cao đẹp của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, mãi ngời sáng cùng dân tộc.

Nặng nghĩa tình đồng đội

Sáu thập niên trôi qua, nhưng tình cảm của một thời cùng “nếm mật nằm gai” vẫn vẹn nguyên trong tâm trí thế hệ chiến sĩ Điện Biên Phủ. Rời quân ngũ khi vừa tròn 70 tuổi, từ đó đến nay Trung tướng Lê Nam Phong dành phần lớn thời gian cho việc xác nhận, tìm kiếm hài cốt đồng đội; vận động xây nhà tình nghĩa tặng chiến sĩ Điện Biên Phủ và thành lập, duy trì hoạt động của Câu lạc bộ truyền thống chiến sĩ Điện Biên. Ông tâm sự:

- Câu lạc bộ của chúng tôi là nơi để các hội viên chia sẻ, động viên, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn. Dù tất cả đã tuổi cao, sức yếu nhưng chúng tôi vẫn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, sống chết có nhau.

Những năm qua, bằng uy tín của mình ông đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng hơn 200 căn nhà tặng chiến sĩ Điện Biên Phủ có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương, nhất là tỉnh Điện Biên. Thế nhưng những cố gắng của vị tướng già xem chừng chưa thấm tháp vào đâu khi mà đồng đội của ông vẫn còn nhiều người sống trong cảnh khó khăn, túng thiếu. Trung tướng Lê Nam Phong bùi ngùi:

- Giáp Tết vừa qua, tôi có dịp đi thăm lại chiến trường xưa và trao nhà tình nghĩa tặng đồng đội, gặp lại những chiến sĩ của mình vừa mừng, vừa thương. Anh em cơ hàn quá! Đồng chí Hùng ở Hà Nội, cả nhà 6 nhân khẩu cùng sống trong căn hộ lụp xụp rộng chừng hơn chục mét vuông; đồng chí Đức ở Hải Phòng, hơn 80 tuổi vẫn phải ngày ngày đi bán vé số…

Vị chỉ huy vang tiếng một thời buông tiếng thở dài nặng trĩu. Gần 90 tuổi ông vẫn đau đáu lo cho đồng đội, vẫn tích cực vận động quyên góp trao tặng họ những mái ấm nghĩa tình. Ông bảo, dòng máu nóng Điện Biên trong tôi còn chảy thì tôi còn “chia lửa” giúp đồng đội vơi bớt khó khăn./.

Bài và ảnh Hoàng Thành

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: