Làng Sen một ngày giữa tháng Năm lịch sử, trong dòng người hành hương về quê Bác, đi giữa hương sen bát ngát, hàng cau xanh mướt, vào ngôi nhà mái lá đơn sơ, chúng tôi được gặp những thuyết minh viên - những người đang hàng ngày đón các đoàn khách về tham quan quê Bác.
Trọn đời bên Bác
Đón chúng tôi, trong cái bắt tay nồng ấm, thân thiện, chị Trần Thị Thao - nữ thuyết minh có thâm niên 20 năm tuổi nghề - kể: Chị may mắn được sinh ra tại mảnh đất làng Sen, nhà chị cách nhà Bác vài chục mét. Năm 1990, khi mới 17 tuổi, chị cùng với 8 thí sinh khác vượt qua 120 thí sinh để được trúng tuyển vào “tiếp khách thay gia đình Bác”. Thấm thoát đã hơn 20 năm, chị Thao giờ đây đã là một thuyết minh viên kỳ cựu, có kiến thức sâu rộng về những điều liên quan tới cuộc đời của Bác, có rất nhiều kỷ niệm về các lần tiếp khách tại nhà Bác, đó là tài sản vô giá mà chị rất đỗi tự hào. Chị nói: “Còn gì hơn khi một đời luôn được đứng bên Người”.
Ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, kể cả những ngày lễ, Tết, những thuyết minh viên tại Khu Di tích Kim Liên vẫn tận tâm phục vụ cho đến khi những người khách cuối cùng ra về. Tình cảm thiêng liêng của đồng bào, đồng chí từ khắp mọi miền đất nước đến với Bác Hồ là sự động viên to lớn để cho họ vượt qua những khó khăn, không ngừng vươn lên học hỏi, bổ sung, hoàn thiện những kiến thức về thân thế, sự nghiệp của Người, kỹ năng truyền cảm cho khách...
Trước thực tế du khách có nhiều đối tượng khác nhau, nhiều quan điểm chính trị khác nhau, nên ngoài tri thức văn hóa- xã hội, người thuyết minh phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng ứng xử nhanh. Chị Thanh Huyền cho biết: Chính nhờ “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” nên suốt thời gian 14 năm làm nhiệm vụ thuyết minh, không ít khách tham quan đặt câu hỏi không mấy “thuận tai” nhưng chị vẫn bình tĩnh cung cấp những thông tin, tư liệu để cho họ hiểu đúng về Bác Hồ.
Về những kỷ niệm với khách tham quan, chị Thao nhớ lần đón tiếp đoàn khách của các sư thầy ở Vũng Tàu ra viếng Bác. Sư phụ Thích Chân Quang đã nói với chị rằng chị làm nghề này có một cái duyên, làm cho người đời rơi nước mắt, phần nào biết thêm về lịch sử đất nước mình. Một lần khác, chị tiếp đoàn của ông Vũ Ba- nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 7- ra viếng Bác. Sau khi nghe chị nói xong, ông Vũ Ba đã xin được ôm cánh võng trong nhà Bác và người con của miền Nam ấy đã ôm mặt nức nở khóc làm cả đoàn không cầm nổi nước mắt. 12 năm sau, chị lại tiếp đón đoàn của ông Vũ Ba. Sau khi ra về, ông Vũ Ba gửi cho chị một lá thư, trong đó có đoạn: “Cháu sinh ra là để làm việc này, làm một đời, làm mãi mãi để truyền được sức mạnh của Hồ Chủ tịch cho những ai đã đến mảnh đất thiêng này”.
Còn nhiều cái tên khác như: Đảm, Vinh, Giang, Quý, Lê Hà, Thu, Huyền, Chi, Huệ, Lộc... - những người thuyết minh trên quê Bác cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất thiêng liêng với nhiệm vụ đặc biệt mà đầy tự tự hào.
Bộ Trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
ghi cảm tưởng tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ (ngày 20/4/2012)
Khu Di tích đã là điểm hội tụ tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Con số hàng triệu lượt khách tham quan hàng năm cho thấy sự ngưỡng mộ lãnh tụ Hồ Chí Minh. Là người con xứ Nghệ, những thuyết minh viên tự hào được thay mặt người thân trong gia đình Bác để tiếp đón du khách về với quê hương của Người.
Những câu chuyện xúc động
Ai về Hoàng Trù, cũng như Làng Sen Kim Liên cũng mong muốn ở lại thật lâu, được sống lại với những ký ức thời thơ ấu của Bác Hồ qua giọng kể ấm áp, truyền cảm đầy chất Nghệ của các thuyết minh nơi đây.
Cụ ông Nguyễn Quang Vinh - một lão thành cách mạng ở Xứ Thanh - xúc động: "Về thăm quê Bác, được nghe thuyết minh kể chuyện để hiểu thêm về quê hương, gia đình của Bác, càng nhớ Bác khôn nguôi”.
Em Trần Hà Nam - đến từ Huế - tâm sự: “Lần đầu tiên em mới được về thăm quê Bác, được chứng kiến nơi lưu giữ những hiện vật tài liệu, không gian văn hóa- lịch sử thời niên thiếu của Bác và những người thân trong gia đình Bác. Đặc biệt, được nghe các thuyết minh kể, em thấy mình càng phải nỗ lực học tập, noi theo tấm gương đạo đức của Người”.
Khu vườn làng Sen, mái nhà tranh đơn sơ, kỷ niệm thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh..., tất cả hiện về rất sinh động trong giọng kể trầm lắng tha thiết của các thuyết minh viên đã khiến cho bao du khách về rồi vẫn còn lưu nhớ mãi.
“Từ chuyện thật qua những lời rất thật
Em đưa anh vào thế giới của thiêng liêng
Ôi kì diệu tuyệt vời thay giọng nói
Quê hương mình hay mẹ đã cho em
Dư âm ấy phải làn hơi xứ Nghệ
Hay điệu dân ca kết tụ của trăm miền...”
Đó là một trong những câu thơ từ nhiều cánh thư của các du khách từ mọi miền Tổ quốc gửi về. Đó cũng chính là món quà tinh thần động viên, khích lệ đối với những thuyết minh viên nơi đây.
Nhiều du khách nước ngoài đã hết sức xúc động khi về đây, được nghe, được hiểu về thời thơ ấu của Bác Hồ. Ông Đuông Chăn trong đoàn khách Lào đã bật khóc khi nghe thuyết minh viên kể về cuộc đời của Bác. Ông nói bằng tiếng Việt: “Bác Hồ luôn gần gũi trong lòng nhân dân các bộ tộc Lào”. Ông Kent- cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam - về thăm Kim Liên, khi được nghe những câu chuyện từ thuyết minh viên, đã cảm nhận rõ hơn sự phi lý của chiến tranh. Theo ông, chính nghĩa thuộc về nhân dân Việt Nam. Đất nước này thống nhất là đương nhiên, bởi vì Việt Nam có một vị lãnh tụ thiên tài, xuất thân từ một gia đình như thế, có lối sống giản dị, gần dân như thế. Và ông hiểu vì sao trong những ngày ở Việt Nam, đến đâu ông cũng được đối xử tốt, dù mọi người biết ông là cựu chiến binh Mỹ. Một vị khách người Pháp bày tỏ rằng, đến thăm quê Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp xúc với con người, cảnh vật ở đây, ông vô cùng cảm phục, quý trọng Người và vì thế càng quý trọng nhân dân Việt Nam...
Hoàng Trinh
Báo Công Thương
Kim Yến (st)