Bài viết dưới đây đăng trên tạp chí Parameters, số mùa đông 1999 - 2000. Nguyên tác: Cuộc Tổng tiến công cuối cùng của miền Bắc: Đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh có một không hai (North Vietnam's Final Offensive: Strategic Endgame Nonpareil).

Trong bài viết này, tác giả Merle L. Pribbenow đã kể lại những ngày tháng cuối cùng trước Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, nhấn mạnh đến những quyết định sáng suốt và chiến lược chiến tranh đầy trí tuệ của Đảng Cộng sản cũng như Quân đội nhân dân Việt Nam.

dau-tri-30.4-bqllang.gov.vn

Tác giả Merle L. Pribbenow

Xin trích giới thiệu cùng bạn đọc tài liệu tham khảo này để có thể hiểu thêm về một góc nhìn và cách đánh giá của một “người trong cuộc” về đối phương của họ trong giai đoạn sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. (Nhan đề và các tiểu mục do chúng tôi đặt).

          Kỳ 1: Kế hoạch ban đầu

Những hạt mầm của Chiến dịch Tổng tiến công 1975 của miền Bắc Việt Nam đã được gieo từ hai hội nghị quân sự cấp cao tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3 và tháng 4/1974 để đánh giá tình hình chiến sự. Hai hội nghị này đi đến kết luận rằng Quân đội nhân dân Việt Nam đã giành lại được thế chủ động ở miền Nam, lần đầu tiên kể từ chiến dịch Quảng Trị 1972. Sau Hiệp định ngừng bắn ký tại Paris tháng giêng năm 1973, Quân đội nhân dân Việt Nam  đã mở rộng đáng kể tuyến đường huyết mạch chuyên chở hậu cần của họ tới miền Nam - Đường Hồ Chí Minh. Do con đường không còn chịu sự tấn công của không quân Mỹ, miền Bắc Việt Nam nay đã có thể vận chuyển khối lượng khổng lồ trang thiết bị và hàng tiếp tế vào Nam: chỉ riêng trong năm 1973, đã có 80.000 tấn hàng quân sự được cung cấp, trong đó có 27.000 tấn vũ khí, 6.000 tấn chế phẩm xăng dầu, và 40.000 tấn gạo. 100.000 quân nhân mới của Quân đội nhân dân Việt Nam đã hành quân dọc Đường Hồ Chí Minh vào Nam trong suốt năm 1973, và 80.000 người khác lên đường Nam tiến trong nửa đầu năm 1974. Sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam  ở chiến trường miền Nam, vốn bị mất đi một phần trong chiến dịch Quảng Trị 1972, giờ đây ở mức hùng hậu nhất trong lịch sử cuộc chiến tranh: 400.000 lính chính quy. Quân đội nhân dân Việt Nam đã có thể thấy ánh sáng cuối đường hầm. Vấn đề họ đang đối diện là làm thế nào để đi tới đoạn cuối đó.

Sau hai hội nghị tháng 3 và tháng 4, vào tháng 5, Bộ Tổng Tham mưu ở Hà Nội hoàn thành dự thảo, “Đề cương sơ bộ về một kế hoạch giành chiến thắng trong chiến tranh ở miền Nam”. Nghiên cứu này được gửi tới Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, để ông duyệt. Ngày 18/1/1974, sau khi đánh giá cẩn thận đề cương này, Tướng Giáp gọi người phó của ông, Tướng Hoàng Văn Thái và ra lệnh chuẩn bị cho một kế hoạch chiến dịch chính thức nhằm vào việc giành thắng lợi hoàn toàn ở miền Nam muộn nhất trong năm 1976. Quan điểm chung của ông Giáp là một cuộc tấn công hai giai đoạn, bao gồm một đợt công kích lớn của quân chủ lực vào Tây Nguyên, sau đó là một cuộc tấn công dốc toàn lực nhằm vào lực lượng bảo vệ Sài Gòn.

 


Đơn vị vận tải C3 anh hùng (Đoàn 250 Tây Nguyên) chuyển đạn phục vụ chiến dịch.

          Mặc dù Quân đội nhân dân Việt Nam biết họ đã giành được thế chủ động chiến lược ở miền Nam Việt Nam, kế hoạch ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu vẫn khá thận trọng, bởi họ vẫn đang phải đương đầu với một số vấn đề nghiêm trọng, nhất là các lực lượng chính quy của Quân đội nhân dân Việt Nam đối diện với tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng về vũ khí hạng nặng và đạn dược. Thêm nữa, mặc dù giới lãnh đạo của Bắc Việt tin rằng họ có một cơ hội vài năm có một để giành chiến thắng trước khi Mỹ phục hồi trở lại sau những bê bối chính trị trong nước, Quân đội nhân dân Việt Nam tin rằng họ vẫn phải cảnh giác với sự can thiệp có thể có từ nước ngoài. Trong các chỉ thị ban đầu của Tướng Giáp, có yêu cầu các lực lượng quân đội của miền Bắc phải chuẩn bị cho khả năng cuộc tổng tiến công có thể khiêu khích Mỹ ném bom trở lại vào miền Bắc hoặc thậm chí đổ bộ vào vịnh Bắc Bộ.

Sự thiếu hụt về tăng thiết giáp và trọng pháo - điều kiện cần để tấn công vào các căn cứ ở cấp sư đoàn và trung đoàn vốn được trang bị rất đầy đủ của Việt Nam cộng hòa (VNCH) - đè nặng lên tâm trí những nhà hoạch định chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, những người đã lập nên bản kế hoạch để trình Bộ Chính trị vào tháng 10/1974. Sau này, người ta chủ yếu tìm hiểu xem tình trạng thiếu đạn trong quân đội VNCH tác động như thế nào đến sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, mà không biết rằng chính Quân đội nhân dân Việt Nam mới chịu thiếu hụt nghiêm trọng. Viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc, đặc biệt ở danh mục “vũ khí tấn công” (xe tăng và pháo), đã giảm đáng kể từ sau Hiệp định Paris 1973. Những thiệt hại lớn Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Quảng Trị 1972 càng làm trầm trọng thêm vấn nạn thiếu hụt do sự suy giảm viện trợ này gây ra. Ngoài ra, phần lớn xe tăng và pháo của Quân đội nhân dân Việt Nam ở trong tình trạng rất tồi tệ, phụ tùng thì thiếu. Nhiều đơn vị pháo binh của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là ở miền Nam, vẫn chỉ được trang bị súng cối hạng nhẹ, súng DKZ, hoặc ống phóng hỏa tiễn vác vai (B40).

Ở địa bàn hoạt động của Trung ương cục miền Nam, tức là nửa phía Nam của đất nước, bảy Sư đoàn Bộ binh (số 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9) và khung Quân đoàn 4 chỉ được yểm trợ bởi năm Tiểu đoàn pháo (hai trong số đó có trang bị pháo lấy được của Mỹ nhưng còn rất ít đạn) và ba tiểu đoàn tăng thiết giáp thiếu bộ đội. Khi Quân đoàn 2 của Quân đội nhân dân Việt Nam tiến công Sài Gòn vào tháng 4/1975, họ cũng chỉ có tổng cộng 89 xe tăng và thiết giáp chở quân, 87 cỗ pháo.

Tuy nhiên, vấn đề gay go nhất là nạn thiếu nghiêm trọng đạn cho xe tăng và trọng pháo (pháo dã chiến và cối 85mm trở lên). Hồi chiến dịch Quảng Trị 1972, quân đội miền Bắc đã bắn hơn 220.000 viên đạn xe tăng và trọng pháo, trong đó 150.000 viên đã được sử dụng chỉ riêng tại mặt trận Quảng Trị. Cho đến năm 1974, toàn bộ kho đạn pháo và đạn tăng của Quân đội nhân dân Việt Nam, bao gồm tất cả đạn dược của cả các đơn vị chiến đấu ở chiến trường lẫn của các kho dự trữ chiến lược, tổng cộng chỉ được 100.000 viên. Tình hình đạn dược nghiêm trọng tới mức các chỉ huy pháo binh phải thay pháo lớn ở một số đơn vị bằng các khẩu pháo đã lỗi thời 76,2mm và 57mm, lấy từ kho ra.

Vì những vấn đề này, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành sắc lệnh rằng tất cả các vũ khí hạng nặng và đạn dược còn lại phải được sử dụng thật tiết kiệm, để dành cho một đòn quyết định, chỉ tiến hành khi trận cuối cùng diễn ra. Kế hoạch 1975 - 76 chỉ cho phép dùng hơn 10% kho đạn tăng - pháo còn lại của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cả chiến dịch 1975. 45% được phân phối cho chiến dịch 1976, phần còn lại để dự trữ.

Merle L. Pribbenow tốt nghiệp Đại học Washington năm 1968, chuyên ngành khoa học chính trị. Ông là nhân viên Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) ở Đông Dương, có 27 năm kinh nghiệm nghiên cứu về Việt Nam, trong đó có 5 năm làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn tính đến ngày 29/4/1975. Kể từ khi về hưu (năm 1995), ông đã viết ba bài nghiên cứu lịch sử chiến tranh ở Việt Nam, và dịch một cuốn sách của Bộ Quốc phòng Việt Nam sang tiếng Anh, xuất bản tháng 5/2002 tại Mỹ.

Theo Ngô Vương Anh/Baotintuc.vn

Tâm Trang (st)

 

Bài viết khác: