Nằm cách trung tâm Thủ đô chừng hơn 60km, Khu Di tích K9 - Đá Chông trải dài rộng trên địa bàn các xã Thuần Mỹ, Ba Trại, Minh Quang của huyện Ba Vì (Hà Nội) và xã Đồng Luận của huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Gọi là Đá Chông vì nơi đây có những hòn đá sắc nhọn như những mũi chông đâm thẳng lên trời. Khu K9 - Đá Chông nằm bên bờ hữu ngạn sông Đà, dòng sông thơ mộng nhưng cũng đầy hung dữ. Xưa kia khi chưa có thủy điện Hòa Bình, về mùa mưa lũ, dòng sông cuồn cuộn chảy, nước réo ầm ầm, tràn lên như muốn nuốt gọn những quả đồi ven bờ. Chính tại nơi sơn thủy hữu tình này đã ra đời truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, một câu chuyện mang đầy huyền thoại về sức mạnh chinh phục thiên nhiên của cha ông ta xưa kia. Năm 1956, trong một lần tham quan cuộc diễn tập của Sư đoàn 316 bên sông Đà, Bác Hồ đã dừng chân ngồi nghỉ ăn cơm trưa trên đỉnh đồi thông nơi đây. Thấy khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp, non nước hữu tình, địa thế lại hiểm trở, có thể sang Phú Thọ, ngược lên Việt Bắc, có thể xuôi theo dòng sông Đà xuống Đồng bằng Bắc Bộ… Người đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương phòng khi chiến tranh ác liệt có thể mở rộng ra miền Bắc.
NhâNhân viên Đoàn 285 giới thiệu về Khu Di tích với khách tham quan
Sau chuyến đi ấy của Bác, Tổng cục Hậu cần đã cho xây một số ngôi nhà cấp 4 và năm 1960, tiếp tục dựng một ngôi nhà sàn làm nơi hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Bộ Chính trị khi cần thiết. Điều đáng nói là việc xây ngôi nhà và đào hầm phòng tránh máy bay, đều được Người cắm cọc, chọn hướng. Bác còn yêu cầu khi làm ngưỡng cửa nhà sàn, phải bảo đảm khi đông người có thể trở thành ghế ngồi. Tại khu nhà này, Bác đã từng tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu, Phó Chủ tịch nước CHND Trung Hoa và Anh hùng vũ trụ Liên Xô Ghéc-man Ti-tốp. Cùng với dựng ngôi nhà sàn, bộ đội công binh còn xây dựng một số công sự kiên cố đặt mật danh là K9. Từ đó, nhắc tới Đá Chông là người ta nghĩ tới K9 và K9 - Đá Chông đã trở thành mảnh đất thiêng liêng gắn liền với cuộc đời của Bác.
Sau ngày Bác mất, đề phòng chiến tranh có thể xảy ra ác liệt trên phạm vi cả nước, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định đưa thi hài Bác về Khu K9 để gìn giữ. Nơi đây vừa yên tĩnh lại bí mật và xa Hà Nội. Việc xây dựng công trình để lưu giữ thi hài Bác yên nghỉ cũng là một câu chuyện huyền thoại. Với điều kiện thiếu thốn và trang bị thô sơ lúc đó, bộ đội ta, nhất là lực lượng công binh đã đổ bao mồ hôi, sức lực, trí tuệ để công trình vừa bảo đảm bí mật, an toàn vừa đáp ứng thời gian để đón Bác về yên nghỉ. Đó là, để lắp đặt một cánh cửa sắt nặng 3 tấn dưới độ sâu 6m, không có cần cẩu, bộ đội công binh đã nghĩ ra cách làm tời quay tay để đưa cánh cửa đó xuống đúng vị trí; hoặc như việc làm sao có thể đưa thi hài Bác lên, xuống hầm ngầm bảo đảm không nghiêng và không rung xóc? Bộ đội ta đã thiết kế đường ray thay cho việc khiêng linh cữu lên, xuống hầm. Theo đó, linh cữu được đặt trên một giá đỡ, có bánh xe lăn trên hai đường ray uốn cong nên ở độ dốc 60 độ, linh cữu vẫn được giữ cân bằng, bảo đảm an toàn tuyệt đối thi hài Bác. Hay như di chuyển thi hài Bác từ Công trình 75A về K9, để bảo đảm yêu cầu tuyệt đối an toàn, bộ đội công binh đã cải tiến xe đặc chủng để xe có độ êm và ổn định, khi đặt một cốc nước lên nhưng xe chạy nước trong cốc chỉ sóng sánh chứ không đổ ra ngoài và còn bao chuyện khác nữa... Từ đó K9 trở nên thiêng liêng hơn không chỉ với những người lúc đó được phép biết việc giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác đặt ở nơi đây mà dường như còn thiêng liêng hơn với Đảng bộ và bà con các dân tộc khu Đá Chông, Ba Vì. Họ đã vinh dự được thay mặt đồng bào và chiến sĩ cả nước trông nom, gìn giữ và bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Bác từ cuối năm 1969 cho tới ngày đất nước hòa bình, thống nhất, sau đó đưa Bác trở về Thủ đô, khi công trình Lăng của Người được xây dựng xong.
Đoàn Phụ nữ tỉnh Phú Thọ chuẩn bị lễ dâng hương viếng Bác. Ảnh: Thanh Hà
Chúng tôi đi từ cổng vào khu để thi hài Bác năm xưa và khu nhà sàn Bác đã từng nằm nghỉ, con đường như dải lụa xanh mềm mại vắt ngang qua hồ nước lớn sôi đầy tăm cá. Ven hồ, những rặng cây khoác lên mình tấm áo xanh mướt bốn mùa tĩnh lặng, ríu rít tiếng chim. Những người lính cận vệ của Bác đã luôn bảo vệ và chăm sóc rừng nơi đây vẫn như những ngày Người về đây nghỉ và làm việc. Năm nào cũng vậy, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 285 đều chủ động ươm, trồng nên số cây trồng mới không ngừng được tăng lên. Chỉ riêng năm 2013, đơn vị đã trồng mới thêm 4ha rừng với hơn 450 cây các loại; chăm sóc và tu bổ hơn 53ha rừng. Những người lính Đoàn 285 còn phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Ba Vì phát thực bì, giảm vật liệu cháy rừng cho hơn 40ha, góp phần làm cho cảnh quan khu vực ngày càng xanh đẹp hơn. Đi quanh doanh trại của đoàn, xanh mượt một màu cây rừng hòa lẫn với những vườn rau quanh nhà, quanh bếp. Theo Đại tá Nguyễn Thanh Huống, Chính ủy Đoàn 285, mỗi năm đơn vị thu hoạch hơn 25 tấn rau, củ quả các loại, hàng tấn trái cây như bưởi, cam, xoài cũng như hàng tấn thịt, cá. Lúc sinh thời, Bác vẫn thích tăng gia sau mỗi ngày làm việc. Người thích trồng cây và kêu gọi toàn dân ta trồng và bảo vệ rừng nên cán bộ, chiến sĩ Đoàn 285 càng phải tích cực tăng gia sản xuất, trồng và bảo vệ rừng theo lời dạy của Bác. Cảnh quan, môi trường sinh thái thật trong lành. Đêm nằm giấc ngủ êm và sâu, sáng dậy thấy khoan khoái dễ chịu. Rừng nơi đây như chiếc máy điều hòa khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Hiểu ý nghĩa ấy nên mỗi nhành cây, ngọn cỏ nơi đây, đều được các cán bộ, chiến sĩ nâng niu, chăm sóc.
Là vùng đất thiêng liêng - nơi đã từng gìn giữ thi hài Bác trong những năm chiến tranh khốc liệt, nên nơi đây đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước tới thăm viếng. Ai cũng có cảm nghĩ dường như Bác vẫn đâu đây, Người vẫn ung dung tự tại cùng cỏ cây sông núi sau mỗi lần việc công bận rộn. Ý thức được việc gìn giữ và quản lý tốt các hiện vật, kiến trúc công trình gắn với Bác, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 285 được vinh dự thay mặt toàn quân nói chung và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, đêm ngày ân cần, chu đáo đón tiếp nhân dân; hướng dẫn mọi người đến tham quan, tưởng niệm Bác và sinh hoạt chính trị tại Khu Di tích. Năm vừa qua, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 285 đã đón tiếp, phục vụ chu đáo 5.997 đoàn với gần 160.000 lượt người đến tưởng niệm Bác; hơn 100 đoàn đến sinh hoạt chính trị, báo công với Người. Chúng tôi bắt gặp đoàn bà con các dân tộc tỉnh Sơn La, đoàn phụ nữ tỉnh Phú Thọ, đoàn cán bộ tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Hà Tĩnh… về viếng Bác. Vào những ngày đầu năm mới hoặc dịp sinh nhật Bác (19-5) hay Quốc khánh 2-9 và nhất là vào Ngày giỗ Bác (24-7 âm lịch) hằng năm, đồng bào, chiến sĩ cả nước về đây viếng thăm Bác nhiều hơn. Tôi gặp anh Nguyễn Quang Minh đến từ đất vải Thanh Hà nổi tiếng của Xứ Đông, anh Minh tâm sự: Vào dịp 19-5 hằng năm, anh thường về Thủ đô viếng Bác, ngắm nhìn Người đang yên nghỉ trong Lăng nhưng vẫn muốn lên K9 - Đá Chông để thả hồn vào nơi thiên nhiên thoáng đãng, thanh tịnh - nơi Bác đã từng sống và làm việc. Vẫn biết nhiều cán bộ, nhân viên của Đoàn 285 không phải là hướng dẫn viên “chuyên”, nhưng được nghe các anh, chị kể chuyện về Bác ở đây năm xưa, những tưởng đâu đây từ tảng đá, hòn non bộ đến những khu rừng đều in đậm dấu chân Người. Thật cảm động khi biết rằng, trong những năm chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, Người đã lên đây, đi bộ trên con đường rải đầy sỏi để rèn luyện sức khỏe, mong sớm vào miền Nam ruột thịt với đồng bào, chiến sĩ.
Chúng tôi được biết, tuy cách Hà Nội không xa nhưng nhiều cán bộ chiến sĩ hàng mấy tháng trời mới được tranh thủ về nhà. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã không ngừng học tập, phấn đấu như Thiếu úy QNCN Đặng Đình Hiếu, 4 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cơ sở; Binh nhất Lê Đình Tuy, chiến sĩ Đội Bảo vệ trong lúc cùng đồng đội làm nhiệm vụ tuần tra ngoài doanh trại đã dũng cảm cứu được cháu bé bị rơi xuống giếng; Binh nhất Nguyễn Quang Minh, nhặt được của rơi giá trị gần chục triệu đồng cùng nhiều giấy tờ quan trọng khác, đã tìm người bị mất để trả lại. Đó cũng là những việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 285 học tập và noi theo tấm gương đạo đức của Người.
Đáp ứng nguyện vọng của đồng bào và chiến sĩ cả nước, vừa qua Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ chí Minh đã khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo; một số công trình phục vụ đồng bào, chiến sĩ lên thăm viếng Bác cũng được gấp rút hoàn thành. Trong một ngày không xa, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành. Khi ấy, Khu Di tích K9 - Đá Chông sẽ mở cửa đón đồng bào, chiến sĩ cả nước, bè bạn nước ngoài về thăm viếng Bác./.
Ghi chép của LÊ QUÝ HOÀNG
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)