Tôi không nhớ mình đã bao lần vào Lăng viếng Bác và tham quan Khu Di tích lịch sử Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Tôi quê ở miền Nam, ra Hà Nội công tác, rồi nghỉ hưu, sống cùng gia đình tại đây đã hơn 30 năm. Mỗi khi có bà con thân thuộc ở trong Nam ra thăm và nhờ tôi dẫn đi tham quan Thủ đô, có một “địa chỉ đỏ” mà hầu như lần nào tôi cùng người thân đều đến thăm viếng, đó là Lăng Bác và nơi ở, làm việc của Người trong Phủ Chủ tịch. Mỗi lần đến đây, trong tôi lại trỗi dậy, lớn lên những suy nghĩ, tình cảm mới mẻ, đẹp đẽ, sâu lắng hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến.
Khu vườn xanh yên tĩnh, rợp bóng mát và ngôi nhà sàn bằng gỗ đơn sơ; tư trang, đồ dùng sinh hoạt của Người không có gì sang trọng, ngược lại thật giản dị lạ thường. Ao cá nước trong xanh với những cây si già ven bờ; hàng râm bụt in bóng; giàn cây leo cùng nhiều loại cây ăn trái trĩu quả; chú chim công xòe đuôi múa... Tất cả đều mang lại một cảm giác bình yên, thanh thản hòa quyện con người với thiên nhiên trong lành, toát lên một lối sống thanh bạch, giản dị, văn minh, đậm đà hồn dân tộc giữa thời hiện đại. Nơi đây, Lãnh tụ Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch nước của chúng ta đã sống và làm việc suốt 15 năm, từ cuối năm 1954 cho đến khi Người qua đời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, năm 1954.
Ảnh tư liệu
Lịch sử cho ta thấy, các bậc thánh hiền, trượng phu, quân tử…không bao giờ màng đến vinh hoa, phú quý, danh lợi, không bận tâm toan tính đời sống vật chất cao sang cho cá nhân, mà luôn yêu chuộng lối sống thanh cao, giản dị, xem giá trị đích thực của con người là dốc lòng vì sự nghiệp chân chính, hướng tất cả tâm đức, tài, trí cho hạnh phúc con người và tiến bộ xã hội. Bác Hồ của chúng ta là một người như thế, đã sống và làm việc, cống hiến như thế.
Người quân tử nói ít làm nhiều, “nói” bằng việc làm, coi trọng việc làm hơn lời nói.
Thăm khu vườn, ngôi nhà sàn Bác ở và làm việc trong Phủ Chủ tịch, ta cảm nhận sâu sắc: Bác không chỉ vĩ đại trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng, chính trị, mà rất vĩ đại cả trong phong cách sống rất bình dân, giản dị hằng ngày.
Tôi bồi hồi nhớ lại những chuyện xa xưa:
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Bác về ở và làm việc trong Phủ Toàn quyền của Pháp (nay là Phủ Chủ tịch). Văn phòng chọn cho Bác một chỗ ở, làm việc khá to đẹp, nhưng Bác từ chối. Bác bảo: "Chú Tô, chú Văn... (tức đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Võ Nguyên Giáp) có gia đình và sẽ tiếp khách nhiều, cần bố trí chỗ ăn ở, làm việc tốt cho các chú ấy, còn Bác chỉ vừa vừa thôi". Bác đã chọn căn phòng ở của một người thợ điện để ở và làm việc.
Sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, Bác có chuyến đi thăm, cảm ơn một số nước xã hội chủ nghĩa anh em. Khi biết các đồng chí ở nhà đang chuẩn bị kế hoạch xây nhà cho Bác, Bác vội điện về ngăn việc xây nhà, chờ Bác về sẽ quyết định.
Và Bác đã từ chối xây biệt thự, chỉ đề nghị dựng cho Bác căn nhà gỗ vừa phải, có hai phòng nhỏ để ngủ và tiếp khách, có diện tích hợp lý để họp Bộ Chính trị, khi cần thiết...
Ngôi nhà sàn, vườn cây, ao cá Bác Hồ đã ra đời trong Phủ Chủ tịch như thế. Và đó mãi mãi là biểu tượng về nhân cách sống cao đẹp, giản dị đến lạ thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Riêng tôi, dù đã bao lần đến thăm Khu Di tích lịch sử Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nhưng lần nào đi trên lối sỏi nhỏ trong khu vườn nhà Bác, tôi vẫn nghe tâm hồn vang vọng những vần thơ của Tố Hữu:
“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.
Suốt cuộc đời quân ngũ và cả khi đã nghỉ hưu, về với đời thường, tôi luôn cố gắng học tập, làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất, để xứng đáng với tên gọi Bộ đội Cụ Hồ./.
HỒ NGỌC SƠN
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)