Chủ tịch Hồ Chí minh với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một mảng đề tài lớn đối với công tác tuyên truyền trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Điều đó càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí minh là vị lãnh tụ thiên tài, suốt đời đấu tranh không mệt mỏi cho hòa bình dân tộc và nhân loại. Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp Bác đã thấy rõ vị trí quan trọng của hướng chiến lược tây Đông Dương trải dài từ Tây Bắc Việt Nam qua vùng Thượng - Trung - Hạ (Lào). Năm 1947, Bác chỉ thị cho các đội vũ trang phải: “Đem được lá cờ đỏ sao vàng cắm lên đất Điện Biên”. Trước Chiến thắng Điện Biên Phủ 05 năm (6/1949) với sự nhạy cảm tuyệt vời Người đã phác họa trong ký sự “Giấc ngủ 10 năm”: về “Trận đánh cuối cùng” của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp “Theo kế hoạch của giặc thì trận ấy phải là một trận khủng khiếp nhất, nhưng là khủng khiếp cho giặc”; Người còn dự đoán “Trận ấy, hơn một vạn giặc chết và bị thương chưa kể các chiến trường khác...”. Thực tiễn ở Điện Biên Phủ sau này đã chứng minh nhận định và điều tiên tri của Bác là hoàn toàn đúng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo với Bác Hồ về kế hoạch tác chiến
trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Bộ Thống soái tối cao của ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa và tham dự nhiều cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng để nhận định đánh giá tình hình diễn ra trên mặt trận Điện Biên Phủ và các chiến trường phối hợp nhằm phục vụ cho việc giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ. Bác cùng với Bộ Chính trị luôn vạch ra đường lối, chủ trương kháng chiến đúng đắn, sáng tạo và động viên, cổ vũ kịp thời quân dân ta trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và thời kỳ Chiến dịch Điện Biên Phủ khiến cho Kế hoạch Na Va bị phá sản hoàn toàn.
Tháng 9/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng của ta đã họp dưới quyền chủ tọa của Hồ Chủ tịch, phê chuẩn phương án tác chiến do Tổng Quân ủy trình bày với các hướng tấn công chiến lược của ta; Bác kết luận: “Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính… các hướng khác là hướng phối hợp..., phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa’’. Tháng 10/1953, trong buổi họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn về Kế hoạch chiến lược Đông xuân 1953-1954 do Bộ Chính trị chủ trì; Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày ý đồ của Na-va. Bác ngồi họp với thái độ bình thản, đôi mắt người chợt lộ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại, Người nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ, ta buộc chúng phải phân tán binh lực, thì sức mạnh đó không còn”. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón tay trỏ về một hướng. Bằng nhãn quan quân sự thiên tài và sự chỉ đạo tài tình, sáng suốt biết tạo thời cơ để chiến thắng kẻ thù; mấy tháng sau ta giáng cho quân Pháp 05 đòn chiến lược, ứng với 05 ngón tay huyền thoại của Bác, buộc Na-va bị động phải phân tán lực lượng.
Thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, ta dùng một bộ phận quân chủ lực mở những cuộc tấn công lên các hướng chiến lược mà địch tương đối yếu nhưng chúng không thể bỏ được, buộc chúng phải phân tán khối quân cơ động lớn tại đồng bằng Bắc Bộ. Ngày 19/11/1953, theo hướng đã định Đại đoàn 316 tiến lên Tây bắc, Đại đoàn 325 tiến sang Trung Lào, khiến báo chí la lối lên rằng: “Đông Dương bị cắt làm đôi”. Bác đã lấy Tây Bắc làm hướng chính và nhìn thấy trước một Điện Biên Phủ để ta có thể đánh địch và có lợi cho ta. Mặc dù lúc này trong đề án hoạt động Đông Xuân 1953-1954 và Kế hoạch Na-va chưa hề xuất hiện 03 chữ Điện Biên Phủ. Ngày 20/11/1953, Na-va cho quân nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Ta nhận định quân Pháp nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ là hoàn toàn có lợi cho ta và nằm trong dự kiến của ta.
Ngày 23/11/1953, Bác dặn dò cán bộ trước khi lên đường ra mặt trận: “Vì tình hình địch còn có thể thay đổi, nên phải luôn nắm vững phương châm chỉ đạo tác chiến mà Bộ Chính trị đã đề ra: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Thực hiện lời Bác, ta nắm thời cơ chủ động tấn công địch buộc Kế hoạch Na-va chúng phải thay đổi từ 18 tháng nay phải chuyển tổng giao chiến với ta sớm hơn 01 năm so với kế hoạch dự định ban đầu của chúng. Sau nhiều chuyến thị sát Điện Biên Phủ, Na-va tuyên bố chấp nhận cuộc giao chiến với chủ lực ta tại Điện Biên Phủ và quyết giữ Điện Biên Phủ bằng mọi giá.
Ngày mùng 06/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm, kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ; ta xác định đây là một chiến dịch không những quan trọng đối với trong nước mà quan trọng cả đối với quốc tế. Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với mật danh “Trần Đình”, đồng thời quyết định tư lệnh Bộ Chỉ huy do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng Tư lệnh Bộ Chỉ huy kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận.
Vào một ngày đầu Xuân (tháng 01/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Khuổi Tát chào Bác trước khi lên đường ra mặt trận. Bác giao nhiệm vụ: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Bác và Bộ Chính trị chỉ thị: “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho Chiến dịch”. Ta ráo riết, khẩn trương chuẩn bị cho Chiến dịch. Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng’’ mùa khô năm 1953 cả nước cùng ra trận. Sau hơn 03 tháng chuẩn bị ta đã làm lên những điều kỳ diệu, những bất ngờ lớn, tất cả ngoài sự tính toán của kẻ thù.
Trong quá trình mở đường để biểu dương cán bộ, chiến sỹ toàn quân Bác trao tặng tấm áo lụa cho đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung - Đội trưởng Đội công binh 83 đạt thành tích xuất sắc phá bom khai thông tuyến đường vào trận địa. Bước vào Chiến dịch ông đã mặc tấm áo Bác tặng chỉ huy đội công binh đào hoàn thành đường hầm ngầm đưa khối bộc phá 01 tấn vào cứ điểm A1 tiêu diệt hầm ngầm cố thủ góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch. Tết Đoan Ngọ năm1954, Bác có món quà đặc biệt gửi các chiến sỹ, đó là một chiếc ca sắt tráng men in hình 03 lá cờ Việt - Trung - Xô, bên dưới in hàng chữ “Quyết chiến, quyết thắng”. Qùa đến đúng vào ngày đầu Xuân, các chiến sỹ vô cùng xúc động trước sự ân cần của Bác.
Nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lấy lời căn dặn của Bác làm kim chỉ nam hành động. Tổng Tư lệnh đã đưa ra quyết định lui quân đầy trách nhiệm và thông minh, táo bạo chuyển từ phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” để bảo toàn lực lượng. Không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị nên Tổng Tư lệnh mặt trận đã triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch tác chiến. Sau khi gửi thư hỏa tốc về báo cáo Bác và Bộ Chính trị Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết rằng: Bác và Bộ Chính trị nhất trí cho rằng quyết định thay đổi phương châm là hoàn toàn đúng đắn.
Chiều ngày 13/3/1954, trước giờ khai hỏa mở màn trận đánh lịch sử cán bộ, chiến sỹ trên toàn mặt trận hồi hộp, xúc động lắng nghe thư Người. Thư Bác như tiếng kèn xung trận tạo nên không khí vô cùng phấn khởi tràn ngập khắp các chiến hào trận địa, các đơn vị quyết tâm thi đua lập công mừng thọ Bác. Cũng vào ngày này, tại Chiến khu Việt bắc có một cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa Bác Hồ với đạo diễn điện ảnh Rô-man Các-men và sau đó đạo diễn điện ảnh đã đi ngay lên Điện Biên Phủ để làm bộ phim lớn với tên gọi “Việt Nam trên đường thắng lợi” gây tiếng vang trên toàn thế giới.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một pháo đài quân sự rất mạnh. Thực hiện nguyên tắc chỉ đạo của Bác và Bộ Chính trị: Đánh ăn chắc, đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt chọn nơi địch sơ hở mà đánh, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phân tán. Bác viết thư, gửi điện căn dặn, động viên, cổ vũ bộ đội, dân công ngoài mặt trận và thường xuyên theo dõi diễn biến Chiến dịch; nắm bắt tin tức từ mặt trận báo về với sự quan tâm đặc biệt. Cán bộ chiến sỹ ngoài mặt trận hăng hái thi đua lập công báo mừng thọ Bác. Người luôn quan tâm đến sức khỏe công tác thương binh của bộ đội, dân công tại mặt trận; ngày 22/3/1954, Bác trực tiếp cử bác sĩ Vũ Đình Tụng (Bộ trưởng Bộ Thương binh) và Giáo sư Tôn Thất Tùng (Thứ trưởng Bộ Y tế) ra mặt trận phục vụ Chiến dịch.
Nhận định về triển vọng của cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ, tại Chiến khu Việt Bắc, trả lời nhà báo Bơcset (Ôxtrâylia) một lần nữa Bác lại dùng hình tượng “chiếc mũ lật ngược” để nói về hình thái giữa ta và địch với sự lạc quan tin tưởng tuyệt đối: “ Đây là Điện Biên Phủ”; rồi Bác chỉ tay quanh vành mũ: “Núi ở đây và chúng tôi cũng ở đây” sau đó Bác nắm tay lại, ấn vào lòng mũ và nói tiếp: “Còn đây là quân Pháp... họ không thể thoát được”.
Với tầm nhìn xa trông rộng, Bác luôn tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc; tin tưởng vào tinh thần dũng cảm, mưu trí sáng tạo, quyết tâm chiến đấu, vượt qua mọi gian nan thử thách của những người con đang chiến đấu ngoài biên ải. Tháng 04/1954, khi cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ đang diễn ra ác liệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến chào Bác để đi dự Hội nghị Giơnevơ, Bác cho biết sẽ có một món quà quý tặng Đoàn đại biểu của ta. Hội nghị Giơnevơ khai mạc ngày 08/5/1954; tin chiến thắng Điện Biên Phủ - món quà vô giá ấy đã đến ngay chiều hôm trước ngày Hội nghị Giơnevơ khai mạc. Chiến thắng ở Điện Biên Phủ (07/5/1954) đã góp phần quyết định cho thành công của Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương ký ngày 20/7/1954, đưa đất nước ta lên đỉnh vinh quang chói lọi. Trả lời một chính khách nước ngoài sau chiến thắng vĩ đại đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Hồ Chí minh là một trong những nhân vật độc đáo nhất của nền chính trị thế giới” quả đúng như lời ca ngợi của Nhà nghiên cứu lịch sử Jules Roy (Anh) về Bác.
Ngày 08/5/1954, Bác đã gửi thư khen ngợi quân dân ta tại Điện Biên Phủ. Tháng 05/1954 Bác gửi thư thăm hỏi thương binh và quyết định khao quân thưởng cho tất cả bộ đội tham gia chiến dịch huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên Phủ. Chào mừng chiến thắng vĩ đại đó và ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân dân ta sau chiến thắng Bác đã làm bài thơ thể hiện rõ quyết tâm sắt đá của quân dân ta: Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước dân chủ bày tỏ lòng tự hào và ngưỡng mộ về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cụm từ: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ đã trở thành khẩu hiệu hành động đối với tất cả các dân tộc thuộc địa trên thế giới noi gương Việt Nam vùng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1964), Bác và Đoàn đại biểu Chính phủ lên dự Lễ mít tinh; khi thăm Nhà trưng bày Bảo tàng Điện Biên Phủ (tại thủ phủ Khu tự trị Tây Bắc ở Thuận Châu - Sơn La) Người viết lưu niệm trong sổ cảm tưởng: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ, anh dũng của quân và dân ta... càng làm sáng ngời chân lý của Chủ nghĩa Mác Lê-nin trong thời đại ngày nay. Chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công”.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, những điều tiên tri, phép dùng binh, thuật dùng người và niềm tin vào chiến thắng trong Bác vẫn còn nguyên giá trị; ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Bác, chúng ta càng thêm tự hào về Bác Hồ kính yêu; và sự nghiệp cách mạng dân tộc ta. Chiến thắng vĩ đại đó vẫn tỏa sáng tầm vóc chiến công anh hùng năm xưa và làm rạng rỡ non sông ta, Tổ quốc ta./.
Nguyễn Phượng - Phòng Di sản văn hóa
Theo http://svhttdldienbien.gov.vn
Bùi Hảo (st)