Trước mặt tôi hôm nay đâu còn hình ảnh hai cháu bé bụ bẫm, ngây thơ chụp ảnh chung với Bác Hồ hồi nào. Châu và Giang đã là hai phụ nữ lên chức bà và đã ngoài 70 tuổi, lứa tuổi mà nhà thơ Đỗ Phủ coi là cổ lai hy.
Ngay từ đầu Cách mạng Tháng Tám, tôi và rất nhiều nhi đồng thuở ấy đã thuộc lòng lời ca: "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng/ Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam...".
Và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi rất ấn tượng đối với những bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định về Bác Hồ với thiếu nhi, nhất là bức ảnh Bác chụp chung với hai cháu gái trông thật đáng yêu. Về sau tôi nhắc lại cảm tưởng này với vợ tôi và không ngờ đó là hai bạn gái thuở thiếu thời của vợ tôi hồi học tiểu học ở Lư Sơn - Quế Lâm (Trung Quốc).
Gần đây, tôi có dịp mời hai bạn này đến ăn cơm với vợ chồng tôi và thật vui khi được nghe chính các bạn ấy kể lại về những kỷ niệm rất đáng quý thời ấy.
Đó là vào ngày 3/3/1953. Đặng Minh Châu (trong ảnh là cô bé cao hơn và đứng bên tay trái của Bác Hồ) kể lại: "Đó là lễ kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, cũng là Ngày thống nhất Việt Minh - Liên Việt và Ngày thành lập khối liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào.
Hồi ấy cơ quan của cha em (Thứ trưởng Bộ Kinh tế Đặng Việt Châu) đóng ở Tân Trào nên em khá thuộc đường sang khu hội trường. Em được cho phép đến hội trường.
Thấy có mấy cô ở xa mới đến em nhận lời đưa các cô cùng đi. Bạn bạn Vũ Thu Giang (con bà Phan Thị An, Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cũng được các chú các bác đưa đến hội trường.
Hội trường lớn chỉ làm bằng tre nứa, vách là những tấm phên đan bằng những lóng tre nứa úp ngược với nhau với màu lục xen với màu trắng trông rất đẹp mắt. Em nhìn thấy cha em đứng bên ngoài hội trường với rất đông các chú, các cô, các bác. Em nhận ra bác Xuân Thủy, bác Hoàng Quốc Việt; hai bác có râu dài là bác Sơn, bác Tuân.
Bỗng dưng có ai đó thốt lên: Bác đến! Bác đến! Bác Hồ đến thật rồi. Bác giơ tay tươi cười chào mọi người. Cả đám đông nhanh chóng vây quanh Bác. Có chú nói to: Xin Bác cho chụp ảnh ạ! Cùng ngay lúc đó có vài chú chạy đi lấy hai bó hoa rừng có cài sẵn nơ lụa và nhanh chóng giao cho hai cháu bé là em và Thu Giang.
Vũ Thu Giang và Đặng Minh Châu (đứng phía tay trái Bác Hồ)
Chú Đinh Đăng Định dắt em đến gần Bác. Bác tươi cười kéo chúng em đứng sát vào Bác. Có chú nào nhắc: Nhìn vào ống kính và cười lên đi. Em cười rộng miệng đến mang tai nhưng Thu Giang vẫn mím chặt môi. Thì ra, bạn ấy sợ lộ hai cái răng cửa bị khuyết do đang thay răng.
Chú Định bấm máy lách tách nhưng sau đó lại chạy nhanh ra phía sau lưng Bác Hồ để giật cây nứa chắn nghiêng, mấy chú khác cùng chạy đến giúp sức. Sau đó chú Định quay lại phía trước và bấm máy. Đó là thời điểm ra đời bức ảnh Bác Hồ với hai bé gái, một bức ảnh về sau đã được phóng to làm tranh cổ động và in thành tem.
Thật ra sau này em mới biết là có hai bức ảnh. Bức thứ nhất Bác Hồ mỉm cười rất tươi nhưng phía sau lại có cây nứa phát chéo góc. Bức thứ hai không còn cây nứa nhưng Bác lại không còn cười nữa nhưng đôi mắt vẫn thật âu yếm. Sau đó, Bác bảo chúng em đến chào Bác Tôn Đức Thắng và hai bác râu dài (bác Sơn và bác Tuân) cùng với một bác gái (sau này em mới biết là mẹ của liệt sĩ Bùi Thị Cúc).
Em vẫn giữ được đến hôm nay cả hai tấm ảnh do chú Định cho mỗi đứa chúng em. Em lớn hơn Giang 1 tuổi nên đã biết nhanh nhẹn ghi sau tấm ảnh bằng mực tím dòng số 3-3-53. Dòng chữ này giúp cho về sau đính chính lại vài thông tin sai về ngày có những bức ảnh ấy.
Sau đó Bác Hồ nhắc hai đứa chúng em đến chào và chụp ảnh chung với các anh hùng, chiến sĩ thi đua, trong đó có bác Trần Đại Nghĩa, chú La Văn Cầu, cô Nguyễn Thị Chiên và nhiều chú bác khác. Sau đó Bác cùng mọi người vào hội trường. Một chú đến dặn chúng em: Khi nào chú bảo thì các cháu lên dâng hoa tặng Bác Hồ nhé!
Châu, Giang được chụp ảnh chung với Bác Hồ cùng nhiều chú, bác khác
Tới 50 năm sau, khi chú Đinh Đăng Định đang chuẩn bị in cuốn sách 100 bức ảnh về Bác Hồ, em mới được chú cho thêm bức ảnh dâng hoa khi Bác Hồ chuẩn bị khai mạc hội nghị.
Thật đáng tiếc là về sau trong một lần đi nước ngoài em đã tặng bức ảnh này cho một người khách rất hâm mộ Bác Hồ. Khi em đến nhờ chú Định tìm lại cho bức ảnh ấy thì chú không còn tìm được nên đã cho em một cái ảnh khác chụp với Bác Hồ. Trong ảnh này hình của em lấp gần hết hình Thu Giang".
Còn Vũ Thu Giang kể lại: Khi đó bạn Minh Châu 10 tuổi, lớn hơn em 1 tuổi nên bạn ấy nhớ nhiều hơn em. Đúng như bạn ấy kể với anh đấy. Em còn nhớ là trong giờ nghỉ của Hội nghị, em và bạn Châu còn được Bác gọi vào ăn cơm cùng với Bác. Tối hôm ấy chúng em còn được tham gia biểu diễn văn nghệ chào mừng hội nghị.
Em nhớ là được đóng vai một cháu gái trong vở kịch "Nông dân vùng lên". Trong lúc diễn có cảnh giằng co bao ruột tượng khiến cho một ít gạo rơi ra sân khấu. Thật bất ngờ sau vở kịch, Bác Hồ đã bước lên sân khấu và cúi nhặt từng hạt gạo bỏ vào một tờ giấy báo. Hình ảnh ấy in sâu mãi vào trí óc trẻ thơ của em.
Trước mặt tôi hôm nay đâu còn hình ảnh hai cháu bé bụ bẫm và ngây thơ hồi nào. Châu và Giang đã là hai phụ nữ lên chức bà và đã ngoài 70 tuổi, lứa tuổi mà nhà thơ Đỗ Phủ coi là cổ lai hy.
Nhắc lại kỷ niệm về người cha, Châu nhớ lại: Bố em tên thật là Đặng Hữu Rạng, sinh năm 1914, vào Đảng từ năm 1931, về sau đã kinh qua các chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng. Bố em mất năm 1987. Mẹ em mất khi em còn nhỏ.
Sau thời gian học ở Lư Sơn - Quế Lâm em được sang Liên Xô khi còn rất bé để học tiếng Nga. Bà giáo dạy từng chữ qua hình vẽ và qua động tác. Sau này mới có dịp trở lại Liên Xô để học về Toán. Sau khi tốt nghiệp Đại học em nhập ngũ làm việc ở Cục 2 của Bộ Tổng Tham mưu.
Năm 1970, em xuất ngũ với quân hàm Chuẩn úy và về công tác tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Năm 1989 về công tác tại Bộ Ngoại giao và làm Bí thư tại Đại sứ quán ta tại Liên Xô. Năm 1992, quay trở lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới lúc về hưu (năm 1998).
Chồng em trước học ở Liên Xô rồi làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan, cũng được đi thực tập tại Mỹ 1 năm. Chúng em hiện có 1 cháu trai, 2 cháu gái, 2 cháu nội và 1 cháu ngoại.
Bà Đặng Minh Châu và bà Vũ Thu Giang bây giờ
Thu Giang thì kể: Mẹ em từng là Đại biểu Quốc hội Khóa II và Khóa III, công tác lâu năm tại Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Bố em là Vũ Đình Khoa, trước đây là Giám đốc Công an Liên Khu X và về sau giảng dạy tại trường Đại học Kinh tế quốc dân. Sau thời gian học với bạn Minh Châu ở Lư Sơn - Quế Lâm em về học tiếp bậc phổ thông tại Hà Nội. Năm 1963, sang Liên Xô học Kinh tế xây dựng rồi về làm cán bộ giảng dạy tại Đại học Xây dựng.
Sau 2 năm khi chồng nhập ngũ em phải xin chuyển về Hà Nội để dạy tại trường Đại học Kinh tế quốc dân cho gần nhà. Năm 1983, em được đi thực tập tại Nhật Bản và đó là thời gian em hiểu hơn về nền kinh tế của các nước phát triển.
Sau khi về nước được sự động viên của GS. Vũ Đình Bách em đã rất cố gắng cùng đồng nghiệp xây dựng môn Kinh tế học, phù hợp với quá trình đổi mới kinh tế nước nhà, điều chỉnh chương trình giảng dạy vốn quá nặng về Kinh tế chính trị học.
Em bảo vệ Tiến sĩ trong nước năm 1989 và mấy năm sau được phong học hàm Phó Giáo sư. Em về hưu năm 2000, trước đó đã vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Chúng em có 1 cháu trai, 1 cháu gái và 2 cháu ngoại. Chồng em trước khi về hưu công tác tại Tổng cục II của Bộ Quốc phòng.
Hai cô bé năm nào không thể quên những kỷ niệm đẹp đẽ năm xưa với Bác Hồ và luôn lấy đó làm nguồn động viên mình trong học tập, công tác và giáo dục con cái./.
Nguyễn Lân Dũng
Theo Báo Nông nghiệp
Minh Thu (st)