Bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ của Bác Hồ ra đời rất sớm, là bài thơ đầu tiên của thơ ca Việt Nam viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ngày 7/5/1954, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Bác mà Đảng trao cho quân đội ta phất cao trên bầu trời Điện Biên Phủ, nơi mà Tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, đồng thời là trung tâm của toàn bộ Kế hoạch Nava đã bị đập tan, viên tướng De Castries bị bắt sống, buộc toàn bộ binh lính thực dân xâm lược Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ kéo cờ trắng lũ lượt ra đầu hàng.
Trong niềm vui chiến thắng lịch sử, ngày 8/5/1954, Bác có ngay Thư khen bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Nhưng hình như Bác cảm thấy gửi thư vẫn chưa đủ, ngày 12/5/1954, nghĩa là chỉ sau một tuần lễ, Bác cho đăng bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ trên báo Nhân Dân số 189, ghi bút danh C.B. Sau bài thơ đó, hàng loạt bài thơ của các nhà thơ ca ngợi chiến thắng lẫy lừng liên tiếp xuất hiện trên các mặt báo, trong đó có bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu.
Hẳn là cảm hứng thơ đến với Bác rất nhanh khi Bác nhận tin chiến thắng, bởi từng ngày, từng giờ Bác cùng Trung ương theo dõi, chỉ đạo từng bước chiến dịch. Mặc dù ở thế chủ động, thế tiến công, nắm chắc phần thắng, nhưng chiến thắng đến làm bật niềm vui lớn, cho nên ngay đầu đề bài thơ cũng bật ra tự nhiên, hồn nhiên Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Đó là tiếng reo, là lời tuyên bố chiến thắng.
Bài thơ được phân ra các đoạn tương đối độc lập, nhưng liền mạch nối nhau theo trình tự trước sau trong sự đối lập xen kẽ giữa hai lực lượng địch, ta bằng các mốc thời gian của các sự kiện: 20 tháng 11 năm cũ, giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ; 13 tháng 3 ta tấn công; Hơn 50 ngày, ta đánh đồn. Và cứ thế, diễn biến của Chiến dịch từ khởi đầu cho đến kết thúc, qua các chuỗi sự kiện lần lượt hiện ra đúng như thực tế, chân thực cụ thể - lịch sử.
20 tháng 11 năm cũ,
Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ
Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất,
Xe tăng, súng lớn đầy chồng chất.
Chúng khoe rằng: “Kế hoạch Nava
Thật là mạnh dạn và tài hoa.
Phen này Việt Minh phải biết tay,
Quan thầy Mỹ thì vui lòng thay!”
Các báo phản động khắp thế giới
Inh ỏi tang bốc Nava tới
Chỉ mấy dòng thơ mà đầy ắp các sự kiện. Rõ ràng, chính xác từ ngày, tháng, năm Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ đến quân số huy động Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất với vũ khí, khí tài hiện đại, lại được các quan thầy Mỹ ủng hộ, báo chí thế giới phản động tuyên truyền, khích lệ, cứ như Điện Biên Phủ là cứ điểm vững chắc bất khả xâm phạm, tại đây sẽ tỏa ra sức mạnh vô tận của quân đội viễn chinh Pháp. Chúng nào ngờ, ngay sau khi chúng đổ quân chiếm Điện Biên Phủ, Bác và Trung ương Đảng đã quyết định mở mặt trận Điện Biên Phủ.
Đầu tháng 12/1953, Bác có Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Thu - Đông năm nay, các chú lại có nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén.
Như vậy, chúng ta sẵn sàng chấp nhận đương đầu với ý chí xâm lược, với những tướng giỏi nắm chỉ huy Nava cùng Conhi, những tiểu đoàn tinh nhuệ nhất, những máy bay cao cao, xe tăng thấp, những súng lớn đầy chồng chất của thực dân Pháp và cả quan thầy Mỹ đứng đằng sau lo cung cấp bằng phát huy sức mạnh đại đoàn kết quân dân vượt lên muôn vàn thử thách quyết tâm làm cho tròn nhiệm vụ.
Bộ đội, dân công quyết một lòng
Xẻ non, đắp suối, vượt qua sông
Khắc phục khó khăn và hiểm trở.
…
Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày.
Không quản gian khổ và đắng cay;
Điện Biên Phủ đã thực sự trở thành quyết chiến điểm giữa hai lực lượng đối địch, thực sự là nơi đụng đầu của hai khối quyết tâm.
Sau một thời gian chuẩn bị cho chiến dịch, huy động nhân lực, vật lực, tài lực, hội đủ các điều kiện và với tinh thần quyết chiến quyết thắng. 17h ngày 13/3, ta tấn công, pháo binh ta khai hỏa mở màn chiến dịch, nã đạn như mưa vào đồi Him Lam làm tan thành cứ điểm này trong phút chốc. Ngày 14 cũng lúc 17h, pháo ta dồn dập trút xuống san phẳng cứ điểm đồi Độc Lập, địch không chống đỡ nổi, kinh hoàng.
Trận đầu đánh thắng, Bác và Trung ương Đảng kịp thời điện khen cán bộ và chiến sĩ: “Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, dành toàn thắng cho chiến dịch này”.
Vâng lời Đảng, vâng lời Bác dành toàn thắng cho chiến dịch Quân ta anh dũng ít ai bằng xông lên, xốc tới.
Hơn 50 ngày ta đánh đồn
Ta chiếm một đồn, lại một đồn
Ngày ngày quân ta xiết chặt vòng vây, dồn địch vào thế bí đúng như lời của Jean Pou Get, thư ký của Nava trong cuốn sách Tướng Na Va và Điện Biên Phủ mà ông ta viết sau này: “Điện Biên Phủ lúc này không còn là một trung tâm phát huy sức mạnh ra bốn phía xung quanh như tướng Conhi đã từng tưởng tượng, cũng không phải là một căn cứ lục – không quân chặn đứng bước tiến của Việt Minh về hướng Luang Prabang như tướng Nava đã nghĩ. Càng không phải là một pháo đài bất khả xâm phạm tượng trưng cho những mầu cờ của thế giới tự do như Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles đã cố tuyên truyền để mọi người tin tưởng”, đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh trận quyết thắng Vui hát khải hoàn ca, làm nên một kỳ tích vĩ đại.
Giặc kéo từng loạt ra hàng ta
Quân ta vui hát khải hoàn ca
Mười ba quan năm đều hàng nốt,
Tên tướng chỉ huy cũng bị nhốt.
Một vạn sáu ngàn tên giặc Tây
Đều là tù binh hoặc bỏ thây.
Thơ viết như không, câu trước gọi câu sau. Hiện thực thế nào thơ thế ấy, chuẩn xác đến từng chi tiết. Thơ chân xác như viết sử vậy.
Vẫn những lời giản dị, kết thúc bài thơ, như lời nói thường sao mà sao thiêng liêng, xúc động đến thế.
Thế là quân ta đã toàn thắng,
Toàn thắng vì rất cố gắng.
Chiến sĩ viết thư lên Bác Hồ:
“Xin bác vui lòng mà nhận cho
Món quà chúc thọ sinh nhật Bác
Chúng cháu cố gắng đã sắm được”
Một đoạn thơ vui. Với Món quà chúc thọ sinh nhật Bác mà các chiến sĩ cố gắng đã sắm được, Bác biểu lộ tình cảm thân thương yêu quý của Bác đối với các chiến sĩ bằng đón nhận tấm lòng kính yêu của các chiến sĩ dâng lên Bác.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử, mãi mãi là một mốc son, mãi mãi gắn liền với tên Tổ quốc, tên Bác Hồ.
Bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ là một tiếp nối Nam Quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình ngô đại cáo - những áng văn chương ghi lại những mốc son, những chặng đường lịch sử gian khổ, ác liệt và hào hùng của dân tộc. Những áng văn chương này là những tác phẩm văn học, nhưng cũng đồng thời là những tác phẩm có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa lịch sử sống mãi cùng thời gian./.
Theo Văn nghệ - http://vov.vn
Thu Hiền (st)