Ông Trần Thịnh Tần năm nay 83 tuổi. Ông bước chân vào cuộc kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu tiên của tuổi 20. Sau Chiến dịch Hòa Bình, ông lên Điện Biên Phủ, tham gia vào trận đánh lớn lịch sử khi làm việc ở Tổng cục Cung cấp (sau này là Tổng cục Hậu cần, trực thuộc Bộ Quốc phòng).
Ông Trần Thịnh Tần (83 tuổi) từng phục vụ trong
Chiến dịch Điện Biên Phủ - làm ở Tổng cục Cung cấp
Không trực tiếp cầm súng lao lên phía trước, nhưng những trải nghiệm và công việc của ông - như hàng chục ngàn người trẻ khác - khi đong từng lon gạo, góp từng đợt xe, đã góp phần làm nên một chiến dịch thắng lợi.
Ông Trần Thịnh Tần làm ở Tổng cục Cung cấp của Chiến dịch Điện Biên Phủ khi ông mới 23 tuổi. Sau Điện Biên Phủ, ông mang hàm Đại tá, Cục trưởng Cục Quân trang - Tổng cục Hậu cần, làm việc cho đến khi nghỉ hưu và sống với các cháu nội ở TP. Hồ Chí Minh Những lần quay về Điện Biên Phủ, gặp gỡ lại bạn bè, người trong cùng Chiến dịch, với ông lại là một vùng kỉ niệm tuổi trẻ đáng nhớ và xúc động.
5.000 tấn gạo cho “đánh nhanh, thắng nhanh”
Ông Tần chỉ vào tấm ảnh cũ, kể: “Khi chúng tôi vào trường sĩ quan, làm gì có súng, chỉ có xài súng tre tập thay. Đi lính mà phải mang quần áo từ nhà đi. Mua thêm đôi dép cắt từ lốp cao su đi cho bền. Sau đi lính mới được 2 bộ quần áo một năm, mà quần áo lót thì chưa có. Tóm lại là mình nghèo lắm”.
Khi ấy, 3 điểm vận tải ở đèo Cò Nòi, Lũng Lô, Pha Đin là những điểm nóng của người làm việc cung cấp, hậu cần. Ô tô chở hàng chỉ chở được 1,5 tấn, đi qua không biết bao nhiêu điểm đánh phá, đánh sập đường của Pháp. Những chiếc xe không chịu nổi đường xá, chỉ còn chở được 1 tấn hàng/chuyến.
Những người ở Tổng cục Cung cấp nghĩ ra chuyện xài đến tre, chặt ra, dằn vào gầm để chống sóc. Thùng xe cũng được phủ bởi các thanh tre chặt rải ra để đảm bảo cho hàng hóa. Xe đạp mỗi chiếc chở 1- 2 tạ.
Trên không là của Pháp, bên dưới người Việt hoạt động. Ông Tần kể: “Cứ đến 4 giờ chiều, sương mù phủ kín là mặt đường râm ran hết cả. Đi ngoài đường từ Cò Nòi lên các trọng điểm cứ nghe tiếng cười nói, đùa giỡn của những chuyến thồ hàng, mang vác. Một chặng như thế khoảng 25 km, từ 16 giờ chiều đến 10 giờ sáng là của ta, còn sau đó lại ẩn nấp”.
Sau giai đoạn chuẩn bị cho “đánh nhanh thắng nhanh” đầu tháng 1.1954, đến ngày 26.1.1954, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên bố chuyển sang “đánh chắc thắng chắc”, hàng loạt “chuyển động” khác phải diễn ra ở hậu tuyến và trung tuyến để chuẩn bị cho một đợt chiến dịch với quy mô khác hẳn.
Ông Tần kể: “Ban đầu chỉ nghĩ chiến dịch 3 ngày nên chúng tôi chỉ chuẩn bị 4.000 - 5.000 tấn gạo. Khi thay đổi chiến lược, phải đau đầu tìm cách huy động gạo cho chiến dịch”.
... giữa trái tim nhân dân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyến đi khảo sát các công việc của Tổng cục Cung Cấp. Đại tướng đang tham quan chiếc máy sấy khô khoai mì do các nhân công, thanh niên xung phong tự chế ra - Ảnh chụp lại từ tư liệu do ông Trần Thịnh Tần cung cấp
Ông Trần Thịnh Tần (thứ 2 từ phải qua), trong buổi gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Điện Biên Phủ - Ảnh chụp lại từ tư liệu do ông Trần Thịnh Tần cung cấp
Chiếc máy ép khoai mì thành sợi như sợi mì là sáng kiến để bộ đội có thể có bữa ăn dễ chịu hơn trong hoàn cảnh thiếu thốn - Ảnh chụp lại từ tư liệu do ông Trần Thịnh Tần cung cấp
Ông Trần Thịnh Tần trong chuyến đi trở lại thăm Điện Biên Phủ sau 55 năm chiến thắng - Ảnh chụp lại từ tư liệu do ông Trần Thịnh Tần cung cấp
“Lúc đầu chúng tôi định vận động bà con Tây Bắc khoảng 6.000 tấn thôi, vì đồng bào Tây Bắc mới giải phóng, nghèo lắm. Khi đánh Điện Biên, ở trên có chủ trương đi vận động chứ không ép buộc bà con vì dân Tây Bắc nghèo lắm. Cuối cùng, hóa ra bà con các dân tộc ủng hộ đến 10.000 tấn lúa”.
Theo ông, đồng bào Tây Bắc chỉ có lúa, không có gạo vì ở đó họ dùng cối xay nước giã suốt ngày, ăn ngày nào chỉ giã ngày đó, sàng sảy ra rồi ăn cho hôm sau. Lúc tụi tôi đi vận động, bà con nói: “Bộ đội xin gạo thì không có, nhưng lúa thì sẵn lắm”. Vậy thì mình đành lấy lúa, 10.000 tấn lúa rải rác ở các kho trong rừng”.
Các đội thanh niên xung phong và dân công hàng chục ngàn người đã gọi nhau, thu gom những người có nghề, biết đóng cối xay gạo lại. Giữa rừng, hàng trăm điểm xay xát, giã gạo lần lượt mọc lên. Mặc dù cách Điện Biên Phủ chỉ 5 - 6 km đường chim bay nhưng những công trường này là bí mật khổng lồ của chiến dịch.
Ông Tần nhớ lại: “Chiều đến cứ ra mặt đường tôi thấy đông như hội, dân công, bộ đội xay xát, hát hò như một công trường khổng lồ. Pháp đi trên không quan sát, tiếp tế bằng máy bay, còn ta ở dưới này cứ xay gạo. Đi chiến dịch mà như đi trẩy hội. Xay xát cả ngày đêm tại mặt trận như thế mới hết được 10.000 tấn lúa chứ”.
10.000 tấn lúa đã trở thành 7.000 tấn gạo cung cấp cho chiến dịch. Tình thương của người dân tộc Tây Bắc đã khiến thương vong và hiểm nguy giảm đi gấp ngàn lần.
Cứ mỗi chuyến xe 1 tấn từ Việt Bắc, Thanh Hóa đi lên, qua 600-800 km là bao nhiêu công sức, xương máu, giờ đã có hẳn những cót gạo khổng lồ nằm giữa núi, trong hẻm núi, trong rừng... của người dân tộc cho, chỉ cần tập kết lại các kho và đợi bộ đội đến giờ tới lấy.
Nỗ lực của những người ở trung tuyến, hậu tuyến, không giáp mặt đánh nhau, nhưng phải mưu mẹo, tháo vát, nghĩ ra rất nhiều thứ giúp sức cho bộ đội.
Gạo người Tây Bắc cho là gạo nếp, nấu cơm nếp ăn mãi bị nóng cổ, gạo tẻ trở thành quý hiếm, chỉ dành cho người bệnh. Lúc ấy, nhà bếp lại nghĩ ra dùng lá chuối quây nồi cơm lại thành cái chõ đồ xôi giống nhà đồng bào, nếp nấu ra ăn ngon hơn hẳn và không bị nóng rát cổ nữa.
Khoai sắn có trong kho, người của Tổng cục Cung cấp phải nghĩ ra máy sấy khoai mì cho khô để cho bộ đội có lương khô ăn dần trên đường đi. Xong máy sấy, người của ông Tần lại phải nghĩ ra máy ép sợi, biến khoai mì thành sợi như mì gói bây giờ, xong sấy khô qua lò, khi ăn chỉ cần chan nước vào là ăn được.
Cái đói khổ, nghèo nàn vây lấy chiến dịch, nhưng những con người quen chịu khổ, quen suy nghĩ lại tìm được cách để tồn tại trong sự khắc nghiệt lớn nhất.
Ở Tây Bắc hồi ấy, có nhiều chỗ là “quán tự giác”, bà con dân tộc để chuối, xôi, đồ ăn ra ngoài rìa đường, ai đi ngang qua ăn thoải mái, ăn xong thì cứ trả tiền theo ý mình thích, chẳng ai lấy cắp của nhau.
Ông Tần kể: “Bộ đội chúng tôi đến ngủ nhờ lúc nào bà con cũng có chỗ, trên vách lúc nào cũng có sẵn 3 cái “típ” (giỏ) xôi, có nắp đậy, tụi tôi đến là được có ăn. Bộ đội với bà con thân thuộc như người nhà vậy. Mỗi khi tụi tôi bị sốt rét, lại xin vào nhà bà con dân tộc ngủ. Bà con chăm sóc chu đáo, dùng lá thuốc cứu chữa bệnh sốt rét, chứ họ đâu có thuốc tây gì đâu, có gì ngon cũng moi ra cho người ốm ăn. Họ không giàu có gì nhưng hết lòng giúp đỡ”.
Những chuyện “bếp núc” hết chiến dịch thì cũng xong. Hàng chục ngàn dân công và thanh niên xung phong khi ấy đã là “cái giá đỡ” sức bền cho bộ đội trong chiến dịch.
(còn tiếp)
Khải Đơn
Theo thanh nien.com.vn
Minh Thu (st)