Ở tuổi 79, Đại tá Hoàng Đăng Vinh - người trực tiếp được lệnh vào bắt Tướng De Castries trong trận cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ - vẫn khỏe mạnh, mực thước và minh mẫn. Những ngày này, trong không khí kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5), người chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn miệt mài đi truyền lửa qua những buổi nói chuyện với các tỉnh ủy, học viên các trường quân sự.
Chiến sĩ Hoàng Đăng Vinh vinh dự
được Bác Hồ gắn Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên năm 1954.
Có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Đại tá Hoàng Đăng Vinh mới thấy sự nhiệt huyết và dường như trong đôi mắt ông luôn ánh lên niềm tự hào về những “ký ức Điện Biên” hào hùng, đặc biệt về những phút giây bắt sống Tướng De Castries và thời khắc sụp đổ hoàn toàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, vang danh năm châu.
Vinh quang và vinh dự!
Là một trong số ít người có mặt trong hầm sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ chiều ngày 7.5.1954,Đại tá có thể kể lại thời khắc đó cho độc giả được biết?
Khi chúng tôi vào, thấy có hơn hai chục sĩ quan Pháp nhốn nháo, có thằng chui vào gầm bàn. Đồng chí Đại đội trưởng Tạ Quang Luật hô bằng tiếng Pháp, tất cả bọn chúng đều giơ tay đầu hàng, riêng De Castries ngồi yên, không đứng dậy.
Thấy vậy, Đại đội trưởng lệnh cho tôi vào bắt Tướng De Castries đầu hàng. Tôi lại gần hắn, hắn đứng bật dậy, chìa tay định bắt tay tôi. Tôi nghĩ trong đầu: “Sao lại bắt tay”? “Bắt tay là thế nào?”.
Nhưng ngay sau đó, tôi thọc họng khẩu Tôn-sơn vào bụng hắn, hắn sợ tái mặt và lùi lại nói 1 tràng tiếng Pháp. Tôi không hiểu gì. Đại đội trưởng bảo hắn nói “xin các ông đừng bắn, tôi đầu hàng”.
Đấy là giờ phút lịch sử của dân tộc, Tướng De Castries và toàn bộ bọn tù binh Pháp đứng câm lặng, cúi mặt lầm lũi, run rẩy, giơ tay xin hàng quân đội nhân dân Việt Nam. Trên các quả đồi, quân ta kéo lên reo hò, mừng thắng lợi vang dội cả núi rừng Tây Bắc.
Thưa ông, giây phút chiến thắng hào hùng của dân tộc, niềm xúc động dâng trào trong ông như thế nào? Ông có thể chia sẻ về thời khắc lịch sử đáng nhớ đó ở Điện Biên Phủ?
Phải nói là rất sung sướng, một hạnh phúc lớn, hạnh phúc của cả dân tộc và với những người chiến sĩ như chúng tôi. 56 ngày đêm chiến đấu quyết liệt vất vả, bây giờ chứng kiến cảnh tướng Pháp đầu hàng.
Có thể nói là hôm ấy, bầu trời Điện Biên lúc đó là 5h30, mặt trời đã xuống núi, ánh hào quang mặt trời rực rỡ lắm, nhưng trong cái rực rỡ đấy là hình ảnh các chiến sĩ của chúng ta trèo lên tất cả các ngọn đồi, hò reo chiến thắng, trông oai vệ biết bao. Cảm giác đó thật tuyệt, thật hạnh phúc và tự hào.
Cựu chiến binh Hoàng Đăng Vinh ở tuổi 79
Trong khi đó quân Pháp, khoảng 8.000 con người cùng một lúc, ùn ùn ra hàng, lầm lũi, gục đầu xuống, lê bước trên đường, mới thấy được sự vĩ đại của chiến thắng và cũng như tư thế oai phong của Việt Nam. Các chiến sĩ chúng tôi có một niềm tin, giá thử có Điện Biên Phủ thứ hai hiện đại hơn, chúng tôi cũng chiến thắng.
Được biết, lúc đó ông mới 19 tuổi đời và 2 năm tuổi quân. Ông nghĩ sao về hành động của mình?
Tự hào, rất tự hào và vinh dự. Thấy mình oai lắm, xem ra mình cũng được đấy chứ, làm được cái việc mình chưa bao giờ dám nghĩ đến. Nhưng chính đồng đội đã tạo cho tôi.
Từ trận đánh đầu tiên, quá trình trưởng thành từng bước, cuối cùng đã làm được 1 việc, tất nhiên người khác cũng làm được, nếu đặt vào trong thời khắc lịch sử đó.
Sự hy sinh của đồng đội luôn hiện về trong ký ức!
Sau lần bắt Tướng De Castries ra hàng ở Điện Biên Phủ, ông có lần nào gặp lại De Castries không?
Tôi còn gặp lại Tướng De Castries lần thứ hai vào ngày 20.5.1954, lúc đó ông ta đã là một tù binh. Trong một cảnh quay của đạo diễn Liên Xô RoMan Karmen về Điện Biên Phủ, tôi ngồi đối diện với ông ta, một cán bộ điện ảnh Việt Nam chỉ vào tôi rồi hỏi ông ta: “Ông có biết anh này là ai không?”.
De Castries nghĩ một hồi rồi trả lời: “Nếu tôi không nhầm thì tôi đã gặp anh ấy rồi”. Anh cán bộ điện ảnh nói: “Tôi khen ông có trí nhớ tốt, chính anh này đã vào hầm bắt ông!”.
De Castries hơi lúng túng, nhưng rất tinh quái, nhìn thẳng vào tôi, nói: “Tôi rất hân hạnh nếu được chỉ huy những người lính dũng cảm như anh!”.
Nghe thế tôi tức lắm nhưng chưa biết nói gì. Các đồng chí cán bộ điện ảnh nhìn tôi ra vẻ “trả lời đi chứ”, cuối cùng tôi nói: “Ông chỉ láo toét! Ông chỉ huy thế nào được tôi, vì chính tôi và đồng đội đã vào tóm cổ lôi ông ra”. Không ngờ câu trả lời của tôi được các cán bộ của ta vỗ tay nhiệt liệt.
Việc bắt sống Tướng De Castries, ký ức đấy đã theo ông trong suốt cuộc đời thế nào? Ông có hay nghĩ về giây phút đấy không?
Thực ra cái đó thì ít, còn ký ức về đồng đội lại thường hay trở về với tôi. Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại trên đường hành quân và bên kia cầu Mường Thanh.
Họ đã anh dũng hy sinh, quyết chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Còn chuyện gặp Tướng De Castries, thì thỉnh thoảng có hình dung lại, nhưng trong giấc mơ thì không bao giờ nghĩ tới.
Hình ảnh các chiến sĩ của ta trèo lên các ngọn đồi hò reo chiến thắng, đối ngược lại, quân Pháp lầm lũi, lê từng bước chân ra hàng như một bức phù điêu hào hùng tạc vào lịch sử. Nhưng để đánh đổi được chiến thắng đó, nhiều người đã phải nằm lại mảnh đất Điện Biên khi tuổi đời còn trẻ. Ông nói gì về sự hy sinh của đồng đội?
Đó là một mất mát lớn, nhưng là một sự hy sinh tuyệt vời. Rất thương tiếc những đồng đội đã hy sinh, nhưng đó là sự hy sinh làm nên chiến thắng huy hoàng của dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một cột mốc bằng vàng cơ mà. Cho nên sự hy sinh đó là xứng đáng, rất được trân trọng và vô cùng biết ơn.
Những sự hy sinh đó sẽ tiếp tục tạo nên ngọn lửa, thôi thúc thế hệ trẻ rèn luyện và phấn đấu để xây dựng và làm rạng danh đất nước, tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Minh Hương
Thu Hiền (st)