Trong Lễ tuyên dương 10 Công dân ưu tú Thủ đô năm 2013, cụ Nguyễn Văn Tỵ, sinh năm 1916, nguyên cán bộ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã thu hút được sự chú ý của mọi người.

Có dịp được hầu chuyện cụ Tỵ mới biết thêm, ngoài cuộc đời phấn đấu vì công việc chung của đất nước, cụ Tỵ còn dành cho mình một góc riêng tư để thể hiện tấm lòng tôn kính với vị lãnh tụ của dân tộc. Sự miệt mài không ngừng nghỉ của cụ ở cả việc chung lẫn việc riêng đều là tấm gương sáng để con cháu noi theo…

Ngót 80 tuổi mới chịu nghỉ ngơi

Ông Phó ban MTTQ xã Đông Dư đưa chúng tôi đến nhà cụ Tỵ vào buổi chiều nắng ấm. Tuổi già, lấy người nói chuyện làm vui nên khi thoáng thấy bóng người đến thăm, cụ Tỵ hồ hởi tiếp chuyện với phóng viên.

Cụ Tỵ năm nay ngót 100 tuổi nhưng sức vóc còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Mắt cụ sáng, tai nghe rõ, cụ nói chuyện rất khúc chiết và rành mạch. Trong không gian trầm mặc tại ngôi nhà cổ, chúng tôi được cụ Tỵ kể cho nghe về từng giai đoạn của cuộc đời mình một cách cụ thể, rõ ràng, tựa như tất cả mới chỉ là của ngày hôm qua.

Theo lời của cụ Tỵ, cuộc đời cụ là sự thay đổi liên tục các lĩnh vực, vị trí và đơn vị công tác. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ Tỵ được phân công làm Trưởng ban Y tế huyện Gia Lâm. Khi Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cụ chuyển sang làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Đông Dư. Trong một trận đánh ở xã Bát Tràng, cụ bị giặc Pháp bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò. Đến cuộc tấn công Cao - Bắc- Lạng, cụ cùng một số tù binh bị giặc Pháp bắt đi khuân vác, sửa đường sá. Lợi dụng sơ hở của giặc Pháp, cụ Tỵ đã cùng một số anh em vận động 1 trung đội vệ binh đánh đồn giặc Pháp ở thị xã Cao Bằng. Trận đánh thành công đưa cụ trở về với kháng chiến. Sau lần đó, cụ được phân công làm Trưởng ban huấn luyện của tỉnh bộ Việt Minh tại tỉnh Bắc Ninh rồi Bí thư chi bộ huyện Tiên Du. Hơn 1 năm sau, cụ đảm nhiệm vị trí Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ Tỵ được cách mạng cử tham gia công tác tình báo. Hòa bình lập lại, cụ được chuyển về Bộ Ngoại giao. Ban đầu, cụ làm tại phòng Tài vụ, sau đó được cử làm lãnh sự tại Lãnh sự quán Côn Minh (Trung Quốc).

Đến tuổi nghỉ hưu, cụ Tỵ trở lại nơi chôn nhau cắt rốn tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm sinh sống, an hưởng tuổi già. Từ thời gian đó, cụ liên tiếp tham gia công tác chính quyền, đoàn thể tại địa phương từ tổ trưởng tổ hưu trí, Bí thư chi bộ thôn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi và đặc biệt cụ nắm giữ vai trò Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Đông Dư trong thời gian hơn 10 năm. Đến năm tuổi gần 80, sau trận ốm dài, dù được nhân dân tín nhiệm nhưng vì lý do sức khỏe, cụ xin nghỉ công tác.

Cụ nói rằng, cả cuộc đời công tác, ở vị trí nào, cụ cũng luôn cố gắng hết mình vì công việc. Để đến hôm nay, khi đã ở cái tuổi gần 100, cụ hoàn toàn được tĩnh lòng sống quây quần với con cháu.

nguoi day cong suu tam   ảnh
Cụ Nguyễn Văn Tỵ dành nhiều thời gian đọc sách, báo
 để xây dựng bộ sưu tập quý về Bác Hồ. Ảnh: Linh Anh.

Bộ sưu tập quý về Bác Hồ

Tuổi đã cao nhưng cụ Tỵ luôn trau dồi thông tin, tin tức và cập nhật kiến thức bằng việc đọc báo hàng ngày. Có thể nói, cụ Tỵ là độc giả trung thành của báo in, cụ đọc báo hơn 50 năm nay và chủ yếu là những tờ báo về Hà Nội và báo Đảng. Cũng vì ham đọc báo, yêu báo chí và lòng tôn kính đối với Bác Hồ đã đưa cụ đến một niềm yêu thích tột cùng với báo chí, với Bác Hồ, đó là sưu tầm ảnh Bác Hồ và những lời dạy của Bác trên báo chí.

Nói về cơ duyên này, cụ Tỵ cho hay: Năm Bác mất, cụ không có mặt ở Việt Nam mà đang làm lãnh sự ở Côn Minh (Trung Quốc). Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh khi đó cũng tổ chức Lễ tang Bác để bạn bè đến viếng. Trong nhiều ngày liền, tận mắt cụ chứng kiến những đoàn người về đây viếng Bác, trong đó ngoài nhân dân Việt Nam, Trung Quốc còn có nhiều người dân từ các nước trên thế giới đang sinh sống, học tập tại Côn Minh cũng dành thời gian đến mặc niệm Người. Họ vào viếng Người cùng tấm lòng kính trọng đối với một anh hùng giải phóng dân tộc kiệt suất của Việt Nam. Họ vừa xếp hàng, vừa khóc. Có người, vừa ra khỏi khu tưởng niệm lại xếp hàng lại từ đầu vào viếng với nguyện vọng được nhìn thấy Bác qua tấm ảnh đặt trên bàn thêm một lần nữa. Nhìn cảnh này, cụ rất cảm động, từ đó, cụ suy nghĩ: Bác Hồ đã đi vào huyền thoại vì tài năng kiệt xuất, trí tuệ uyên bác và đức độ của Người. Người nước ngoài còn kính yêu bác như ông, như cha của họ, mình là người Việt Nam, mình phải thể hiện sự kính yêu này bằng hành động. Và cụ đã thể hiện tình yêu, sự kính trọng của mình với Bác theo cách riêng qua chính sở thích đọc báo của mình. Cụ thấy trên báo chí đăng tải rất nhiều hình ảnh của Bác cả khi hoạt động cách mạng lẫn trong cuộc sống đời thường. Và nữa, những lời dạy của Người luôn có giá trị để thế hệ mai sau noi theo, học tập.

Từ năm 1968, cụ Nguyễn Văn Tỵ bắt đầu là mua những cuốn anbum và cắt những tấm ảnh, những lời dạy của Bác trên những trang báo cụ đọc, sau đó trân trọng dán vào các trang giấy kính. Cụ Tỵ phân định rõ cuốn nào chuyên về hình ảnh và cuốn nào chuyên về lời dạy. Ở mỗi cuốn, cụ Tỵ đều trình bày một cách khoa học, có hệ thống nhưng cũng rất sinh động, thể hiện tình cảm yêu quý của cụ đối với Bác.

Đến thăm cụ Tỵ, chúng tôi hân hạnh được tiếp cận những cuốn abum lưu niệm đó. Cụ dành một vị trí trang trọng trong ngôi nhà mình để trưng bày những thứ mà với cụ là vô giá. Ở chiếc tủ kính phía góc nhà cụ là bộ sưu tầm gồm 24 tập được đánh số thứ tự cẩn thận, sạch sẽ với trên 2.000 hình ảnh và trên 1.000 lời dạy của Người. Cho đến nay, hình ảnh Bác Hồ mà cụ ấn tượng nhất, đó là “Bác bên các cháu thiếu nhi” còn lời dạy mà cụ tâm đắc hơn cả là lời dạy của Bác về đạo đức làm người.

Cụ Tỵ nói rằng, đến ngày hôm nay, những hình ảnh và đặc biệt là những lời dạy của Người vẫn còn nguyên ý nghĩa đối với thế hệ trẻ. Cụ sẽ không giữ nó cho riêng mình mà cụ đã hứa tặng bộ sưu tập quý này cho Nhà văn hóa của xóm 5, xã Đông Dư khi nào nhà văn hóa đi vào hoạt động. Cụ muốn thế hệ thanh niên và lớp lớp con cháu mai sau có cơ hội được nhìn ngắm và học tập theo những lời dạy của Bác.

Làm người hãy là một “Văn Nhân”

Ngồi chuyện trò với cụ Tỵ trong hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi còn được biết, ngoài sự am tường các lĩnh vực văn hóa, xã hội, báo chí, cụ còn có một tâm hồn rất thi sỹ. Cụ yêu thơ và sáng tác rất nhiều thơ. Thơ cụ phong phú, phóng khoáng về vần điệu và sâu sắc về ý nghĩa, nhưng cũng rất dí dỏm, có thể kể như các bài: Hỏi chuyện cái phong bì, Nên chăng, Khát con trai, Con đường hạnh phúc… là những bài thơ phản ánh các vấn đề thời sự và những vấn đề “nóng” trong cuộc sống hiện tại như tâm lý thèm khát con trai, tâm lý “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”… Trong những bài thơ đó, cụ lấy tên hiệu là Văn Nhân với ý nghĩa là một con người đứng đắn, có văn hóa, có đạo đức. Cái tên này gắn bó với cụ từ năm 1952, nó như kim chỉ nam cho cuộc đời cụ sau này và cụ luôn sống sao cho đúng với ý nghĩa của một “Văn Nhân”.

Cuộc chuyện trò với cụ Tỵ trở nên trầm lắng khi nhắc đến người bạn đời của cụ. Cụ Tỵ bảo, cả đời mình phấn đấu vì công việc, vì đất nước. Gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai người vợ tảo tần của cụ. Vợ cụ một mình gánh hàng rong nuôi 6 người con khôn lớn, học tập thành người. Cụ bà khuất núi đã lâu nhưng trong tâm khảm của cụ luôn dành sự biết ơn và trân trọng cho cụ bà. Gia sản cũng là niềm tự hào của cụ hiện giờ là 6 người con trưởng thành đều thành đạt cùng 11 người cháu, 20 người chắt. Tất cả đều sống quây quần, đầm ấm xung quanh cụ trong thửa đất cha ông để lại tại xã Đông Dư.

Ở tuổi ngót 100, trời còn cho cụ sức khỏe tốt để chứng kiến lớp lớp con cháu sống, học tập, lao động và cống hiến cho công cuộc dựng xây, bảo vệ Tổ quốc. Với riêng cụ, hàng tháng, khi lĩnh lương hưu, cụ đều dành phần lớn để góp vào các quỹ đoàn thể như quỹ khuyến học, chữ thập đỏ, người cao tuổi của thôn, xã… Bởi cụ muốn, khi nào trái tim mình còn nhịp đập thì cụ vẫn “làm việc”, góp phần nho nhỏ của mình vào để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Linh Anh
Theo baomoi.com
Kim Yến (st)

Bài viết khác: