Sau Chiến dịch Thượng Lào, đơn vị tôi về nước, đóng quân tại Rừng Thông-thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Khi ấy, tôi là chiến sĩ pháo thủ cối 60mm thuộc Đại đội 138, Tiểu đoàn 375, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Đến khoảng cuối tháng 3-1954, chúng tôi được lệnh hành quân ra mặt trận theo hướng tây tỉnh Thanh Hóa. Cuộc hành quân vô cùng gian nan vất vả, vượt đèo Pha Đin, qua sông, qua suối. Đêm dài hành quân mưa rơi tầm tã, trời tối đen như mực, phải lấy vỏ cây mục có chất lân tinh, gắn lên ba lô của đồng chí đi trước để giữ vững đội hình. Nếu xuất phát từ 16 giờ hôm nay thì 8 giờ hôm sau mới tới tiền trạm. Khổ nhất là trời mưa, phải đi kiếm củi, đào bếp Hoàng Cầm, giúp anh nuôi nấu cơm.

ngen-ngen-bat-com-bqllang.gov.vn
Tác giả - chiến sĩ Điện Biên năm xưa nay đã ngoài 80 tuổi. Ảnh: Đồng Phúc.

Cách mặt trận khoảng 40km, đơn vị chúng tôi được lệnh dừng lại nhận nhiệm vụ mới: Làm đường, tiêu diệt thổ phỉ. Bọn phỉ này ở một bản cách đơn vị 3km. Đêm đêm thường ra phá hoại đường, không cho ô tô ra mặt trận, quấy rối, cướp lương thực của dân công. Đơn vị chúng tôi được lệnh đánh vào bản (tên bản tôi không nhớ). Theo trinh sát, nhân khẩu trong bản khoảng 400 người. Đàn ông trên dưới 100 người. Đơn vị bí mật bao vây bản. Mười một giờ đêm đã chiếm lĩnh xong trận địa, đợi giờ phát hỏa. 4 giờ sáng hôm sau, đơn vị phát loa kêu gọi bọn phỉ đầu hàng. Sau một loạt tiểu liên vẫn không thấy trong bản có động tĩnh gì. Hóa ra bọn phỉ đã chạy lên núi vào hang. Tiểu đoàn quyết định đóng tại bản, hằng ngày cho phép vợ, con mang cơm vào hang cho bọn phỉ để động viên chồng, con ra đầu hàng, nhưng chúng ngoan cố không ra.

Ba ngày sau, tiểu đội chúng tôi được lệnh di chuyển đến một bãi đất trống, bằng phẳng, cách 400m đối diện với cửa hang bọn phỉ đang ẩn náu. Chỉ 5 phút sau quả pháo đầu tiên, toàn bộ bọn phỉ mang súng ra đầu hàng, gần 90 tên. Khi bị hỏi sao không ra đầu hàng để hưởng lượng khoan hồng, tên cầm đầu toán phỉ run run trả lời: "Chúng tôi tưởng bộ đội địa phương nên đợi thời cơ phản kích, thấy tiếng nổ lớn quá, chúng tôi biết đây là bộ đội chủ lực, phải ra đầu hàng".

Vài ngày sau khi giao bọn phỉ cho địa phương, ổn định tình hình, đơn vị tôi tiếp tục hành quân tiến về trận địa Điện Biên Phủ. Đến 13 giờ ngày 6-5-1954 có yêu cầu tập trung, thông báo lệnh tác chiến của cấp trên, đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ phối hợp cùng đơn vị bạn đánh cao điểm đồi C2 (Châu Ún) - đơn vị trọng pháo của địch ở Hồng Cúm, không cho chúng phát huy hỏa lực, yểm trợ cho Mường Thanh.

Tiểu đoàn 375 có 3 đại đội. Tôi ở Đại đội 138 (hay còn gọi là H.3) chủ công Tiểu đoàn. Khoảng 21 giờ ngày 6-5-1954, đơn vị đã chiếm lĩnh trận địa. 4 giờ cùng ngày, Trung đội trưởng Nguyễn Khắc Vinh, Trung đội phó Lê Hân làm mũi nhọn đưa trung đội đánh bộc phá ống liên tục vào đột phá khẩu của địch, súng bắn thẳng, cối và đạn AT của địch bắn ra xối xả. Nhiều đồng chí thương vong.

6 giờ ngày 7-5-1954, đột phá khẩu được mở. Tất cả xung phong vào trận địa, giao thông hào, chiến hào của địch cứ như mạng nhện. Chúng tôi phải tranh chấp với địch từng đoạn một. Đồng chí Nguyễn Đình Xan, Đại đội trưởng và đồng chí chính trị viên bị trọng thương. Ngay lúc này có đồng chí Nguyễn Duy Kì, người Vĩnh Lộc, Thanh Hóa là tiểu đội phó liên lạc, chi ủy viên thay mặt cấp ủy, tập trung đảng viên đơn vị lại, động viên lấy lựu đạn, đạn của những đồng chí bị thương vong trang bị cho đồng chí còn khỏe mạnh tiếp tục chiến đấu (hết chiến dịch, đồng chí Kì được đề bạt lên chính trị viên phó đại đội).

8 giờ, chúng tôi nghe tin bên Mường Thanh một số địch đã vác cờ trắng ra đầu hàng. 13 giờ, anh nuôi mang cơm đến chiến hào. Tôi ngồi ăn cơm, anh nuôi khóc! Tôi hỏi: "Sao lại khóc?". Anh nhìn hai thúng cơm nói: "Hy sinh nhiều quá". Thế là cả hai chúng tôi cùng nghèn nghẹn…

Khoảng 15 giờ, chúng tôi chiếm được cao điểm đồi C2, số đông địch đã ra đầu hàng, một số chạy ra Đường 41 để sang Lào. Chúng tôi đứng trên chiến hào giương súng, lê tuốt trần mà lòng kiêu hãnh. Bọn tù, hàng binh đi dưới chiến hào, mặt cúi gằm, hai tay đưa lên trời. Trong bọn tù, hàng binh, có đủ đối tượng nhiều màu da, Tây da trắng, Bảo hoàng da vàng, Châu Phi da đen... Máy bay địch vẫn hoạt động nhưng không bắn và ném bom./.

Mai Xuân Thế

Theo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: