Tại sao dân ta ai cũng gọi Hồ Chủ tịch là Bác Hồ, kể cả ngay từ sau Cách mạng Tháng Tám, nghĩa là khi Bác mới có 55 tuổi? Một nhà văn cho biết: "Lần đầu tiên Hồ Chí Minh xưng Bác và gọi cháu là trong "Trả lời thư chúc mừng của Hội Nhi đồng Công giáo khu Thượng Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Đông” ngày 10-5-1947: Bác cảm ơn các cháu. Bác khuyên các cháu: Biết giữ kỉ luật, siêng học siêng làm, yêu Chúa yêu nước. Bác hôn các cháu. Và ký là Hồ Chí Minh, chứ không với Bác Hồ. Ba tháng sau, trong "Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân kỉ niệm Cách mạng Tháng Tám, năm 1947”, danh xưng Bác Hồ xuất hiện và từ đó được sử dụng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng máy cấy cải tiến tại trại thí nghiệm lúa
thuộc Sở Nông - Lâm Hà Nội, năm 1960
Song phải nhấn mạnh: Hồ Chí Minh chỉ xưng Bác trong hai trường hợp quan hệ. Thứ nhất, trường hợp Bác – cháu, với nhi đồng. Điều này không có gì là chướng. Ở tuổi 55 khi lên làm Chủ tịch nước, đối với người Việt thuở đó Hồ Chí Minh đã là một người già. Phóng viên báo chí thường gọi là Cụ Chủ tịch, cũng như Chủ tịch gọi những người trạc tuổi mình là cụ. Trong bối cảnh ấy, xưng hô Bác – cháu của Hồ Chí Minh với nhi đồng là tự nhiên... Cuối thư gửi nhi đồng, Hồ Chí Minh thường hôn các cháu. Trong một bức thư, còn hôn các cháu rõ kêu, một cử chỉ rất Tây được diễn đạt rất Việt. Trường hợp xưng Bác thứ hai của Hồ Chí Minh là trong quan hệ với những người kém tuổi mình. Bác ở đây không phải là Bác – cháu, mà là Bác – cô/chú. Chúng ta không lạ cách xưng tôi, gọi một người kém tuổi là chú hay cô nói chung, một cách xưng hô khá trung lập, không nhất thiết gây ấn tượng gia đình chủ nghĩa mà vẫn giữ được sự thân mật và khoảng cách tuổi tác.”
Như vậy việc toàn dân gọi Bác Hồ không phải là chủ ý từ Bác mà chính là từ lòng thật sự kính yêu Bác của tuyệt đại đa số nhân dân, từ các bậc trí thức cao niên cho đến các cháu bé ở vùng núi cao. Bác tôn trọng mọi người trên tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc, nhưng điều đặc biệt là Bác thực sự quan tâm đến những người nghèo khổ nhất trong xã hội.
Bác Hồ thăm Lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ, công nhân của Xưởng sửa chữa ô tô 1-5
Ông Vũ Kỳ, người nhiều năm làm thư ký cho Bác kể rằng: Trong cuộc "vi hành” đêm 30 Tết của mùa Xuân độc lập đầu tiên, Bác Hồ đã chứng kiến cảnh gia đình một người đạp xích lô "Tết mà không có Tết”, ngoài một nén hương đang cháy dở, còn chủ nhà thì đang đắp chiếu nằm mê mệt vì ốm. Bác đã xúc động lau nước mắt, lặng lẽ bước ra khỏi nhà, bảo đồng chí thư ký ghi lại địa chỉ để hôm sau báo cáo cho Chủ tịch Hà Nội biết... Kể từ mùa Xuân đầu tiên đó, suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, mỗi lần Tết đến, Xuân về, Bác lại nghĩ đến dân, lo sao cho dân có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc. Thường thì trước Tết ba tháng, Bác đã nhắc các cơ quan, các ngành chuẩn bị Tết cho dân. Riêng Bác cũng tự mình chuẩn bị sớm ba việc. Tìm ý thơ cho bài thơ mừng năm mới, nhắc văn phòng chuẩn bị thiếp "Chúc Mừng Năm Mới” để kịp gửi đến những nơi xa xôi nhất, kể cả bộ đội ở các vùng rừng núi, hải đảo xa xôi và cán bộ công tác ở nước ngoài. Và cuối cùng là một chương trình đi thăm dân không thể thiếu đối với Bác, một chương trình riêng mà chỉ Bác và các đồng chí cảnh vệ biết. Tối 30 Tết năm 1960, Bác đến thăm gia đình mẹ con chị Tín, một lao động nghèo ở phố Hàng Chĩnh, Hà Nội... Và mùa Xuân độc lập đầu tiên, Xuân Bính Tuất năm 1946 đã trở về trên toàn cõi đất nước với một sắc màu khác lạ làm gợi nhớ đến một thời Nghiêu Thuấn xa xưa. Vào thời khắc mọi gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị đón giao thừa thì vị Chủ tịch nước xắn quần, bước thấp bước cao đến các ngõ hẻm ở phố Sinh Từ, phố Hàng Lọng... để được chính mắt nhìn thấy cảnh Tết vừa, Tết nghèo của bà con lao động Hà Nội mới vừa thoát khỏi ách thực dân phong kiến. Nếu Bác chỉ đến thăm các gia đình theo chương trình của các cơ quan đã bố trí thì làm sao Chủ tịch nước biết được gần đến giao thừa rồi mà chị Tín vẫn còn phải đi gánh nước thuê đổi gạo để sáng mai mùng một Tết có cơm ăn cho bốn đứa con của mình. Gặp Bác, chị Tín xúc động để rơi cả đôi thùng gánh nước xuống đất, run run cầm lấy bàn tay của Bác:
- Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm...
Chỉ nói được vậy, chị đã oà lên khóc nức nở.
Vị Chủ tịch nước đã an ủi chị:
- Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...
Trên đường về, ngồi trên xe, Bác trầm ngâm suy nghĩ. Vẻ đăm chiêu thoáng hiện trên gương mặt của Người. Về đến nhà, các đồng chí Bộ Chính trị đang chờ Bác để chúc mừng năm mới. Mọi người băn khoăn khi thấy Bác không vui. Bác kể lại hoàn cảnh gia đình chị Tín cho mọi người nghe. Cuối câu chuyện Bác nói: "Ta có chính quyền trong tay, nhưng chính quyền đó chưa thực sự là do dân, vì dân. Một số lãnh đạo các địa phương còn quan liêu và nặng về hình thức. Họ không chịu đi sâu, đi sát quần chúng, nên phục vụ quần chúng chưa tốt. Nếu chúng ta chỉ nghe báo cáo của họ thì sẽ không bao giờ nắm được chính xác tình hình để có chủ trương, nghị quyết đúng đắn. Đảng quan liêu, chính quyền quan liêu, thực sự là một nguy cơ đối với đất nước chúng ta (Thư ký Bác Hồ kể chuyện, NXB Chính trị quốc gia, 2008).
Bác luôn nhắc nhở cán bộ phải yêu dân, kính dân. Ngay từ năm 1945 Bác đã viết: "Chúng ta phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là công bộc của dân nghĩa là để gánh vác chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (HCM toàn tập ,T.4, NXB Chính trị quốc gia, 1995, tr.56-57).
Bác Hồ thăm nông dân xã Ái Quốc, tỉnh Hải Hưng, năm 1958
Thật thấm thía khi Bác giãi bày tâm sự: "Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”./.
GS. Nguyễn Lân Dũng
Ủy viên UBTƯMTTQ Việt Nam
Ảnh: TTXVN
Theo Báo Đại đoàn kết
Huyền Anh (st)