Nằm cách đất liền 60 hải lý, nhưng giờ đây cái tên huyện đảo Cô Tô đã không còn xa lạ với mấy người. Nhưng không hẳn ai cũng biết, ở đảo, nhà người dân nào cũng treo và thờ ảnh Bác Hồ. Điều đó đủ thấy, tình cảm người dân Cô Tô đối với Bác sâu nặng, nghĩa tình đến nhường nào.

Cụ Nguyễn Văn Du (khu II, thị trấn Cô Tô) năm nay 79 tuổi, là một trong những hộ có mặt tại huyện đảo Cô Tô sớm nhất. Cụ bồi hồi nhớ lại: “Gia đình tôi sống ở Minh Châu, huyện đảo Vân Đồn trước khi đến định cư ở Cô Tô. Do làm nghề đánh cá lênh đênh sông nước, nay đây mai đó, nên tôi thường xuyên cập vào hòn đảo này. Không có được may mắn gặp Bác Hồ khi Người đến thăm đảo, nhưng qua nghe những người dân từng sống ở đây kể lại rất nhiều lần, thành ra tôi cứ ngỡ như mình cũng được gặp Bác trực tiếp vậy”.

nho-mai-loi-bac-bqllang.gov.vn
Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Du nâng niu tấm ảnh Bác Hồ

Theo lời kể của cụ Du, ngày 9-5-1961, từ người già đến trẻ em, ai nấy đều náo nức cầm khẩu hiệu và hoa chào đón Bác ra thăm đảo. Khi nói chuyện với người dân huyện đảo, Bác đã căn dặn: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết, tiến bộ”. Trong thời gian ở trên đảo, Bác còn đi thăm ruộng khoai; cánh đồng muối và một số nhà dân. Thuận theo nguyện vọng của bà con, Bác đồng ý cho Cô Tô dựng tượng Bác. Và Cô Tô là nơi duy nhất được dựng tượng Bác khi Người còn sống.

Nâng niu bức ảnh Bác Hồ được lồng trang trọng trong khung gỗ, mặt kính, cụ bà, vợ của cụ Du khoe với chúng tôi: “Năm 1979, khi được giao tiếp quản ngôi nhà này, chúng tôi đã thấy có bức ảnh này rồi. Vừa rồi, huyện lại tặng mỗi gia đình một tấm nữa, nên giờ nhà tôi có hai khung ảnh Bác Hồ rất đẹp”. Trên 4 bức tường trong ngôi nhà nhỏ của gia đình cụ Du, nơi trang trọng nhất, ngoài bức ảnh Bác Hồ còn có rất nhiều giấy khen, bằng khen của Đảng, Nhà nước tặng cụ Du và các con, cháu cụ vì đã có thành tích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ huyện đảo Cô Tô.

Không riêng gia đình cụ Du mà 100% các hộ dân trên đảo đều treo ảnh Bác Hồ. Trong câu chuyện với nhiều người dân trên đảo, ai cũng luôn nhắc: “Ơn Bác Hồ, ơn Đảng mà người dân Cô Tô có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày nay!”. Chị Lê Thị Thẻ, một hộ kinh doanh buôn bán nhỏ ở khu 4, thị trấn Cô Tô, tự hào nói: “Tôi đã 18 năm sống ở Cô Tô, nay vẫn chưa hết ngỡ ngàng về sự thay đổi nhanh chóng của huyện đảo. Đường sá đi lại đều được bê tông hoá; du lịch phát triển đã kéo theo nhiều sự phát triển khác. Cuộc sống của chúng tôi giờ không còn phải thấp thỏm, lo âu trông đợi vào con nước nữa”. Còn cụ Hoàng Thị Xuân (68 tuổi, khu II, thị trấn Cô Tô) nghèn nghẹn, xúc động nói: “Số người có may mắn được gặp Bác khi Bác ra thăm đảo giờ chỉ còn lại 1-2 người, nhưng cũng chẳng còn ai minh mẫn. Thế hệ chúng tôi, tuy chỉ được nghe kể lại thời khắc lịch sử ấy, nhưng vẫn rất tự hào mình là người dân Cô Tô. Bấy giờ, Bác mong người dân trên đảo đoàn kết, tiến bộ, thì ngày nay, chúng tôi, con cháu chúng tôi đã và luôn đoàn kết, tiến bộ”.

Những nơi Bác Hồ đã đến trên huyện đảo Cô Tô cách đây 53 năm nay đã được xây dựng thành Khu Di tích lưu niệm Hồ Chủ tịch. Khu Di tích gồm rất nhiều công trình như: Tượng đài Bác; Nhà lưu niệm; Tấm bia nơi cánh đồng muối; Dốc khoai nơi Bác đã đến thăm. Tượng đài Bác được làm bằng đá xanh Thanh Hoá, cao 4,4m, cả bệ cao 9m, đặt trang trọng trong khuôn viên rộng 2.547m2, cách bờ biển 100m, bên trái trục đường chính của huyện. Khu Di tích này là một trong những di tích đặc biệt quan trọng đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp Bằng công nhận là Di tích lịch sử năm 1997. Đây cũng là điểm đến của người dân Cô Tô và du khách thập phương vào mỗi dịp lễ, Tết để thắp hương tưởng nhớ Bác; đồng thời, là kho tư liệu lịch sử quý giá để giáo dục con cháu tiếp tục xây dựng, bảo vệ huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc./.

Vĩ An

Theo Bao Quảng Ninh

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: