Văn hóa và con người là sự quan tâm bậc nhất của Hồ Chí Minh. Đối với Người, văn hóa và con người là điều kiện đầu tiên để xã hội tồn tại và phát triển, là sức mạnh vô tận để hoàn thành mọi nhiệm vụ, khắc phục mọi khó khăn, đánh thắng mọi kẻ thù.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời vì nước vì dân. Ảnh tư liệu
Đó là nhận định của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu về tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa và con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời mình đã nhận thức sâu sắc về nhân tố con người và văn hóa trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước đầy khó khăn và thử thách của dân tộc. Xin Giáo sư phân tích tư tưởng của Hồ Chí Minh với nhân tố văn hóa và con người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và chấn hưng đất nước.
GS Vũ Khiêu: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất nhiều về vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội và luôn nhấn mạnh trí tuệ là nhân tố quan trọng nhất trong văn hóa. Đối với vai trò của văn hóa, Hồ Chí Minh không coi văn hóa chỉ là kiến trúc thượng tầng trên nền tảng kinh tế, chính trị như quan điểm trong một số giáo khoa. Người nói: Văn hóa nằm ngay trong kinh tế, chính trị, là nhân tố quyết định sự tồn tại của chính trị và kinh tế.
Ngày nay, văn hóa đang phát triển nhanh chóng với đỉnh cao là trí tuệ. Thách thức đang đặt ra trước mỗi dân tộc là có theo kịp được sự phát triển của trí tuệ ở thời đại này hay không. Tiến bộ hay lạc hậu, thành công hay thất bại, thậm chí tồn tại hay diệt vong của một dân tộc đều phụ thuộc vào trình độ trí tuệ của dân tộc ấy.
Để không ngừng phát triển về trí tuệ, Hồ Chủ tịch luôn luôn cổ vũ mạnh mẽ tinh thần học tập của cán bộ và nhân dân. Đặc biệt đối với thanh niên và học sinh, Người nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các cháu”.
Người nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Với tinh thần trên, năm 1945, ngay sau khi giành được chính quyền trên toàn quốc, Người đã trao cho Liên ngành Giáo dục đẩy mạnh việc học tập trên toàn dân để không ngừng nâng cao dân trí, làm thế nào để những người được nhà trường đào tạo ra không trở thành những người giáo điều, những con mọt sách, mà phải trở thành những người đầy sức sáng tạo trên cơ sở những thành tựu phong phú của trí tuệ con người.
Thưa Giáo sư, đề cao yếu tố văn hóa và con người như vậy nên Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời để dạy mình, dạy người?
GS Vũ Khiêu: Trong suốt cuộc đời chiến đấu và lãnh đạo nhân dân ta, Hồ Chí Minh đã bỏ nhiều công sức để xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Bằng chính bản thân mình, Người đã nêu một tấm gương sáng về mặt học tập và tu dưỡng. Người trở thành nhà văn hóa kiệt xuất và về con người - Người là Anh hùng Giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Hồ Chí Minh đã rèn luyện cho bản thân mình, đồng thời giáo dục cho toàn Đảng, toàn dân những phẩm chất tinh thần và văn hóa mà đất nước đang đòi hỏi.
Văn hóa và con người chỉ có thể tồn tại với điều kiện hai nhân tố ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, tác động và bổ sung cho nhau. Không thể có văn hóa ở ngoài con người cũng như không thể có sự tồn tại và phát triển của con người mà không dựa trên cơ sở của văn hóa.
Ngay từ năm 1927, nhằm phát huy sức mạnh của văn hóa và con người Việt Nam, Hồ Chí Minh đã dành chương đầu tiên của cuốn "Đường Kách mệnh" để nhấn mạnh gương mẫu về đạo đức ở cán bộ, đảng viên.
Cho đến ngày sắp qua đời, Người còn dặn lại: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Ngày nay, dưới ánh sáng và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, nhất là khi cơn bão táp về khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trên toàn thế giới, nước ta đã và đang chủ động hội nhập toàn cầu. Và lúc này, vị trí của văn hóa và con người đã được đặt ở một tầm quan trọng chưa từng có trong lịch sử.
Cách đây gần 70 năm, nhà thơ Liên Xô (cũ) Ô-xíp Man-đen-xtam với đôi mắt tinh đời đã nhận thấy Hồ Chí Minh là con người của nền văn hóa ngày mai. Giáo sư có thể phân tích nhận định này?
GS Vũ Khiêu: Có lẽ Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trước được những diễn biến phức tạp trên những chặng đường sắp tới của nhân loại, nhìn trước được những đòi hỏi của nền văn hóa sau này nên đã chuẩn bị cho mình những phẩm chất tinh thần mà cả hôm nay và ngày mai cần tới.
Văn hóa ngày mai là văn hóa của một xã hội thực sự bình đẳng, dân chủ và nhân đạo. Trong xã hội ngày mai, những giá trị văn hóa sẽ được nêu lên hàng đầu. Sự dư thừa trong đời sống vật chất chưa đủ để đem lại hạnh phúc cho con người.
Văn hóa ngày mai là văn hóa của những con người được phát triển về mọi mặt.
Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rõ những điều đó. Sống giữa những đô thị lớn nhất của thế giới như Paris, London, New York…, Hồ Chí Minh đã trực tiếp nhìn thấy mặt trái của cái gọi là xã hội văn minh kỹ thuật. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như đi vào xây dựng đất nước, Người đòi hỏi phải nhanh chóng nắm vững và vận dụng được những thành tựu cao nhất của khoa học kỹ thuật.
Điểm nổi bật trong nền văn hóa của ngày mai theo Hồ Chí Minh là tình thương giữa người và người.
Như vậy, Hồ Chí Minh ngay từ bước đầu hoạt động đã đặt toàn bộ trí tuệ và nhiệt tình vào cuộc chiến đấu cho những mục tiêu nói trên. Có lẽ vì thế mà ngay từ hồi trẻ, Hồ Chí Minh đã xuất hiện trước Mandelstam như một nhà văn hóa của ngày mai. Có lẽ Mandelstam đã thấy ở Người không chỉ những hiểu biết uyên thâm về kim, cổ, Đông, Tây, không chỉ là nghị lực kiên cường của một chiến sĩ đấu tranh cho tự do, mà còn thấy ở trong cái nhìn của Người tấm lòng bao la đối với cả nhân loại.
GS Vũ Khiêu. Ảnh: VGP/Phương Liên
Nhân trao đổi về vấn đề văn hóa, ở đây là cách ứng xử giữa các quốc gia, Giáo sư nghĩ gì về những hành vi trái pháp luật và đạo lý của Trung Quốc trong việc đặt giàn khoan trên thềm lục địa Việt Nam hôm nay?
GS Vũ Khiêu: Việc làm sai trái của Trung Quốc xuất phát từ tư tưởng bành trướng và dựa vào sức mạnh quân sự để làm càn và thực hiện dã tâm “cá lớn nuốt cá bé”. Việc làm đó đã gây nên những hậu quả hết sức to lớn. Trung Quốc đã phá hoại mối bang giao hữu hảo giữa hai nước Việt - Trung. Qua việc này, họ đã tự xóa bỏ những gì là vinh dự, là chính nghĩa, là đạo lý mà họ đã từng nêu cao.
Đứng trước việc này, toàn thể nhân dân ta đã vô cùng phẫn nộ, bộc lộ qua các cuộc biểu tình diễn ra trên mọi miền đất nước. Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã liên tục lên án và đòi hỏi Trung Quốc ngừng ngay việc họ đang làm để hai nước cùng nhau trao đổi ý kiến. Nhưng Trung Quốc vẫn ngoan cố không từ bỏ dã tâm.
Cùng với nhân dân Việt Nam, dư luận thế giới trước việc này ngày càng hiểu rõ Việt Nam hơn, dần dần đồng tình và tích cực ủng hộ chúng ta.
Tôi nghĩ rằng, việc làm sai trái này không phải là ý nghĩ của toàn thể nhân dân Trung Quốc mà Việt Nam vẫn coi như những người anh em thân thiết của mình.
Tôi cũng tin rằng, việc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên thềm lục địa Việt Nam cũng không thể do sự nhất trí hoàn toàn của giới lãnh đạo Trung Quốc bởi những người này sẽ sớm nhận ra việc đang làm với Việt Nam là phi đạo lý. Họ sẽ sớm nhận ra tinh thần hòa bình và hữu nghị của Việt Nam.
Việc một số người lợi dụng các cuộc biểu tình thể hiện lòng yêu nước phản đối Trung Quốc đã có hành vi kích động, manh động, phá hoại, vi phạm pháp luật, hẳn đây không phải là cách ứng xử phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, ý kiến của Giáo sư như thế nào?
GS Vũ Khiêu: Chính quyền và công an ta đã quyết liệt lên án và ngăn chặn các cuộc phá phách vi phạm pháp luật, đã bắt và trừng trị những tên cầm đầu, những kẻ kích động, và nhanh chóng ổn định trật tự tại địa phương. Trong hàng ngũ những kẻ hư hỏng này có những người bị lôi kéo vào cuộc và mù quáng theo chúng.
Trong dịp này, các cơ quan tuyên huấn, thông tin truyền thông cần đánh thức tinh thần cao thượng, trí tuệ anh hùng và hành vi sáng suốt của ông cha ta thời xưa để răn dạy con em hôm nay. Như Nguyễn Trãi đã từng nói: "Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/Lấy chí nhân thay cường bạo"; hay như Bác Hồ nói: “Lấy văn minh chống lại dã man”. Những phẩm chất cao đẹp ấy thể hiện rõ nét thái độ ứng xử của ta trước mọi kẻ thù.
Qua các cuộc chiến tranh chống xâm lược của nhân dân ta, nhân dân ta lấy yếu chống mạnh, lấy ít thắng nhiều, quét sạch bọn chúng ra khỏi bờ cõi. Trước sự xâm lược của ngoại bang, nhân dân ta đồng tâm tiêu diệt quân thù, kiên cường bảo vệ Tổ quốc. Nhưng khi kẻ địch đã thất bại thì ta lại lấy sự bao dung mà đối xử với họ, còn tổ chức cấp thuyền bè, lương thực cho họ về nước.
Nhân dân ta từ xa xưa vốn có tình yêu thương sâu sắc với gia đình, làng xóm và Tổ quốc. Tình yêu thương ấy không chỉ dừng lại ở trong biên giới lãnh thổ mình mà còn vượt qua biên giới bao trùm lên cả cộng đồng nhân loại. Xưa ta đã sống như thế, ngày nay và mãi mãi sau này ta vẫn sống như thế. Đó là vinh dự và cũng là niềm tự hào của Việt Nam chúng ta.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Phương Liên (thực hiện)
Theo http://baodientu.chinhphu.vn
Thu Hiền (st)