Đặc điểm lớn nhất của định hướng giá trị và xu hướng sắp xếp các giá trị trong nhân cách con người Việt Nam nói chung và trong nhân cách người chiến sĩ nói riêng của giai đoạn kể trên là sự ổn định và thống nhất, ít có biểu hiện ngược chiều và đối lập về quan niệm và định hướng trong phạm vi cộng đồng. Giai đoạn cao cả, muôn người như một. Từ già đến trẻ, từ học sinh đến sinh viên, từ nông dân, công nhân, trí thức đều có một niềm tin tuyệt đối vào mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng, vào sức mạnh vô địch của cách mạng, vào khát vọng cao đẹp là chủ nghĩa xã hội, từ đó, muôn người đều dốc lòng, dốc sức cho các cuộc kháng chiến. Đó là một sự thật lịch sử không thể chối cãi.

Đặc điểm lớn đó của lịch sử đã trực tiếp tạo nên một trong những đặc trưng quan trọng nhất của nhân cách người lính nói riêng và người dân Việt Nam nói chung trong giai đoạn 1945-1975. Đó là sự khẳng định những giá trị mang ý nghĩa công dân và xã hội, nghiêng về sự phát triển con người xã hội, con người công dân. Vì vậy, ở đây sự thống nhất về giá trị đồng nghĩa với sự trong sáng và đơn giản. Sự sắp xếp giá trị trong nhân cách ở giai đoạn này mang tính ổn định, bền vững trong một giai đoạn lịch sử dài và đặc biệt, bởi vì toàn bộ đời sống của đất nước, của từng gia đình, từng con người chủ yếu gắn liền với cuộc chiến đấu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng".

Nếu quan niệm nhân cách là kết quả của sự thống nhất giữa con người xã hội và con người cá nhân thì ở giai đoạn kể trên, bình diện con người xã hội được phát huy mạnh mẽ, được đạo đức và dư luận xã hội khuyến khích triệt để. Hầu hết các sản phẩm văn hóa giai đoạn kể trên (cũng là thành tựu của văn học, nghệ thuật kháng chiến) đều tập trung khám phá, biểu hiện và từ đó khuyến khích, khơi gợi sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi công dân, mỗi người lính. Đó là những tình cảm lớn và cao đẹp đối với quê hương đất nước, chí căm thù giặc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự trong sáng đến mức lý tưởng những phẩm chất, đạo đức của con người. Cộng đồng Việt Nam, trong đó nòng cốt là lực lượng vũ trang, đều hướng tâm tư, nguyện vọng, ý chí, bản lĩnh, hành động theo cách tự nguyện hy sinh cái riêng cho cái chung, sự gắn bó, hòa hợp giữa tập thể và cá nhân, giữa cái chung và cái riêng.

nuoi-duong-nhan-cach-bqllang.gov.vn
Chan hòa tình cán binh. Ảnh: Minh Trường.

Đứng trước một hoàn cảnh, một tình huống liên quan đến cái riêng, cái chung, cái chết, cái sống, cần phải lựa chọn, những người lính, với danh dự và trách nhiệm không có sự áp đặt nào, vẫn tự nguyện "chết vinh hơn sống nhục", đặt tính mạng mình dưới lợi ích của đất nước, của dân tộc... Sự lựa chọn đã được toàn cộng đồng khẳng định là chuẩn mực, là tự nhiên và hợp lẽ phải, mặc dù, định hướng cho sự lựa chọn đó diễn ra trong thế giới tinh thần của từng con người. Mọi sự lựa chọn khác đều không được chấp nhận và bị lên án. Sự lựa chọn những tập hợp giá trị này, một thời gian dài ngàn năm trong lịch sử Việt Nam đã trở thành một xu hướng đạo đức, thành lẽ sống cho bộ phận ưu tú của cộng đồng dân tộc, tập trung sức mạnh cho việc khẳng định ý nghĩa to lớn của các giá trị trong nhân cách Bộ đội Cụ Hồ được định hình trong quá trình chiến đấu, đồng thời, cần phải chú ý tính đặc thù của nó, vì đó là các giá trị được cổ súy, được lựa chọn nhằm tạo nên những kiểu mẫu nhân cách người lính trong điều kiện có chiến tranh, đang chiến tranh. Khi lịch sử dân tộc chuyển sang một giai đoạn mới, khác về chất lượng (kết thúc chiến tranh, đất nước hòa bình, trực tiếp chiến đấu sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa xây dựng vừa bảo vệ Tổ quốc), một mặt, phải giữ vững các giá trị cốt lõi, cơ bản và mặt khác phải bổ sung những giá trị cần thiết cho nhân cách người chiến sĩ thời kỳ mới.

Do đặc trưng nổi bật trên về hai mặt lịch sử và văn hóa, nên từ nguyên mẫu các anh Bộ đội Cụ Hồ cụ thể trong đời sống đến kiểu mẫu Bộ đội Cụ Hồ trong cảm nhận của nhân dân và cả trong sự tái tạo, đúc kết trực tiếp của văn hóa, nhân cách này bao giờ cũng là sự thống nhất giữa cái hùng và cái bình dị, cái hiện thực và cái khát khao vươn tới (có tính chất lý tưởng), cái đẹp trọn vẹn trong những biểu hiện cụ thể. Chiều sâu tạo nên vẻ đẹp, giá trị văn hóa độc đáo đó là bản lĩnh chiến đấu, tâm hồn Bộ đội Cụ Hồ luôn luôn thuộc về nhân dân, về dân tộc, sự cao cả mang chiều sâu nhân văn trong mọi hành vi của đời sống. Hay nói một cách khác, đó là phẩm chất NGƯỜI được bộc lộ ở mức cao nhất.

Nếu như đặc trưng lịch sử và văn hóa này đã trở thành một sức mạnh to lớn, sức hấp dẫn mãnh liệt đối với nhân dân và các thế hệ thanh, thiếu niên những năm kháng chiến trước đây, thì hiện nay, nó đang bị thử thách một cách quyết liệt, từ cả hai góc độ-thực tế và tâm lý. Nếu tạo ra trong cảm nhận của con người hôm nay-rằng kiểu mẫu ấy chỉ là sản phẩm đẹp của quá khứ, sẽ dẫn tới xuất hiện hai dạng tâm lý, tâm lý chỉ có thể ngưỡng mộ (kính nhi viễn chi) hoặc tâm lý thất vọng, và như vậy sẽ không thể tiếp tục phát triển được kiểu mẫu nhân cách đó trong hiện tại và tương lai với tư cách là một giá trị văn hóa bền vững.

Nếu chỉ làm thao tác đối chiếu ít nhiều máy móc giữa nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong quá khứ với người chiến sĩ hôm nay lấy chuẩn mực quá khứ, vốn rất đẹp nhưng là sản phẩm có tính đặc thù về mặt lịch sử và văn hóa, làm thước đo tuyệt đối, sẽ khó có khả năng chủ động để tiếp tục nuôi dưỡng và xây dựng nhân cách Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn mới. Công việc ở đây sẽ là, xác định những giá trị văn hóa cốt lõi và cơ bản trong nhân cách Bộ đội Cụ Hồ đã được định hình trong lịch sử để củng cố, khẳng định, đồng thời bổ sung, phát triển những nhân tố mới, trước những đòi hỏi và đặc điểm rất mới của giai đoạn lịch sử hiện nay và sắp tới.

Ví dụ như giá trị cốt lõi và cao quý nhất của nhân cách Bộ đội Cụ Hồ bao giờ cũng là lòng trung thành vô hạn với mục tiêu và lý tưởng chiến đấu của Đảng và nhân dân, là ở sự sẵn sàng cống hiến cuộc đời mình vì lý tưởng đó. Thế hệ cha anh đã từng "coi cái chết nhẹ tựa lông hồng", không dằn vặt khổ đau, tính toán riêng tư, ra trận chiến đấu, hy sinh với khí thế như vào ngày hội. Giá trị đó nhất thiết phải được bảo vệ và phát triển. Nhưng con đường để tạo nên nó trong phẩm chất, nhân cách người chiến sĩ hôm nay lại hoàn toàn khác trước. Phải đặt họ trong những tình thế lựa chọn mang tính hiện thực và rất gay gắt giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa sống và chết, giữa được và mất, giữa giá trị tinh thần và nhu cầu vật chất, giữa các xu hướng vận động đang diễn ra rất phức tạp hiện nay để giúp họ lựa chọn đúng nhất, tự tin nhất với sự mách bảo của tình cảm, của danh dự người chiến sĩ và của cả sự sáng suốt của lý trí. Nối tiếp truyền thống quý báu, luôn luôn lấy tình cảm cách mạng là cội nguồn sức mạnh của người lính, đồng thời cần cho lúc này là sự nâng cao không ngừng tri thức, trí tuệ cách mạng.

Sự đổ vỡ của kiểu mẫu nhân cách "con người Xô - viết" trong những năm trước đây cho chúng ta những kinh nghiệm thực tiễn quan trọng. Ở Cộng hòa Dân chủ Đức, một thời, người ta đã tự tin khẳng định rằng, đã có sự định hình vững chắc một kiểu mẫu nhân cách mới-nhân cách xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện trong "chủ nghĩa xã hội phát triển". Thực tế phũ phàng đã chỉ rõ sự chủ quan, thiếu vun đắp, duy trì, nếu không muốn nói là sự sai lầm nghiêm trọng trong quá trình bảo vệ, phát huy những giá trị đó. Sự ra đời và phát triển của một kiểu mẫu nhân cách mới-nhân cách của chủ nghĩa xã hội-không bao giờ là một quá trình tự phát hay chờ có sẵn, tự nhiên mà có. Đó là cuộc đấu tranh không mệt mỏi, đầy trí tuệ, một công việc cực kỳ công phu, tinh tế và sâu sắc - sự nghiệp "trồng người" cần trăm năm nuôi dưỡng và chăm sóc như Bác Hồ dạy.

Hình ảnh cao đẹp với những giá trị văn hóa sâu sắc của nhân cách Bộ đội Cụ Hồ đã được yêu thương và quý trọng chỉ có thể được tiếp tục khẳng định và phát triển trong thời gian tới trên cơ sở của một quá trình nuôi dưỡng và xây dựng với một công phu to lớn và một trí tuệ khoa học, tỉnh táo./.

GS.TS ĐINH XUÂN DŨNG (Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận-Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương)

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: