Người Cà Doong là một trong những dân tộc ít người nhất ở nước ta hiện nay. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, bà con người Cà Doong đã vượt lên cuộc sống bán sơ khai một bước dài. Khi cuộc sống đã có của ăn, của để… người Cà Doong lại nhớ tới Bác Hồ, biết ơn Bác nhiều hơn, các gia đình trong làng đều đặt bàn thờ Bác. Ngày 2/9 hằng năm và những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, người Cà Doong đều làm cơm cúng Bác.
Cùng nhau xuống núi lập làng
Khi những cánh hoa dã quỳ đua nhau khoe sắc vàng trong cái nắng, cái gió chỉ có ở Tây Nguyên, sáng sương lạnh của phố núi se se, chúng tôi bắt đầu rời thành phố Pleiku (Gia Lai) để đến với bà con dân tộc thiểu số đang sinh sống ở địa bàn bắc Tây Nguyên. Làng Đắk Văng - làng của những người thuộc dân tộc Cà Doong lập nên sau khi họ từ bỏ nơi ở cũ trên dãy núi Đồi A1, tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia, thuộc địa phận của xã Xa Loong, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum). Đó là điểm đến, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi.
Bàn thờ Bác Hồ tại nhà A Nhum
Ngạc nhiên và càng ngạc nhiên hơn khi một làng nhỏ mới ngày nào được bà con lập nên giữa bốn bên là rừng núi, sông suối với những cây le, cây chò, cây bằng lăng đan xen, bủa vây… mà giờ đây là những vườn cà phê, cao su tiểu điền và lúa, ngô xanh tốt. Những mái nhà ngói đỏ, tôn chống nóng nhiều màu sơn được làm mới với nhiều kiểu dáng rất đẹp. Tập quán lâu đời của người Cà Doong là chỉ sống ở lưng chừng những ngọn núi cao.
Cuộc sống của họ thiếu thốn đủ thứ, nghèo đói đeo đẳng hết đời này sang đời khác. Bệnh tật không có thuốc men, không có y tế chăm sóc đã cướp đi bao mạng người vô tội. Không có lớp học, không ai trong tộc người Cà Doong biết chữ. Khi được vận động xuống thung lũng sinh sống, bà con coi đó là chuyện trái với ý Giàng nên lúc đầu không ai muốn rời làng xuống núi...
Ngay từ đầu, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum và lãnh đạo Công ty 732 (Binh đoàn 15) đã chủ động triển khai cho anh em ngày đêm “bám trụ” với dân làng, vừa tích cực tuyên truyền cho bà con hình ảnh, cuộc sống và những lời dạy của Bác Hồ về chính sách đại đoàn kết dân tộc, về sản xuất nông nghiệp nông thôn… vừa vận động bà con “xuống núi lập làng”, ý nghĩa của việc trồng cây lúa nước, cà phê, cao su… trong đời sống.
Bộ đội trực tiếp giúp đỡ người dân lao động sản xuất, hỗ trợ lương thực thực phẩm, kiên quyết không để cho dân đói như những năm trước. Các chiến sĩ quân y còn khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con. Bệnh tật bị đẩy lùi, con “ma rừng” đã chào thua trước những việc làm thiết thực của bộ đội. Già làng nói, rồi mọi người cũng hiểu được rằng: “Làm theo Bộ đội Cụ Hồ thì cuộc sống dân mình sẽ ấm no hạnh phúc”. Thế là người dân Cà Doong tự giác rủ nhau lần lượt “xuống núi”, cùng nhau lập làng Đăk Văng và bắt đầu làm quen với cuộc sống mới…
Người Cà Doong lập bàn thờ Bác
Chỉ trong một thời gian ngắn, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum và Công ty 732 đã cùng với chính quyền địa phương tập trung mọi nguồn lực từ san san ủi mặt bằng, làm đường giao thông, xây trường học, bệnh xá, nhà rông, hệ thống nước sạch và đặc biệt là “bắt được cái điện” về cho bà con thuận lợi trong sinh hoạt, sản xuất. Cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” đã có nhưng cái khó hơn là bà con chưa quen với cuộc sống “công nghiệp”.
Bộ đội lại đến từng nhà, “cầm tay chỉ việc”, từ cách sử dựng các nguồn điện sinh hoạt trong gia đình đến cách khai hoang đất trồng và chăm bón, thu hoạch lúa nước, cà phê, cao su... Chỉ sau vài vụ, đời sống của bà con người Cà Doong đã từng ngày khởi sắc. Kinh tế phát triển thì nhiều hủ tục lạc hậu như ma chay, cúng Giàng trước đây đã được bà con từ bỏ; thay vào đó là nếp sống văn hóa làng bản, tình đoàn kết với các dân tộc trên địa bàn, đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó.
Bên ché rượu cần ngày xuân
Anh A Nhum vừa từ rẫy cao su trở về, hào hứng nói với chúng tôi: “Nhờ bộ đội giúp đỡ nên dân làng Đăk Văng nay không còn cái đói, cái khổ như trước đây ở trên núi cao nữa. Đến nay đã có hơn 50 người Cà Doong mình vào làm công nhân. Mỗi công nhân được nhận khoán 3-4ha cao su, thu nhập bình quân cũng trên 3 triệu đồng/một tháng. Các gia đình đều có xe máy để đi làm, tivi để xem. Đặc biệt, người Cà Doong mình rất ham học. Từ khi làng xuống núi, tất cả trẻ em đều đi học; đã có 8 em thi đỗ vào các trường đại học, 1 người tốt nghiệp Đại học Y khoa về làm bác sĩ ở huyện, riêng A Phan - Phó Chủ tịch xã bây giờ đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp.
Có được cuộc sống như bây giờ là nhờ công ơn của Đảng và Bác Hồ, người Cà Doong mình ai cũng coi Bác như người Cha trong gia đình. Không ai bảo ai nhưng nhà nào cũng lập bàn thờ Bác, bên dưới có khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Mọi người trong làng đều lấy tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để học tập và làm theo. Từ lâu, làng không có trộm cắp, đoàn kết thương yêu và giúp nhau phát triển sản xuất, không nghe lời xúi giục của bọn phản động Đêga. Hằng năm, cứ đến ngày 2-9, nhà nào cũng làm cơm cúng giỗ Bác.
Ngày cuối năm, bà con làm gà trống, nấu xôi cúng Bác để tạ ơn Bác sau một năm “cho con người mạnh khỏe, cho cây lá xanh tốt, nhiều hoa nhiều quả…”. Tết cổ truyền của dân tộc, trên bàn thờ Bác lúc nào cũng có bánh chưng, hoa, quả và hương thơm. Ngày đầu năm mới, mọi người đến thăm và chúc tết nhau, việc đầu tiên là thắp hương cúng Bác, nhớ về Bác. Sau đó chủ nhà cắt bánh chưng thành 7 miếng, mời mỗi người một miếng, họ cùng nhau ăn, cùng uống rượu và dành cho nhau những tình cảm chân thành nhất. Nói rồi A Nhum cười rất vui.
Chia tay làng Đăk Văng, tạm xa người Cà Doong, chúng tôi thấy ấm lòng và vui hơn khi đời sống bà con đã ấm no, hạnh phúc. Họ đã đón tết với đầy đủ hương vị của quê hương mà những năm trước không bao giờ có được. Người Cà Doong ngày càng được đổi đời, hòa nhập với cuộc sống mới hiện đại và bà con càng ghi nhớ công ơn của Đảng và Bác Hồ. Và bà con coi Bộ đội Cụ Hồ của Bộ Chỉ huy Quân sự Kon Tum, Binh đoàn 15 như con em của mình, bởi bộ đội đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm, giúp bà con xây dựng cuộc đời mới./.
Lê Quang Hồ
Theo Báo Năng lượng mới
Khúc Thị Lan Hương (st)