Sau chín năm kháng chiến với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, sức mạnh của dân tộc ta và của thời đại đã hội tụ về Ðiện Biên Phủ để làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đuổi quân đội viễn chinh Pháp ra khỏi bán đảo Ðông Dương, mở đầu sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Bởi lẽ đó, chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam được thế giới hết lòng ca ngợi.

the-gioi-ngoi-ca-dbp-bqllang.gov.vn

Khách du lịch quốc tế thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. (ảnh: Vũ Lợi)

Khẳng định tình đoàn kết chiến đấu trước sau như một với nhân dân Việt Nam, khi cuộc chiến đấu của quân và dân ta đang diễn ra hết sức quyết liệt tại chiến trường Ðiện Biên Phủ, ngày 26/4/1954, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào, có bài viết trên báo Quân đội nhân dân khẳng định: Chiến thắng Ðiện Biên Phủ có ảnh hưởng và giá trị vô cùng to lớn đối với cuộc kháng chiến chung của nhân dân ba nước Việt - Miên - Lào và đối với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới, đặc biệt đối với Pa-thết Lào, nhất là đối với Thượng Lào... Ðiện Biên Phủ được giải phóng sẽ mở thông hoàn toàn biên giới giữa Thượng Lào với Bắc Bộ Việt Nam, làm cho tình đoàn kết Việt - Lào càng được thắt chặt thân thiết hơn nữa.

Với nhân dân Cam-pu-chia, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Khmer đã có điện gửi các cán bộ và chiến sĩ Việt Nam tại mặt trận Ðiện Biên Phủ, nhấn mạnh: Nhân dân Khmer chúng tôi rất phấn khởi được biết tin thắng lợi liên tiếp của các anh em tại mặt trận Ðiện Biên Phủ. Nhân dân Khmer chúng tôi đang theo dõi từng giờ, từng phút với lòng tin tưởng chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng của các anh em. Thắng lợi của các anh em ở mặt trận Ðiện Biên Phủ chẳng những đã tiêu diệt một số quan trọng sinh lực địch mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chiến trường Khmer chúng tôi nữa.

Ngày 30/11/1961, Thứ trưởng Ngoại giao Cu-ba Héc-to Rô-đri-ghết Lom-pác, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng nước Cộng hòa Cu-ba nhân dịp sang thăm Việt Nam đã phát biểu: Lịch sử của nhân dân Việt Nam, trải qua hơn một nghìn năm đấu tranh quyết liệt chống sự bất công của những chế độ xã hội khác nhau, chống ách thống trị nước ngoài, đã rèn luyện nên tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam, nêu gương cho nhân dân các nước đấu tranh giành tự do và giành quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Tiêu biểu cho tinh thần đó là Chiến thắng Ðiện Biên Phủ lịch sử. Tác giả A. Phi-líp-pốp trong bài viết Nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trên báo Sự thật (Liên Xô), ngày 8/5/1964, khẳng định: Chữ Ðiện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và bất khuất của nhân dân Việt Nam.

Cùng sức mạnh vô địch của nhân dân Việt Nam, thắng lợi của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ còn bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Ðảng Lao động Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi sang tham dự Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Ðảng Lao động Việt Nam, tháng 9/1960, đồng chí Ði-mi-tơ-rơ Ði-mốp, Trưởng đoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Bun-ga-ri phát biểu: Nhân dân Bun-ga-ri đã rất chú ý theo dõi với mối cảm tình sâu sắc cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng Lao động Việt Nam... Chúng tôi cũng đã rất chú ý theo dõi cuộc đấu tranh vũ trang chín năm ròng của nhân dân Việt Nam kết thúc năm 1954, bằng chiến thắng thực dân Pháp trong trận chiến đấu oanh liệt Ðiện Biên Phủ.

Nhân dịp Ðoàn đại biểu Ðảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm Cu-ba năm 1974, đồng chí Phi-đen Ca-xtơ-rô phát biểu: Hồ Chí Minh đã vạch ra con đường, vạch ra chiến lược, chiến thuật và đã không tính toán quá nhiều về những vũ khí mà nhân dân Việt Nam có trong tay. Người biết rằng Việt Nam có một đảng, có một tổ chức quần chúng, có lòng yêu nước và có lẽ phải. Vì vậy, năm 1946, lúc đế quốc Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, Người đã nói ai có súng thì dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Một dân tộc hầu như không có vũ khí đã khởi đầu cuộc đấu tranh như vậy mà... kết thúc với chiến thắng hết sức quan trọng ở Ðiện Biên Phủ.

Ca ngợi sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, báo Thế giới trí thức ngày 20/5/1954 viết: Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã giải phóng hoàn toàn Ðiện Biên Phủ, cứ điểm cuối cùng của thực dân Pháp xâm lược ở Tây Bắc... Chiến công vĩ đại và sáng chói như vậy thực chưa từng thấy trong lịch sử chống xâm lược của nhân dân Việt Nam. Ðiều đó chứng minh rằng, một quân đội nhân dân anh hùng do Ðảng tiền phong của giai cấp công nhân lãnh đạo, có kinh nghiệm dày dạn, có tổ chức, có kỷ luật, lại được nhân dân Việt Nam nhiệt liệt ủng hộ là một quân đội chỉ có thể chiến thắng, không thể chiến bại, một quân đội mà không một sức mạnh nào có thể phá vỡ nổi.

Ủng hộ quan điểm đó, tám năm sau ngày Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tháng 5/1962, Ðại tướng Ba-tốp, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Liên Xô thăm Việt Nam đã xúc động để lại những dòng cảm tưởng: Chiến thắng Ðiện Biên Phủ là một thành tích tuyệt vời của nghệ thuật chiến đấu cao, sự trưởng thành về quân sự, lao động tích cực của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Còn Ðại tướng Kim Sang Bông, Trưởng đoàn đại biểu quân sự Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên thăm Việt Nam tháng 12 năm 1964 một lần nữa khẳng định: Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đã biểu thị sức mạnh vĩ đại vô địch của Quân đội nhân dân Việt Nam được sự giáo dục của Ðảng Lao động Việt Nam.

Báo Tiếng nói nhân dân (An-ba-ni), ngày 7/5/1964 từng viết: Thắng lợi vĩ đại Ðiện Biên Phủ đánh dấu một giai đoạn mới trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn nhân dân Việt Nam và trong phong trào giải phóng dân tộc và chống đế quốc Mỹ ở Ðông - Nam Á. Một dân tộc dù nhỏ bé vẫn có thể đánh bại kẻ thù dù lớn mạnh và hung bạo, nếu dân tộc đó có tinh thần cách mạng, được sự lãnh đạo của một đảng cách mạng, biết đoàn kết đấu tranh cho độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội, chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân và được nhân dân thế giới ủng hộ. Báo Lao động Tân văn, cơ quan trung ương của Ðảng Lao động Triều Tiên, số ra ngày 7/5/1961 viết: Chiến thắng Ðiện Biên Phủ không những chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam mà còn là chiến thắng chung của tất cả các dân tộc bị áp bức, bị bóc lột đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, giành độc lập và tự do...

60 năm trôi qua, Chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954 vẫn mãi trong lòng bè bạn thế giới. Sự ngợi ca của nhân dân thế giới về Chiến thắng Ðiện Biên Phủ không chỉ khẳng định sự đồng tình ủng hộ của họ đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, mà trên hết đó là lòng ngưỡng mộ, sự khâm phục và tự hào về chiến công của dân tộc Việt Nam. Việc phát huy bài học kinh nghiệm về tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam cần được vận dụng sáng tạo trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời./.

Theo Lê Văn Phong/Báo Nhân Dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: