Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là chiến thắng của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam được kết tinh ở sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội và nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

dien-bien-phu-bqllang.gov.vn
Những chiếc xe đạp vận chuyển hàng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Phân tích những nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: Một trong những nhân tố quyết định của Chiến thắng Điện Biên Phủ và nói chung của các chiến thắng Chiến dịch Đông Xuân là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, tinh thần quyết tâm chiến đấu, lòng dũng cảm, hy sinh quên mình, trí thông minh, sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong tại Mặt trận Điện Biên Phủ và các chiến trường phối hợp trong cả nước đã đóng góp cực kỳ quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.

Thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các tầng lớp nhân dân ta đã hết lòng phục vụ tiền tuyến. Hàng chục vạn chiến sĩ dân công từ khắp các nẻo đường của đất nước đã vượt qua đèo cao, vực sâu, vượt qua máy bay địch bắn phá và bom nổ chậm để chuyển hàng chục vạn tấn lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Hàng vạn thanh niên xung phong ngày đêm phối hợp với các đơn vị công binh, anh dũng mở đường và phá bom nổ chậm của địch trên các tuyến đường giao thông vận tải. Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Điện Biên Phủ, đã xuất hiện biết bao tấm gương chiến đấu kiên cường, anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là khí phách Việt Nam được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trong những thời điểm thử thách cam go, ác liệt nhất.

Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội và nhân dân trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, sự giáo dục, bồi dưỡng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trung thành, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác-Lênin về vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần trong chiến tranh vào điều kiện cụ thể của chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng ở nước ta. Trong suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ  Chí Minh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, bồi dưỡng nhân tố chính trị - tinh thần, nhất là nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho bộ đội. Trong 10 điểm chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự sau Chiến dịch Tây Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu: “… Phải luôn xem trọng việc huấn luyện bộ đội. Phải ra sức bồi dưỡng cán bộ, phải rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, cũng như trình độ chiến thuật và kỹ thuật của cán bộ. Đó là khâu chính trong các thứ công tác”.

Để phát triển, củng cố những tiến bộ đã đạt được và sửa chữa những khuyết điểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định tiếp tục chỉnh quân chính trị trong năm 1953, phấn đấu xây dựng “Một quân đội nhân dân thật mạnh và luôn tiến bộ”.

Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội và nhân dân trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ còn bắt nguồn từ việc nhận thức và phát huy vai trò của hậu phương đối với tiền tuyến trong chiến tranh, trong động viên, cổ vũ tinh thần của các chiến sĩ ở ngoài mặt trận. Quyết tâm bảo đảm cho Chiến dịch Điện Biên Phủ giành toàn thắng, Trung ương Đảng và Chính phủ đã ra chỉ thị: “Toàn dân, toàn Đảng tập trung chi viện cho tiền tuyến”. Khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” được nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt cả ở vùng tự do cũng như ở những vùng còn bị địch tạm chiếm. Nhân dân vừa tích cực đóng thuế nông nghiệp, bán thực phẩm, vừa cho vay, ủng hộ cả bằng hiện vật, cả bằng tiền để cung cấp, tiếp tế cho bộ đội ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa II) đã đề ra chủ trương tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng” ngay trong những năm kháng chiến. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Nhờ có cải cách ruộng đất mà “Tinh thần và lực lượng kháng chiến của hàng triệu nông dân được động viên mạnh mẽ, khối liên minh công nông được tăng cường, chính quyền nhân dân và Mặt trận dân tộc thống nhất được củng cố, sức chiến đấu của quân đội nhân dân được tăng lên chưa từng thấy, mọi mặt hoạt động kháng chiến được đẩy mạnh. Cuộc vận động này đã góp phần quyết định vào Chiến thắng Điện Biên Phủ”(1).

Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bắt nguồn từ việc nhận thức và phát huy vai trò công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) trong quân đội. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên yêu cầu: “Phải tăng cường công tác chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội”. Để phát huy tốt vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần, đồng thời khắc phục những khó khăn của ta trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, trong công tác chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch, Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch, nhất là các chính ủy, chính trị viên đã tập trung tiến hành nhiều nội dung, hình thức, biện pháp hoạt động CTĐ, CTCT phong phú, linh hoạt phù hợp với từng đối tượng, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Dựa vào chi bộ làm nòng cốt, CTĐ, CTCT trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng một cách sâu rộng, kịp thời, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa to lớn của chiến dịch, nhất là quán triệt và thực hiện tốt phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, khắc phục tư tưởng sợ mỏi mệt, sợ tiêu hao, xây dựng và giữ vững quyết tâm chiến đấu liên tục, dài ngày.

CTĐ, CTCT đã tiến hành giáo dục, quán triệt tốt tình hình, những thuận lợi và khó khăn mới; phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ của ta trong chiến dịch, đặc biệt là những phương châm và nguyên tắc, cũng như các nhiệm vụ và công tác cụ thể về quân sự, chính trị, địch vận, ngoại giao; về công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách, đồng thời kiên quyết đấu tranh khắc phục mọi biểu hiện của tư tưởng hữu khuynh, sợ gian khổ, khó khăn, hy sinh, bi quan, tiêu cực, hoặc chủ quan, nóng vội. Những biện pháp tiến hành CTĐ, CTCT, đặc biệt là thư động viên của Bác Hồ trước giờ xuất trận giúp cho mọi cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc ý nghĩa to lớn của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, trên cơ sở đó xây dựng tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh, quyết chiến, quyết thắng.

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ thực tiễn phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội và nhân dân ta trong Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt phương hướng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trước hết là xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của nhân tố chính trị-tinh thần- ưu thế tuyệt đối của chúng ta trước mọi kẻ thù xâm lược. Trên cơ sở đó, phát huy tốt vai trò của vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự, của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng LLVT nhân dân, quân đội nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới./.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Vĩnh Thắng

Theo http://www.qdnd.vn

Thu Hiền (st)

(1) Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng…, Nxb Sự thật, H.1972, tr.18.  

Bài viết khác: